Các địa phương chủ động thích ứng với quá trình già hóa dân số

Thứ hai, 22/10/2018 20:12
(ĐCSVN) - Già hóa dân số là một trong những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội song cũng đặt ra nhiều thách thức trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực y tế, đòi hỏi phải có các giải pháp nhằm ứng phó với một xã hội già hoá ở tầm quốc gia nói chung và ở các địa phương nói riêng.

NCT ở Hà Nội đang có chiều hướng tăng cao do điều kiện kinh tế - xã hội

và chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân được cải thiện rõ rệt. Ảnh: TL

Hà Nội đẩy mạnh dịch vụ y tế chăm sóc người cao tuổi

Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai cả nước, tình trạng già hóa dân số lại đang gia tăng nhanh kéo theo tỷ lệ người cao tuổi trong cộng đồng ngày càng cao. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2025” là hết sức cần thiết. Với hai giai đoạn triển khai theo dự kiến, trong đó giai đoạn I (2017-2020) và giai đoạn II (2021-2025) tập trung vào việc xây dựng bệnh viện lão khoa, mở khoa lão tại các bệnh viện, đào tạo các bác sĩ chuyên về lão khoa. Cùng với đó là xây dựng thí điểm các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Thành phố đã ra kế hoạch thành lập Bệnh viện Lão khoa TP Hà Nội trên cơ sở điều chỉnh chức năng và phát triển từ Bệnh viện Đống Đa hiện nay. Với các bệnh viện tuyến của thành phố và khu vực phải thành lập một khoa Lão khoa/bệnh viện để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tất cả các bệnh viện tuyến huyện còn lại của thành phố sẽ phải dành một tỷ trọng nhất định số giường bệnh để điều trị riêng cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT), một trong những hình thức triển khai hiệu quả trong thời gian qua đó là khám sức khỏe định kỳ cho NCT tại cơ sở (Trạm Y tế); nuôi dưỡng và chăm sóc NCT tại các trung tâm của thành phố; mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng với nhiều hoạt động như sinh hoạt câu lạc bộ, truyền thông, tư vấn nhóm, khám sức khỏe định kỳ...

Yên Bái Nhân rộng mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng

Theo ông Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Yên Bái, để chuẩn bị ứng phó với già hóa dân số UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án "Chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 – 2025”.

Mục tiêu là nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; nâng cao sức khỏe của NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của NCT; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà,…); đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung.

Yên Bái xác định việc thực hiện và nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng là phù hợp. Thực hiện tốt mô hình này giúp cho NCT có kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc bản thân; người chăm sóc NCT cũng thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho NCT góp phần giảm chi phí y tế trong chăm sóc NCT. Đồng thời, thực hiện mô hình thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho NCT tại các cơ sở chăm sóc tập trung. Ngành Y tế cũng cần tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT.

Người cao tuổi ở thành phố Yên Bái luyện tập thể dục thể thao chăm sóc sức khỏe

Khánh Hòa tăng cường chăm sóc một cách toàn diện cho người cao tuổi

Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Khánh Hòa thường xuyên phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh thực hiện mô hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Mô hình bắt đầu tháng 7-2012 và thí điểm tại một số địa phương, tiếp đó nhân rộng theo từng năm và đã phủ khắp toàn tỉnh.

Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ đều phối hợp với Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, tư vấn, hội thi tìm hiểu các chính sách, pháp luật và kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, vai trò và trách nhiệm của người cao tuổi đối với gia đình. Qua đó, cung cấp thông tin về người cao tuổi cho lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh. Ngoài ra, tập huấn kỹ năng tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho cụ ông, cụ bà là tình nguyện viên tại các huyện, thị xã, thành phố; cấp phát tài liệu hỏi đáp về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để từ đó người cao tuổi tự biết chăm sóc bản thân…

Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ Khánh Hòa, người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ tổn thương và cần được chăm sóc một cách toàn diện, được Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương quan tâm chăm lo, đặc biệt Chi cục DS-KHHGĐ nhiều năm liền phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh thông qua mô hình Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, tổ chức truyền thông, tư vấn và nhiều hoạt động thiết thực nhằm cung cấp kiến thức và mang niềm vui cải thiện cuộc sống tinh thần cho các cụ, bên cạnh đó phát huy vai trò người cao tuổi trong công tác DS-KHHGĐ.

Tiền Giang: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội

Tỉnh Tiền Giang hiện có trên 166.000 người trong độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 9,56% dân số. Do đó, chăm sóc sức khỏe NCT là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế và của toàn xã hội giai đoạn sắp tới.

Nhận thức sâu sắc được điều đó, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2018 – 2025. Mục tiêu đến năm 2025, Chiến dịch Chăm sóc sức khỏe NCT tại trạm y tế trở thành hoạt động thường quy. Tỉnh sẽ triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình "Bác sĩ gia đình" tham gia chăm sóc sức khỏe NCT...

Để triển khai Đề án có kết quả, công tác truyền thông được coi là một trong những giải pháp quan trọng. Đề án sẽ tập trung truyền thông giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe NCT. Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc, tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng... về thách thức của quá trình già hóa dân số đối với việc chăm sóc sức khỏe và phát huy NCT, nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho các nội dung thích ứng với xã hội "dân số già hóa", xây dựng môi trường y tế thân thiện với NCT.

Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT, xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT trong các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão); cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị, không xem tuổi già là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình có NCT; trách nhiệm thực hiện tốt và tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với NCT; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động tự lo cho tuổi già khi còn trẻ, bao gồm việc mua bảo hiểm y tế cho NCT. Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT../

Mai Thục (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực