Thanh Trì cần xây dựng nông thôn mới thực chất

Thứ sáu, 11/08/2017 22:00
(ĐCSVN) – Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tại buổi kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” tại huyện Thanh Trì diễn ra ngày 11/8.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng rau thủy canh tại xã Yên Mỹ.
(Ảnh:TA)

Đến nay, Thanh Trì hiện đứng thứ 3 của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới. Để đạt kết quả này huyện đã nỗ lực rất nhiều vì đây là vùng trũng - nơi chứa nước của toàn thành phố và đa số sản xuất nông nghiệp. Huyện đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân sau dồn điền đổi thửa, hình thành 4 vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...

Huyện Thanh Trì cũng là một trong những địa phương đi đầu trong hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hàng năm, huyện dành trung bình khoảng 5 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện cơ giới hóa 100% các khâu sản xuất. Đặc biệt, huyện đã hỗ trợ 60% chi phí để triển khai thí điểm mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.800m2 tại xã Yên Mỹ, bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Tính đến nay, giá trị sản xuất trung bình hiện đã đạt trên 170 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân của bà con nông dân trên địa bàn huyện liên tục tăng, năm 2016 đạt gần 36 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.

Đáng chú ý, tháng 5/2017, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Trì đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Kết quả cho thấy, có tới 94,2% tổng số người dân được hỏi bày tỏ sự hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương. Cũng chính vì thế, trong 1 năm qua, toàn huyện đã huy động được trên 22 tỷ đồng nguồn lực xã hội cho công tác xây dựng nông thôn mới.

Sau khi đi kiểm tra thực tế các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thí điểm mô hình trồng rau thủy canh tại xã Yên Mỹ, công tác vệ sinh môi trường, trồng hoa làm sạch đẹp đường phố tại xã Tứ Hiệp và chuỗi cửa hàng giới thiệu và cung ứng nông sản an toàn của huyện… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, với nhiều đổi mới, sáng tạo, lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm nên đã tạo sự đồng thuận và huy động sức dân cùng chung tay triển khai, duy trì các hạng mục xây dựng nông thôn mới, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kết luận buổi làm việc.
(Ảnh: TA)
 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng hoan nghênh huyện Thanh Trì là địa phương đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào xây dựng mô hình thí điểm sản xuất rau thủy canh theo định hướng của Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới Thành phố là mỗi huyện có ít nhất 1 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, việc huy động nhân dân cùng tham gia bảo vệ ao hồ, sông ngòi, trồng và chăm hoa ven đường để tạo dựng cảnh quan môi trường khu dân cư rất đáng biểu dương và nhân rộng.

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Thanh Trì cần xây dựng nông thôn mới thực chất, thường xuyên, liên tục; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đặc biệt, trong định hướng phát triển Thủ đô, huyện Thanh Trì được quy hoạch là khu đô thị trung tâm mở rộng, do đó, huyện cần định hướng xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị văn minh để quá trình chuyển đổi sau này từ xã lên phường, từ huyện lên quận được thuận lợi. Huyện cần khớp nối gắn với quy hoạch chung Thủ đô để tiệm cận tiêu chí quận trong tương lai…./.  

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực