Vị giáo sư tâm huyết với trí thức Hà Nội

Thứ sáu, 30/06/2017 08:46
Hơn 60 năm gắn bó với khoa học, Giáo sư Tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp hội Hà Nội) đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Liên hiệp hội, phát huy vai trò ngày càng to lớn của đội ngũ trí thức Thủ đô trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

* Cả đời cống hiến cho nông nghiệp 

Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê thuần nông tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thấu hiểu những gian truân, vất vả của người nông dân “một nắng hai sương”, mới 16 tuổi chàng thanh niên Vũ Hoan đã xung phong nhập ngũ và trở thành “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Tuy thời gian phục vụ trong quân đội không nhiều nhưng đã giúp ông rèn luyện để có thêm nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Sau 3 năm ở trong quân ngũ, năm 1956 ông chuyển ngành, rồi thi đỗ vào Trường Đại học Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. 

GS, TS Vũ Hoan. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Ngay từ lúc còn là sinh viên đại học, ông đã không quản khó nhọc, phổ biến cho bà con về kỹ thuật nông nghiệp như: xử lý giống lúa bằng phương pháp "3 sôi 2 lạnh", lọc hạt giống lúa tốt bằng nước bùn, làm phân xanh vừa phải, tham gia vận động nông dân vào tổ đổi công giúp nhau sản xuất... Trong những năm từ 1964-1968, ông thường xuyên bám sát đồng ruộng, nhiều lần dẫn hàng trăm sinh viên xuống các hợp tác xã nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội để tìm hiểu thực tế, gắn học với hành. Đồng thời, ông còn nghiên cứu và hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh hại cà chua và rau, phổ biến và thử nghiệm kỹ thuật trồng rau mới, kỹ thuật thâm canh lúa. 

Ông cũng là người đầu tiên nghiên cứu thành công cách phòng chống bệnh mốc sương cà chua, cứu được hàng trăm héc-ta cà chua và khoai tây ở các huyện ngoại thành Hà Nội (biện pháp này hiện vẫn được áp dụng). Không chỉ có vậy, ông còn nhiệt tình hướng dẫn nông dân nuôi bèo hoa dâu, trồng cây lấy phân xanh, áp dụng kỹ thuật gieo cấy mới...Những năm từ 1972-1986, trên cơ sở những kiến thức đã tích lũy được, ông tiếp tục nghiên cứu và hướng dẫn nông dân nhiều biện pháp thâm canh mới và giúp đưa các giống lúa, ngô, đậu tương vào cơ cấu cây trồng của các huyện ngoại thành, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn đó đã giúp ông rất nhiều trong quá trình học tập, rèn luyện nhất là việc củng cố, mở rộng và hiểu sâu những kiến thức đã học, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học sau này. 

Không những trực tiếp nghiên cứu, ông còn làm chủ nhiệm nhiều đề tài, chương trình khoa học phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Đơn cử như chủ nhiệm đề tài “Điều tra cơ bản nguồn gene sinh vật của Hà Nội”; chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm các đề tài về môi trường (điều tra môi trường, kỹ thuật môi trường và xử lý môi trường), nông nghiệp, cơ sở hạ tầng; chủ nhiệm dự án “Quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Hồng (VIE 89/034) của thành phố Hà Nội”; chủ nhiệm đề tài “Điều tra đánh giá ảnh hưởng của các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội đến việc phát triển của ngành du lịch Hà Nội”; chủ nhiệm chương trình rau sạch... Ông là người đầu tiên đề xuất và huy động các nhà khoa học cùng nghiên cứu về rau sạch của Hà Nội cũng như cả nước trong giai đoạn 1992 - 1997. 

Cụ thể, ông đã đề xuất nghiên cứu ban hành các quy định về tiêu chuẩn rau sạch, cửa hàng bán rau sạch, quy trình tiêu chuẩn sản xuất rau sạch của 22 loại rau; tư vấn giúp thành phố xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau sạch...Từ đó đến nay, ông nghiên cứu nhiều đề tài nghiên cứu, chỉ đạo đơn vị hoặc giúp đỡ và khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi sản phẩm hữu cơ từ sản xuất đến bàn ăn. 

* Gắn bó với đội ngũ trí thức Thủ đô 

“ Tôi luôn nhớ mãi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ lúc đang học năm thứ 2 Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Đặc biệt là những lời Bác động viên, khích lệ những kỹ sư trẻ tương lai lúc đó. Bác nói: “Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm cũng như các trường Đại học khác, sau khi học xong ra phục vụ đất nước đều ngang như nhau không ai sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi để trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ cho nền nông nghiệp nước nhà”, giáo sư Hoan chia sẻ. 

Theo lời dạy của Bác, suốt hơn 60 năm qua, ông đều rèn luyện đạo đức, cố gắng hết sức hoàn thành thật tốt mọi công việc được giao. Với 24 năm giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hoan có 12 năm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Môi trường thành phố, gần 30 năm làm Phó Chủ tịch (kiêm nhiệm) và Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Nội. Ông từng giữ các cương vị Chủ tịch Hội các ngành sinh học Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thủ đô, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam… 

Giáo sư Vũ Hoan cũng là người liên tục tham gia Ban lãnh đạo Liên hiệp hội Hà Nội ở cả 6 nhiệm kỳ qua. Trong suốt thời gian đó, cùng với các cộng sự của mình, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Liên hiệp hội, phát huy vai trò ngày càng to lớn của đội ngũ trí thức Thủ đô trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Giáo sư Hoan chia sẻ: “Là nhà khoa học, phải luôn luôn bám sát thực tiễn và không ngừng sáng tạo. Trong hoạt động xã hội, phải thể hiện lòng chân thành, khiêm tốn và thông cảm vị tha. Và phần thưởng lớn nhất đối với tôi là được đội ngũ trí thức, cán bộ, hội viên và nhân dân yêu mến, tin tưởng...”. 

Không chỉ say mê các hoạt động nghiên cứu khoa học, ở nơi cư trú, hơn 15 năm nay ông là Đảng ủy viên Đảng ủy Phường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội... Giáo sư Vũ Hoan đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, được mọi người tin yêu và nể trọng. Ông mang hết tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quang Trung, ông đã cùng cán bộ MTTQ và các đoàn thể phường làm tốt công tác vận động quần chúng, triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào quần chúng, trong đó có việc tham gia giải phóng mặt bằng để xây dựng vườn hoa 1/6 và công viên Trần Quang Diệu - địa điểm vui chơi giải trí có ý nghĩa thiết thực với người dân địa phương. 

Bằng những cống hiến của mình với khoa học, ông đã được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, bằng khen và danh hiệu cao quý, trong đó vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, được vinh danh là Trí thức tiên tiến tiêu biểu năm 2015 của Liên hiệp Hội Việt Nam và Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015. 

Dù bước sang tuổi 80, ông vẫn không ngừng sáng tạo và cống hiến cho khoa học, ông đã chứng tỏ và khẳng định niềm đam mê, đạo đức nghề nghiệp là những yếu tố không thể thiếu đối với một nhà khoa học chân chính./.

Diệu Thúy/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực