Xác định vướng mắc, nút thắt để kịp thời tháo gỡ các dự án trọng điểm về giao thông

Thứ bảy, 09/03/2019 23:19
(ĐCSVN)- Đó chính là lưu ý của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố (TP) Hà Nội sáng 9/3.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh:TH)

Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, năm 2018, Sở GTVT TP đã tích cực, chủ động tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND TP xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Sở đã thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; duy tu, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu giao thông; trực bảo đảm an toàn giao thông tại 16 điểm giao cắt đường ngang với đường sắt theo đúng quy định.

Đồng thời, triển khai hoàn thành 78 công trình sửa chữa cải tạo chống xuống cấp và hoàn thành, bảo đảm tiến độ trước Tết Nguyên đán 2019 việc xén dải phân cách, mở rộng mặt đường đối với các tuyến đường: Nghiêm Xuân Yêm-Nguyễn Xiển-Khuất Duy Tiến-Phạm Hùng, đường Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy-Ngã Tư Sở). Sau khi xén mở rộng mặt đường đã giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông các tuyến đường trên. Tiếp tục ứng dụng phần mềm quản lý GovOne nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát, duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Cùng với đó, trong năm qua, Sở đã rà soát, giải quyết 104/162 kiến nghị của Công an TP, 78/103 kiến nghị của quận, huyện, thị xã liên quan tới công tác tổ chức giao thông. Sở cũng đã xử lý được 12/37 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm từ năm 2017 chuyển sang, tuy nhiên, do tình trạng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng khiến phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc giao thông, hiện nay còn 33 điểm ùn tắc.

Ngoài ra, Sở cũng tích cực chỉ đạo, phối hợp với lực lượng Công an TP, Công an các quận, huyện, thị xã, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm trong các hoạt động: Vận tải hành khách (xử lý các phương tiện dừng, đỗ xe, đón trả khách trái quy định gây mất trật tự an toàn giao thông, xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình, xe hợp đồng trá hình,…); vận tải hàng hóa (xe quá khổ, quá tải,..); điểm trông giữ xe, bãi đỗ xe không phép; giải tỏa, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, hành lang an toàn giao thông;…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn công những tồn tại, hạn chế. Đó là còn một bộ phận cán bộ công chức, viên chức, người lao động trình độ năng lực, tinh thần tái độ phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu, hiệu quả công việc chưa cao. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các tuyến hiện đang thi công các công trình giao thông trọng điểm, các cửa ngõ ra vào TP,... tai nạn giao thông tuy có giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao. Tình trạng “xe dù, bến cóc”, sử dụng xe khách hợp đồng như tuyến cố định thu tiền, đón khách, bốc dỡ hàng hoá... gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn giao thông chưa được xử lý dứt điểm. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông có lúc chưa kịp thời, kiên quyết....

Tại buổi làm việc, Sở GTVT kiến nghị bổ sung 247 chỉ tiêu biên chế cho lực lượng Thanh tra giao thông; trang bị thêm phương tiện để phục vụ công tác chuyên môn. Lãnh đạo Sở cũng kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả của Sở GTVT trong năm 2018, đặc biệt ở các mặt: công tác xây dựng Đảng, công tác cải cách hành chính, công tác quản lý giao thông… Theo Bí thư Thành ủy, những kết quả ấy đã đóng góp không nhỏ vào kết quả chung, toàn diện của TP trong năm vừa qua. Dù vậy, ngành giao thông vẫn còn đứng trước nhiều tồn tại, hạn chế, điển hình như việc ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, những lộn xộn trong quản lý xe taxi, xe hợp đồng… Chính vì vậy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu Sở phải có những giải pháp phải mạnh mẽ hơn, đặc biệt kiên quyết xử lý các vi phạm nhằm tạo ra nét văn hóa, công bằng cho xã hội.

Nhấn mạnh những khó khăn trong việc tổ chức giao thông ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý Sở cần coi trọng công tác tuyên truyền, phát huy ý thức tham gia giao thông của người dân trong xây dựng nếp văn hóa giao thông và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Cùng với đó, Sở cũng cần chú trọng đến việc đối thoại với nhân dân thông qua các kênh báo chí, nhằm làm rõ những mục tiêu, mục đích của ngành và TP, cũng như những điểm nóng giao thông gây bức xúc cho người dân, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ phía nhân dân.

Người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội đề nghị Sở cần thường xuyên bám sát quy hoạch, đánh giá tiến độ, xác định vướng mắc, nút thắt để kịp thời tháo gỡ, nhất là các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó chú trọng xây dựng hạ tầng, triển khai sớm các dự án cấp bách với mục tiêu tháo gỡ nút thắt về giao thông; đầu tư cho các hình thức giao thông công cộng hiện đại. Cùng với đó, tiếp tục tích cực áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp….

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh đến yêu cầu giữ sự đoàn kết trong tập thể, phát huy vai trò người đứng đầu, tiếp tục thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ tại Sở; đặc biệt là việc triển khai hai Bộ quy tắc ứng xử của TP. “Mỗi cán bộ ngành giao thông khi bước ra đường phải có ý thức xây dựng giữ gìn hình ảnh về ứng xử văn hóa trong xã hội và Sở GTVT phải trở thành đơn vị mẫu mực về văn hóa ứng xử. Ngành cũng cần tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực tiếp cận công nghệ mới; phối hợp với các sở ngành tốt hơn nữa nhằm tháo gỡ những nút thắt trong công tác chuyên môn…” – Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói./.

Việt Hà
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực