Góp phần tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa của một chuyến đi lịch sử

Thứ sáu, 03/06/2011 07:19

(ĐCSVN)- Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống con tàu A-mi-ran La-tút-sơ Trê-vin, từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), thực hiện một chuyến đi lịch sử với mục đích tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Một cuộc hành trình cách mạng của người con ưu tú của dân tộc, (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã mở ra trang mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Một thế kỷ đã trôi qua, nhưng sự kiện đó vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc.

Trong cuộc đời của mỗi con người có nhiều chuyến ra đi, nhưng đây là một chuyến đi có một không hai trong lịch sử cận hiện đại của một vĩ nhân. Một chuyến đi dài ngày nhất và xa nhất, cuộc hành trình kéo dài 30 năm qua 3 đại dương, 4 châu lục và khảo sát qua 30 nước trên khắp thế giới để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Một chuyến đi đầy khát vọng của người con ưu tú của dân tộc mà hành trang chỉ có hai bàn tay trắng với một trái tim yêu nước nồng nàn, cháy bỏng quyết tìm cho được con dường để cứu dân tộc thoát khỏi những đêm dài nô lệ, lầm than. Một cuộc hành trình đẹp đẽ và cao cả đầy khó khăn, gian khổ và nhiều hiểm nguy, nhưng Người đã chấp nhận sẵn sàng vượt qua với một nghị lực phi thường quyết tìm cho được con đường cứu nước, cứu dân. Con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy và dẫn dắt dân tộc ta đi theo và giành được những thắng lợi vĩ đại, mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là những đóng góp vào việc giải quyết khát vọng lớn lao nhất của nhân loại là cải tạo thế giới để giải phóng con người.

Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ của chúng ta lại quyết định ra đi thực hiện một cuộc hành trình lịch sử, đầy khó khăn như vậy? Đây là một câu hỏi lớn, để lý giải một cách cặn kẽ, có tính khoa học và sức thuyết phục cao không phải là điều dễ dàng. Bởi vì, lớp bụi của thời gian đã phủ dầy lên các sự kiện, mặt khác với đức tính khiêm tốn vốn có Bác ít nói về mình nhưng với trách nhiệm của mình, chúng ta cần tìm hiểu một cách chu đáo để mỗi người có quyền tự hào một cách chính đáng về Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới…Những kết quả nghiên cứu cho thấy: Người đã hội tụ đầy đủ các yếu tố(cả khách quan và chủ quan) tạo nên sức mạnh và động lực thôi thúc Người ra đi, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, kể cả hiểm nguy quyết tìm cho được con đường cứu nước, cứu dân. Những yếu tố đó là:

Thứ nhất: Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Người thấm đượm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam , chính điều đó đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Điều này, các nhà nghiên cứu đều thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những người nghiên cứu sâu sắc về Bác Hồ đã viết: Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại. Tình yêu nước thương nòi của Người sâu sắc bao la, không lấy gì so sánh được. Bác Hồ đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu nước cứu dân. Chủ nghĩa yêu nước là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh… Đó là hành trang của Người khi đi tìm đường cứu nước. Trả lời nhà báo Nga Người viết: Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý Luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Yêu nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước, trở thành tình cảm thiêng liêng trong mỗi người Việt Nam.Chủ nghĩa yêu nước giữ vị trí chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần, là động lực nội sinh to lớn của dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt mấy ngàn năm lịch sử. Đây là động lực quan trọng thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, là nhân tố khách quan nhưng chưa đủ, bởi cũng có nhiều người Việt Nam yêu nước nồng nàn nhưng chưa tìm được con đường cứu nước đúng đắn, nên không thành công, cần phải có thêm những yếu tố khác nữa. Đó là một thực tế

Thứ hai : Truyền thống của quê hương và gia đình

Chủ nghĩa yêu nước là giá trị thiêng liêng, là mẫu số chung của toàn dân tộc Việt Nam, nhưng tùy vào điều kiện cụ thể mà độ đậm nhạt, nông sâu của tinh thần yêu nước trong mỗi người có những mức độ và thể hiện khác nhau. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã thấm đượm trong con người Bác, tình cảm ấy của Bác lại được nuôi dưỡng, tiếp sức và nhân lên gấp bội bởi truyền thống của quê hương và gia đình. Đây là một nét đặc sắc của chủ nghĩa yêu nước trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.

Quê hương Bác có núi cao sông rộng, miền quê đẹp như bức tranh thơ,một vùng quê giầu truyền thống yêu nước và đầy ắp tình người đã thấm đượm trong các làn điệu đân ca xứ Nghệ, đây cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, cách nhà Bác không xa là thành Vạn An của Mai Hắc Đế, gần hơn một chút là nhà của cụ Phan Bội Châu một chí sĩ yêu nước mà suốt đời Cụ chỉ có một khát vọng tìm ra cách cứu nước, cứu dân, nhưng không thành công…Chế độ cai tri tàn bạo của thực dân Pháp đã tạo nên lớp sóng cồn trong xã hội Việt Nam, với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân ta ở khắp mọi niềm, trong đó có Nghệ Tĩnh quê hương Bác liên tiếp đứng đấu tranh anh dũng chống lại ách đô hộ thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc, nhưng tất cả các cuộc đấu tranh đó đều thất bại.Thực tiễn đó đặt ra cho Người câu hỏi: Làm thế nào để giành được độc lập cho Tổ quốc? Người luôn trăn trở suy nghĩ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân

Về gia đình: Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước và tiến bộ, cả nhà Bác đều là những người yêu nước, thương dân sâu sắc. Cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ của Bác là người rất giầu lòng yêu nước thương dân đã có một quyết định đúng đắn, tiến bộ mang tính đột phá so với các nhà nho giáo đương thời bằng việc cho con mình học ngoại ngữ (tiếng Pháp), tạo điều kiện để Nguyễn Tất Thành tiếp cận với nền văn hóa phương Tây để mở rộng tầm nhìn, có thêm nhận thức mới; Và trong những lúc đàm đạo về thế sự với bạn bè và những người thân cùng chí hướng,Cụ thường cho các con tham dự cùng nghe. Đồng thời, luôn ủng hộ, động viên, tạo điều kiên để Nguyễn Tất Thành suy nghĩ và hành động. Đây là những tiền đề quan trọng để Bác Hồ của chúng ta có những ý tưởng,định hướng cho việc ra đi tìm đường cứu nước.

Thứ ba: Với thiên tài của trí tuệ cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Người.

Thấm đượm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống cách mạng của quê hương và hơn thế nữa lại được sự vun trồng chăm sóc, nuôi dưỡng, khích lệ của truyền thống gia đình đã thôi thúc Bác ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Một hành trang hết sức quan trọng để Người lên đường, nhưng để có một thành công, một kết quả như mong muốn, đòi hỏi Người cần phải có những nỗ lực cao độ của cả trí tuệ và sức lực. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của cuộc hành trình tìm con đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Ninh. Nói cách khác cần phải có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa nhân tố khách quan với việc phát huy cao độ năng lực chủ quan của cá nhân mới đem lai kết quả như mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kết hợp đầy đủ các yếu tố trên, đặc biệt là việc phát huy nhân tố chủ quan của Người được thể hiện trên hai khía cạnh.

Một là, với thiên tài của trí tuệ, theo cố Thủ tướng Pham Văn Đồng nhận định: Mặc dù sinh ra trong một gia đình nghèo, hoàn cảnh lận đận nhưng từ nhỏ Nguyễn Sinh Cung (tên Bác lúc nhỏ) thông minh lạ thường, rất chịu khó học và tiến bộ nhanh, tuy học chữ Hán có mấy năm mà đã đạt đến trình độ thành thạo thể hiện trong hơn 100 bài thơ chữ Hán (trong tập Nhật ký trong tù của Người),cũng như vốn tiếng Pháp tuy còn ít ỏi, nhưng bước đầu đã giúp Người hình dung ra những nét chấm phá của xã hội phương Tây nên đã thôi thúc mãnh liệt Người cần phải đi đến tận nơi để xem xét và tìm hiểu như Người tự bộc bạch với nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtam rằng: Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái… Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy… Sau này khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơrông. Người nói: Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ, sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi. Đây là một quyết định thiên tài của trí tuệ của Người.

Đối với Nguyễn Tất Thành, đây không phải là quyết định giản đơn, tình cờ, càng không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở và suy tư, một quyết tâm lớn và là kết quả tổng hợp của một quá trình nhận thức, phân tích, lý giải khoa học những yếu tố chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử cùng với sự sáng suốt và nhạy cảm của một thiên tài để đưa ra một quyết định đúng đắn nhằm đáp ứng đòi hỏi yêu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam,trong bước khởi đầu hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh hồi đầu thế kỷ XX. Vì vậy, ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của nó mãi mãi được ghi nhận và phát huy trong suốt hành trình cứu nước của Người, để lựa chọn đúng hướng đi và xác định con đường cứu nước thành công.

Thực tế dã chứng minh rằng: Trong cuộc dịch chuyển về phương Nam của Người được diễn ra từ từ nhưng liên tục( Từ Nghệ an vào Huế đến Bình định, Phan thiết rồi tới Sài gòn), trong thời gian di chuyển đó, Người luôn luôn suy nghĩ nung nấu, tìm tòi một hướng đi và cách đi phù hợp. Người quyết định sang phương Tây, một quyết định lịch sử thể hiện thiên tài của một trí tuệ, một hướng đi khác hoàn toàn, thậm trí còn đối lập với các nhà yêu nước đương thời, bởi mọi người đều tìm hướng sang phương Đông còn Bác, người Việt Nam duy nhất đi sang phương Tây để tìm đường cứu nước. Người cho rằng :Muốn đánh hổ thì phải vào hang hổ, chính từ những suy nghĩ này giúp chúng ta hiểu hơn mục đích cuộc hành trình của Bác là đi sâu vào trong lòng kẻ thù để hiểu kỹ hơn về kẻ thù, và cũng ở đây Người đã tìm gặp được nguồn trong, gốc thẳng của một lý luận khoa học và cách mạng, đó là Chủ nghĩa Mác – Lê Nin.Trên cơ sở đó Người nhận ra và chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc là “con đỉa có hai vòi” và, nếu muốn giết con vật ấy người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi còn lại kia sẽ tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra. Như vậy, Người đã nêu ra cơ sở lý luận và thực tiễn của sự gắn kết giữa cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng vô sản thế giới, Người cho rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”… "Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của CNCS và của cách mạng thế giới".chỉ có CNXH và CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức "Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng CNXH thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn"...Đây là cở sở lý luân của con đường cách mạng Việt Nam “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội”, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng, một bài học lớn và là một trong những nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ;Đồng thời, đây cũng là sự đóng góp vào kho tàng lý luận Mác- Lê Nin của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc trong thời đại mới.

Hai là, cùng với quá trình tìm hướng đi, Người đã chọn cách đi bằng lao động chân tay với nhiều nghề từ phụ bếp đến lao công dọn tuyết, bồi bàn trong khách sạn…, hòa mình vào trong cuộc sống và đấu tranh của giai cấp vô sản vừa lao động, vừa quan sát, học tập trong thực tế tại nhiều nước. Đây là cơ sở hết sức quan trọng, một đặc trựng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi tiếp cận với lý luận khoa học và cách mạng, nói cách khác từ thực tiễn hoạt động đặt ra cho Người nhu cầu học tập lý luận, để củng cố nâng cao nhận thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Đó là con đường và phương pháp học tập lý luận của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Người nhận rõ chủ nghĩa Mác-Lênin là tinh hoa trí tuệ và tư tưởng của thời đại, là cái cẩm nang thần kỳ. Song, Người cũng nêu ra một vấn đề hết sức nghiêm túc về nhận thức khoa học: Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Đồng thời,Người đã đưa ra một luận điểm rất khoa học và sáng tạo, bày tỏ chính kiến độc lập của mình là, muốn áp dụng chủ nghĩa Mác vào phương Đông và Việt Nam thì phải “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông… Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”.Trên cơ sở đó Người vận dụng, bổ sung và phát triển một cách sáng tạo lý luận khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lê nin vào thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam, khắc phục một cách có hiệu quả tình trạng giáo điều sách vở, kinh viện. Đây cũng là đặc trưng cơ bản trong hệ thống tư tưởng lý luận của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Chính từ hoạt động thực tiễn trong những năm đầu đi tìm đường cứu nước qua nhiều nước trên thế giới, Người rút ra kết luận: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”. Như vậy, Người đã làm rõ khẩu hiệu bất hủ của Lê nin“Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”! Sau này trong quá trình lãnh đạo đất nước, Người luôn phân tích một cách sâu sắc mối quan hệ gắn bó giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, khẳng định cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta không thể tách rời cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Người nói: Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em, đó là tư tưởng đoàn kết quốc tế trong sáng của Hồ Chí Minh, cần được vận dụng và phát huy trong quá trình hội nhập quốc tế ở nước ta trong thời kỳ phát triển mới vì mục tiêu dân giầu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

Như vây, trong cuộc hành trình đầy gian khổ, qua nhiều đại dương và lục địa, cuộc khảo sát vô cùng phong phú đã đem lại cho Người một sự lựa chọn đúng đắn về con đưòng cứu nước, cứu dân. Đó là con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác lênin, kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và giải phóng toàn bộ xã hội. Đây là con đường cứu nước đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Đó là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nguồn gốc đó được bắt đầu từ một cuộc hành trình lịch sử tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một thế kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực