Nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Thứ năm, 28/11/2019 16:06
(ĐCSVN) - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ngành cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thật tốt công tác này, coi đây là tiêu chí đánh giá cấp ủy hằng năm.
leftcenterrightdel
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể

Ngày 28/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Báo cáo của Thành ủy Hà Nội cho thấy, từ khi có Chỉ thị số 32-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có sự chuyển biến rõ nét. Người dân đã có ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật.

Thành phố đã nghiêm túc triển khai, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương; ban hành, hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ và đi vào nền nếp, gắn với trách nhiệm của từng công dân, cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể…

Các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, triển khai một cách sâu rộng, xác định rõ hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở với vai trò đầu mối là ngành tư pháp. Nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả, chất lượng, đi vào cả chiều rộng và chiều sâu hướng tới mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân và địa bàn..

Việc tuyên truyền phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cập nhật theo xu hướng hiện đại. Việc triển khai Ngày pháp luật Việt Nam trên địa bàn thành phố đã được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả đã tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn, chấp hành và bảo vệ pháp luật…

Từ năm 2003 đến tháng 6/2019, các cấp, ngành thành phố Hà Nội đã tổ chức 91.986 hội nghị phổ biến pháp luật, thu hút 14.475.535 lượt người tham dự; phát hành miễn phí 214.857.215 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật. Trang thông tin điện tử tuyên truyền phổ biến pháp luật của thành phố đã đăng tải 24.000 tin, bài tuyên truyền. Thành phố cũng đã tổ chức 4.296 cuộc thi, thu hút 6.430.854 người dự thi tìm hiểu pháp luật...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội cũng nhìn nhận, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế như: Nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức thực hiện còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cách thức xây dựng nội dung trong các tài liệu tuyên truyền, phổ biến còn khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ hiểu biết, nhu cầu tâm lý lứa tuổi của từng đối tượng đặc thù...

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW tại thành phố Hà Nội trong 15 năm qua. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, công tác phổ biến giáo dục pháp luật thời gian qua đã kịp thời tuyên truyền, phổ biết các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của thành phố và các vấn đề dư luận quan tâm; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô….

Đồng tình với các hạn chế tồn tại đã được chỉ ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ngành cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thật tốt công tác này, coi đây là tiêu chí đánh giá cấp ủy hằng năm.

Cùng với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cần gắn công tác này với các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, các chỉ thị, nghị quyết và chương trình công tác của Thành ủy, bảo đảm việc thực hiện Chỉ thị thiết thực, hiệu quả, thường xuyên… Kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng việc thi hành pháp luật để xâm hại đến an toàn xã hội…

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục có giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng pháp luật làm phương tiện bảo vệ lợi ích hơp pháp của mình…

Tại hội nghị, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW đã được nhận bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội./.

Tin, ảnh: Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực