Những tỷ phú nông dân ở Hưng Yên

Thứ sáu, 28/12/2018 19:10
Những năm gần đây, ở Hưng Yên số lượng nông dân phát triển kinh tế có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên ngày càng nhiều. Trong đó, có nhiều nông dân tỷ phú trẻ với những mô hình kinh tế mang đậm dấu ấn đột phá trong sản xuất nông nghiệp.



 

 Mô hình nuôi vịt của anh Ngô Đức Thắng, thôn Cốc Khê, Kim Động

Nông dân Ngô Đức Thắng, thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động có một năm phát triển kinh tế thuận lợi, doanh thu năm 2018 đạt trên 7 tỷ đồng. Là đại diện duy nhất của tỉnh Hưng Yên cùng 62 nông dân xuất sắc nhất trong cả nước vừa nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018.

Khởi nghiệp với muôn vàn khó khăn, nhất là đồng vốn, năm 2002, anh Thắng vay mượn tiền của người thân, bạn bè đầu tư xây dựng chuồng nuôi khoảng 300 con vịt đẻ lấy trứng. Hiện nay anh Thắng sở hữu mô hình trang trại có diện tích rộng 13 ha trồng các loại cây ăn quả, thả cá và nuôi 7.000 vịt sinh sản. Là Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp chăn nuôi của xã, anh Thắng đứng ra bao tiêu toàn bộ vịt giống cho 30 hội viên trong chi hội.

Anh Thằng chia sẻ: “năm nay con vịt rất được giá do thị trường thực phẩm cao nên  bà con chăn nuôi gia cầm thắng lợi lớn…”

 Mô hình trồng nấm sạch của anh Phạm Văn Khá tạo việc làm cho nhiều lao động

Anh Phạm Văn Khá thôn Sa Lung, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi đã trải qua nhiều nghề khác nhau, đến năm 2017 anh bắt đầu bén duyên với cây nấm. Nấm là một loại thực phẩm xếp vào loại “rau sạch”, rất giàu dinh dưỡng, chất khoáng và protein, vitamin có thể thay thế thịt, cá và là nguồn dược liệu quý, nên anh Khá quyết định đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vì sức khỏe của cộng đồng.

Hiện nay, anh Khá sản xuất và nhân giống các loại nấm rơm, sò vua, nấm yến Hàn Quốc. Thời gian tới anh Khá sản xuất thêm nấm Mối và các loại nấm cao cấp khác. Trung bình mỗi tháng anh cung cấp từ 5 đến 10 tấn nấm các loại với giá bán từ 40 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg, chủ yếu là thị trường Hà Nội và nguồn cung không đủ cầu. Với nhịp độ sản xuất như hiện nay, doanh thu của gia đình anh Khá đạt trên 5 tỷ đồng/năm.

Anh Khá cho biết: “Quy trình sản xuất nấm theo công nghệ sinh học, khép kín, ổn định không phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ vì thế quá trình sản xuất đạt được hiệu quả cao”.

Còn mô hình trồng chanh vàng tứ quý của anh Nguyễn Hữu Hà, thôn Bãi Sậy 1, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu vào dịp này, cảnh mua bán cây chanh bon sai. Anh Hà được mệnh danh là “Vua” chanh tứ quý trên vùng đất nhãn nhờ việc thuần hóa thành công giống chanh Mỹ, Úc.

Anh Nguyễn Hữu Hà với giống chanh vàng tứ quý

 

Từ một đứa trẻ bán báo dạo, đến nay anh Hà là một tỷ phú nông dân trẻ có doanh thu đạt 8 tỷ đồng từ mô hình phát triển kinh tế rộng trên 40ha tại Hưng Yên và Bắc Ninh. Tính riêng năm 2018, anh Hà cung cấp ra thị trường 180 tấn quả với giá bán trung bình 18 nghìn đồng/kg và cung cấp cho thị trường Tết từ 600 đến 800 chậu chanh bon sai với giá bán từ 2 triệu đến 50 triệu đồng/chậu.

Anh Hà chia sẻ: “Khi thực hiện quy trình sản xuất này chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt theo tất cả quy trình của Vietgap đề ra. Ưu điểm của giống chanh vàng phú quý là màu vàng đẹp trưng bày tết …”

Điểm chung của các nông dân tỷ phú chính là sự chủ động thay đổi về tư duy và hành động. Họ không ngừng học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt được cơ hội và xu hướng của thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 91.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Số lượng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn ngày một tăng lên. Nông dân Hưng Yên hôm nay không phát triển đơn lẻ, mà đã bắt tay nhau, liên kết với doanh nghiệp cùng phát triển với tinh thần sẵn sàng hội nhập vào nền nông nghiệp 4.0

 

Thu Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực