Thực hiện vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của mạng lưới y tế cơ sở

Thứ hai, 22/10/2018 16:32
(ĐCSVN) - Mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tuyến xã có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trạm y tế tuyến xã là đơn vị y tế gần dân nhất, kịp thời phát hiện các dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho người dân.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân tại tuyến y tế cơ sở. (Ảnh: TL)

Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, đảm bảo mục tiêu "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng" mà Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã đặt ra với ngành y tế.

Hiện cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản…

Những năm qua, y tế tuyến cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân: tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng, chống kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng… Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo – nơi cách xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, mạng lưới y tế cơ sở vẫn chưa thực sự thích ứng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật; chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của nhân dân; hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; Chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới còn thấp; danh mục thuốc ít, nghèo nàn và chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho người dân khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở còn hạn chế; tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên chậm được khắc phục.

Đổi mới toàn diện y tế cơ sở

Với nhiều thay đổi về mô hình tổ chức, mô hình bệnh tật, nhu cầu chăm sóc sức khỏe… mạng lưới y tế cơ sở đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực. Có vai trò như “người gác cổng” nhưng phần lớn trạm y tế tuyến xã mới chỉ làm được công tác y tế dự phòng chưa thực hiện đầy đủ chức năng của tuyến cơ sở. Ngoài ra, trình độ của nhân viên trạm y tế còn hạn chế, danh mục thuốc, kỹ thuật ít... khiến người dân chưa thật sự tin tưởng đến trạm y tế khi ốm đau và thường vượt lên tuyến trên khám, chữa bệnh.

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở là một nội dung quan trọng của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo đó, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở…

Thời gian gần đây, ngành y tế cũng đã xác định đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Khi đó, người dân được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí điều trị; được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe...

Để làm được điều đó, trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Gắn sửa đổi các quy định theo hướng ưu tiên quỹ bảo hiểm y tế cho tuyến cơ sở với việc mở rộng áp dụng kỹ thuật mới cho các trạm y tế.

Đồng thời cần tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế bằng nhiều hình thức đào tạo lại, đào tạo bổ sung, luân chuyển bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới nhằm thu hút người bệnh về tuyến xã. Việc đưa bác sĩ từ tuyến trên, kể cả tuyến trung ương về hướng dẫn, đào tạo bằng cách “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế tuyến cơ sở là rất cần thiết. Mặt khác, cần tăng chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các y, bác sĩ về làm việc ở tuyến cơ sở.

Có thể nói, trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến cơ sở phải thay đổi nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Để y tế cơ sở từ chỗ chỉ là "tuyến dưới", trở thành "trung tâm" và giữ vai trò là "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, ngành Y tế cần tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.

Bộ Y tế đang xây dựng thí điểm mô hình 26 trạm y tế đạt chuẩn tại 8 tỉnh, thành phố với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực có trình độ để thực hiện tốt công tác tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng bệnh… và tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quản lý hiệu quả bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…). Nếu thí điểm thành công mô hình sẽ được nhân rộng trên cả nước./.

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực