Phấn đấu 100% xã có tổ tiết kiệm và vay vốn của thanh niên

Chủ nhật, 11/11/2018 19:28
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên đồng thời khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên, trong giai đoạn 2018-2022, Trung ương Đoàn tập trung hỗ trợ thanh niên làm kinh tế.

Việc hỗ trợ thanh niên làm kinh tế tập trung vào các nội dung: nâng cao nhận thức, kỹ năng, kiến thức cho cán bộ Đoàn đối với nhiệm vụ hỗ trợ thanh niên làm kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên mạnh dạn, tự tin làm kinh tế, phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả.


Thanh niên duy trì nghề làm đèn lồng truyền thống ở Hội An - Ảnh: Cẩm Linh

Thực hiện đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, hình thành cơ chế tư vấn thường xuyên cho thanh niên làm kinh tế. Theo đó, các cấp bộ Đoàn thực hiện khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nội dung đào tạo, tập huấn, tổ chức tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu. Đồng thời, trang bị kiến thức về chính sách hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, quản trị hợp tác xã, marketing, thuế, khởi sự doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực kinh doanh cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Thành lập hội đồng, mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, khởi nghiệp. Thiết lập các địa chỉ, hình thành cơ sở dữ liệu về các mô hình thanh niên, hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, các trang trại trẻ… tạo mạng lưới kết nối thanh niên làm kinh tế, kịp thời hỗ trợ, tư vấn thường xuyên các vấn đề trong quá trình hình thành, phát triển mô hình kinh tế của thanh niên.

Cùng với đó, thực hiện các biện pháp tăng cường cơ hội tiếp cận vốn cho thanh niên làm kinh tế. Trung ương Đoàn ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhằm tạo nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên. Tập huấn, hướng dẫn thanh niên cách lập dự án kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển các ngành nghề truyền thống và nghề mới. Phấn đấu 100% xã có tổ tiết kiệm và vay vốn của thanh niên, có giải pháp thực hiện đạt hoặc vượt chỉ tiêu được phân bổ về tăng vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư tạo nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp, làm kinh tế; củng cố, duy trì và phát triển các tổ, nhóm trợ vốn giúp nhau lập nghiệp, phát huy nội lực và ý thức tiết kiệm trong thanh niên.

Thực hiện hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường, kết nối giao thương, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm do thanh niên sản xuất, kinh doanh. Tổ chức triển lãm, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với bao tiêu sản phẩm cho thanh niên; vận động thanh niên tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tham gia vào chuỗi giá trị hình thành trong chương trình OCOP, phấn đấu mỗi tỉnh có ít nhất 1 hợp tác xã thanh niên tham gia chương trình OCOP; phát huy vai trò của Hội Doanh nhân trẻ tham gia hỗ trợ thanh niên làm kinh tế nhất là hỗ trợ về thị trường, đầu ra cho sản phẩm.

Trung ương Đoàn khuyến khích thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc tỉnh, thành đoàn; thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, tư vấn các nội dung liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, pháp luật, thuế, đất đai.

Thực hiện tham vấn, kiến nghị chính sách hỗ trợ thanh niên làm kinh tế. Định kỳ 1 năm/lần tổ chức đối thoại, gặp gỡ giữa doanh nhân trẻ và thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước để hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp theo từng chuyên đề riêng; hằng năm, sơ kết chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” nhằm kịp thời đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Cẩm Linh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực