Người mẹ thứ 2 của học sinh Đan Lai

Thứ hai, 30/12/2019 12:01
(ĐCSVN) - Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã không ngại gian khổ để nhận nhiệm vụ ở Đồn Biên phòng Môn Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Nguyện vọng của Thiếu tá là mong muốn chia sẻ khó khăn và giúp đỡ bà con nghèo ở vùng sâu cùng phát triển.
leftcenterrightdel
 Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh phối hợp trao tặng con giống cho các hộ đồng bào nghèo Đan  Lai.

Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh, nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An, được đánh giá là người gần dân, bám dân để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Trường THCS Môn Sơn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, nơi đây có 68 em học sinh con đồng bào người Đan Lai học tập. Những năm học trước, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động các em học sinh, con em của người Đan Lai đến trường, do gia đình các em quá khó khăn, cách xa trường, đường đi lại khó khăn. Những ngày nghỉ cuối tuần về nhà, rất ít các em trở lại trường học tiếp, các em theo bố mẹ lên nương rẫy. Đã nhiều lần vận động nhưng không đạt hiệu quả. Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Đồn Biên phòng Môn Sơn, tổ chức đến tận gia đình vận động bố mẹ và đưa các em trở lại trường học chữ. Để tạo điều kiện cho các cháu, đơn vị đã cử 3 cán bộ vận động quần chúng trực tiếp theo dõi, chăm sóc các cháu, trong đó có Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh. Là người mẹ, Thiếu tá Thanh hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của những đứa trẻ sớm phải xa gia đình để học chữ. Đồng chí đã cùng cán bộ trong đội, phối hợp cùng với Ban quản lý ký túc xá hướng dẫn các em cách sinh hoạt điều độ, ăn uống hợp vệ sinh và rèn luyện sức khỏe hằng ngày.

leftcenterrightdel
Ban chỉ huy Đồn Biên Phòng Môn Sơn và Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh trao đổi với quản lý ký túc xá trong giúp các em học sinh. 

Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh cho biết: Các con ở đây khi tắm thường mặc nguyên đồ như thế nên rất khó đảm bảo vệ sinh, do các cháu sống biệt lập với thế giới bên ngoài nên rất ngại tiếp xúc với người lạ. Với tình cảm của người phụ nữ coi các cháu như con mình, tôi đã ân cần, chia sẻ, động viên các cháu, bắt đầu là những hành động như trao đổi, chuyện trò, giúp các cháu  tắm gội hằng ngày, từ đó đã thay đổi được nhận thức và thói quen, giúp các cháu có lối sống khoa học, sạch sẽ.

Thầy giáo Lê Duy Thuận, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chia sẻ: Được sự quan tâm đặc biệt của Đồn Biên phòng Môn Sơn, các anh đã cắt cử người xuống hướng dẫn cho các em sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân. Hiện nay, các em cơ bản đã làm quen cách sinh hoạt, ăn ở đã gọn gàng và quy củ, ngăn nắp hơn. Nhất là các em không còn bỏ học nữa.     

Rời khu nội trú của trường Trung học cơ sở xã Môn Sơn, chúng tôi có mặt tại một buổi sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của bản Bắc Sơn, xã Môn Sơn. Tên thì như vậy, nhưng câu lạc bộ sinh hoạt với các chủ đề bình dị, gắn liền với cuộc sống. Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ luôn có chủ đề bảo vệ đường biên, cột mốc.

Với sự hỗ trợ của các cán bộ Biên phòng, đặc biệt là Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh, 35 hội viên câu lạc bộ đã được hỗ trợ kinh nghiệm phát triển kinh tế, chăm sóc y tế. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Chị Hà thị Dung – Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Từ trước đến nay, chị Thanh là người phụ nữ đầu tiên đến ở đồn Biên phòng. Chị là người dễ gần, trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, những kinh nghiệm từ tăng gia, sản xuất phát triển kinh tế được chị Thanh lồng ghép tuyên truyền trong chị em, giúp chị em áp dụng giúp nhau, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đối với các hộ gia đình, các hội viên khó khăn chị đã kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, vật chất giúp đỡ các gia đình hội viên.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh thăm hỏi các gia đình khó khăn trên địa bàn xã Môn Sơn huyện Con Cuông.

Chúng tôi cùng đến thăm gia đình chị Hà Thị Tứ, thành viên câu lạc bộ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của bản Bắc Sơn, trước sự xâm nhập của dịch tả lợn châu phi vào địa bàn, nhưng đàn lợn của gia đình chị vẫn phát triển tốt, hứa hen sẽ có nguồn thu nhập đáng kể sau khi bán lứa lợn này. Để hỗ trợ cách phòng chống dịch tả lợn cho chị em hội viên, Thiếu tá Thanh đã phổ biến những kiến thức chăn nuôi đảm bảo khoa học, kỹ thuật, trực tiếp hướng dẫn cho các thành viên. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, thay cho chăn nuôi theo lối truyền thống, đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị Tứ và người dân phát triển tốt. Chị Hà Thị Tứ chia sẻ: Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ có rất nhiều nội dung, không chỉ tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, chị em còn thành lập ra các tổ giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, trong đời sống kinh tế, làm quỹ tiết kiệm luân phiên nhau giúp chị em phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay trên địa bàn xã Môn Sơn đã có 3 câu lạc bộ ở ba bản là Bắc Sơn, Nam Sơn và làng Yên. Các thành viên trong câu lạc bộ đều sinh ra và lớn lên ở địa bàn biên giới nên từng đường đi, lối lại, từng con suối, con sông đều nắm rất rõ và đó chính là những người bảo vệ đường biên cột mốc, đường biên tốt nhất.

Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh cho biết: Người dân trên địa bàn, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào Đan Lai, bởi còn nhiều hủ tục lạc hậu. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, nhiều hộ Đan Lai đã được di dời ra bên ngoài rừng, được cấp nhà ở, hướng dẫn sản xuất. Nhưng họ vẫn rất cần sự hỗ trợ về vật chất, con giống, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Sau 26 năm công tác trong lực lượng BĐBP, được thấy những khó khăn, của đồng bào biên giới, với mong muốn góp sức mình vì sự phát triển của địa bàn vùng biên. Chính những điều đó đã thúc giục Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh làm đơn xin được phục vụ ở đồn Biên phòng, thực hiện được ước mơ, mong muốn của mình là được đến với bà con./.

Hải Thượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực