Tỷ phú cam ở Bắc Quang (Hà Giang)

Thứ sáu, 02/11/2018 10:16
(ĐCSVN) – Nhờ nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà sản lượng cam thu hoạch của gia đình anh Lã Văn Bắc ở xã Vĩnh Hảo, Bắc Quang, Hà Giang trung bình đạt từ 200-300 tấn, trừ chi phí mỗi năm anh thu lãi 3 tỷ đồng.

Anh Lã Văn Bắc cho biết: Bắc Quang vốn là một huyện khó khăn của tỉnh Hà Giang, may mắn nơi đây được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây cam sành, vì thế cam sành ở Bắc Quang đã được mọi người biết đến từ rất lâu. Thế nhưng vào những năm 1996 thì người dân chủ yếu trồng với diện tích nhỏ, phương thức canh tác lạc hậu nên sản lượng cam thu được không nhiều. Mặc dù bố mẹ anh cũng trồng hơn 5ha cam nhưng bản thân anh Bắc cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm giàu được từ loại cây ăn quả này.  

Nông dân Lã Văn Bắc, thôn Vinh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang - ảnh: HM

Sau khi tốt nghiệp khoa Luật anh về quê, trong thời gian chờ việc anh làm nghề lái xe. Tuy nhiên công việc này khá vất vả, nay đây, mai đó, thu nhập bấp bệnh. Sau nhiều suy nghĩ, năm 2007, anh quyết định trở về phát triển trang trại trồng cam của cha mẹ, .

Vừa nghiên cứu khoa học kỹ thuật, vừa mở rộng thêm diện tích trồng cam của gia đình, vài năm sau từ 5ha hiện vườn cam của anh Bắc đã lên đến 20ha, chủ yếu là cam sành, bởi đây là loại cam đặc sản của Bắc Quang, cho năng suất cao, cam thơm và ngọt. Ngoài ra, anh Bắc còn trồng thêm giống cam Vinh, cam V2 và bưởi da xanh.

Theo xu thế của sự phát triển, năm 2015, anh Bắc đã bắt đầu chuyển dần sang mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sau một thời gian thử nghiệm, cam trồng tại vườn nhà anh được thị trường đón nhận, các đơn đặt hàng từ siêu thị nhiều hơn, dễ bán hơn so với cách trồng truyền thống, giá cả lại cao hơn. Vì vậy anh mạnh dạn chuyển đổi 10ha sang trồng cam theo chuẩn VietGap.

Nhờ nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học vào sản xuất mà sản lượng cam thu hoạch của gia đình anh trung bình đạt từ 200-300 tấn. Năm 2017 anh thu hoạch được 250 tấn, trừ chi phí thu lãi 3 tỷ đồng.  Năm 2018 với sự thuận lợi của thời tiết và đà phát triển của cây anh Bắc dự kiến thu hoạch 300 tấn cam để phục vụ nhu cầu của thị trường.

Không chỉ giỏi phát triển kinh tế, anh Bắc còn được biến đến là một người hiền lãnh, luôn gương mẫu chấp hành và tuyên truyền tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ngoài bỏ công sức, anh Bắc đã ủng hộ địa phương làm đường liên thôn, và các phong trào của Hội, thôn với số tiền 120 triệu đồng.

Anh cũng thường xuyên hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trồng cây ăn quả có múi cho hơn 60 hộ trong xã và các xã lân cận. Bản thân anh cũng giúp đỡ 17 hộ nghèo khó khăn về vật tư, kiến thức khoa học, kinh nghiệm để phát triển sản xuất; giúp 6 hộ nghèo vay vốn không tính lãi, mỗi hộ 15 triệu đồng.

“Phải trực tiếp làm thì mới thấu hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của những người nông dân như chúng tôi. Hiện nay, nhiều điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn khiến tôi và những người nông dân lo lắng. Mới đây khi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018, được tham gia chuỗi chương trình do Hội tổ chức, được gặp gỡ, trao đổi với những nông dân giỏi đến từ nhiều địa phương trong cả nước, bản thân tôi cũng đã biết thêm nhiều kinh nghiệm trong việc làm nông nghiệp. Với tôi sự tôn vinh đó là động lực để thời gian tới tôi cố gắng hơn trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt sẽ giúp nhiều hộ dân có thể giàu lên từ cây cam sành”. Anh Bắc bộc bạch.

Năm 2018 dự kiến vườn cam của anh Bắc sẽ cho thu hoạch 300 tấn cam - ảnh: NVCC

Anh Bắc cũng cho biết: Điều trăn trở nhất với anh và nhiều nông dân là hiện đa phần nông dân vẫn loay hoay trên chính mảnh đất của mình. Bản thân anh hiện cũng đang trồng trọt và chăn nuôi theo năng lực của từng hộ gia đình, vốn vay được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, mạnh ai nấy làm chứ không có sự liên kết giữa các hộ với nhau hay các hộ với doanh nghiệp. Cũng vì lẽ đó trong gần 10 năm gắn bó với cây cam anh đều tự mình đi tìm thị trường cho cam của gia đình.

Anh Bắc hy vọng các cơ quan có thẩm quyền sẽ hỗ trợ, lắng nghe nông dân nhiều hơn để người nông dân có thể tham gia vào chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, tạo đầu ra lâu dài ổn định cho sản phẩm làm ra./.

Quang Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực