Nghề làm mũ cối ở xã Nghĩa Hiệp

Thứ tư, 23/05/2012 14:04

 

 Nghề làm mũ cối ở Nghĩa Hiệp. Ảnh: báo Hưng Yên

Vài năm trở lại đây, dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp dần để nhường chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp. Vậy làm thế nào để kiếm kế sinh nhai là nỗi băn khoăn, trăn trở với nhiều người dân xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ, Hưng Yên), đặc biệt là với những người đang độ tuổi trung niên.

Trước thực trạng ấy, một số người dân địa phương đã tỏa đi các nơi để kiếm sống và họ học được nghề làm mũ cối. Ban đầu, họ chỉ đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất mũ cối tại Hà Nội nhưng thấy nghề này dễ làm, cho thu nhập ổn định, lại phù hợp với điều kiện tại địa phương nên sau thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, họ đã trở về quê, đầu tư vốn mở xưởng sản xuất mũ cối. Đến nay, trên địa bàn toàn xã có trên 20 cơ sở chuyên sản xuất mũ cối, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở sản xuất mũ cối tập trung chủ yếu ở hai thôn Thanh Xá và Yên Lão. Chị Nguyễn Thị Việt (thôn Thanh Xá) cho biết: “Nghề làm mũ cối hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa, tạo mức thu nhập ổn định hơn và đặc biệt là không phải đi làm ăn xa. Nhiều người trong làng đi làm xa giờ cũng đã trở về làm nghề”.

Làm mũ cối không đòi hỏi quá nhiều về sức lực nhưng lại cần sự tỉ mỉ và cầu kỳ. Khó ai có thể nghĩ rằng những chiếc mũ cối xinh xắn và dùng để bảo vệ con người lúc nắng lúc mưa lại được làm hoàn toàn từ phế liệu và những phụ phẩm thừa của ngành may mặc. Dưới bàn tay khéo léo của người dân Nghĩa Hiệp thì những phế liệu như tấm bìa cattông, mảnh vải thừa hoặc những tấm da loại của ngành thuộc da đã trở thành chiếc mũ cối xinh xắn và hữu ích. Tuy nhiên quy trình để tạo thành chiếc mũ gồm rất nhiều công đoạn, với mỗi một công đoạn lại đòi hỏi ở người thợ một kỹ năng làm nghề khác nhau. Công đoạn đầu tiên và cũng là công đoạn tương đối dễ dàng là thu mua và phân loại bìa cattông. Những tấm bìa sau khi thu gom, làm sạch đem ngâm trong nước khoảng 10 tiếng, sau đó đem nghiền nhỏ cùng nhựa thông với tỷ lệ 100kg giấy bìa trộn với 19 kg nhựa thông. Tiếp theo cho hỗn hợp trên vào xeo, đánh lạnh, đánh nóng ở nhiệt độ cao để tạo thành cốt mũ. Công đoạn đánh nóng vô cùng quan trọng, chiếc cốt mũ làm ra có đủ tiêu chuẩn, có bị rạn nứt hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tay nghề “cầm lửa” của những người thợ. Nếu để nhiệt độ quá thấp, cốt mũ sẽ mềm, bị bẹp còn nhiệt độ quá cao thì sẽ bị rạn nứt lòng mũ và công đoạn đánh nóng thì chỉ có người thợ lành nghề mới làm được. Sau khi hoàn thành cốt mũ, người thợ lại tiếp tục bắt tay vào sơn mặt trong của cốt mũ, xoa giấy giáp, quét keo, dán vải và bọc chỏm mũ. Trong tất cả các công đoạn để làm ra một chiếc mũ cối hoàn chỉnh thì công đoạn dán vải và bọc chỏm mũ là khâu cầu kỳ và tỉ mỉ nhất. Người thợ phải dán vải sao cho các múi mũ phẳng, đối xứng, chỏm mũ phải giữ cố định có như vậy thì khi gặp nước chiếc mũ sẽ không bị thấm,dột. Cuối cùng là công đoạn tán ozê, lồng quai mũ, bọc giấy và đóng hộp. Sau khi hoàn thiện các khâu, mặt hàng này sẽ đuợc mang đi tiêu thụ ở các nơi như Lạng Sơn, Điện Biên, Móng Cái… chủ yếu bán cho người lao động và khách du lịch. Tùy thuộc vào chất liệu của chiếc mũ mà giá bán của nó có thể dao động từ 30 đến 100 nghìn đồng/1 chiếc. Nghề làm mũ cối không mấy vất vả, vốn bỏ ra không nhiều nhưng mang lại thu nhập tương đối cao cho người lao động. Anh Nguyễn Văn Cự (thôn Yên Lão, Nghĩa Hiệp) làm nghề được gần 10 năm vui vẻ tâm sự: “ Nhờ nghề làm mũ cối mà gia đình tôi thoát được cảnh nghèo túng, có của ăn của để, con cái được học hành đầy đủ. Làm nghề này, vừa tạo được công ăn việc làm cho bà con nông dân lại vừa góp phần nhỏ bé vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Người dân quê tôi ví nghề làm mũ cối là nghề “biến phế liệu thành tiền”.

Theo ông Phạm Hồng Tâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết: làm mũ cối tuy không phải là nghề truyền thống của xã, nghề này chỉ mới du nhập vào địa phương khoảng 10 năm trở lại đây nhưng nó lại đem lại thu nhập cao cho nhiều bà con nông dân trong xã. Nghề làm mũ cối hàng năm đóng góp từ 5- 7% tổng giá trị tiểu thủ công nghiệp của toàn xã. Ngoài ra, việc phát triển nghề này lại không làm ảnh hưởng tới môi trường nên trong thời gian vừa qua, xã đã tạo mọi điều kiện cho các hộ làm nghề vay vốn, thuê đất mở nhà xưởng với giá thấp để mở rộng quy mô sản xuất. Hi vọng, với những chính sách ưu tiên trên, nghề làm mũ cối ngày càng được nhân rộng trong toàn xã.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực