Tăng cường đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Thứ năm, 13/09/2018 16:35
(ĐCSVN) – Đó là đề nghị của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc với Sở Công thương Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 4 tháng cuối năm 2018 và giai đoạn tới, diễn ra sáng 13/9.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Đảng bộ Sở Công thương có 12 chi bộ trực thuộc với 279 đảng viên. Cơ cấu tổ chức gồm Ban Giám đốc (Giám đốc và 4 Phó Giám đốc), 6 phòng và 2 đơn vị trực thuộc. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của sở hiện có 806 người. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Sở Công thương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu về lĩnh vực được giao, tạo điều kiện cho ngành phát triển đúng hướng, đáp ứng được các mục tiêu phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Hà Nội.

Trong những năm qua, Sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với UBND TP Hà Nội trong lĩnh vực công thương, đảm bảo phát triển đúng định hướng. 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (6,5%); trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng, dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, tăng trưởng cao như sản xuất đồ uống (tăng 17,2%), sản xuất da và sản phẩm liên quan (tăng 16,6%)…

Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành trình UBND TP Hà Nội ban hành và triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tham gia xét chọn. Đến nay, Chương trình thu hút được 46 doanh nghiệp với 73 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2018, tổng doanh thu các sản phẩm này đạt gần 41 nghìn tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10,5 nghìn tỷ đồng.

Dù vậy, Sở Công thương đánh giá, các doanh nghiệp công nghiệp của Thành phố đa số là vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu. Hầu hết các doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất và sử dụng công nghệ của thời kỳ 2.0, số ít doanh nghiệp đạt trình độ cách mạng công nghiệp 3.0, do vậy đòi hỏi phải có sự chuyển đổi, sáng tạo mạnh mẽ hơn để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về phát triển khu, cụm công nghiệp, toàn thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, 73 cụm vừa được bổ sung mới và 16 cụm tồn tại từ nhiều năm. Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, hoạt động đầu tư, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn TP thời gian qua gặp nhiều khó khăn, riêng khu công nghiệp phía Nam Hà Nội (77ha) chưa thu hút được các nhà đầu tư thứ phát vào sản xuất kinh doanh.

Về hoạt động xuất khẩu, trung bình 2 năm 2016 - 2017 tăng 6,04%. Trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9.160 triệu USD, tăng 19%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (8,5%). Ước cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng trên 10%.

Trong lĩnh vực thương mại, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi cùng 454 chợ dân sinh. Trong 8 tháng đầu năm nay, Thành phố thu hút, phát triển thêm 4 trung tâm thương mại do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì với tổng diện tích trên 30 ha, tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng.

Nêu một số hạn chế, tồn tại, lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp tiến độ còn chậm; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn khó khăn; việc giải phóng mặt bằng các công trình điện, nhất là trong khu đô thị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Ngoài ra, việc huy động vốn cho các dự án công trình điện, nhất là hạ ngầm đường dây theo quy hoạch còn hạn chế…

Tại buổi làm việc, Sở Công thương kiến nghị với lãnh đạo Thành phố 3 nhóm vấn đề lớn, trong đó, Sở đề nghị Thành phố cho nghiên cứu, triển khai Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Gia Lâm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các khu đô thị vệ tinh để phát triển công nghiệp, thương mại; chỉ đạo, xử lý dứt điểm 47 dự án thuộc lĩnh vực công thương chậm triển khai; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí quỹ đất, lập danh mục chi tiết các vị trí để đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, Đảng bộ Sở Công thương đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đoàn kết; thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy. Trong công tác chuyên môn, Sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cơ chế, chính sách cho Thành phố phát triển các lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển năng lượng, thương mại…

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, Sở Công Thương Hà Nội còn rất nhiều mục tiêu phải phấn đấu. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay tăng 19% nhưng con số này chưa phản ánh hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, tỷ trọng xuất khẩu chưa phát huy được lợi thế. Hà Nội có 1.350 làng nghề nhưng tỷ trọng xuất khẩu rất nhỏ. Những mặt hàng xuất khẩu lợi thế như: điện tử, máy tính… cần được nâng cao tỷ trọng, có giải pháp để phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính của Sở chưa đạt yêu cầu, dịch vụ công trực tuyến mới đạt 20%, thấp hơn mức trung bình của Thành phố nên cần rà soát lại thủ tục, cung cấp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến việc Sở cần tiếp tục quyết liệt trong tham mưu, triển khai phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, tạo dư địa để công nghiệp phát triển. Bởi sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thành phố có nhiều tiềm năng nhưng đi liền với đó là giá đất tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp. Ngoài ra, Sở cần làm tốt công tác tham mưu về cơ chế, chính sách thu hút, về giá thuê đất; lựa chọn ngành nghề, công nghệ để thu hút vào các khu, cụm công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường

Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Sở Công thương tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều kênh hơn nữa, để kịp thời tiếp nhận, giải quyết những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Rà soát toàn bộ các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, trong đó lưu ý đặt mục tiêu phát triển của ngành Công thương trong bối cảnh phát triển chung của cả nước, có so sánh với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới…/.

Nguyễn Thành
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực