Người say mê với tranh khắc đá về chủ đề Bác Hồ

Thứ sáu, 15/01/2010 14:42

Hơn 10 năm qua, với 30 bức ảnh được đục nổi theo không gian ba chiều trên đá nói về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ đối với dân tộc Việt Nam, cũng là quãng thời gian nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, khu 10, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã cần mẫn tìm đá khắc tranh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với tình cảm kính trọng Bác Hồ và tâm hồn say mê nghệ thuật điêu khắc đá, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang thổi hồn vào đá, tạo nên bộ sưu tập vô giá về Bác Hồ cho muôn đời sau. Tranh của anh đã được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn phòng Trung ương Đảng, nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được đông đảo công chúng đón nhận, đánh giá cao...

Anh Giang tâm sự: Tuy không được gặp Bác nhưng tất cả tài liệu mà tôi dày công sưu tầm được trong thời gian qua có thể tái hiện một phần cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng cũng như những phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhiều hoạ sĩ thể hiện Bác qua các chất liệu khác nhau như bức tranh "Bác Hồ về nước" của Hoạ sĩ Trịnh Phòng; Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghép từ dây điện của Họa sĩ Đỗ Năm... nhưng những chất liệu đó, sẽ bị úa, biến dạng theo thời gian. Vì thế, tôi nghĩ ngay đến việc thể hiện hình ảnh Bác trên một chất liệu hoàn toàn mới, độc đáo, tự nhiên và bền vững, đó là đá. Sau một thời gian dài lặn lội khắp các tỉnh Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An…để tìm nguồn nguyên liệu phù hợp cho việc khắc tranh. Sau này nhờ sự chỉ dẫn của một cán bộ trong ngành địa chất, anh đã tìm về núi Nhồi, tỉnh Thanh Hóa mới lấy được những phiến đá đủ to, mịn, rắn chắc để khắc tranh đá. Sau khi đã tìm được đá, năm 1997, anh bắt tay nghiên cứu tài liệu rồi sáng tác. Nhờ đó, đến nay anh Giang đã hoàn thành bộ sưu tập với 30 bức ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ đối với dân tộc Việt Nam. Toàn bộ những tác phẩm về Bác được đục nổi theo không gian ba chiều trên đá. Trong đó, có thể kể đến các tác phẩm như: “Chống gậy lên non xem trận địa”, “Bác Hồ căn dặn chiến sĩ trước Đền Hùng”, “Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập”, “Nguyễn Tất Thành tại Đại hội Đảng Cộng sản Pháp 1920”... Nhiều địa danh lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác như: Lán Khuẩy Nậm (Cao Bằng), lán Nà Lừa (Tuyên Quang), làng Kim Liên (Nghệ An)… cũng được anh khắc lên đá rất đẹp. Đặc biệt, sau 19 tháng miệt mài làm việc, mới đây anh đã cho ra đời tác phẩm “Bút tích bản thảo Di chúc cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tất cả các con chữ đều được khắc nổi trên đá, giống như một bản photocoppy từ bản Di chúc của Bác. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo, có giá trị giáo dục sâu sắc...

Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đến với nghề khắc đá là một sự tình cờ trong sự mò mẫm tìm kế mưu sinh. Là người sinh ra và trưởng thành ở vùng đất cổ Sơn Vi- địa danh nền văn hoá Sơn vi nổi tiếng được thế giới biết đến, có một số nghề thủ công truyền thống nổi tiếng trong vùng, anh đã sớm tiếp thu truyền thống lao động cần cù, khéo tay, sáng tạo. Vì thế mà trong 9 năm du học và sinh sống ở Bungari, ngoài theo học chuyên ngành kỹ thuật chế tạo máy, Triệu Hoàng Giang đã chủ động học thêm nghề khắc đá. Và chính nghề khắc đá này đã giúp anh trở thành nghệ nhân khắc đá nổi tiếng cả nước, với những hình ảnh rất sinh động có hồn về Bác Hồ kính yêu./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực