Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, đưa Tiên Lữ phát triển toàn diện, bền vững

Thứ tư, 25/04/2012 14:19

Cách đây 15 năm, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) được tái lập sau 20 năm hợp nhất với huyện Phù Cừ. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Lữ, mở ra thời kỳ phát triển mới trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tại thời điểm tái lập (1/5/1997), Tiên Lữ vẫn là huyện thuần nông với điểm xuất phát thấp về kinh tế, cơ sở hạ tầng lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng. Mạng lưới giao thông và mạng lưới điện chất lượng kém. Công nghiệp chưa phát triển, chưa có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quy mô lớn đầu tư vào địa bàn; tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nhỏ bé, thô sơ. Chi ngân sách phải dựa vào các nguồn công trợ từ cấp trên là chủ yếu. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật thiếu và chưa ổn định. Đời sống của đại bộ phận nhân dân gặp khó khăn, thu nhập bình quân đầu người lúc ấy thấp hơn mức trung bình của tỉnh và cả nước, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao…

 

 Một góc huyệnTiên Lữ. Ảnh: báo Hưng Yên


Trong bối cảnh đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đã nhận thức đúng đắn những thuận lợi, khó khăn của huyện mới tái lập, phát huy truyền thống cách mạng, động viên mọi nguồn lực, năng động, sáng tạo, đã phấn đấu giành kết quả tương đối toàn diện. Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, trà vụ hợp lý. Huyện chú trọng duy trì, mở rộng diện thực hiện đề án sản xuất lúa giống ở các xã, thị trấn, nhằm chủ động nguồn lúa giống tại chỗ bảo đảm chất lượng với giá thành thấp, mặt khác thông qua đó đưa kỹ thuật thâm canh lúa vào đồng ruộng hiệu quả hơn. Từ năm 2011 huyện triển khai thực hiện đề án đổi mới bộ giống lúa để lựa chọn những giống lúa phù hợp nhất với đồng ruộng địa phương nhằm góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả từ cấy lúa cũng như bảo đảm an ninh lương thực. Nhờ các biện pháp đó, năng suất lúa của huyện không ngừng tăng lên, đến năm 2011 đạt 13,3 tấn/ha, tăng 3,7 tấn/ha so với năm 1997. Việc khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai đã hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa như nhãn đặc sản ở các xã Thiện Phiến, Thủ Sỹ, Tân Hưng, Phương Chiểu… cho sản lượng bình quân 3 - 4 nghìn tấn quả/năm; lúa giống hàng hóa ở các xã Hưng Đạo, Trung Dũng, thị trấn Vương…; dưa bao tử xuất khẩu ở các xã Ngô Quyền, Hưng Đạo, Nhật Tân, Dị Chế… Toàn huyện có 285 trang trại, gia trại chăn nuôi, làm vườn đơn thuần hoặc kết hợp giữa vườn – ao, vườn – ao – chuồng, chuồng – ao… cho thu nhập thường xuyên ở mức khá.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo, xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ góp phần quan trọng nâng cao mức sống cho người dân. Đến nay, trải khắp địa bàn huyện là 88 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Xen kẽ trong các thôn, xóm là sức sống bền bỉ của các làng nghề truyền thống như Bún – đậu Viên Tiêu (xã Tân Hưng); đan lờ, đó ở hai làng nghề Tất Viên và Nội Lăng (xã Thủ Sỹ); đan mành ở thôn Đa Quang (xã Dị Chế); chế biến mứt táo, hạt sen ở xã Phương Chiểu… Sự phát triển khá đồng đều có tính tương hỗ nhau giữa nông nghiệp – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – thương mại, dịch vụ không những giúp cho một bộ phận nhân dân “ly nông” không phải “ly hương” mà còn cải thiện thu nhập, mức sống của nhân dân trên địa bàn.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện chú trọng phát triển hệ thống giao thông, coi đó là điểm nhấn cho phát triển kinh tế - xã hội, là động lực thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vào đầu tư và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Đồng thời huy động sức dân để cùng với nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tài trợ… tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ những chủ trương hợp lòng dân, đến nay toàn huyện đã có 70% chiều dài đường giao thông nông thôn được trải nhựa, bê tông xi măng và vật liệu cứng; cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục, y tế… được tăng cường.

Sau 15 năm tái lập huyện, những thành tựu huyện Tiên Lữ đạt được tương đối toàn diện, vững chắc: Kinh tế - xã hội có tốc độ tăng trưởng khá nhanh (bình quân 12,5%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH: tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng từ 18,4% năm 1997 lên 30,5% năm 2011, thương mại, dịch vụ tăng từ 25,9% năm 1997 lên 41,7% năm 2011; thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2011 đạt 261 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với năm tái lập; đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 16,1 triệu đồng, gấp 9 lần so với năm 1997... Có được những kết quả nổi bật đó là do Đảng bộ huyện luôn quán triệt sâu sắc quan điểm coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Công tác xây dựng Đảng cùng toàn bộ hệ thống chính trị vững mạnh được Ban chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ thường xuyên quan tâm. Do đó số cơ sở đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội đạt TSVM hàng năm tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Trong đó nổi bật là công tác dân vận của Đảng liên tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Từ năm 2009, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, mỗi xã chọn một mô hình, huyện chọn thôn An Lạc (xã Đức Thắng) để làm điểm. Từ hiệu quả thiết thực của những mô hình điểm về “Dân vận khéo”, Huyện ủy tập trung lãnh đạo nhân rộng mô hình, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của khối dân vận cấp cơ sở và tổ dân vận ở các thôn, khu phố, cụm dân cư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời phản ánh với Đảng để có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hiệu quả hoạt động của công tác dân vận góp phần làm cho nhân dân trong huyện đồng thuận, tích cực hưởng ứng và đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… là nhân tố quan trọng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thành công.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2010 – 2015 xác định “tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của đảng bộ; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng huyện Tiên Lữ thành huyện khá trong tỉnh”. Để đạt được mục tiêu đó, phát huy những thành tích đã đạt được trong 15 năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong huyện sẽ nỗ lực phấn đấu tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sự chuyển biến mới và vững chắc về cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế bảo đảm bền vững và hiệu quả. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, dân số, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo giải quyết việc làm cho người lao động, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trước hết là tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức đoàn thể, làm tốt công tác vận động quần chúng, tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, xây dựng Tiên Lữ vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về an ninh - quốc phòng, đẹp về nếp sống văn hoá, xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực