Tỉ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế ở các hợp tác xã còn thấp

Thứ hai, 15/10/2018 17:23
(ĐCSVN) - Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, hiện mới có khoảng 1/4 số HTX đăng ký tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc cho người lao động. Tỉ lệ xã viên tham gia BHXH bắt buộc còn thấp, trong khi đó số xã viên tham gia BHXH tự nguyện cũng rất hạn chế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TN)

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến giữa tháng 6/2018, cả nước có gần 21.000 HTX, hơn 50 liên hiệp HTX và gần 100.000 tổ hợp tác. Khu vực kinh tế hợp tác đã thu hút khoảng 13 triệu xã viên, thành viên tham gia, trong đó có khoảng hơn ba triệu người có quan hệ lao động, làm công hưởng lương thuộc diện thực hiện BHXH, BHYT bắt buộc và Bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 10 triệu người còn lại là đối tượng tiềm năng của BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm lao động chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động này đã được ngành BHXH, Liên minh HTX Việt Nam… quan tâm đẩy mạnh, nhưng thống kê cho thấy hiện mới có khoảng 1/4 số HTX đăng ký tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động và tỷ lệ lao động tham gia rất thấp. Trong khi đó, số xã viên, thành viên HTX tham gia BHXH tự nguyện cũng còn rất hạn chế.

Nguyên nhân là do nhiều HTX hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa hướng đến liên kết trong sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Do đó, mặc dù cả nước có 20.767 HTX, song chỉ khoảng 30% số HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả; thu nhập bình quân của xã viên chỉ từ 1,76 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng. Thậm chí, không ít HTX ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vì không đủ nguồn tài chính để đóng BHXH, BHYT cho những cán bộ quản lý (có hưởng lương) và người lao động.

Cùng với khó khăn nêu trên, nhiều HTX có tỷ lệ lao động ở độ tuổi cao, vì vậy không muốn tham gia BHXH theo quy định. Không ít HTX chỉ "ưu tiên" sử dụng lao động thời vụ với thời gian ngắn, trả lương theo ngày cho nên thu nhập của người lao động cũng bấp bênh. Ngoài ra, nhiều HTX cũng chưa nắm chắc chính sách pháp luật, nhất là chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp để tham gia cho người lao động; việc thuê mướn lao động thường chỉ qua giao kết miệng, chứ không có hợp đồng lao động theo quy định...

Chính những khó khăn đó khiến diện bao phủ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực HTX còn "khoảng trống" khá lớn, không chỉ ảnh hưởng tới quyền tham gia và thụ hưởng chính sách của người lao động mà còn là nguyên nhân khiến người lao động không thật sự gắn bó, tận tâm cống hiến cho sự phát triển của HTX...

Để từng bước lấp đầy “khoảng trống” đó, BHXH Việt Nam mới đây đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời thống kê đầy đủ số HTX, doanh nghiệp của HTX và Liên hiệp HTX để có kế hoạch tuyên truyền, vận động…

Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ tạo đà cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong khu vực HTX, qua đó bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, góp phần thực hiện mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực