Kiên Giang: Tập trung triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ​

Thứ ba, 26/11/2019 09:46
(ĐCSVN) - Qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), Kiên Giang tập trung triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả thiết thực.
leftcenterrightdel
 Cơ giới hóa trong các khâu canh tác lúa giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường công tác thông tin tuyên truyền. Qua đó, nhận thức về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã có sự chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016-2018 đạt 3,37%. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp hiện ước đạt gần 77 triệu đồng/năm; ước tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản năm 2020 chiếm 31,56% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, giảm 1,25% so với năm 2019. Việc giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp như trên phù hợp định hướng kinh tế của tỉnh, giảm dần tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng dần cơ cấu dịch vụ, công nghiệp.

Việc thực hiện lồng ghép cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được các huyện làm khá tốt, nhất là trong phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 46,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,57 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ năm 2015 đến nay hơn 26.038 tỷ đồng. Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 khoảng trên 80 ngàn tỷ đồng, trong đó cho phát triển nông nghiệp khoảng 37 ngàn tỷ đồng, thủy sản 43 ngàn tỷ đồng, lâm nghiệp 300 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, xây dựng NTM, công nghiệp chế biến… lồng ghép thực hiện theo các chương trình, dự án cụ thể.

Theo đó về trồng trọt, nổi bật là sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, năm 2019, toàn tỉnh thực hiện được 520 ngàn ha, chiếm 72% tổng diện tích gieo trồng. Sản lượng lúa cả năm 2019 của tỉnh ước đạt 4,3 triệu tấn. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng hoàn thiện, như các khâu làm đất, bơm tưới, thu hoạch, vận chuyển… Tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ cơ cấu đất 2 vụ lúa/năm sang 3 vụ/năm, ở những diện tích có đê bao có kiểm soát lũ, thuộc vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên. Khu vực ven biển vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên chuyển đổi sang phát triển mô hình tôm – lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, còn chuyển đổi đất từ 2 vụ lúa sang phát triển mô hình lúa – rau màu ở các huyện: Giang Thành, Hòn Đất, Vĩnh Thuận và Giồng Riềng.

Giá trị nuôi trồng thủy sản trên 1 ha đất mặt nước ước đạt khoảng 130 triệu đồng/năm. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Phát triển nhanh hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh công nghiệp, nuôi cá lồng bè để giảm dần lệ thuộc vào khai thác tự nhiên. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước đạt 692 ngàn tấn, trong đó thủy sản nuôi trồng là 267 ngàn tấn, riêng tôm nuôi đạt 82 ngàn tấn.

Các mô hình tổ chức sản xuất tiếp tục được củng cố và kiện toàn, nhiều địa phương có tổ hợp tác hoạt động hiệu quả là huyện Vĩnh Thuận, Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao… Đây là tiền đề tốt để các tổ hợp tác dần phát triển lên thành hợp tác xã.  Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang đang có hơn 1 ngàn trang trại, tăng trên 400 trang trại so với năm 2016. Trong đó, đã có 65 trang trại được cấp chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thu nhập bình quân 1 trang trại đạt khoảng 1,4 tỷ đồng/năm.

Trong 3 năm thực hiện tái cơ cấu, đã có 290 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 2.500 tỷ đồng. Đặc biệt đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình như lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản (Cty Trung Sơn), liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo (Cty Trung An), liên kết sản xuất và tiêu thụ rau sạch (Cty Ecofarm)…

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường nông thôn có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải ở khu dân cư và tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Đến tháng 8/2019, toàn tỉnh Kiên Giang có 64/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2020 sẽ có 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các chỉ tiêu nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 80%, 99% hộ sử dụng điện an toàn, giải quyết việc làm từ 35-40 ngàn lao động/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đánh giá, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã có chương trình kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Qua đó, đã góp phần chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng được với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao hơn. Tập trung phát triển được các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm làm ra an toàn hơn với giá thành sản xuất thấp hơn. Nhiều mặt hàng đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, có được chỗ đứng trên thị trường. Thành quả bước đầu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã giúp chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập, tạo ra nguồn lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu nâng giá trị sản lượng trên 1 ha đất nông nghiệp đạt từ 130-170 triệu đồng/năm, trong đó bình quân đất trồng trọt đạt 100-110 triệu đồng/ha. Tiếp tục hoàn thiện các xã nông, huyện đã đạt tiêu chí nông thôn mới, tăng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 60-70% và khoảng 7-9 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên./.

Quốc Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực