TP Hồ Chí Minh sắp xếp lại các đơn vị, khắc phục trùng lắp, chồng chéo

Thứ bảy, 29/09/2018 10:02
(ĐCSVN) - Một loạt các ban quản lý trực thuộc TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành và quận, huyện sẽ được sáp nhập nhằm giảm bớt đầu mối. Cùng với đó là việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị của thành phố theo hướng giảm đầu mối, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố là 1 trong 3 đơn vị
được sáp nhập thành Ban Quản lý Phát triển đô thị Thành phố (Ảnh: Ban Quản lý Khu nam Thành phố)

Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch 198-KH/TU ngày 25/6/2018 để triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW khóa XII của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đã nêu cụ thể những nội dung liên quan đến tổ chức, bộ máy, biên chế là các quận - huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở, các đảng đoàn, ban cán sự đảng… trực thuộc Thành ủy phải thường xuyên rà soát, sắp xếp lại các cơ quan, bộ phận trực thuộc. Cùng đó là việc giảm đầu mối bên trong cơ quan chuyên môn chuyên trách, đơn vị sự nghiệp trực thuộc và thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, giảm số lượng cấp phó của đơn vị cũng như các đơn vị trực thuộc.

Cụ thể, trong Kế hoạch của Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương sắp xếp cơ cấu lại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, theo hướng Trưởng ban Tuyên giáo quận, huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm; Trưởng ban Dân vận quận, huyện ủy đồng thời là Chủ tịch ủy ban MTTQ quận, huyện; thí điểm hợp nhất cơ quan Ban Dân vận quận, huyện ủy và cơ quan chuyên trách MTTQ quận, huyện…

Trên thực tế, một số địa phương của TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng đề án và đã bước đầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Đơn cử như ở huyện Củ Chi đã thí điểm mô hình Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Cùng đó, Huyện ủy đang sắp xếp lại công việc đối với Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, trước khi bố trí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm. Huyện ủy huyện Nhà Bè đã sắp xếp Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.

Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW khóa XII, Kế hoạch 198-KH/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng nêu yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh rà soát chức năng của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc để thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 198-KH/TU ngày 25/6/2018 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sấp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành và UBND quận, huyện có nhiệm vụ thường xuyên điều chỉnh vị trí việc làm khi có sự biến động về tổ chức nhằm đảm bảo số lượng biên chế, số lượng người làm việc tương ứng; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức; thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế cũng như thực hiện có hiệu quả quyết định ủy quyền của UBND TP, Chủ tịch UBND TP…

Riêng đối với Sở Nội vụ, UBND TP Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đề xuất phương án đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc TP; xây dựng đề án sắp xếp lại các Ban quản lý dự án và đề án thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đề xuất việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho sở, ngành, quận, huyện; xây dựng đề án xác định số lượng biên chế tại UBND các quận, huyện…

Thời gian qua, Sở Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến các đơn vị liên quan và đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện một số biện pháp nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 198-KH/TU của Thành ủy. Trong đó, Sở Nội vụ đề xuất phương án đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc TP. Mục đích nhằm đảm bảo một đơn vị có thể đảm nhận được nhiều việc và một việc chỉ do một đơn vị chủ trì. Đồng thời đề xuất số lượng biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 8/2018, theo đề xuất của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý với việc sáp nhập Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Quản lý Khu đô thị mới Nam Thành phố và Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc Thành phố thành Ban Quản lý Phát triển đô thị Thành phố.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng thống nhất lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TP trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các Khu Quản lý giao thông đô thị, Khu Quản lý đường thủy nội địa, thuộc Sở Giao thông Vận tải.

Ban Quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), Ban Vệ sinh môi trường trực thuộc Sở Giao thông vận tải được sáp nhập vào Ban Quản lý đầu tư-xây dựng công trình giao thông-đô thị và giao Sở Giao thông vận tải quản lý. Lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thuộc UBND TP Hồ Chí Minh trên cơ sở hợp nhất các Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình của các Sở: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa - Thể thao, giao Sở Xây dựng quản lý.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị được giữ nguyên; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Quản lý các dự án đầu tư - xây dựng Khu Công nghệ cao trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao; còn Trung tâm Khai thác hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao như hiện nay...

Được biết, trước khi sắp xếp, TP Hồ Chí Minh có 44 Ban Quản lý đầu tư xây dựng. Trong đó, 9 ban thuộc UBND thành phố quản lý; 11 ban thuộc 8 sở, ngành, đơn vị; 24 Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình tại các quận, huyện. Tương ứng với số Ban quản lý dự án này, có 43 trưởng ban, 92 phó ban, 213/255 biên chế, 672/696 người (đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ) và 238 người (đơn vị sự nghiệp tự chủ, không giao số người làm việc). Các ban quản lý dự án đang quản lý hơn 3.000 dự án với tổng số tiền hơn 323.000 tỷ đồng.

Từ những kết quả bước đầu của việc triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW khóa XII của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện phương án sắp xếp theo hướng giảm đầu mối, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tinh giản biên chế; giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của các đơn vị trực thuộc Thành phố.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực