Hưng Yên: Xã Phù Ủng nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền cơ sở

Thứ ba, 04/09/2012 17:10

Cách đây 67 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) đồng lòng chung sức với nhân dân cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đập tan ách cai trị của thực dân pháp. Trải qua các thời kỳ cách mạng, nhân dân trong xã thuỷ chung son sắt với Đảng, ngoan cường cùng nhân dân cả nước chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc để thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Phù Ủng luôn nỗ lực xây dựng và bảo vệ chính quyền vững mạnh, phát huy thành quả cách mạng. Xã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động, đào tạo đội ngũ cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ, khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển KT - XH. Vì vậy, nhiều năm qua, xã được huyện uỷ, UBND huyện công nhận Đảng bộ, chính quyền đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”. Năm 2011, chính quyền xã đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”; được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối xã, thị trấn.

Quốc lộ 38 từ trung tâm huyện về xã dài hơn chục km để lại dấu ấn, kỷ niệm cho bao người dân trong xã hướng về huyện đường giành chính quyền diễn ra sôi sục trong Cách mạng Tháng Tám lịch sử của 67 năm về trước. Hai bên đường, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám được trang trí rực rỡ. Về Phù Ủng hôm nay, dễ dàng nhận thấy nhịp sống, sự đổi thay nhanh chóng của một vùng quê “địa linh nhân kiệt”. Những con đường bê tông rộng rãi với những ngôi nhà kiên cố, cao tầng mọc lên san sát là minh chứng của một vùng đất trên đà đổi mới. Ông Trần Công Tráng, huyện uỷ viên, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để đạt được mục tiêu xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, chúng tôi xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là khâu đột phá, quan tâm tới việc quy hoạch, đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ phù hợp với năng lực theo đúng tinh thần Nghị quyết số 42 – NQ/TW của Bộ Chính trị. Đảng bộ, chính quyền xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ chủ động đăng ký tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”. Đến nay, hầu hết cán bộ xã có trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Sau khi được đào tạo, Đảng bộ xã mạnh dạn bố trí những cá nhân này giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền của xã. Hiện đội ngũ cán bộ, công chức của xã có 9/21 người có trình độ đại học, có sự kế thừa về độ tuổi đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Cùng với tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, xã còn quan tâm cải cách thủ tục hành chính và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện chương trình cải cách hành chính, xã xác định phải đổi mới tác phong ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức với dân, cải cách việc tiếp nhận các thủ tục hành chính và trách nhiệm giải quyết, cải cách về nội dung, hình thức hội nghị. Chủ trương này được UBND xã cụ thể hoá thành những tiêu chí thi đua, đánh giá cán bộ. Xã lập sổ theo dõi chế độ trực của cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức khi đến trụ sở làm việc phải mặc trang phục chỉnh tề, gọn gàng, lịch sự; ứng xử với người dân có văn hoá, phục vụ tận tình, chu đáo, cởi mở. Khi người dân chưa hiểu thì phải giải thích cặn kẽ, hướng dẫn đầy đủ. Tại bộ phận “một cửa”, UBND xã niêm yết công khai quy trình làm việc và mức lệ phí làm thủ tục, hồ sơ để nhân dân biết và thực hiện. Hàng ngày, UBND xã phân công đồng chí phó chủ tịch giám sát hoạt động của bộ phận “một cửa”, trực tiếp đối thoại với dân, xử lý những vướng mắc của dân. Vào thứ 6 hàng tuần, chủ tịch UBND xã tổ chức tiếp dân, đối thoại với dân. Những lĩnh vực liên quan đến công tác quản lý đất đai, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được bàn bạc dân chủ, giải quyết thấu tình, đạt lý. Mỗi năm, bộ phận “một cửa” của xã giải quyết hàng nghìn lượt thủ tục hành chính cho người dân, không để xảy ra khiếu nại. Ngoài ra, việc thực hiện quy chế dân chủ còn được thể hiện thông qua việc công khai thu, chi ngân sách, chủ trương, kế hoạch xây dựng các công trình phúc lợi cũng như mức đóng góp, hình thức đóng góp đều được công khai để người dân trực tiếp bàn bạc và thống nhất. Những việc làm này đã củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với chính quyền địa phương.

Nhằm năng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND xã xây dựng và ban hành quy chế làm việc; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và lịch công tác hàng tuần của cán bộ, công chức. Hàng tháng, UBND xã họp một lần; tổ chức giao ban với trưởng các ngành, đoàn thể, bí thư các chi bộ, trưởng thôn mỗi tháng 2 kỳ. Nội dung giao ban đầu tháng gồm triển khai các chỉ thị, công văn, nghị quyết của cấp trên và dành thời gian để cán bộ tư pháp phổ biến pháp luật. Đến giữa tháng, UBND xã giao ban lần thứ hai đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của kỳ giao ban trước và đề ra các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Quan tâm đến công tác đào tạo và bố trí cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn nên công tác điều hành của chính quyền xã luôn phát huy hiệu quả, các bộ phận chức năng, chuyên môn hoạt động khá đồng đều. Trong những năm qua, các chỉ tiêu KT – XH của xã đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt gần 13% (riêng lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại tăng 18%), thu nhập bình quân 1 ha đất canh tác đạt 106 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 của xã giảm xuống dưới 10%. Trong sản xuất nông nghiệp, xã đưa 60% diện tích vào gieo cấy các giống lúa chất lượng cao; xây dựng 20 mô hình kinh tế trang trại, vườn trại tập trung, trong đó có 8 trang trại đại tiêu chí cấp tỉnh. Với vị trí gần quốc lộ 5A, giao thông thuận lợi cả đường bộ và đường thuỷ, xã có nhiều lợi thế phát triển kinh tế công nghiệp và thương mại dịch vụ. Xã được UBND tỉnh phê duyệt cụm công nghiệp với diện tích 40 ha; Chính phủ phê duyệt khu công nghiệp Bãi Sậy 300 ha, trong đó xã có 200 ha. Công tác tuyên truyền về chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, huyện và địa phương được thực hiện tốt tạo đồng thuận giữa chính quyền với nhân dân trong thu hút các dự án đầu tư. Đến nay, cụm công nghiệp của xã thu hút 5 doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 1.000 lao động. Làng nghề chạm bạc Huệ Lai có hơn 200 hộ, tạo việc làm thường xuyên cho 430 lao động là người địa phương với mức thu nhập ổn định từ 2 – 2,5 triệu đồng/tháng.

Với những chủ trương phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương cũng như truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người dân đã đem lai sự đổi thay nhanh chóng. Từ một vùng quê thuần nông, đến nay Phù Ủng đã thực sự chuyển mình vươn lên, kinh tế phát triển bền vững. Những con đường giao thông nông thôn nhỏ bé, lầy lội trước đây được thay bằng những tuyến đường lớn, ngày ngày xe cộ qua lại ngược xuôi, kinh doanh buôn bán sầm uất. Các công trình phúc lợi được xã quan tâm đầu tư phát triển. Trong thời gian không xa, khi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm những lợi thế mới để xã đẩy mạnh phát triển KT – XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Những kết quả đạt được trong lãnh đạo phát triển KT – XH của cấp uỷ đảng, sự điều hành của chính quyền và sự đoàn kết phấn đấu của nhân dân trong xã thật đáng trân trọng. Cùng với thời gian, Phù Ủng phát triển không chỉ từ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” mà cả tinh thần chiến đấu ngoan cường của cha anh đi trước được hun đúc và phát huy trong  người dân nơi đây. Truyền thống, tinh thần ấy tiếp tục được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã phát huy để chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực