Vì sao Hà Nội chậm quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống và di dời các nhà máy gây ô nhiễm?

Thứ năm, 05/12/2019 15:33
(ĐCSVN) - Tại phiên chất vấn sáng 5/12 kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiều đại biểu đã chất vấn lãnh đạo các Sở: Quy hoạch Kiến trúc (QHKT), Tài nguyên Môi trường (TNMT), Xây dựng về nguyên nhân chậm triển khai lập, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhất là 5 khu đô thị vệ tinh; những hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch cũng như tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...

Hà Nội chưa thông qua Nghị quyết về sáp nhập thôn, tổ dân phố

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn nói về xử lý vi phạm nhà ca sỹ Mỹ Linh, Việt Phủ Thành Chương

Hà Nội: Tăng gần 2.700 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trúc Anh trả lời chất vấn tại kỳ họp. (Ảnh:TH) 

Báo cáo về kết quả công tác quy hoạch trên địa bàn TP, Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trúc Anh cho biết: Đến nay, toàn TP đã phê duyệt 57/68 đồ án (gồm 26/35 quy hoạch phân khu và 31/11 quy hoạch chung); tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%. Còn lại 10 đồ án đang được hoàn chỉnh (trong đó, có 9 quy hoạch phân khu, 1 quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã được Bộ Xây dựng thẩm định, dự kiến, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12-2019) và 1 đồ án Quy hoạch chung huyện Gia Lâm đang tạm dừng chờ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, nội đô đều rất chậm

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Việt Anh (Ba Đình) nêu câu hỏi, hiện nay, quy hoạch chung cơ bản phủ kín, nhưng quy hoạch phân khu còn thiếu nhiều. Với quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống đang rất chậm. Đại biểu đề nghị cho biết trách nhiệm thuộc về ai và đề nghị làm rõ nguyên nhân?

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được lập 3 năm sau khi quy hoạch phòng lũ sông Hồng- Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cho Hà Nội một hành lang pháp lý rõ ràng. Nhưng lại gặp vướng mắc ở chỗ, Luật 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ra đời, có hiệu lực từ 1/1/2019 lại chưa rõ ràng về thẩm quyền thẩm định quy hoạch như thế nào. Đây là một lý do khiến quy hoạch sông Hồng bị chậm.

Theo quy định, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã triển khai xây dựng quy hoạch sông Hồng và sông Đuống, đã rà soát, thực hiện các bước nhưng lại vướng, bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) nắm toàn bộ các công trình ngoài đê, Viện Quy hoạch xây dựng đang xin ý kiến của Bộ NNPTNT. Hiện nay, Bộ NN&PTNT chưa thống nhất về vấn đề. Tới đây, Sở NNPTNT và Sở QHKT sẽ kết hợp chặt chẽ; làm việc với Bộ NNPTNT để hoàn thiện 2 quy hoạch phân khu ngoài đê.

Cùng quan điểm đại biểu Trần Việt Anh, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP) đặt câu hỏi: Quy hoạch chung các đô thị vệ tinh đã được phê duyệt từ năm 2015, nhưng đến nay quy hoạch phân khu tại đô thị vệ tinh chưa được lập, đề nghị cho biết nguyên nhân chậm, trách nhiệm về việc này?

Trao đổi về ý kiến này, Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho biết, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh, trong đó đô thị Hoà Lạc là lớn nhất, được xếp hạng đô thị loại 1. Tất cả 5 đô thị này hiện chỉ có Hoà Lạc đã đi đến chung cuộc, được Bộ Xây dựng chấp thuận là đủ điều kiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cố gắng trong tháng 12 này sẽ thông qua. Hai đô thị Sơn Tây, Sóc Sơn hiện được giao cho một số tập đoàn nghiên cứu ý tưởng. Sau khi hoàn thành sẽ giao lại cho Viện Quy hoạch xây dựng lập dự án. Trong quý I/2020 sẽ báo cáo về đô thị Sóc Sơn. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên và Xuân Mai với 6 đồ án phân khu đang xây dựng đồ án để phê duyệt.

Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân tái chất vấn, đồng thời nhận định cách trả lời của Giám đốc Sở QHKT là "chưa đáp ứng được kỳ vọng". "Tôi hỏi rõ có những nguyên nhân nào khiến việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh chậm, trong trả lời chỉ thấy nói đến nguyên nhân khách quan, còn nguyên nhân chủ quan không nói đến. Các nội dung quy hoạch đô thị vệ tinh đã được phê duyệt từ năm 2015, theo quy định chỉ có 9 tháng để lập quy hoạch phân khu, đến nay đã kéo dài 5 năm, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan" - ông Quân nêu.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Trúc Anh phân trần quá trình lập đồ án quy hoạch rất nhiều bước, đầu tiên từ công tác lựa chọn tư vấn quy hoạch, triển khai tổ chức lập, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, qua quy trình của Hội đồng thẩm định của TP, thẩm định của Sở QHKT, trình duyệt, công bố quy hoạch. "Điểm lại với những đô thị vệ tinh Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn và Sơn Tây, đã rút ra một số bài học, trong đó có trách nhiệm về công tác lựa chọn tư vấn" - ông Trúc Anh nói.

“Ví dụ như đô thị vệ tinh Sơn Tây (6 phường), được giao cho Tập đoàn T&T lập quy hoạch, Thị xã là chủ đầu tư. Sở đã hướng dẫn mãi nhưng không lập nổi quy hoạch. Để lập quy hoạch cần ít nhất 12 bộ môn chuyên ngành sâu, các tư vấn ngoài hầu như không đáp ứng được. Cơ sở dữ liệu đầu vào lại càng ít đơn vị đủ điều kiện đáp ứng” - Giám đốc Sở QHKT phân trần.

"Với Sở QHKT, tôi cũng phải nhận lỗi vì tôi đếm ra có đồ án hướng dẫn tới 3-4 lần. Đây là vấn đề phải rút kinh nghiệm về cách hướng dẫn làm sao để tư vấn họ thực hiện được. Nhiều khi đọc văn bản hướng dẫn mà người chuyên môn sâu trong ngành may ra mới hiểu, còn người ở ngoài như vào ma trận, cái này chúng tôi thành thực nhận lỗi" - ông Trúc Anh thẳng thắn nói.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân chất vấn tại kỳ họp. (Ảnh:TH) 

Quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư, khâu này cũng gặp không ít khó khăn, nhiều đơn vị không thực hiện được do hướng dẫn về lấy ý kiến chưa được cụ thể. Lãnh đạo Sở QHKT cho biết: “Quá trình thẩm định Đồ án đã được quy định là 20 ngày nhưng thường là quá, Sở xin nhận lỗi về vấn đề này”.

Vì sao chậm di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về quy hoạch 5 huyện chuẩn bị lên quận, Giám đốc Sở QHKT Nguyễn Trúc Anh cho biết có 3 huyện nằm trong quy hoạch đô thị, gồm: Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh nên việc quy hoạch không có vấn đề gì. Tuy nhiên, còn Gia Lâm và Đan Phượng vẫn còn các xã nằm ngoài khu vực phát triển đô thị, như huyện Gia Lâm có 30% số xã. Do vậy, trong quá trình lập phải kết hợp với điều chỉnh quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đáy.

Cũng liên quan đến những băn khoăn của đại biểu về việc cấp phép xây dựng các công trình nhà ở tại 5 huyện có đề án lên quận và 5 đô thị vệ tinh hiện nay rất thấp, nếu không chủ động trong quản lý sẽ tạo ra những khó khăn về sau này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Đối với các thị trấn, trung tâm hành chính, các khu vực có quy hoạch 1/500 và các tuyến đường mới thì cao nhất cũng chỉ đạt từ 12-18% số công trình xây dựng được cấp phép. Nhận thức vấn đề này, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường hướng dẫn các quận, huyện, hoàn thiện việc lập quy hoạch chi tiết để đảm bảo điều kiện về cấp phép xây dựng.

Việc chậm di chuyển cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô cũng được nhiều đại biểu chất vấn và đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở thời gian qua, giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới?

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho hay, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP đã ban hành quyết định số 74/2003 về việc di dời. Đến nay, TP đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. TP cũng đã chỉ đạo Sở và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng danh mục các cơ sở tiếp tục phải di dời báo cáo Thành uỷ, TP và kỳ họp tới sẽ báo cáo danh mục này.

Theo Giám đốc Nguyễn Trọng Đông, cơ bản các đơn vị cũng thống nhất di dời, song năng lực tài chính của các đơn vị để đảm bảo sản xuất, xây dựng mới cũng còn khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời. Mặt khác, tâm lý người lao động lại ngại đi xa.

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh:TH)

Ông Đông cho biết thêm, thời gian tới, Sở cùng các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục rà soát hơn 100 cơ sở sản xuất. Sở cũng đề nghị TP bố trí kinh phí xây dựng các khu, cụm công nghiệp; Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị phải di dời.

Phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn về nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin có 14 đại biểu đặt 18 lượt câu hỏi, trong đó, có 4 lượt tái chất vấn. Có 8 đại biểu, trong đó có 4 Chủ tịch các huyện và 4 Giám đốc các sở trả lời.

Thông tin thêm, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Công tác quản lý quy hoạch thời gian qua được lãnh đạo TP quan tâm chỉ đạo. Thành ủy có một Chương trình công tác về vấn đề này. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND TP có 10 nghị quyết, đồng thời, thường xuyên giám sát về công tác này. Bên cạnh những kết quả đạt được thì còn một số đồ án quy hoạch tiến độ lập, thẩm định còn chậm; việc rà soát điều chỉnh quy hoạch nông thôn cũng chậm, chất lượng một số đồ án còn chưa đạt yêu cầu...

Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, một trong những nguyên nhân là do công tác dự báo, nhất là về quy mô dân số để lập quy hoạch còn chưa chính xác. Công tác quản lý quy hoạch một số nơi còn lỏng lẻo, dẫn đến vi phạm về quy hoạch và trật tự xây dựng. Đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch còn thiếu... Đồng chí đề nghị UBND TP, các ngành liên quan cần rà soát lại các kế hoạch, hướng dẫn để phân loại, có giải pháp tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các nguyên nhân về chủ quan, về công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành. Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đặc biệt là sớm ban hành các quy định, quy chế quản lý, các hướng dẫn để thực hiện và để người dân giám sát…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực