Chỉ thị số 90-CT/TW của Ban Bí thư về cuộc vận động bảo vệ Đảng

Thứ hai, 18/05/2020 11:05
Ngày 01/3/1965, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 90-CT/TW về việc mở cuộc vận động nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, làm tốt công tác thẩm tra chính trị và cải tiến công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên để bảo vệ Đảng ((gọi tắt là cuộc vận động bảo vệ Đảng).

Chúng tôi xin trích đăng một số nội dung của Chỉ thị.

"...

Mục đích:

Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật; làm tốt công tác thẩm tra chính trị và cải tiến công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên để bảo vệ Đảng.

Yêu cầu:

1. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong việc bảo vệ đảng, làm cho cán bộ, đảng viên nhận rõ âm mưu thủ đoạn của địch đã và đang tìm mọi cách tấn công, thâm nhập, phá hoại nội bộ đảng; nhận rõ cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận chính trị, kinh tế, tư tưởng và văn hoá vẫn đang diễn ra gay go phức tạp, tư tưởng tư sản luôn luôn ảnh hưởng vào trong Đảng, nó dựa vào tư tưởng tiểu tư sản và kết hợp với tư tưởng tiểu tư sản làm cho một số cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất. Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, làm cho cán bộ, đảng viên nhận rõ tính chất trọng yếu của việc bảo vệ tổ chức đảng, bảo vệ nguyên tắc, đường lối xây dựng đảng. Trên những cơ sở đó, phát huy hơn nữa ý chí chiến đấu, tinh thần đấu tranh trong nội bộ để làm tốt công tác bảo vệ đảng về mặt tổ chức đề ra trong cuộc vận động, tích cực củng cố tổ chức, sinh hoạt đảng được chặt chẽ hơn nữa.

2. Thẩm tra những vấn đề lịch sử, chính trị chưa rõ, hoặc nghi có vấn đề chính trị hiện nay của một số cán bộ, đảng viên đã được phát hiện trước đây và sẽ phát hiện ra trong quá trình cuộc vận động, giúp cho việc giáo dục, sử dụng số cán bộ, đảng viên này đúng với đường lối chính sách của Đảng. Trong quá trình tiến hành việc thẩm tra, nếu thấy có phần tử phản động chui vào nội bộ thì kịp thời phát hiện ra.

3. Cải tiến công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên: làm cho các tổ chức của Đảng thường xuyên nắm vững quá trình lịch sử trước kia, và tư tưởng, công tác, sinh hoạt, quan hệ xã hội hiện nay của cán bộ, đảng viên một cách chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo sinh hoạt chi bộ, giúp cho việc quản lý tốt cán bộ, đảng viên, khắc phục mọi hiện tượng phát biểu vô nguyên tắc, vô tổ chức về đường lối chính sách của Đảng; quy định và chấp hành chế độ công tác đối ngoại, chế độ quan hệ và giao dịch xã hội của cán bộ, đảng viên cho chặt chẽ; xây dựng và thực hiện một nền nếp xét duyệt đề bạt cán bộ, kết nạp đảng viên, điều động cán bộ, đảng viên theo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, thủ tục, chế độ đã quy định, để tránh mọi sơ hở khiến cho kẻ địch có thể lợi dụng tấn công, thâm nhập, phá hoại nội bộ đảng.

Phạm vi:

1. Cuộc vận động bảo vệ đảng lần này chỉ tiến hành ở các đảng bộ các cơ quan dân, chính, đảng từ cấp huyện, khu phố, thị xã trở lên, ở các đảng bộ xí nghiệp và cửa hàng quốc doanh, công, nông, lâm trường, trường học, bệnh viện trọng yếu. Các đảng bộ chưa tiến hành cuộc vận động kỳ này thì các cấp ủy đảng cần có kế hoạch thường xuyên giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật trong việc bảo vệ đảng cho cán bộ, đảng viên và chấn chỉnh việc quản lý cán bộ, đảng viên. Đối với các đảng bộ trong quân đội và lực lượng công an nhân dân vũ trang, Quân ủy Trung ương và Đảng đoàn Bộ Công an sẽ nghiên cứu quy định phạm vi làm cho thích hợp.

2. Người cần thẩm tra kỳ này là những cán bộ, đảng viên có vấn đề lịch sử chính trị chưa rõ và nghi có vấn đề chính trị hiện nay. Chú trọng những cán bộ, đảng viên hiện giữ những cương vị chủ chốt, hiện công tác ở các bộ phận trọng yếu, cơ mật. Khi học tập, nếu cán bộ, đảng viên nào có vấn đề hoặc biết người khác có vấn đề lịch sử chính trị, nghi có vấn đề chính trị hiện nay, có hành động chống đối đường lối chính sách của Đảng, có quan hệ và giao dịch xã hội phức tạp, sinh hoạt sa đoạ, bất minh thì tự báo cáo và phát hiện với Đảng. Ngoài ra, cũng có thể tự báo cáo và phát hiện thêm các vấn đề khác như khai báo với địch, khai man tuổi đảng, chức vụ, thành phần, v.v.. Đối với những trường hợp cán bộ, đảng viên có vấn đề về mặt chính trị đã phát hiện, xét cần và có thể thẩm tra, kết luận được thì cần tiến hành ngay không phải chờ đến cuộc vận động. Đối với cán bộ, công nhân viên người ngoài Đảng, nếu trong cuộc vận động này phát hiện ra là có vấn đề về mặt chính trị thì các cơ quan có trách nhiệm cũng phải tích cực thẩm tra, giải quyết, nhất là đối với những người hiện giữ những cương vị chủ chốt, đang công tác ở các bộ phận cơ mật, trọng yếu.

3. Từ nay đến hết năm 1965, phải tiến hành xong đợt học tập ở các đảng bộ các cơ quan quan trọng đầu não từ cấp tỉnh trở lên, các bộ phận trọng yếu, các cơ quan xung quanh trung ương, các xí nghiệp, công, nông, lâm trường, trường học, bệnh viện lớn; và phải thẩm tra xét kết luận xong các vấn đề lịch sử chính trị, nghi có vấn đề chính trị hiện nay của số cán bộ, đảng viên ở những nơi này. Trong năm 1966, phải tiến hành xong đợt học tập ở các đảng bộ các cơ quan cấp huyện, các cơ quan, bộ phận không trọng yếu ở cấp tỉnh, ở xung quanh trung ương và các xí nghiệp, công, nông, lâm trường, trường học, bệnh viện trọng yếu; phải thẩm tra, xét kết luận xong các vấn đề lịch sử chính trị, nghi có vấn đề chính trị hiện nay của số cán bộ, đảng viên ở những nơi này. Tiến hành đợt học tập xong ở đảng bộ nào thì thực hiện ngay việc cải tiến quản lý cán bộ, đảng viên ở đó để đưa việc quản lý cán bộ, đảng viên vào nền nếp, chặt chẽ. Sau một thời gian nhất định phải rút kinh nghiệm. Cuối năm 1965 phải sơ kết, cuối năm 1966 phải tổng kết toàn bộ cuộc vận động.

Phương châm:

1. Phải tiến hành cuộc vận động này một cách nghiêm chỉnh, đảm bảo thực hiện sâu sắc, triệt để các yêu cầu đã đề ra, nhưng tránh gây ra không khí căng thẳng không cần thiết trong nội bộ. Phải phát huy đầy đủ tác dụng của lãnh đạo trong việc chuẩn bị và trong suốt cả quá trình tiến hành cuộc vận động và phải rất coi trọng công tác tư tưởng. Đồng thời phải phát huy đầy đủ tính tích cực, tinh thần tự nguyện tự giác của cán bộ, đảng viên tham gia cuộc vận động và đẩy mạnh mọi mặt công tác và sản xuất.

2. Đi đôi với việc phát hiện tình hình ưu khuyết điểm trong công tác bảo vệ đảng về mặt tổ chức, phải có kế hoạch tích cực phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm đó, làm cho cuộc vận động có tác dụng thiết thực và làm đà cho công tác bảo vệ đảng sau này đi vào nền nếp thường xuyên lâu dài.

3. Phải làm có trọng tâm, trọng điểm, làm từ các cơ quan đầu não bên trên trước, những cơ quan, đơn vị, những bộ phận trọng yếu trước. Phải làm thí điểm rồi dần dần mở rộng ra, làm đến đâu bảo đảm lãnh đạo chặt chẽ đến đó. Phải bố trí tiến hành cuộc vận động này xen kẽ với các công tác khác, cố gắng hoàn thành tốt trong một thời gian nhất định, đồng thời không để ảnh hưởng đến sản xuất, đến các công tác trọng tâm trước mắt của Đảng và Chính phủ.

4. Cán bộ, đảng viên tự báo cáo, phát hiện cũng như tổ chức của Đảng, thẩm tra xem xét, kết luận vấn đề phải nghiêm túc,  thận trọng, khách quan, toàn diện, thực sự cầu thị, không che giấu, không bỏ qua, không thổi phồng, không xuyên tạc sự thật, không hời hợt, phiến diện, một chiều, không được mệnh lệnh gò ép, không kết luận vấn đề thiếu căn cứ chính xác. Đối với những đồng chí có vấn đề phải dựa vào tự nguyện, tự giác, kết hợp với tận tình, thân ái giúp đỡ để các đồng chí đó yên tâm, tin tưởng vào đường lối chính sách cán bộ của Đảng mà thành khẩn, mạnh dạn báo cáo hết vấn đề với Đảng.

Phương pháp:

Trong phương pháp tiến hành, cần chú ý những điểm như sau:

1. Chỉ thị này cần phải được tập thể nghiên cứu trong các cấp ủy đảng, các ban, các đảng đoàn; cần tổ chức học tập đến tận cán bộ, đảng viên ở những nơi tiến hành cuộc vận động để nắm vững mục đích yêu cầu, phương châm, phương pháp. Đối với cấp l•nh đạo, cần liên hệ kiểm điểm công tác bảo vệ đảng, cụ thể hoá yêu cầu của cuộc vận động và định kế hoạch tiến hành trong địa phương, ngành, đơn vị. Đối với cán bộ, đảng viên, cần xác định thái độ, trách nhiệm tham gia cuộc vận động.

2. Phải động viên cán bộ, đảng viên nâng cao lòng trung thành với Đảng, ý thức bảo vệ đảng để ai có vấn đề, biết người khác có vấn đề thì tự báo và phát hiện hết với ban chỉ đạo cuộc vận động hoặc cấp ủy đảng, ai chưa có lý lịch hoặc lý lịch còn sơ sài thì viết lý lịch của mình một cách trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đưa nộp cho tổ chức của Đảng có trách nhiệm quản lý. Không báo cáo, phát hiện vấn đề ở tổ học tập, không đưa lý lịch ra tổ học tập báo cáo.

3. Trước khi tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập, cần cố gắng tổ chức việc điều tra nghiên cứu, nắm vững vấn đề của cán bộ, đảng viên (nếu có) để có kế hoạch chủ động động viên giúp đỡ cán bộ, đảng viên báo cáo vấn đề được tốt. Sau khi học tập, cần tiếp tục điều tra, nghiên cứu, xác minh để sau một thời gian nhất định kết luận được vấn đề của cán bộ, đảng viên; nếu có vấn đề nghi chính trị hiện nay thì phải kết hợp sử dụng bộ máy công an để dùng mọi biện pháp cần thiết làm rõ vấn đề. Sau khi điều tra, nghiên cứu xác minh, nếu thấy có trường hợp có cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị hiện nay thì phải báo cáo lên Trung ương xét, kết luận. Đến khi kết thúc cuộc vận động nếu vẫn còn vấn đề chưa làm rõ được thì bàn giao lại cho các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục thẩm tra, không nên kết luận vội vàng, thiếu căn cứ chính xác.

4. Dựa vào bản dự thảo mới về chế độ quản lý cán bộ, đảng viên do Ban Tổ chức Trung ương đề ra mà xây dựng đề án về chế độ quản lý cán bộ, đảng viên trong địa phương, trong ngành và bàn kế hoạch thực hiện việc quản lý cán bộ, đảng viên đi vào nền nếp, chặt chẽ hơn.

...".

 

Trích Văn kiện Đảng toàn tập, tập 26, tr. 42,43.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực