Giao lưu trực tuyến "Bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm của chúng ta"

Thứ hai, 10/12/2012 14:39
Mời bạn đọc giao lưu trực tuyến

(ĐCSVN) - Như đã thông báo, bắt đầu từ 8h30 sáng nay (15/11), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc của Báo với đại diện lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.

>> Bấm vào đây để xem Video clip: Video clip 1 , Video clip 2, Video clip 3, Video clip 4, Video clip 5, Video clip 6, Video clip 7, Video clip 8, Video clip 9

Tai nạn giao thông đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Ở Việt Nam, mỗi năm có trên 11.000 người thiệt mạng bởi tai nạn giao thông (TNGT). Trung bình mỗi ngày có 30 gia đình mất người thân và hàng trăm gia đình chịu tổn thất về vật chất và tinh thần do TNGT gây ra. Đáng suy nghĩ hơn, hiện Việt Nam còn nằm trong Top 10 nước trên thế giới hằng năm có số người chết vì TNGT lớn nhất. Những tổn thương, mất mát mà gia đình nạn nhân và xã hội phải gánh chịu là vô cùng lớn, không gì có thể bù đắp được.

Cùng với những thiệt hại to lớn về thể xác và tinh thần, mỗi năm nước ta mất khoảng 40.000 – 50.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả từ TNGT. Điều đó đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, làm tổn hại đến hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt đối tác và bạn bè quốc tế.

Để chia sẻ sâu sắc về vấn đề trên và nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bạn đọc, hôm nay (15/11), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm của chúng ta”. Qua chương trình giao lưu, chúng tôi muốn chuyển thông điệp tới mọi người tham gia giao thông hãy cùng tưởng nhớ những người bị thiệt mạng do TNGT và cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của người thân, gia đình họ nhân dịp lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông vào ngày 19/11/2012. Đặc biệt, qua đây kêu gọi tinh thần tự giác chấp hành pháp luật giao thông trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tôn vinh những sáng kiến ngăn ngừa tai nạn giao thông từ các địa phương, cơ sở; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện pháp luật giao thông, góp phần ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ sự gia tăng của các vụ tai nạn giao thông.

Tham gia chương trình giao lưu và trả lời các câu hỏi của bạn đọc có các vị khách mời: Ông Lê Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Chương trình giao lưu trực tuyến diễn ra từ 8h30 đến 11h30 sáng nay (15/11).

Mời bạn đọc gửi câu hỏi tham gia chương trình theo địa chỉ:

Ban Thư ký - Tòa soạn, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam;

Địa chỉ: 381 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội;

Email:banthukytoasoan@gmail.com;banthukytoasoan@cpv.org.vn

Điện thoại: 080.48460

Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm với đại diện lãnh đạo Ban biên tập
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước khi bắt đầu chương trình giao lưu

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Trước hết, xin thay mặt Ban Biên tập và bạn đọc báo điện tử ĐCSVN, tôi trân trọng cám ơn các vị khách mời: Ông Lê Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) Quốc gia cùng tham gia chương trình giao lưu trực tuyến ngày hôm nay.

Câu hỏi đầu tiên xin dành cho ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Năm nay, lần đầu tiên nước ta tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, xin ông cho biết ý nghĩa của sự kiện này, và những hoạt động cụ thể sẽ diễn ra trong ngày 19/11 tới?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tại Việt Nam, năm An toàn giao thông 2012 là năm đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGT) phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Lễ tưởng niệm là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ nỗi mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ. Đồng thời thông qua Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong tai nạn giao thông cũng nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông tại Việt Nam; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Với ý nghĩa đó, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn  giao thông vào 20h00 ngày 19/11/2012. Lễ tưởng niệm sẽ được xây dựng theo hình thức sân khấu hóa và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Từ trái sang phải: Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp,
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng,
Phó Tổng biên tập Báo điện tử ĐCSVN Nguyễn Văn Thắng

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Ủy ban ATGT Quốc gia đã triển khai các hoạt động thiết thực như thế nào để hưởng ứng ngày 19/11 ? Qua đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chuyển thông điệp gì tới các ngành, các cấp và tới tất cả những người tham gia giao thông nhân ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT ?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Như đã nói ở trên, năm An toàn giao thông 2012 là năm đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát động và tổ chức các hoạt động hướng tới ngày Lễ tưởng niệm trên phạm toàn quốc từ ngày 19/10 đến 19/11/2012. Các hoạt động chủ yếu gồm: Thăm hỏi, động viên các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông; Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Học viện Phật giáo Việt Nam; Tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

Qua sự kiện này, Uỷ ban ATGT Quốc gia kêu gọi các cấp, các ngành hãy tập trung các giải pháp, quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Mỗi người dân Việt Nam hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Hãy vì sự phát triển của đất nước, vì mạng sống của bản thân và vì tương lai của con cháu mình, hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở đất nước chúng ta ngày càng phát triển theo hướng văn minh, an toàn.

Các vị khách mời tham gia chương trình giao lưu

Phó TBT Nguyễn Văn Thắng: Đó là công việc của UBATGT Quốc gia, về phía Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có phong trào gì thiết thực để biến ý nghĩa của Lễ tưởng niệm thành hành động cụ thể trong cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành GTVT? Thưa Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng?

Ông Lê Mạnh Hùng: Thưa các đồng chí, lãnh đạo Bộ GTVT cũng là thành viên của Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia. Hưởng ứng các hoạt động tưởng niệm được phát động, Bộ cũng đã có những phong trào thiết thực như: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đến thăm hỏi các nạn nhân tại bệnh viện, các gia đình có người bị tai nạn giao thông; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo ngành hưởng ứng các hoạt động vì nạn nhân tai nạn giao thông.

Theo tinh thần Chỉ thị 18, để phục vụ cho ngày tưởng niệm, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành như: Hàng không, Hàng hải...cùng chung tay hưởng ứng ủng hộ các nạn nhân bị tai nạn giao thông; đưa hoạt động tưởng niệm vào chương trình hành động của mình.

Phóng viên Báo điện tử ĐCSVN tác nghiệp tại cuộc giao lưu

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Lã Đức Toàn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hỏi: Tai nạn giao thông như một căn bệnh nan y nguy hiểm nhất, căn bệnh đó hàng năm cướp đi sinh mạng của 11.000 người. Vậy, chúng tôi muốn được biết các ông phân tích nguyên nhân nào là lớn nhất, bao trùm nhất gây ra “căn bệnh nan y” này- tai nạn giao thông?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp:  Trong 10 năm 2001-2011, bình quân mỗi năm có khoảng 11 nghìn người chết vì tan nạn giao thông. Theo cam kết của Việt Nam với Liên hợp quốc, từ năm 2011-2020, chúng ta cam kết giảm 50% số người chết vì tai nạn giao thông. Như vậy, theo cam kết đó, mỗi năm chúng ta phải giảm từ 5 nghìn đến 6 nghìn người thiệt mạng vì tai  nạn giao thông.

Để giải quyết câu chuyện về tai nạn giao thông ở Việt Nam, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ và đều phải trên cơ sở phân tích cặn kẽ từ nguyên nhân.

Nguyên nhân chủ yếu, theo phân  tích của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn giao thông ở Việt Nam, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 98%. Trong số 98% này, thì có khoảng 30% tai nạn, tức là  1/3 là trên đường quốc lộ, 1/3 là ở nội thị và 1/3 là ở nông thôn. Trên giao thông quốc lộ thì quốc lộ 1 chiếm 70% số tai nạn giao thông. Đó là phân tích theo địa bàn, còn theo hành vi, thì trong các vụ tai nạn giao thông, 80% do ý thức của người tham gia giao thông với nhiều lỗi khác nhau như: Vượt đèn đỏ, uống rượu bia… ; 20% còn lại vì hạ tầng giao thông xuống cấp hoặc là do phương tiện.

Như vậy, rõ ràng là giải quyết vấn đề tai nạn giao thông ở Việt Nam, phải bắt đầu từ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đối với các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các văn bản xử lý vi phạm phải rất sát với thực tiễn. Công tác xử lý đối với những người vi phạm an toàn giao thông phải nghiêm minh, công khai, làm sao phải xử phạt được tất cả các lỗi trong vi phạm; từ đó, nâng cao tính răn đe của pháp luật.

Để nâng cao ý thức người tham gia giao thông phải đổi mới cả hình thức và phương thức tuyên truyền. Kênh thông tin báo chí là một trong nhũng phương thức quan trọng. Tuyên truyền giáo dục cần đẩy mạnh hơn trong thời gian tới từ nội dung phương thức, hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông  trong nhà trường. Các cuộc giao lưu là hình thức tuyên truyền quan trọng, là cầu nối quan trọng của các cơ quan quản lý.  Cùng với đó là cần phải tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường...

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Thanh Hà, công tác ở một cơ quan báo chí thuộc khối Nội chính có nêu: Một nguyên nhân ít được đưa vào báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, cũng như của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đó là, nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước và  những người thực thi pháp luật. Đó là việc cơ quan Nhà nước ban hành văn bản pháp luật chỉ có lợi cho người thi hành công vụ. Dư luận đang dành sự quan tâm lớn đến việc triển khai Nghị định 71 của Chính phủ về tăng xử phạt vi phạm an toàn giao thông, trong đó có xử phạt những trường hợp xe không sang tên, đổi chủ, gây ức chế cho người điều khiển phương tiện giao thông. Vậy, với trách nhiệm của cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực ATGT, xin Thứ trưởng có  chính kiến về vấn đề này?

Ông Lê Mạnh Hùng: Đây là vấn đề ra các văn bản quy phạm pháp luật. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, muốn đi vào cuộc sống phải được người dân ủng hộ, có thời gian, quá trình thực thi.

Nghị định 71 đã được sự quan tâm của dư luận, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng tôi khẳng định, Luật Giao thông đường bộ năm 2001 cũng đã quy định về vấn đề quy định xe ô tô, mô tô mua bán phải sang tên đổi chủ. Trước đó, trong mỗi Pháp lệnh của Nhà nước đều quy định rõ về vấn đề này, cụ thể ô tô, xe máy từ năm 1995 với các Nghị định, Thông tư 152, 146 cũng đã quy định.

Vừa qua, qua dư luận và phản ánh của thông tin báo chí và người dân, chúng tôi là cơ quan quản lý của Nhà nước cũng đã tiếp nhận nhiều thông tin và đã có những phản hồi. Trong cuộc họp báo chiều thứ Hai vừa qua, thiếu tướng Đỗ Đình Nghị đã có câu trả lời thỏa đáng. Thiếu tướng Đỗ Văn Tuyên, Cục trưởng Cục C67 cũng đã có câu trả lời về vấn đề  này.

Hiện tại tôi đang đi xe máy đăng ký tên vợ, thỉnh thoảng mượn xe ô tô của cháu với đủ mọi giấy tờ hợp lệ và vẫn lưu hành bình thường.

Quy định tại Nghị định 71 là muốn đưa công cụ khoa học vào việc kiểm tra, kiểm soát cuộc sống hàng ngày, đồng thời nhằm giảm bớt vi phạm và sự can thiệp của các lực lượng ở trên đường, tiến tới hội nhập quốc tế. Ví dụ như để “phạt nguội” hoặc phục vụ trong lĩnh vực điều tra giao thông thì phải dùng biện pháp này. Nếu đúng tên xe của người đó thì sẽ chỉ bị xử lý các lỗi vi phạm trên đường. Còn nếu như xe chưa sang tên đổi chủ, thì sẽ bị phạt thêm lỗi này. Tôi hoàn toàn ủng hộ và thống nhất với các quan điểm mà Bộ Công an đã đưa ra  trong thời gian qua.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Trần Thanh Tùng ở Thái Nguyên hỏi: Ngày 13/11 vừa qua, cơ quan chức năng của Thái nguyên có xử phạt trường hợp đầu tiên đối với người đi xe máy chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện, với mức phạt 800-1.200.000 đồng. Vậy, theo Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, trường hợp xử phạt đó đúng hay sai?

Ông Lê Mạnh Hùng: Như tôi đã giải thích về Nghị định 71 vừa qua, không hiểu đối tượng đi xe máy bạn vừa nhắc đến là đối tượng nào, bạn có thể cho biết rõ thêm, Ví dụ: Người mượn xe máy đó là người kinh doanh chở hàng thì không đúng, vì không ai là người thân, bạn bè lại cho mượn xe để đi làm việc đó cả.

Vì thế, để có thể làm rõ và trả lời bạn đọc cụ thể hơn, cần thông tin chi tiết về trường hợp này. Nhân đây, tôi cũng khuyến khích bạn đọc tích cực có những phát hiện cụ thể hơn gửi về những cơ quan có thẩm quyền để chúng tôi có những giải thích rõ ràng hơn và xử lý hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của bạn đọc

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc có địa chỉ tramy1992@gmail.com hỏi, chọn một sinh viên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần những tiêu chuẩn gì? Hiện nay số lượng sinh viên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên cả nước là bao nhiêu người, hiệu quả của việc huy động này và chế độ chính sách cho sinh viên tình nguyện ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nếu chỉ trông vào lực lượng cảnh sát giao thông thì không đủ. Tại địa bàn của các khu đô thị lớn, có rất nhiều lực lượng khác tham gia như: Tổ dân phố, cựu chiến binh, sinh viên tình nguyện là lực lượng tham gia cùng xã hội, cùng Nhà nước đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, riêng lực lượng sinh viên tình nguyện đã tham gia từ nhiều năm nay.

Số liệu thống kê thường xuyên thì không có, bởi chủ yếu các bạn tham gia  theo các kỳ cuộc như: Các kỳ thi đại học, lễ, tết... là những thời điểm mà các phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Riêng tại Hà Nội, bình quân hàng ngày có 1 nghìn sinh viên tình nguyện tham gia, thành phố Hồ Chí Minh con số này khoảng 3 nghìn.

Tất cả các bạn sinh viên đều có thể tham gia. Trước khi tham gia phải qua một lớp tập huấn dưới sự huấn luyện của các cơ quan chức năng như ở: Hà Nội thì tập huấn khoảng 3 ngày.

Chế độ hiện nay còn đang rất khác nhau. Trước hết, nếu các bạn là sinh viên tình nguyện thì sẽ được hưởng các chế độ tình nguyện, chết, bị thương theo quy định Nhà nước, được trang bị quần áo, đồng phục … Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế thì chế độ bồi dưỡng có khác nhau. Hiện nay, ở Hà Nội, mỗi ngày, một sinh viên tình nguyện được bồi dưỡng tối thiểu 30 nghìn đồng.

 Ở góc độ Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, chúng tôi đã đề nghị Đoàn Thanh niên chỉ đạo các sinh viên tình nguyện nên tập trung vào các điểm nóng như cổng trường… Cách thức tham gia bảo đảm an toàn giao thông ở các ngã tư hiện nay chưa thực sự cần  thiết  lắm.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Lê Minh (cán bộ về hưu, Cẩm Phả, Quảng Ninh) đặt câu hỏi: Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, khi bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, một  số đại biểu Quốc hội cho rằng, tham nhũng còn tồn tại trong vấn đề xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, còn hiện tượng tiêu cực trong các lực lượng chấp pháp, trong đó có lực lượng thanh tra giao thông, vậy các ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Lê Mạnh Hùng: Lực lượng Thanh tra giao thông đang triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả và thái độ thực thi công vụ của lực lượng Thanh tra giao thông”; đồng thời, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra viên, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc với đối tượng tham gia giao thông.

Chúng tôi cũng có quy định xử lý kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ thanh tra có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, không đúng với những người tham gia giao thông, thậm chí có trường hợp còn bị buộc thôi việc.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Nguyễn Thị Loan công tác trong ngành ngoại giao hỏi: Ở nhiều nước, họ tiến hành phạt “nguội”đối với những vi phạm ATGT  bằng cách đặt camera ghi hình ở các tuyến quốc lộ và gắn ở ngã ba, ngã tư trên các đường phố? Hình thức xử phạt này vừa chống tiêu cực, vừa nhanh, giảm ùn tắc, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có kiến nghị Thủ tướng cho áp dụng đại trà ở Việt Nam không?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Ở Việt Nam hiện nay, trên tuyến từ Hà Nội – Phủ Lý, Ninh Bình đã triển khai thí điểm hình thức lắp camera trên toàn tuyến, do Tập đoàn Hải Châu tài trợ đã đem lại hiệu quả cao. Các lái xe công và lái xe tư đều rất tâm phục, khẩu phục.

Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí và đầu tư công còn hạn hẹp, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu để xã hội hóa công tác này nhằm khẩn trương triển khai Đề án, không những vừa đảm bảo an toàn giao thông, mà còn vừa đảm bảo an ninh phòng chống tội phạm. Chúng tôi đều hết sức mong muốn có điều kiện về tài chính để triển khai Đề án này.

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời các câu hỏi của bạn đọc

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Huệ Anh (nhà báo, công tác tại Hà Nội) hỏi:  Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2012 đã đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội đề ra? Theo kinh nghiệm của các đồng chí, trong năm An tòan giao thông 2012, có địa phương nào để tai nạn giao thông gia tăng? Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tai nạn giao thông gia tăng?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong 10 tháng năm 2012, kể cả số vụ vi phạm, số người chết, số người bị thương đã giảm và giảm rất sâu. Ví dụ, trong 10 tháng đã giảm 1.500 người chết so với cùng kỳ. Rõ ràng đây là một nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên đối với từng địa phương cụ thể, có địa phương, số lượng giảm mạnh, một số địa phương lại tăng; Ví dụ: Trong quý I, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình 10 tỉnh, thành phố. Trong quý II là 5 tỉnh thành phố và trong quý III, văn bản mới ban hành đã nhắc nhở 13 tỉnh. Trong các tháng 7,8,9, xu  hướng số người chết, bị thương có xu hướng tăng. Thủ tướng đã nhắc nhở, phê bình các Trưởng ban An toàn giao thông các địa phương có số lượng người bị tai nạn gia tăng.

Hàng quý, chúng tôi đều tổ chức hội nghị sơ kết quý, họp toàn quốc 1 quý/lần, đều liên tục nhắc nhở và nếu tỉnh nào liên tục 4 quý vẫn để tai nạn giao thông gia tăng thì có hình thức xử lý thích đáng.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng: Ông có thể nêu cụ thể 13 tỉnh, thành bị nhắc nhở trong quý III năm 2013 là những địa phương nào?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong quý III vừa qua có nhắc nhở 13 tỉnh, thành có mức độ tai nạn giao thông có xu hướng tăng dần, mặc dù số tai nạn giao thông ở địa phương đó giảm so với cùng kỳ. Đó là các địa phương: Điện Biên, Bình Dương, Bình Thuận, Cao Bằng, Cần Thơ, Hà Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Yên Bái... Đây là hình thức nhắc nhở các tỉnh về nguy cơ để xảy ra tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Phạm Dũng (cán bộ, Ân Thi, Hưng Yên cho rằng: Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông. Nếu vi phạm đến lần thứ hai thì nên kỷ luật, không cất nhắc bổ nhiệm, không nâng lương, nâng ngạch, thậm chí điều chuyển công tác, vậy quan điểm của các ông về vấn đề này?  Bộ Giao thông vận tải có nên gương mẫu áp dụng hình thức này?

Ông Lê Mạnh Hùng: Đây là câu hỏi rất thú vị, tôi xin chia sẻ với bạn đọc, là đảng viên hay người dân đều phải tuân thủ theo pháp luật. Cụ thể ở đây là Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Các đảng viên phải luôn gương mẫu thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của pháp luật. Năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị số 22 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, và mới đây nhất là Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Trong đó, lưu ý cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông.

Đối với ngành Giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhắc nhở về tính gương mẫu của cán bộ, công chức khi tham gia giao thông trên đường và quy định nhiều hành vi khác không được làm. Ý kiến của bạn đọc là hợp lý.

Ban biên tập, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo điện tử ĐCSVN tác nghiệp tại chương trình giao lưu

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Hiện nay, tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt cũng rất nghiêm trọng, thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Bộ giao thông vận tải có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo số liệu báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, 9 tháng năm 2012, tai nạn giao thông đường bộ là chủ yếu, chiếm 98%, nhưng số tai nạn giao thông đường sắt và đường thủy cũng không nhỏ.

Thống kê về tình hình tai nạn giao thông đường sắt trong 9 tháng năm 2012 cho thấy, đã xảy ra 345 vụ tai nạn, làm chết 171 người, bị thương 244 người, giảm 12% về số vụ và 19% số người chết, 10% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2011.

Về đường thủy, đã xảy ra 76 vụ tai nạn, làm 83 người chết, 38 người bị thương, giảm khoảng 30% ở tất cả các tiêu chí. Giao thông hàng hải xảy ra 21 vụ, chết 6 người, không có người bị thương, giảm khoảng so với cùng kỳ 25%. Mặc dù giảm về số vụ nhưng về tính chất tai nạn xảy ra với đường sắt và đường thủy đều rất nghiêm trọng.

Tai nạn đường sắt Việt Nam thực chất là đường bộ vì là giao nhau giữa hai tuyến. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt và đưa ra các giải pháp tương đối đầy đủ đối với đường sắt. Theo thống kê, cả nước có hơn 6.000 đường ngang qua đường sắt. Trong đó, số đường ngang hợp pháp là 1.500, trong đó có 500 gác chắn, số còn lại là cảnh báo tự động. Như vậy, số đường ngang không hợp lệ là rất lớn, gây nguy hiểm cho cả người tham gia giao thông cả đường sắt và đường bộ, gây thiệt hại rất lớn. Chắc chắn cần có giải pháp về hành lang an toàn đường sắt và cần triển khai sớm.

Đối với đường thủy, hiện nay, khó khăn nhất là hệ thống kênh rạch cũng như năng lực lưu thông luồng lạch; kênh rạch bồi lắng, do dòng chảy và nhiều yếu tố khác như thủy điện, đập cũng ảnh hưởng rất lớn đến vận tải thủy và an toàn thủy.

Đặc biệt, khó khăn nhất là các tuyến đò ngang, đò dọc. Vừa rồi, quy định của Nhà nước về việc người đi đò phải mặc áo phao đã có hiệu lực thi hành được 1 tháng. Tuy nhiên, quy định hiện vẫn chưa được chấp hành nghiêm; đã giao trách nhiệm cho chính quyền các địa phương, nếu tai nạn xảy ra trên địa bàn xã nào thì Chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm. Đây là những giải pháp rất quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt, đường thủy.

Ông Lê Mạnh Hùng: Về giao thông đường sắt, hệ thống đường sắt có từ 130 năm nay. Nghị quyết 88 của Chính phủ năm 2011 về tăng cường giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt Việt Nam nhằm hạn chế tối đa việc mở đường ngang bất hợp pháp. Hơn 2 năm nay, sau vài vụ tai nạn giao thông đường sắt do lỗi của người điều khiển phương tiện đường bộ, Hà Nội đã bỏ kinh phí đưa người đi học đào tạo về gác chắn. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tai nạn giảm đi rõ rệt. Điều này cho thấy, địa phương nào có sự kết hợp đồng bộ các giải pháp thì tỷ lệ tai nạn giảm.

Tôi rất cảm ơn sự phối hợp quyết liệt của Hà Nội và  Thanh Hóa nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn đường sắt, bởi đây thường là những tai nạn rất thảm khốc, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Ngô Sơn (TP Hạ Long, Quảng Ninh) hỏi, cách đây ít ngày, công chúng báo chí thấy xót xa khi nhìn con tàu không người lái, không nhiên liệu mang tên New Sun của Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) sau thời gian trôi dạt lênh đênh trên biển, sau đó mắc cạn tại khu vực Bến Gót, Cát Hải, Hải Phòng, đe dọa đến an toàn hàng hải. Bộ GTVT đã nghe báo cáo về vấn đề này chưa? Về chức năng quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã có giải pháp gì để tránh thiệt hại cho Nhà nước và ngăn ngừa mất an toàn hàng hải đối với con tàu hoang này?

Ông Lê Mạnh Hùng: Cảm ơn bạn đọc đã phản ánh vấn đề này. Việc tái cơ cấu đội ngũ vận tải Vinashin đã có chủ trương của Chính phủ. Hiện nay, suy giảm kinh tế trên thế giới đã có ảnh hưởng không nhỏ đến giá cước vận tải. Nếu bạn ở Hạ Long thì chắc bạn đã nắm được các vấn đề về giá cước vận tải có thời kỳ cao điểm là các năm 2008-2009, thậm chí nửa đầu năm 2010, cước vận tải hàng rời còn lên đến 100 USD/tấn. Hiện nay, cước vận tải hàng ngày xuống còn 8-10 USD/tấn, cho nên hàng hóa vận tải không ảnh hưởng đến việc xảy ra các sự cố như trên. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin của bạn và sẽ yêu cầu Vinashin có những biện pháp cụ thể về con tàu bạn vừa nêu.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Nguyễn Thúy Hằng (Phan Văn Trị, TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: Vừa rồi, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã triển khai việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh. Hiệu quả ra sao? Có những vấn đề gì vướng mắc, khó thực hiện? Và, khi nào nhân rộng mô hình này ở các tỉnh thành khác?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực ra, câu chuyện đội mũ bảo hiểm đã quy định ở trong Luật. Vấn đề ở đây là trẻ em vi phạm nhưng chúng ta xử phạt người lớn. Lứa tuổi xử phạt bắt đầu từ 6 tuổi trở lên, tiến hành toàn bộ trong cả nước chứ không riêng ở TP. HCM. Theo khảo sát của chúng tôi, ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng thì tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm cao nhất: ở Đà Nẵng là 50%, TP. HCM 25%, Hà Nội chỉ đạt 18%.

Chính vì thế, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với một số thành phố tổ chức triển khai chiến dịch tại TP. HCM. Mục đích của chiến dịch khỏng phải là nhằm xử phạt mà là nâng cao nhận thức, để làm sao phụ huynh khi tham gia giao thông sẽ cho con đội mũ bảo hiểm, cùng với đó mới là xử phạt. Chiến dịch được thực hiện thí điểm ở TP. HCM, sắp tới đây sẽ làm ở Hà Nội. Qua 2 tháng triển khai thực hiện chiến dịch (tháng 9, tháng 10), tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em TP. HCM cao hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 30%. Từ 1/9 đến 31/10, TP. HCM xử phạt khoảng 2.500 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.

Vấn đề khó khăn khi xử phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm là xác định độ tuổi (từ 6 tuổi trở lên). Các lực lượng chức năng phải chốt ở nơi gần cổng trường, mở chiến dịch truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành tờ rơi cho các em thiếu nhi. Chính các em sẽ nói với bố mẹ, đồng thời nhà trường cũng phải nhắc nhở các em tuân thủ quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm. Điều khó khăn là TP.HCM đang vào mùa mưa nên rất khó xác định trẻ em khi tham gia giao thông có đội mũ bảo hiểm hay không.

Ông Lê Mạnh Hùng: Nhân dịp này, chúng tôi cũng muốn nói với các bậc phụ huynh nên giáo dục các em ngay từ khi bắt đầu đi học đã có ý thức đội mũ bảo hiểm. Đó cũng chính là hình thức giáo dục ý thức chấp hành pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của bạn đọc

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Thu Hằng (Từ Liêm, Hà Nội) hỏi: Những nguy cơ nào đe dọa mất an toàn giao thông đường hàng không? Khuyến cáo gì mới của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong lĩnh vực an ninh, an toàn hàng không, nhất là trong thời gian tới nước ta mở thêm các tuyến đường bay mới? Công tác tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực an ninh, an toàn hàng không cần đặt ra như thế nào để phòng ngừa trường hợp hàng khách đi máy bay bị xử phạt nặng do lỗi “vô ý”?

Ông Lê Mạnh Hùng: Nếu tất cả các hành khách tham gia giao thông hàng không mà ai cũng quan tâm như bạn, ngành hàng không hết sức cảm ơn. Thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, có thể nói chúng ta chưa để xảy ra vụ việc nào đáng tiếc về an ninh, an toàn hàng không. Những hiện tượng tự động mở cửa máy bay như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua là do ý thức của hành khách tham gia chuyến bay. Trước mỗi chuyến bay, cơ trưởng, cơ phó và các tiếp viên đã có những hướng dẫn về an toàn, từ việc thắt đai an toàn đến thoát hiểm, nhưng do tò mò của người tham gia chuyến bay nên đã có một số trường hợp mở cửa máy bay như đã phản ánh và có những câu nói gây khó khăn cho ngành hàng không.

Những tiêu chuẩn mà ngành hàng không Việt Nam áp dụng đều thực hiện theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế. Chúng ta không có gì làm khó mà áp dụng đúng theo tiêu chuẩn của quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: An toàn hàng không có rất nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố liên quan đến con người là: Ý thức hành khách và ý thức thực thi công vụ của lực lượng chức năng ngành hàng không. Nếu là vi phạm của nhân viên không lưu thì sẽ bị xử lý rất nặng, vì đây là nguy cơ rất cao dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông hàng không.

 Còn về hành khách, hiện nay, các đối tượng sử dụng phương tiện hàng không rất đa dạng, có những chuyến bay giá vé còn rẻ hơn vé tàu nên các hành khách tham gia rất đông, đặc biệt là các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và hiểu rõ các quy định về an toàn hàng không. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi hơn trong cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Trong thời gian qua, mặt cầu Thăng Long phải sửa chữa nhiều lần gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Xin Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho biết, tình hình cụ thể đến thời điểm này như thế nào?

Ông Lê Mạnh Hùng: Xin ghi nhận ý kiến của bạn đọc. Đây cũng là nỗi trăn trở của  ngành Giao thông vận tải, và đặc biệt là của cá nhân đồng chí Bộ trưởng. Vấn đề này cũng gây bức xúc cho dư luận và những người tham gia giao thông trên cầu Thăng Long.

Cầu Thăng Long đã hoàn thành từ những năm 80 của thế kỷ trước, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (cũ). Trong thời gian dài, chúng ta đã không có điều kiện để tiếp cận với những công nghệ đó nữa nên đã áp dụng các công nghệ mới. Trong quá trình chuyển giao công nghệ, chúng ta cũng chưa lường hết được những vấn đề về thời tiết cũng như vấn đề đi lại trên cầu gây ra hiện tượng hỏng phải làm lại.

 Hiện nay, bước đầu đã sử dụng các công nghệ hiện đại và đã khắc phục được một số phần việc. Để làm lại mặt cầu Thăng Long, nhà thầu nhận chuyển giao công nghệ thi công mặt cầu này trong quá trình bảo hành phải bỏ tiền ra để khắc phục, sửa chữa các hiện tượng hỏng hóc, bong tróc trên mặt cầu. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã đưa vào đề án nghiên cứu, sửa chữa tổng thể để thực thi trong thời gian gần đây nhất, khắc phục triệt để tình trạng này.

 Hiện nay, bạn có thể đi trên mặt cầu Thăng Long tương đối an toàn so với thời gian trước.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Có vấn đề tham nhũng, thất thoát trong Dự án nâng cấp, sửa chữa mặt cầu Thăng Long hay không?

Ông Lê Mạnh Hùng: Đến giờ phút này tôi có thể khẳng định, tổng thể các giá trị dự án nâng cấp mặt cầu Thăng Long, chuyển giao công nghệ là hơn 100 tỷ đồng, không có lợi ích nhóm, không có thất thoát ở đây. Thất thoát ở đây nếu có là do chúng ta làm đi làm lại và nhà thầu phải bỏ tiền ra để làm nhằm không ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giao thông vận tải và không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

 

Phóng viên Trung tâm truyền hình internet Báo điện tử ĐCSVN tác nghiệp tại chương trình giao lưu

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Dư luận cho rằng, có những trường hợp lái xe cố tình để người bị tai nạn giao thông chết thay vì để họ bị thương. Về vấn đề này, Uỷ ban An toàn giao thông có biết không ? Ông nhận định đây là biểu hiện của cái gì? Sự phối hợp giữa ngành Công an, ngành Giao thông vận tải và ngành Bảo hiểm đã đặt ra hay chưa?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận cho rằng, có trường hợp lái xe cố tình để người tai nạn bị chết để đền bù một lần và cơ quan bảo hiểm sẽ lo toàn bộ. Còn nếu trường hợp để bị thương thì lái xe và chủ xe sẽ phải đền bù lâu dài.

Chúng tôi có nghe và  đã đề nghị Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ làm rõ nhưng vấn đề này mới dừng lại ở dư luận. Thực ra, năm ngoái đã đưa ra xét xử một vụ nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng.

Tuy nhiên, cần nâng cao trách nhiệm và đạo đức của người lái xe. Cần có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với người lái xe tốt, với những người vi phạm cần có hình thức xử lý nghiêm.

Chúng tôi cũng đã làm việc với ngành bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên, trong Luật còn có kẽ hở để lái xe lách luật. Vấn đề chưa hợp lý cần điều chỉnh để không xảy ra hiện tượng lái xe cố tình làm chết người bị tai nạn.

Ông Lê Mạnh Hùng: Tôi thực sự choáng khi nghe dư luận phản ánh như vậy. Nếu thực sự có trường hợp như vậy, cần có biện pháp triệt để và cần xử phạt khung hình phạt cao nhất do Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác quy định. Cần có chế tài xử phạt hết sức nghiêm trong những trường hợp như vậy.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Sắp tới, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho đội ngũ lái xe có phải là nhóm ưu tiên trong Chiến lược truyền thông không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tế trong 10 tháng năm 2012, số vụ vi phạm, người chết đều giảm sâu nhưng tính chất và mức độ có tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu là do xe khách, xe tải, xe container vi phạm. Do đó, cần tập trung tuyên truyền cho đội ngũ lái xe nói chung. Sẽ có một chiến dịch truyền thông riêng với thông điệp “Hãy lái xe bằng cả trái tim”, “Phía sau tay lái là sự sống”…

Bắt đầu từ năm 2012, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như: Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trao giải thưởng cho các lái xe tốt.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Một bạn đọc ở hòm thư thuyanh09@gmail.com hỏi: Giải pháp của ngành Giao thông vận tải trong việc phòng ngừa tiêu cực của lực lượng thanh tra giao thông là gì? Công tác phòng chống tham nhũng ở Bộ Giao thông vận tải, nơi quản lý rất nhiều dự án, nguồn ngân sách lớn của Nhà nước? Hiệu quả ra sao? Khó khăn vướng mắc gì trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của ngành Giao thông vận tải?

Ông Lê Mạnh Hùng: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn đọc. Đây là câu hỏi khá phong phú. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng mà Bộ trưởng là Trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo. 

Chương trình đã được quán triệt đến từng cán bộ, công nhân viên trong Bộ GTVT. Bộ GTVT là một trong những Bộ sử dụng nhiều nguồn vốn lớn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được kết cấu hạ tầng của ngành GTVT. Trong số nguồn vốn này có vốn ngân sách, vốn vay tổ chức tín dụng, vốn ODA, tài trợ của các tổ chức quốc tế và của các nước bạn.

Tuy nhiên, tôi chưa hiểu lĩnh vực bạn nêu cụ thể phòng chống tham nhũng ở lĩnh vực nào. Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã xử lý hai trường hợp Vinashin và Vinaline với sai phạm xảy ra nhiều năm. Bộ đã chỉ đạo các cục, doanh nghiệp trên kiểm điểm sâu sắc và có biện pháp chấn chỉnh.

Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tiêu chí quy định của Nhà nước, Bộ phối hợp cùng một số Bộ liên quan như: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường …với những tiêu chí, giám sát của từng Bộ, cụ thể với những dự án ODA thì liên quan đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, với những dự án liên quan đến chất lượng dự án thì liên quan đến Bộ Xây dựng. Về vấn đề môi trường thì liên quan đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, huy động tổ chức đoàn thể trong đó huy động sự tham gia của công đoàn, đoàn thanh niên.

Đối với xây dựng cơ bản triển khai phân cấp đến từng địa phương, với cơ chế phân cấp, phân quyền cụ thể.

Tham gia các dự án giao thông phải đáp ứng được yêu cầu của từng dự án. Ví dụ như các dự án do ADB, WB tài trợ thì đơn vị của Bộ GTVT không được tham gia mà phải là các đơn vị ngoài ngành, tư nhân tham gia. Với các dự án JICA của Nhật Bản, vốn ngân sách nhà nước, thì các đơn vị trong ngành đáp ứng được các điều kiện tham gia.

Bộ trưởng, Trưởng ban phòng chống tham nhũng của Bộ đã có chỉ đạo quyết liệt. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, bạn đọc cũng đã thấy một số công trình đã được đẩy nhanh, chất lượng công trình cũng có những giám sát chặt chẽ hơn.

Về phương tiện đã có dự án nâng cao chất lượng đăng kiểm như lắp camera theo dõi, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch đối với lái xe, bước đầu cũng nâng cao được kết quả nhất định.

Công cuộc phòng chống tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài, phụ thuộc nhiều vào vấn đề và vai trò giám sát của người dân, toàn hộ hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò của những người bạn đọc như bạn đã gửi những kiến nghị đến Bộ giúp chúng tôi ngày càng triển khai tốt hơn trong lĩnh vực này.

Lãnh đạo Trung tâm truyền hình internet Báo điện tử ĐCSVN xử lý các Video clip trước khi đưa lên mạng

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Nguyễn Thị Tươi ở TPHCM và một bạn đọc ở Hà Nội có cùng câu hỏi: Tại TPHCM và trên đường Lê Văn Lương Hà Nội vừa qua xuất hiện nhiều hố tử thần, làm ảnh hưởng đến giao thông. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận vấn đề này như thế nào và trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra các sự việc trên?

Ông Lê Mạnh Hùng: Ở TP HCM và Hà Nội đúng là có hiện tượng như các bạn nêu. Nguyên nhân thì đã được xác định là do mưa quá to, lượng nước lớn và do quá trình xây dựng không đồng bộ gây ra. Tại Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường và Tổng Công ty Sông Đà đã ngồi lại với nhau giải quyết vấn đề và đoạn đường Lê Văn Lương đã được hoàn thiện, trả lại mặt bằng cho người tham gia giao thông.

Còn tại Tp Hồ Chí Minh, do điều kiện thủy triều gây ngập nước và  vật liệu đắp ở vùng sa bồi cộng với việc khớp nối các hạng mục chưa được tốt nên dẫn đến hỏng đường và xảy ra các hiện tượng hố tử thần. Ngoài các nguyên nhân khách quan cũng không loại trừ việc chất lượng một số công trình giao thông chưa đảm bảo chất lượng.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Vậy thưa ông, trong thời gian tới liệu có còn xuất hiện hố tử thần nữa hay không và trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải như thế nào?

Ông Lê Mạnh Hùng: Chúng tôi không dám khẳng định là tới đây có còn xuất hiện hố tử thần nữa hay không. Chức năng của Bộ GTVT là thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc các Sở GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình giao thông. Cái gì do khách quan thì phối hợp giải quyết, cái gì do chủ quan thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc Lê Mạnh Luân (Nha Trang, Khánh Hòa) hỏi: Xin ông cho biết kết quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển giao từ Bộ Công an sang Bộ Giao thông vận tải (từ năm 1995 đến năm 2012)? Công tác phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực này như thế nào?

Ông Lê Mạnh Hùng: Thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung xây dựng, ban hành đủ và thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa, hệ thống cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe đã được xây dựng hoàn thiện, phân bổ hợp lý trong toàn quốc. Đến nay, cả nước có: 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 296 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 84 Trung tâm sát hạch lái xe, đáp ứng nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của người dân theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại và tiện lợi.

Tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo, nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo hiện tại phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thực tiễn; cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm sát hạch đã đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo hướng hiện đại, tự động hóa, công khai minh bạch, phù hợp với thực tế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được tăng cường.

Vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các ban, ngành khác đã đi sát hạch lái xe ở các thành phố cho thấy, ở những trường do Nhà nước quản lý cũng như các trường tư nhân, chất lượng lái xe đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, những trường hợp vi phạm vẫn còn xảy ra. Việc tổng kết về chất lượng sát hạch chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp và hoàn thiện báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia./.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Hiện nay nhiều cơ quan báo chí chưa xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông theo tinh thần Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ. Vậy, UBATGT Quốc gia có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong Nghị quyết 88 của Chính phủ có rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp là yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương: Thứ nhất, tăng thời lượng truyền thông, tuyên truyền các lĩnh vực về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Thứ hai, mở các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, đồng thời cũng phản ánh những mặt trái, khía cạnh xấu, những người vi phạm.

Theo thông tin và quan sát của chúng tôi thì cơ bản là các cơ quan thông tin đại chúng, ít nhất là trong năm 2012 này - Năm An toàn giao thông đã đẩy mạnh tuyên truyền. Chưa bao giờ lượng bài viết về giao thông và an toàn giao thông nhiều như năm 2012. Sự quan tâm của bạn đọc nhiều như vậy, đương nhiên cũng có cả những việc đã làm, làm tốt và chưa làm tốt. Điều đó tạo ra một sự quan tâm chung của toàn xã hội đối với ngành giao thông, với giao thông vận tải nói riêng và vấn đề an toàn giao thông nói chung. Điều này là rất quan trọng và rất đúng.

Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 88 của Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng do Nhà nước đầu tư phải có chuyên trang, chuyên mục thì hiện nay chưa nhiều. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã có chuyên trang, chuyên mục, còn lại các cơ quan báo chí khác thì rất ít. Một trong những vấn đề khó khăn là vấn đề kinh phí. Để mở được các chuyên trang, chuyên mục, cần đòi hỏi sự hỗ trợ, mà trong năm 2012 này thì kinh tế còn khó khăn, cho nên các nguồn tài trợ khá thấp. Tôi cho rằng, đối với các cơ quan báo chí lớn thì rất cần thiết phải hỗ trợ kinh phí hoặc một phần kinh phí để có thể hình thành và xây dựng được các chuyên mục, chuyên trang về vấn đề an toàn giao thông.

Toàn cảnh chương trình giao lưu trực tuyến

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn đọc ở hòm thư lecuong129@gmail.com hỏi: Nhiều ý kiến  cho rằng, việc xử lý thông báo cán bộ vi phạm an toàn giao thông gửi về cơ quan làm việc vẫn chưa được triển khai nghiêm túc? Vẫn còn sự “nể nang”? Quan điểm của các ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Ngành Công an đã triển khai gửi thông báo vi phạm của người tham gia giao thông về địa  phương, chứ không chỉ cán bộ, công chức. Tất cả người vi phạm đều có thông báo về nơi công tác, học tập và cư trú.

Sau 7 năm triển khai, đặc biệt là trong 3 năm gần đây, theo thống kê của Bộ Công an thì số lượng thư phản hồi sau khi nhận được thông báo chưa đến 1% và số lượng này có nguy cơ càng ngày càng thấp. Đây rõ ràng là câu chuyện đứng về mặt luật pháp mà nói, chúng ta chưa có chế tài, quy định cụ thể trách nhiệm và hình thức xử phạt đối với người tham gia giao thông. Chúng tôi cho rằng, hình thức gửi thông báo hành vi vi phạm của  những người tham gia giao thông về nơi cư trú, nơi làm việc là rất quan trọng và là một trong các biện pháp giáo dục rất hữu hiệu. Vì người tham gia giao thông khi vi phạm, ngoài phạt tiền ra, thì cần thiết phải đưa ra cộng đồng, dân cư. Đây là hình thức giáo dục vừa cho người vi phạm, vừa cho người xung quanh. Rất nhiều địa phương làm tốt việc này, ví dụ như: TP Hồ Chí Minh đã làm rất nghiêm túc và rất tốt, quy định  mức vi phạm nào thì phải đưa ra tổ dân phố...

Đối với cán bộ, công chức, vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong công điện đã có nhắc và trong chương trình hành động 6 tháng cuối năm 2012 cũng đã đề nghị các địa phương đưa ra các giải pháp giáo dục, hướng trọng tâm vào các đối tượng công chức. Trong đó có hai yêu cầu: Thứ nhất, cấm cán bộ, công chức uống rượu bia khi tham gia giao thông, cấm uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa và giờ làm việc; Thứ hai, các địa phương phải nghiên cứu  và sớm đưa ra danh sách cán bộ, công chức vi phạm an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, rất nhiều tỉnh đã chỉ đạo triển khai vấn đề này, ví dụ như An Giang. Sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương làm quyết liệt việc này và 100% các địa phương phải triển khai vấn đề này.

Chúng tôi cũng sẽ đưa ra quy định lỗi vi phạm đến một mức nào đó thì đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương chứ không phải ở địa phương. Hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ Nội vụ trong 6 tháng năm 2013, Bộ này phải ra được hướng dẫn, hoặc quyết định về vấn đề này.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:  Bạn Lê Tường, ở Thanh Hóa hỏi: Tôi thấy trên tuyến quốc lộ 1 có nhiều trạm kiểm soát xe ô tô chở khách. Những lần kiểm tra, tôi thấy phụ xe vào gặp cảnh sát giao thông rồi lên xe đi ngay. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp có vi hành để thấy việc này và theo ông, đây có phải là biểu hiện của hành vi mãi lộ?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tôi nhớ cách đây 1 tháng, trong phiên họp của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia báo cáo Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, có đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi này. Đại biểu này thường xuyên đi xe khách về nhà và thường xuyên thấy phụ xe chạy xuống vài phút rồi chạy lên, không thấy Cảnh sát giao thông lên xe kiểm tra. Chúng tôi khẳng định điều này là có thật.

Chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo Cảnh sát giao thông quyết liệt trong lập trạm cố định, cùng với thanh tra giao thông lưu động để xử lý nghiêm các trường hợp này.

Trong năm 2013, tiếp tục là Năm An toàn giao thông, với chủ đề về nâng cao ý thức chấp hành của người thi hành công vụ sẽ được triển khai sâu rộng. Và tôi tin chắc rằng, những hiện tượng này sẽ được xử lý nghiêm túc và sẽ giảm tới mức tối đa, tiến tới không còn xảy ra nữa.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Để tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ GTVT có nên phối hợp với Bộ Công an để thành lập các tổ liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực như trên hay không?

Ông Lê Mạnh Hùng: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) được thành lập bởi rất nhiều bộ, ngành, do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; Bộ trưởng Bộ GTVT là Phó Chủ tịch thường trực; một đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an là Phó Chủ tịch. Ngoài ra còn có thành viên của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và nhiều bộ ngành khác với chức năng giám sát, kiểm tra, như vậy quá đủ sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ trên, bởi vậy không cần thiết thành lập thêm các tổ liên ngành để theo dõi những hành vi này.

Các lực lượng cũng có thể nắm bắt được công việc của nhau, quan trọng nhất là phát hiện của người dân để báo cáo lại Bộ Công an, Bộ GTVT, UBATGTQG xử lý với những vật chứng cụ thể, rõ ràng. Cách đây 2 năm, nhờ báo cáo của người dân, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã chỉ đạo quyết liệt vụ “mãi lộ” ở Thanh Hóa mà có nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý nghiêm. Do đó, người dân khi tham gia giao thông là những tai mắt của Bộ Công an, UBATGTQG.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Một bạn đọc ở hòm thư vietthang03@gmail.com  hỏi: Thông xe trước thời hạn đường cao ở Thủ đô Hà Nội mới đây là sự kiện rất vui đối với người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, mong muốn một Thủ đô ngày càng to, đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Vậy, kế hoạch của ngành Giao thông vận tải tới đây có triển khai tiếp tuyến đường nào không?

Ông Lê Mạnh Hùng: Tôi muốn nói rằng, việc khánh thành tuyến đường trên cao đã làm giảm rõ rệt sức ép giao thông cho thành phố, góp phần tránh gây xung đột trong khi tham gia giao thông, đảm bảo thông suốt trong tham gia giao thông tại nội đô.

TP.Hà Nội đang triển khai tuyến đường: Cát Linh – Hà Đông; tuyến đường Nhổn, Nam Hồ Tây – Trần Hưng Đạo, hay như TP.Hồ Chí Minh cũng đang triển khai tuyến đường vành đai thành phố và tuyến đường TP.Hồ Chí Minh - Lê Văn Lương...

Để xây dựng những tuyến đường này phải chi phí kinh tế tương đối cao, trong khi nguồn thu cho lĩnh vực này cũng có giới hạn, vì phải đảm bảo các nguồn lực khác như: Y tế, giáo dục… Trước mắt, xây dựng những nút giao thông nhiều tầng sẽ cải thiện được ách tắc giao thông.

Tất cả những giải pháp trên đều nằm trong quy hoạch năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Giao thông vận tải cùng với hai thành phố lớn sẽ thường xuyên cập nhật để có những điều chỉnh kịp thời, mà trước mắt là cải thiện một phần nhu cầu cho giao thông vào dịp Tết Nguyên Đán tới đây.

Nguyện vọng của bạn cũng đúng với nguyện vọng của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ căn cứ vào nguồn lực của đất nước, nguồn thu của hai thành phố, để có những chỉ đạo, điều hành hiệu quả, từng bước giảm sức ép giao thông.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Nhiều cán bộ đã nghỉ hưu hỏi: Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông cũng là một trong những giải pháp ngăn ngừa sự gia tăng tai nạn giao thông. Vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020?

Ông Lê Mạnh Hùng: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) định hướng nhiều nội dung, trong đó đã ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể là ưu tiên phát triển Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 đối với vùng miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Từ nay đến năm 2016, bằng các nguồn vốn, các hình thức xã hội hóa và các hình thức đầu tư phù hợp, cơ chế khuyến khích của Nhà nước, sẽ cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh lên 4 làn xe và có dải phân cách ở  giữa để tránh đối đầu các xe vận tải đường dài như xe bus, xe khách, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đáng kể. Qua điều tra của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra trên đường Quốc lộ 1A chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ.

Chúng ta cũng cần đầu tư cho các tuyến đường Quốc lộ 14, bảo đảm giao thông thông suốt nối các vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và các cảng biển của nước ta, cũng như kết nối với các nước bạn như: Lào, Campuchia, bởi ngoài việc phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên còn bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng nâng cao hệ thống hạ tầng, bảo đảm hệ thống chạy tàu an toàn và đúng giờ trên tuyến đường sắt này. Hệ thống vận tải hàng không cũng tiếp tục mở các đường bay, sân bay mới, huy động nhiều đơn vị cùng tham gia vào lĩnh vực này, bảo đảm các tiêu chí của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế) và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để thuận tiện đi lại.

Nhân đây, tôi xin nói thêm, song song với việc phát triển Quốc lộ 1A cơ bản với 4 làn đường vào năm 2016, thì chúng ta vẫn tiếp tục hoàn thành hơn 600km đường cao tốc vào năm 2015 và các tuyến đường ven biển, vừa chống biến đổi khí hậu, vừa cơ bản giảm tải giao thông cho Quốc lộ 1A, đồng thời cũng góp phần giảm tải ách tắc giao thông và tai nạn giao thông nói chung.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Một số ý kiến của bạn đọc cho rằng, việc xử lý vi phạm xe quá tải, quá khổ rất khó, vì nhiều trường hợp cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ ngành Giao thông có cổ phần đầu tư vào lĩnh vực vận tải. Xin mời ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ về vấn đề này, sau đó mời ông Lê Mạnh Hùng trả lời tiếp.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực ra, tình trạng xe quá khổ, quá tải là một trong những câu chuyện mà xã hội, ngành Giao thông, ngành Công an rất bức xúc. Bản thân các doanh nghiệp giao thông vận tải nhiều khi cũng rất bức xúc. Nó không chỉ gây mất an toàn giao thông (bởi khi vượt quá trọng tải thì các thiết bị an toàn không bảo đảm), là tác nhân trực tiếp làm hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh và nghiêm trọng (nhiều tuyến đường vừa làm xong đã hỏng ngay).

Để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp tổng thể và đồng bộ, trong đó, việc đầu tiên, các doanh nghiệp vận tải cần tính toán lại cước phí (theo phản ánh của ngành Giao thông vận tải, cước phí hiện nay thấp, vì thế cần tính toán để tối đa hóa lợi nhuận). Bên cạnh đó, việc quản lý Nhà nước cần chặt chẽ hơn. Hiện nay, Cục đăng kiểm đã tham mưu và Bộ Giao thông vận tải có nhiều văn bản chỉ đạo xung quanh vấn đề này.

Riêng đối với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông cần tuần tra và xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên, khó nhất đối với việc xử phạt xe quá tải để hạ tải rất khó, vì không có hệ thống bến bãi lưu giữ số hàng ngày, thậm chí không đủ phương tiện cân động, cân tĩnh để biết số hàng đó quá tải bao nhiêu… Chắc chắn, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tham mưu để sớm triển khai những vấn đề này.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa, tôi không khẳng định nhiều hay ít, những chắc chắn có hiện tượng người nhà hay bạn thân một số người  trong  lực lượng chức năng có cổ phần, thậm chí bảo kê. Pháp luật cấm cán bộ, công chức và gia đình người thân không được trực tiếp kinh doanh trong lĩnh vực mình phụ trách. Câu chuyện này điều tra không khó, khó khăn nhất là “đi đêm với nhau” giữa lực lượng chức năng với doanh nghiệp vận tải. Đối với cơ quan chức năng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ có tham mưu để chấm dứt triệt để hiện tượng này.

Ông Lê Mạnh Hùng: Vấn đề xe quá khổ, quá tải là vấn đề nhức nhối, đặc biệt đối với ngành Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải đã có Thông tư liên quan đến việc xử lý xe quá khổ. Theo đó, nghiêm cấm các địa phương cấp phép sửa đổi thành xe quá khổ, quá tải. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành khác như Bộ Công Thương, không cho phép nhập xe quá khổ, quá tải vào Việt Nam.

Gần đây nhất, tại Quyết định số 1502 ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt tổng thể Trạm kiểm tra trọng tải xe đến năm 2020 với 45 trạm cân tải trọng xe. Theo tôi, khi các trạm cân trọng tải xe được phân bổ theo Quy hoạch trên hệ thống quốc lộ, cửa khẩu,… sẽ giảm được tình trạng này. Đặc biệt, ngay từ những điểm xuất phát như: Các kho hàng, bến bãi thì cũng nên thiết lập các trạm cân từ bây giờ, không thể cho lưu thông các loại xe quá tải. Đây là do giá cước vận tải thấp, nên các doanh nghiệp muốn bớt chi phí, nên tăng tải trọng lên quá mức đăng kiểm cho phép đối với phương tiện.

Vấn đề này đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các địa phương, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cần có trách nhiệm giám sát kiểm tra, đặc biệt ở các vùng có khu mỏ, các công trình xây dựng… cần phối kết hợp kiểm tra, quản lý thì tình trạng này sẽ giảm đi rất nhiều.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Lê Khắc Tuấn (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi: Tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật giao thông, nhưng cần tăng trách nhiệm và đạo đức công vụ của lực lượng trực tiếp xử phạt vi phạm như: Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp có quan điểm như thế nào về ý kiến này ?

Ông Lê Hoàng Hiệp: Đây là chủ trương của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt. Riêng Bộ Công an, trong năm 2012, đã tổ chức 4 hội nghị về vấn đề này. Trong đó, quan trọng là làm thế nào để giữ hình ảnh người chiến sĩ Công an thân thiện hơn; làm thế nào để phòng chống tiêu cực. Riêng Bộ Giao thông vận tải đã họp thường xuyên bàn về vấn đề này và đã có Chỉ thị do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký, ban hành về "Nâng cao năng lực, trình độ và chống hành vi vi phạm trong lực lượng thanh tra giao thông".

Đúng như bạn đọc đã nói, tăng xử phạt sẽ có mức độ răn đe cao hơn. Khi mức độ răn đe cao hơn thì người dân ra đường sẽ thấy sợ và thận trọng hơn, chấp hành luật giao thông tốt hơn.

Có hai vấn đề: Một là, tăng mức xử phạt và tăng tiền xử phạt; hai là, cần công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ

Ông Lê Mạnh Hùng: Trong báo cáo gửi Quốc hội, tiêu chí của năm 2013 là ngoài vấn đề tiếp tục thực hiện văn hóa giao thông, nâng cao ý thức người thi hành công vụ và người tham gia giao thông thì có hình thức tăng mức xử phạt. Hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền cũng đề nghị tăng mức xử phạt đối với những vi phạm an toàn giao thông. Trong Dự thảo Luật Thủ đô, cũng đề nghị tăng mức xử phạt.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Lê Thu (giáo viên tại Hà Nội): Chúng ta dễ dàng phát hiện ra những xe cơ giới không bảo đảm chất lượng (xe cũ nát), xả khói đen ngòm trên đường phố,  nhưng vẫn được cơ quan đăng kiểm của ngành Giao thông “đóng dấu chất lượng” cho lưu thông, và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông? Vậy, ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Mạnh Hùng: Có những phương tiện chạy diesel, kể cả những xe khách chở khách trong giờ cao điểm, các xe chạy diesel trong lúc sang số chuyển giao tốc độ thì nguyên lý vận hành động cơ diesel và tiêu chuẩn khí thải của chúng ta có lộ trình áp dụng, thì nó xảy ra các hiện tượng khói đen như vậy. Tôi đang nói về nguyên lý của nó chứ không nói đến chuyện những xe mà không qua đăng ký, đăng kiểm vẫn cố tình lưu hành trong phạm vi nhất định nào đó.

Nói như vậy, bạn đọc cũng đánh giá hơi oan cho ngành đăng kiểm, không phải Cục Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông vận tải mà chúng tôi bênh. Trong thời gian vừa qua đã có 77.461 phương tiện đã hủy không được phép lưu hành về niên hạn, ví dụ 45.000 ô tô chở hàng có thời gian trên 25 năm, 31.850 ô tô chở khách có thời gian trên 25 năm. Hiện nay, những xe hết niên hạn, quá tuổi sử dụng đã được công bố công khai trên website của Bộ Giao thông vận tải, Báo Giao thông vận tải và trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ đăng kiểm viên thì trên các hệ thống trạm đăng kiểm đã lắp các hệ thống camera giám sát kết nối với trung tâm điều hành của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Theo đó, nếu đơn vị nào để xảy ra tình trạng xe quá niên hạn mà vẫn đăng kiểm cho lưu hành thì sẽ xử lý thật nghiêm.

Qua đây, chúng tôi cũng mong bạn đọc đóng góp ý kiến để không ngừng chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của cán bộ thừa hành nhiệm vụ, vừa quản lý chặt chẽ, vừa tạo được sự thông thoáng cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng: Bạn Nguyễn Thị Thắm, công tác trong ngành LĐTBXH TP Nam Định hỏi: Có nên thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông? Nguồn cấp cho Quỹ này lấy từ đâu ? Cơ quan nào sẽ quản lý và các giải pháp nào để quản lý, sử dụng Quỹ cho hiệu quả, chống thất thoát?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong kế hoạch của chúng tôi, ngay trong Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông cho ra đời Quỹ hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả mặt thủ tục hành chính nên Quỹ này chưa thể ra mắt trong năm 2012. Tôi cho rằng, ở Việt Nam nên có Quỹ hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông. Đối với người bị tai nạn giao thông, chúng ta nên có những chia sẻ. Đây là văn hóa người Việt và chủ trương của Nhà nước. Nếu Quỹ ra đời thì bằng hình thức xã hội hóa là chủ yếu. Trong đó, có sự đóng góp từ các doanh nghiệp, chủ yếu là từ các nhà sản xuất ô tô, xe máy, các nhà hảo tâm, và một phần số tiền xử lý vi phạm hành chính. Chúng tôi đang cố gắng thành lập Quỹ  trong năm 2013.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Thắng:

Kính thưa quý vị và các bạn, kính thưa quý bạn đọc

Chương trình giao lưu trực tuyến "Bảo đảm an toàn giao thông là trách nhiệm của chúng ta" đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc với hàng trăm câu hỏi gửi về tòa soạn Báo. Qua gần 3 giờ giao lưu, các vị khách mời: Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm những câu hỏi do bạn đọc gửi tới Báo.

Các câu hỏi tập trung vào một số nội dung: Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông ngày 19/11/2012 và ý nghĩa của sự kiện này; Phân tích thực trạng, nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ TNGT giải pháp khắc phục; Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; Vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cùng với các giải pháp chống thất thoát lãng phí, bảo đảm chất lượng tuổi thọ các công trình giao thông; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Xử lý vi phạm trong an toàn giao thông; Vai trò của truyền thông trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; Kết quả khả quan của năm An toàn giao thông 2012...

Một số câu hỏi đề cập đến những vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm như: Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải với tư cách là Cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực an toàn giao thông sau khi Nghị định số 71/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 34 của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có quy định về xử lý người chủ xe không sang tên, đổi chủ khi lưu hành giao thông; về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để tai nạn giao thông gia tăng; Phòng ngừa tiêu cực trong lực lượng thanh tra giao thông…

Qua buổi giao lưu, một lần nữa chúng ta gióng lên những hồi chuông cảnh báo về nỗi đau không có gì có thể đau hơn khi người thân trong gia đình gặp phải tai nạn giao thông. Qua đó, thấy được trách nhiệm giữ gìn an toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, của tất cả chúng ta. Trong đó, một trong những lực lượng chủ công, thường trực là Bộ GTVT. Để giữ được trọng trách thường trực, bạn đọc mong muốn cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải luôn đi đầu trong việc tuân thủ pháp luật giao thông. Đồng thời, qua cuộc giao lưu, chúng ta cũng thấy được trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội và các cơ quan báo chí trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Trong đó, mong muốn của UBATGTQG, Bộ GTVT là báo chí cần tích cực việc xây dựng chuyên trang, chuyên mục về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông, thiết thực triển khai Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, triển khai các Nghị quyết và các đạo luật do Quốc hội ban hành, đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết 88/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm an toàn giao thông.

Phó Tổng biên tập Báo điện tử ĐCSVN Nguyễn Văn Thắng phát biểu kết thúc chương trình giao lưu

Còn rất nhiều câu hỏi khác bạn đọc đã gửi đến, nhưng do điều kiện thời gian, nên khách mời giao lưu chưa thể trả lời trực tiếp đến bạn đọc. Những vấn đề do độc giả nêu ra đã được Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia; Bộ Giao thông vận tải  ghi lại để xem xét, từng bước giải quyết theo thẩm quyền.

Về phía chúng tôi, những người làm báo điện tử ĐCSVN thông qua buổi giao lưu này mong muốn cùng viết lên một thông điệp rằng: Chúng ta hãy chuyển niềm thương xót những người thiệt mạng bởi TNGT thành những hành động cụ thể, trước hết, trên hết: Mỗi người trong chúng ta hãy nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông, không ai giữ gìn tính mạng, sức khỏe của mình bằng chính mình.

Cho phép tôi dừng lời tại đây. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn sự có mặt và tham gia buổi giao lưu của hai vị khách mời: Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp; chân thành cảm ơn sự quan tâm, đặt câu hỏi của quý bạn đọc và quý vị, cám ơn các cơ quan báo chí bạn đã quan tâm theo dõi và đưa tin kịp thời về nội dung buổi giao lưu.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực