Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật

Thứ sáu, 09/11/2018 20:25
(ĐCSVN) - Nêu sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết.
Ảnh minh họa. Nguồn: NA

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, trong đó có các rối loạn tâm thần, hành vi, các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, giảm sút trí nhớ... Trên thế giới, mỗi năm, rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá gây ra...

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Năm 2014, tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.

Nhiều hộ gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến rượu, bia vì rượu, bia tác động đến sức khỏe, bệnh tật, nhân cách của con người. Từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống, xã hội, kinh tế, trong đó phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số đang là đối tượng gánh chịu nhiều hơn (người dân tộc thiểu số chịu hậu quả cao gấp 3 đến 4 lần so với người Kinh).

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia tại Việt Nam ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 5.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD....

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho hay, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ, thể hiện qua 3 tiêu chí (mức tiêu thụ, mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia và tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại).

Cụ thể, nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất thì mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít, lên vị trí 64/194 nước. Trong khi đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh và cao hơn từ rượu: Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc; bình quân mỗi người dân đã tiêu thụ khoảng 42 lít bia.

Trong khi đó, rượu, bia ở Việt Nam hiện nay sẵn có và rất dễ tiếp cận. Thời gian bán, số lượng rượu bán để uống tại chỗ không bị hạn chế. Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bia vẫn chưa được kiểm soát bằng các quy định pháp luật, diễn ra phổ biến, tần suất cao; chưa có biện pháp hạn chế đối với trẻ em, thanh thiếu niên...

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

VA
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực