Công tác tư tưởng trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930 -1945)

Thứ ba, 17/03/2020 16:20
(ĐCSVN) - Công tác tư tưởng gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng, với cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với biết bao sự kiện lịch sử, vượt mọi phong ba bão táp, đánh thắng mọi kẻ thù, giành thắng lợi vẻ vang cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
leftcenterrightdel
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.
Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 

I. SỰ TRUYỀN BÁ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VÀO VIỆT NAM VÀ VIỆC THÀNH LẬP ĐẢNG

Từ khi đế quốc Pháp xâm lược nước ta năm 1858, nhân dân ta đã không ngừng đấu tranh bằng nhiều hình thức, tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa, anh dũng đứng lên chống xâm lược, giành độc lập, tự do nhưng chưa đạt được thắng lợi do chưa tìm được đường đi đúng đắn. Giữa lúc phong trào yêu nước gặp khủng hoảng về con đường cứu nước thì Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, mở đầu thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”[1]. Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng vô sản và phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên được Cách mạng tháng Mười thức tỉnh, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí là nhà cách mạng đầu tiên ở nước ta vượt qua chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng lịch sử, tìm ra con đường cứu nước.

Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm con đường cứu nước từ năm 1911, trực tiếp tham gia cuộc sống lao động và đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Trải qua mười năm (1911- 1920) nghiên cứu, học tập, quan sát, và tham gia đấu tranh, đồng chí đã tìm ra chân lý cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin, thấy được muốn giải phóng dân tộc mình không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản. Khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đồng chí đã thấy được phương hướng giải quyết cho những vấn đề mà mình nung nấu từ lâu. Đồng chí đã thấy rõ “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vôn sản”[2]“Chỉ có chủ nghĩa Cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng loại và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc…”[3]Đồng chí là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Đồng chí cũng là người Việt Nam đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và phác thảo ra con đường cứu nước đúng đắn cho nhân dân ta… Năm 1921, ở Paris, đồng chí tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc địa”, ra báo Người cùng khổ bằng tiếng Pháp tuyên truyền và tập hợp lực lượng chống đế quốc trong các thuộc địa và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Cũng từ năm 1921, đồng chí bắt tay viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, tác phẩm có 12 chương, một số chương đã đăng trên báo Người cùng khổ. Tác phẩm được Hiệu sách Lao động (Librairie du travail) ở Pari xuất bản lần đầu tiên năm 1925. Đó là bản cáo trạng tố cáo chế độ thực dân Pháp, vạch rõ tội ác xấu xa và sự lừa bịp của bọn thực dân ở các thuộc địa, mô tả hình thù của chủ nghĩa tư bản: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi”[4]Bản án chế độ thực dân Pháp cũng vạch rõ sức mạnh to lớn của cách mạng giải phóng dân tộc, chỉ cho các dân tộc thuộc địa con đường của Cách mạng Tháng Mười. Đối với nước ta, đây là tác phẩm có tính chất lý luận cách mạng đầu tiên của Việt Nam, xác định phương hướng tư tưởng mới cho phong trào cách mạng Việt Nam, phương hướng đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười, Bản án chế độ thực dân Pháp và báo Người cùng khổ đã góp phần quan trọng nâng cao giác ngộ cách mạng cho công nhân và nhân dân lao động nước ta; giúp cho trí thức yêu nước ở nước ta hướng vào tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười, hình thành tư tưởng cách mạng vô sản của phong trào yêu nước.

Cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với tư cách là Uỷ viên Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, phụ trách Cục Phương Nam. Ở đây, đồng chí cùng với các nhà cách mạng Trung Quốc và một số nước khác ở châu Á sáng lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”, đồng thời tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước.

Tháng 6 -1925, đồng chí thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gồm những thanh niên Việt Nam yêu nước nhiệt thành và được giác ngộ bước đầu về chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong hội có tổ chức trung kiên làm nòng cốt là Cộng sản đoàn.

Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra tuần báo Thanh niên làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Trong thời gian từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927, báo do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách và ra được 88 số. Số 1 ra ngày 21-6-1925. Mỗi số in khoảng 100 bản ở Quảng Châu rồi chuyển về nước theo đường bí mật. Cơ sở ở trong nước chép thêm thành nhiều bản khác để lưu hành. Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên do người Việt Nam viết để phục vụ sự nghiệp cách mạng của người Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Nó cũng là tờ báo tiếng Việt đầu tiên đưa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin truyền bá trong những người yêu nước Việt Nam. Tiếp theo cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp và báo Người cùng khổ, báo Thanh niên đã bước đầu giới thiệu một thế giới quan mới, một con đường cách mạng mới và một mẫu người chiến sĩ cách mạng mới.

Trong nhiều số báo, bằng nhiều cách diễn đạt dễ hiểu, báo đã trình bày cách mạng Thanh niên, thường xuyên tố cáo tội ác và các thủ đoạn lừa bịp của thực dân Pháp và tay sai bằng các dẫn chứng cụ thể, kêu gọi nhân dân đứng dậy tự giải phóng cho mình. Báo đã phê phán các tư tưởng gây trở ngại cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: bị áp bức bóc lột khốn khổ nhưng chỉ biết than thân, trách phận, đổ tại số trời hoặc chờ đợi “minh quân” xuất hiện, coi thường công nông, ỷ lại, người này chờ đợi người khác, không biết rằng mình không giúp mình thì không ai giúp được mình, v.v...

Báo cũng nêu cốt cách của người cách mạng, trước hết là đức tính hy sinh vì nhân dân, vì cách mạng.

Cùng với việc trực tiếp phụ trách báo Thanh niên, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã mở được 10 lớp huấn luyện cho hơn 200 cán bộ, đào tạo họ thành những người cách mạng Việt Nam đầu tiên tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, một số sau đó được cử sang học Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô.

Những bài giảng của đồng chí được in thành sách Đường cách mệnh. Đây là tác phẩm vận dụng sáng tạo học thuyết Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng nước ta, vạch ra những vấn đề cơ bnả về lý luận, chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã tiếp tục phát triển luận điểm sáng tạo: nhân dân các nước thuộc địa có thể chủ động đứng lên đem sức mình mà giải phóng cho mình. “…Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự gúp lấy mình đã”[5]. Đồng chí dự báo: cách mạng dân tộc Việt Nam thành công thì tư sản Pháp yếu đi, tư bản Pháp yếu đi thì công nông Pháp làm cách mạng giai cấp cũng dễ”[6]. Như vậy cách mạng ở nước ta cũng như ở các nước thuộc địa, không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc. Đường cách mệnh đã có tác dụng to lớn giáo dục và tổ chức những thanh niên cách mạng chân chính, tập hợp họ vào đội ngũ tiên phong của giai cấp vô sản làm nòng cốt cho việc tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Tác phẩm Đường cách mệnh đã đặt nền tảng về lý luận, chính trị, tư tưởng cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930.

Từ những năm 1920 trở đi, phong trào yêu nước phát triển mạnh. Sau các cuộc đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925), phong trào để tang Phan Chu Trinh (1926), nhiều tổ chức yêu nước ra đời, như Tâm Tâm Xã (1923 - 1925), Tân Việt Cách mạng Đảng (1926 - 1930). Những tổ chức yêu nước đó có tác dụng nhất định trong việc truyền bá tư tưởng mới, giáo dục lòng yêu nước và tập hợp quần chúng thanh niên trí thức, tiểu tư sản, nhưng đều chưa phản ánh quan điểm chính trị của giai cấp vô sản. Thời kỳ này còn có sự ra đời của một số tổ chức đi theo đường lối cách mạng tư sản. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã đấu tranh chống lại chủ nghĩa cải lương thoả hiệp với chủ nghĩa đế quốc của những đại biểu cho tư sản mại bản và đại địa chủ như quan điểm “Lập hiến” của Bùi Quang Chiêu, thuyết “trực trị” của Phạm Quỳnh yêu cầu đế quốc Pháp ban bố cho một số quyền lợi. Đồng thời đã đấu tranh chống lại đường lối dân tộc hẹp hòi của Việt Nam Quốc dân Đảng phủ nhận đấu tranh giai cấp, chủ trương đoàn kết tất cả, chống đế quốc nhưng không chống phong kiến. Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước đúng đắn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lúc này cực kỳ khó khăn do sự đàn áp tàn bạo và những thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo của đế quốc Pháp. Chúng đã thẳng tay kết tội “cộng sản làm loạn”, bất cứ ai rải một tờ truyền đơn, đọc một tờ báo cách mạng đều bị bắt bớ, cầm tù. Chúng nói xấu Liên Xô, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, vu cáo những người cộng sản là “quá khích”, “phá hoại”, “tay sai Mạc tư khoa”…

Giai cấp công nhân Việt Nam là sản phẩm trực tiếp của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Cũng như các tầng lớp lao động khác ở Việt Nam, giai cấp công nhân bị ba tầng áp bức bóc lột: đế quốc, phong kiến và tư sản. Lớp công nhân đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, đến năm 1929 số lượng công nhân chuyên nghiệp có khoảng 22 vạn người (trong số đó mới có trên 5 vạn công nhân kỹ thuật). Tuy còn trẻ, số lượng ít (năm 1929 mới chiếm 1,2% dân số), trình độ văn hoá và kỹ thuật còn thấp, song ngày càng phát triển và đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến nhất ở nước ta, nhiệt tình yêu nước và có tinh thần đấu tranh cao. Để tạo điều kiện thuận lợi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào giai cấp công nhân và tự rèn luyện mình, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương “vô sản hoá”, đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với công nhân. Việc thực hiện chủ trương này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giác ngộ cách mạng cho giai cấp công nhân từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ tự phát đến tự giác, vùng dậy đoàn kết đấu tranh, trở thành lực lượng chính trị độc lập. Nó cũng tạo điều kiện cho những thanh niên trí thức tiểu tư sản đi từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ tán thành chủ nghĩa cộng sản đến thực sự rèn luyện để trở thành những chiến sĩ cộng sản.

Năm 1929, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển cơ sở mạnh mẽ trong cả nước. Hội rèn luyện được nhiều cán bộ cách mạng chân chính làm nòng cốt cho việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản. Giai cấp công nhân cũng từ những Hội ái Hữu, Hội Tương tế tiến lên tổ chức các Công hội. Từ Công hội được thành lập ở Nhà máy Ba Son (Sài Gòn) năm 1920, có thêm những tổ chức Công hội ở các Nhà máy chia, tơ, xi măng (Hải Phòng), Nhà máy điện Yên Phụ, sửa chữa ôtô Avia, in IDEO (Hà Nội), Nhà máy sợi, dệt (Nam Định), mỏ than Hòn Gai, Nhà máy xe lửa (Vinh)… Có sự lãnh đạo của Công Hội và Hội Thanh niên, các cuộc đấu tranh của công nhân được tổ chức tốt hơn, không chỉ có yêu sách kinh tế mà còn có đòi hỏi về chính trị. Ngày 4-8-1925 nổ ra cuộc bãi công của 1.000 công nhân Ba Son. Các năm 1927, 1928, 1929 hàng chục cuộc bãi công của công nhân diễn ra ở nhiều nhà máy, đồn điền, hầm mỏ. Trong các cuộc bãi công, khẩu hiệu đấu tranh chính trị kết hợp chặt chẽ với đấu tranh về kinh tế và đã có sự phối hợp giữa các xí nghiệp với nhau. Phong trào công nhân đã có tính độc lập rõ rệt. Nhiều cuộc đấu tranh ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, mỏ than Hòn Gai, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn, đồn điền cao su Phú Riềng (Thủ Dầu Một)… giành được thắng lợi.

Giai cấp nông dân Việt Nam chiếm 90% dân số, bị áp bức bóc lột nặng nề bởi tô tức, sưu cao, thuế nặng, phu phen tạp dịch triền miên, rất khao khát độc lập tự do và ruộng đất, hăng hái chống chế đế quốc, phong kiến. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có ảnh hưởng mạnh trong nông dân, thúc đẩy phong trào đấu tranh của nông dân ngày càng xích lại gần với phong trào đấu tranh của công nhân, đồng thời tranh thủ được tầng lớp trí thức, tiểu tư sản.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân ngày càng có tác động mạnh mẽ vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Trước xu thế phát triển của cách mạng, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không còn đáp ứng được đòi hỏi khách quan “phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”[7]. Ngày 17-6-1929 nhóm tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Bắc kỳ họp tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8-1929 một số cán bộ trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam kỳ đứng ra thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 1-1-1930, một số người tiên tiến trong Tân Việt Cách mạng Đảng ở Bắc Trung kỳ thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cả ba tổ chức đảng đều ra thông báo, tuyên ngôn, hiệu triệu quần chúng, nói rõ mục đích, tôn chỉ của mình, xuất bản các cơ quan ngôn luận như Búa Liềm, Bônseevích, Cờ Cộng sản, Cờ đỏ của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đỏ của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Trung Quốc, Cờ đỏ của An Nam Cộng sản Đảng ở Nam kỳ. Công hội đỏ miền Bắc do Đông Dương Cộng sản Đảng lãnh đạo ra báo Lao động. Một số đảng bộ địa phương cũng có báo như khu mỏ Quảng Ninh có báo Người thợ mỏ, Hầm mỏ, Hải Phòng có báo Sao đỏ, Nam Định có báo Tiền Phong, Phú Riêng có báo Giải thoát. Các chi bộ cộng sản được tổ chức và phát triển ở nhiều nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, đường phố, làng quê. Cờ đỏ, truyền đơn, áp phích xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả trong các công sở, trại lính. Nhiều khẩu hiệu đấu tranh cho dân sinh, dân chủ được phổ biến rộng rãi cùng với các khẩu hiệu cơ bản như đòi tăng tiền lương, ngày làm việc 8 giờ, bỏ cúp phạt bất công, bỏ thuế thân, bỏ thuế chợ, bỏ bắt phu, tự do bãi công, tự do hội họp, tự do lập hội, lật đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, lật đổ Nam triều và chế độ phong kiến, độc lập dân tộc hoàn toàn, chia ruộng đất cho dân cày, thành lập chính quyền công nông binh, bảo vệ Cách mạng Liên Xô.

Việc thống nhất các tổ chức cộng sản đã trở thành một yêu cầu khách quan và cấp bách của phong trào cách mạng để khắc phục sự chia rẽ về tư tưởng, tổ chức, thống nhất sự chỉ đạo trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành việc chuẩn bị hội nghị hợp nhất và đã chủ trì hội nghị từ ngày 3 - 7-2-1930. Hội nghị đã nhất trí thành lập Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lời kêu gọi nhân dân do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Hội nghị còn nhất trí thông qua Điều lệ tóm tắt của các hội quần chúng.

Chánh cương vắn tắt của Đảng vạch rõ cách mạng Việt Nam là “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[8]. Nhiệm vụ của cách mạng ấy là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do, tịch thu ruộng đất của đế quốc làm của công và chia cho nông dân nghèo, quốc hữu hoá xí nghiệp của đế quốc, mở mang công nghiệp và nông nghiệp, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo, thi hành luật ngày làm tám giờ, xây dựng chính phủ công nông binh và tổ chức ra quân đội công nông.

Sách lược vắn tắt và Chương trình tóm tắt ghi: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, Đảng phải “thu phục”[9] được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào dân cày nghèo để làm “thổ địa cách mạng”[10] đánh đổ đại địa chủ và phong kiến. Đảng phải “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt v.v… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng lập hiến v.v..) thì phải đánh đổ[11].

Trong khi nêu khẩu hiệu Việt Nam độc lập, Đảng đồng thời chủ trương đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp. Điều lệ vắn tắt quy định: “Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái đấu tranh và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thời được vào Đảng”[12].

Điều lệ nêu rõ trách nhiệm của đảng viên mà ba điều đầu tiên là “Tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và cổ động quần chúng theo Đảng”[13], “Tham gia mọi sự đấu tranh về chính trị và kinh tế của công nông”[14], “Phải thực hành cho được chánh sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản”[15],

Về dân chủ, kỷ luật, Điều lệ ghi: “bất cứ vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”[16].

Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc vạch rõ thế giới đã chia thành hai mặt trận: mặt trận cách mạng gồm giai cấp công nhân các nước và các dân tộc bị áp bức do Liên Xô đứng đầu và mặt trận của chủ nghĩa đế quốc. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đế quốc Pháp bị thiệt hại nặng nề đang ra sức khai thác các tài nguyên ở Đông Dương, ráo riết bóc lột, áp bức nhân dân ta, chuẩn bị cuộc chiến tranh đế quốc thứ hai. “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”[17]. Đế quốc Pháp không thể dùng khủng bố trắng để tiêu diệt cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo công cuộc “giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột”[18], đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến Việt Nam và tư sản phản cách mạng, làm cho Việt Nam độc lập, chia ruộng đất các đế quốc và địa chủ phản cách mạng cho dân nghèo, đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân.

Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắt tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt, đã hợp thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta, vạch rõ mục đích, động lực, phương pháp cách mạng và những khẩu hiệu đấu tranh cơ bản. Đó là con đường cứu nước đúng đắn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thể hiện tư tưởng kết hợp đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, dân tộc và quốc tế, chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sự đúng đắn của Cương lĩnh đầu tiên đã được quá trình thắng lợi của cách mạng nước ta chứng minh và khẳng định. Những luận điểm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về cách mạng thuộc địa, về chủ nghĩa dân tộc trên quan điểm của giai cấp công nhân còn là sự đóng góp to lớn vào sự phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào cách mạng thế giới.

Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đánh dấu “một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”[19]. Đó là kết quả việc chuẩn bị đầy đủ về các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức. Việc chuẩn bị đã phải tiến hành trong cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt chống lại sự khủng bố tàn bạo, đẫm máu của chủ nghĩa đế quốc. Về mặt tư tưởng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin để bước đầu xác lập nền tảng lý luận, vạch ra phương hướng, đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, trực tiếp tiến hành công tác tuyên truyền và huấn luyện cán bộ.

Những cán bộ đầu tiên được đồng chí đào tạo là những trí thức cộng sản đầu tiên, phần đông là học sinh, giáo viên, công chức đã tiếp tục công tác tuyên truyền, huấn luyện lý luận và đường lối, đẩy lùi khuynh hướng cải lương và dân tộc hẹp hòi của các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, kết hợp với việc cổ động chính trị hằng ngày đưa quần chúng ra hành động đấu tranh với địch giành quyền dân sinh, dân chủ.

Những đồng chí ấy đã trải qua muôn vàn hy sinh gian khổ, hoà mình vào trong quần chúng, “vô sản hoá”, thực sự rèn luyện mình thành những chiến sĩ cách mạng vô sản, những cán bộ tuyên huấn đầu tiên, đẩy nhanh việc kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Nhìn lại sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh qua quá trình cách mạng Việt Nam, chúng ta thấy cả một hệ thống quan điểm toàn diện, nhất quán và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đó là đi từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là một cuộc cách mạng thuộc địa từ giải phóng dân tộc đến giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Đây là luận điểm trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh, là chiều sâu nhất trong tư duy lý luận của Người. Tư tưởng đó không những có giá trị lớn lao trong thế kỷ XX mà còn toả sáng trong thế kỷ XXI”[20].

II. CAO TRÀO CÁCH MẠNG 1930 - 1931 VÀ XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH - ĐẤU TRANH CHỐNG KHỦNG BỐ, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO CÁCH MẠNG (1932 - 1935)

1. Cao trò cách mạng 1930 - 1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh

Cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản thế giới từ năm 1929 đến 1933 đã làm cho đời sống nhân dân lao động nước ta ngày càng khốn khổ hơn. Công nghiệp đình đốn làm cho thợ thuyền thất nghiệp hàng loạt. Nông nghiệp lại gặp thiên tai dồn dập: hạn, lụt những năm 1930 - 1931. Nông dân thiếu đói kéo ra thành phố, hầm mỏ, đồn điền nhưng cũng thiếu việc làm. Để bù vào những khoản thua lỗ, bọn thống trị Pháp lại tăng cường vơ vét bóc lột: tăng thuế, phá giá đồng bạc Đông Dương, v.v.. Trong hoàn cảnh ấy, phong trào cách mạng càng bùng nổ lên mạnh mẽ. Lo sợ trước tình hình đấu tranh của nhân dân ta, đế quốc Pháp đã tăng cường khủng bố, bắt bớ, cầm tù hàng loạt những chiến sĩ cách mạng và những người tham gia đấu tranh, càn quét, chém giết, kể cả ném bom, triệt phá làng mạc sau cuộc khởi nghĩa thất bị của Việt Nam Quốc dân Đảng (tháng 2-1930).

Cũng vào thời gian này, thi hành Nghị quyết Hội nghị thống nhất Đảng tháng 2-1930, các đảng bộ địa phương đã thực hiện việc quán triệt Chánh cương, Điều lệ tóm tắt của Đảng, tạo ra nguồn sinh khí mới trong các chi bộ. Về nhiệm vụ trước mắt, Đảng chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo quần chúng tiếp tục đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi dân chủ, kết hợp chặt chẽ với tích cực chống khủng bố, bảo vệ phong trào.

Việc phổ biến Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được tiến hành rộng rãi. Nội dung lời kêu gọi rất súc tích nhưng dễ hiểu, thiết tha, xúc động, những khẩu hiệu nêu ra phản ánh nguyện vọng bức thiết của quần chúng lao động, đi nhanh vào lòng người.

Trong thời gian này, khi chủ nghĩa tư bản thế giới chìm ngập trong khủng hoảng thì ở Liên Xô, nền kinh tế vẫn phát triển với nhịp độ cao, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết cuốn Nhật ký chìm tầu ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân Liên Xô, đập tan luận điệu xuyên tạc, vu cáo của chủ nghĩa đế quốc. Cuốn sách đã được nhiều đảng bộ in ra và phát hành làm tài liệu tuyên truyền. Nội dung cuốn sách được phổ biến trong công nhân và các tầng lớp lao động làm cho họ thêm hăng hái tham gia cách mạng.

Dưới sự chỉ đạo của các đảng bộ, phong trào cách mạng đã dấy lên mạnh mẽ. Đáng chú ý là cuộc bãi công của công nhân dệt Nam Định, biểu tình, đình công của công nhân mỏ Mông Dương, bãi công của công nhân Xí nghiệp Bến Thuỷ, Nhà máy Ba Son, công nhân đồn điền Phú Riềng, biểu tình của nông dân Thái Bình, Hà Nam. Những cuộc đấu tranh trên đều có thắng lợi và có ảnh hưởng lớn ở địa phương. Từ cuối tháng 4-1930, trên cơ sở những thắng lợi đã thành được, Đảng đẩy mạnh việc tuyên truyền về ngày Quốc tế lao động 1-5, cổ vũ quần chúng mở đợt đấu tranh mới nhân dịp kỷ niệm. Mặc dù địch ra lệnh giới nghiêm, vây ráp, nhưng cờ đỏ, truyền đơn, áp phích, biểu ngữ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, kể cả một số vùng nông thôn. Các cuộc biểu tình, tuần hành, bãi công, bãi thị đã nổ ra liên tiếp từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5-1930 ở các xí nghiệp công nghiệp Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, Vinh, Sài Gòn, Chợ Lớn và nhiều vùng nông thôn: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Kiến An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Định, Vĩnh Long, Sa Đéc, v.v.. Nhiều cuộc bãi công, biểu tình bị địch đàn áp đẫm máu, nhưng không đẩy lùi được khí thế đấu tranh của quần chúng. Nhiều cuộc mít tinh đã diễn ra sôi nổi như: kỷ niệm 1-5, truy điệu các chiến sĩ hy sinh, tố cáo tội ác của giặc, kiên quyết đòi chúng thực hiện các yêu sách của nhân dân. Địch đã phải có một số nhượng bộ như: trả tự do cho một số người bị bắt, giảm bớt giờ làm, hứa bớt cúp phạt, cải thiện điều kiện lao động, hoãn thuế cho nông dân.

Sau đợt kỷ niệm ngày 1-5 là đợt kỷ niệm Ngày quốc tế đỏ 1-8, Ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng xuất bản tài liệu Ngày Quốc tế đỏ 1-8. Tài liệu này giải thích nguồn gốc chiến tranh đế quốc, kêu gọi chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xôviết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Tài liệu cũng phân biệt ba loại chiến tranh: chiến tranh đế quốc, chiến tranh đế quốc chống Liên bang Xôviết, chiến tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và thái độ đối với các loại chiến tranh ấy; cuối cùng, tài liệu nêu rõ những khẩu hiệu đấu tranh nhân dịp kỷ niệm 1-8 (đây là tài liệu đề rõ Ban cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành sớm nhất đã sưu tầm được). Trong thời gian này, Đảng còn chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong binh lính, kêu gọi họ đoàn kết với nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh trong Ngày chống chiến tranh đế quốc. Việc này có ảnh hưởng nhất định tới binh lính; ở một số nơi binh lính đã không bắn vào quần chúng khi họ bị đưa đi đàn áp các cuộc biểu tình trong dịp này. Từ 1-8 đến tháng 10-1930, hàng trăm cuộc đấu tranh của nhân dân nổ ra ngày càng quyết liệt. Do sự đàn áp tàn bạo của bọn thống trị, từ tháng 9 phần lớn các cuộc biểu tình của nhân dân có tổ chức lực lượng tự vệ được trang bị giáo mác, gậy bộc, nhiều cuộc đông tới hàng ngàn người, có cuộc lớn tới 2 vạn người (ngày 1-9 ở Thanh Chương, Nghệ An). Cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh từ đó phát triển lên và hình thành cuộc nổi dậy của quần chúng thành lập chính quyền Xôviết. Chính quyền này đã được thành lập ở trên 300 thôn xã thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh làm nhiệm vụ chính quyền công nông đầu tiên ở nước ta. Công tác tuyên truyền trong nhân dân đã được tiến hành công khai, sâu rộng để thực hiện các chính sách của cách mạng: xoá nợ, giảm tô, chia lại công điền cho nông dân, thủ tiêu mọi thứ thuế, ban bố các quyền dân chủ, xử án bọn phản động, bài trừ hủ tục, tổ chức học văn hoá… Nhiều loại báo chí địa phương được xuất bản. Xứ uỷ Trung kỳ có báo Người lao khổCông nông binh, Nghệ An có báo Tiến lên, các huyện của tỉnh Nghệ An như Hưng Nguyên có báo Sản nghiệp, Thanh Chương có báo Nhà quê, Quỳnh Lưu có báo Tia sáng, Nam Đàn có báo Giác Ngộ .v.v.. Hàng loạt thơ ca cách mạng được lưu truyền. Sách báo, thơ ca, tài liệu cách mạng được phổ biến rộng rãi. Hàng đêm nhân dân hội họp nghe cán bộ nói chuyện, đọc sách báo, đi học văn hoá.

Ở nhiều tỉnh khác, phong trào nông dân cũng phát triển mạnh. Nông dân Tiền Hải (Thái Bình) biểu tình tri huyện phải bỏ trốn; nông dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) làm chủ huyện lỵ, phá công đường, đốt sổ sách, nông dân Cao Lãnh (Nam Bộ) phá nhà địa chủ, hội tề. Ở Hà Nội, đảng bộ lập đội tuyên truyền xung phong phân phát truyền đơn, tổ chức nói chuyện ủng hộ Xôviết Nghệ Tĩnh.

Để đối phó với tình hình, bọn đế quốc và tay sai đã điên cuồng phản công, liên tiếp mở các cuộc hành quân đàn áp và dùng nhiều thủ đoạn chia rẽ, lừa bịp. Điển hình cho sự tàn bạo là vụ ném bom xuống cuộc biểu tình của nhân dân huyện Hưng Nguyên ngày 12-9-1930. Đảng đã liên tiếp ra thông báo, lời kêu gọi, tuyên bố bảo vệ Xôviết - Nghệ Tĩnh, chống khủng bố[21], chỉ thị cho cấp uỷ Trung kỳ các công tác cần thiết và uốn nắn các sai lầm[22]. Các tài liệu trên tố cáo tội ác của bọn đế quốc và tay sai, biểu dương những thắng lợi của Xôviết Nghệ Tĩnh. Tinh thần dũng cảm hy sinh của cán bộ, nhân dân, ý thức đoàn kết của công nông và binh lính, kêu gọi toàn Đảng và nhân dân cả nước ủng hộ Xôviết Nghệ Tĩnh. Các tài liệu còn vạch kế hoạch hướng dẫn công tác tư tưởng tổ chức và đấu tranh chống khủng bố trắng, bảo vệ phong trào cách mạng và những thắng lợi đã giành được. Công tác tuyên truyền được đặc biệt coi trọng:

“Luôn luôn tuyên truyền, tuyên truyền nữa, luôn luôn có những cuộc nói chuyện và những cuộc nói chuyện nữa để cổ vũ, thúc đẩy quần chúng hy sinh cho sự nghiệp chung”[23].

“Dù trong trường hợp thắng lợi hay thất bại, điều quan trọng là làm cho quần chúng hiểu rằng chế độ cũ không thay đổi và không có một hy vọng cải thiện và tiến bộ nào trong những điều kiện sống hiện nay…”[24].

“In thật sạch sẽ và rõ ràng các truyền đơn, phân phát truyền đơn với số lượng nhiều sao cho có được nhiều người đọc và nhiều người bình luận”[25], “thuật ngữ tuyên truyền phải được tuyệt đại đa số quần chúng hiểu biết”[26], “cờ có ghi khẩu hiệu phải được dựng lên khắp nơi”[27], “các tỉnh và chi bộ phải lập ra những uỷ ban cách mạng để nghiên cứu những phương thức tuyên truyền”[28]. Trong chỉ thị Gửi cấp uỷ Trung kỳ, Trung ương thấy trong nước chưa có thời cơ khởi nghĩa, các Xôviết không thể tồn tại lâu dài nên ghi rõ: “phải làm cách thế nào mà duy trì kiên cố ảnh hưởng của Đảng, của Xôviết trong quần chúng để đến khi thất bại thì ý nghĩa Xôviết ăn sâu vào trong óc quần chúng và lực lượng của Đảng và nông hội vẫn duy trì”[29].

Do còn thiếu kinh nghiệm, cán bộ phạm phải một số sai lầm ảnh hưởng đến sự đoàn kết của các tầng lớp ở nông thôn, lực lượng cán bộ và cơ sở bị tổn thất nhiều vì sự đàn áp của địch nên phong trào từ giữa năm 1931 đã xuống dần.

Xôviết Nghệ Tĩnh tuy không thành công nhưng đã chứng tỏ năng lực cách mạng của nhân dân Việt Nam, của một Đảng Cộng sản kiên cường mới thành lập chưa được một năm đã có ảnh hưởng trong nước và trên thế giới. Qua cao trào 1930 - 1931 và Xôviết Nghệ Tĩnh, tháng 4-1931 Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng ta và ra quyết định công nhận Đảng ta là một bộ phận độc lập của Quốc tế Cộng sản.

Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, thứ hai và Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10-1930 đến cuối năm 1931).

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 14 đến 30-10-1930 tại Hương Cảng. Hội nghị thảo luận và thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo, thông qua Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, thông qua Điều lệ Đảng và Điều lệ của các tổ chức quần chúng. Hội nghị đã đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, cử ra Ban Thường vụ Trung ương và cử đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Luận cương chính trị phát triển tư tưởng, đường lối đã nêu ra trong cuốn Đường Cách mệnh, trong chánh cương, sách lược vắn tắt, nêu rõ: cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền, tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

- Cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến, hai nhiệm vụ chiến lược đó có quan hệ chặt chẽ với nhau.

- Cách mạng Việt Nam phải lấy công nông làm động lực chính và do giai cấp công nhân lãnh đạo.

- Con đường giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam là con đường khởi nghĩa vũ trang.

Khi chưa có tình thế cách mạng trực tiếp thì Đảng đưa ra khẩu hiệu đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ kết hợp với các khẩu hiệu chính trị để giác ngộ quần chúng.

- Nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng là phải có một Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp vô sản được trang bị bằng lý luận Mác - Lênin “có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành”[30].

Về công tác tư tưởng, Nghị quyết Trung ương ghi: “Đảng phải làm cho càng ngày càng đông quần chúng biết mục đích của Đảng và ý kiến của Đảng đối với các vệc quan trọng xảy ra. Muốn được như thế thì Đảng phải mở rộng việc tuyên truyền cổ động ra (báo, sách, truyền đơn, diễn thuyết, .v.v..)…

Lại phải biết lợi dụng các cơ hội mà hoạt động công khai… tổ chức mít tinh, diễn thuyết”[31].

Điều lệ Đảng cũng ghi trong ba nhiệm vụ của chi bộ, có hai nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến công tác tư tưởng:

- “Tuyên truyền và cổ động c.s (cộng sản) một cách có kế hoạch, thực hành khẩu hiệu và nghị quyết của Đảng trong quần chúng công nông cho họ theo Đảng.

- Tìm thêm và huấn luyện đảng viên mới, phát đồ tuyên truyền của Đảng; huấn luyện đảng viên và công nông về mặt văn hoá và chính trị”[32].

Điều lệ của Đảng cũng quyết định lập Bộ Tuyên truyền cùng với Bộ Tổ chức, Bộ Công nhân vận động.

Các nghị quyết Trung ương về vận động công nhân, nông dân cũng nêu cụ thể nội dung và cách thức tuyên truyền công nhân, nông dân, phụ nữ và thanh niên công nhân, nông dân.

Ngày 1-11-1930 Đảng ra lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11), tố cáo âm mưu chuẩn bị chiến tranh đế quốc và bao vây, khiêu khích, lật đổ Liên Xô, kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên Xô. Lời kêu gọi còn tố cáo tội ác của đế quốc Pháp đối với dân ta, nêu những khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, biểu dương những thắng lợi của phong trào và tinh thần cách mạng của nhân dân, nêu những khẩu hiệu đấu tranh chống địch khủng bố, noi gương cách mạng Nga, đứng lên làm cách mạng đánh đổ chủ nghĩa đế quốc: “Các bạn cần phải tuyên truyền cho các anh chị em bị bóc lột trong nước để họ ủng hộ Đảng Cộng sản, để họ đứng lên làm cách mạng tiêu diệt tận gốc toàn bộ quân thù”[33].

Ngày 18-11-1930 Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị về thành lập Hội “Phản đế đồng minh”.

Chỉ thị này đặt rõ việc mở rộng mặt trận chống đế quốc trên cơ sở liên minh công nông. “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật đông, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”[34],

“Hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc, họ là tầng lớp trên hay ở vào lớp giữa cũng vậy, và cho tới tất cả những người địa chủ, có đầu óc oán ghét đế quốc Pháp, mong muốn độc lập quốc gia để đưa tất cả những tầng lớp và cá nhân đó vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp, để cần kíp tổng động viên toàn dân nhất tề hành động mặt này hay mặt khác, mà chống khủng bố trắng và ủng hộ cách mạng công nông”[35].

Chỉ thị cũng hướng dẫn cách thức tổ chức mặt trận phản đế: thuyết phục các tầng lớp trên, chú trọng sử dụng các đoàn thể tương trợ của nhân dân (phường hội làm ăn, hiếu hỉ..) để “lấy quần chúng tổ chức quần chúng, lấy quần chúng tuyên truyền quần chúng. Đưa dần đức tin của quần chúng vào cách mạng. Đưa lý luận cách mạng giáo hoá quần chúng dần dần”[36].

Trên thực tế, chỉ thị này đã bổ khuyết thiếu sót của Luận cương chính trị và Hội nghị Trung ương lần thứ nhất chưa thấy đầy đủ vị trí của yếu tố dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, chưa phân biệt rõ tư sản mại bản và tư sản dân tộc, không thấy những mâu thuẫn nhất định giữa một số địa chỉ vừa và nhỏ đối với bọn đế quốc và tay sai.

Dù địch ra sức đàn áp, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân vẫn nổ ra liên tiếp trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười và kỷ niệm Công xã Quảng Châu (12-12) đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố, ủng hộ Xôviết Nghệ Tĩnh. Nhiều cuộc tuyên truyền cho cách mạng gắn với đấu tranh còn diễn ra trong các nhà tù, toà án: hô khẩu hiệu, hát bài ca cách mạng, treo cờ, v.v. như ở nhà lao Hải Phòng, cờ đỏ treo ngay trên nóc lô cốt địch; ở toà án đề hình trong trại lính Kiến An, các chiến sĩ cách mạng giương cờ, hô khẩu hiệu làm rối loạn phiên toà[37].

Để đối phó với sự khủng bố của địch, các chiến sĩ đã phát huy nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền như lấy truyền đơn gói xôi bán bữa ăn sáng cho thợ thuyền, kẹp truyền đơn vào sách truyện, sách vở học sinh. Tổ chức huấn luyện ngay trên bãi biển, cánh đồng cho từng người như đang cùng lao động. Cuối tháng 3-1931, Hội nghị Trung ương lần thứ hai tại Sài Gòn kiểm điểm tình hình phong trào cả nước, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng, định hướng công tác sắp tới. Hội nghị nêu những thắng lợi đã giành được, đồng thời phê phán những nhận thức sai về tính chất Đảng có ảnh hưởng nhiều đến công tác tổ chức, tuyên truyền vận động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh như: không chú trọng kết nạp công nhân vào Đảng, không đưa đảng viên tiên tiến thuộc thành phần công nhân vào các cấp lãnh đạo, lối làm việc phân tán, bao biện, độc đoán, mệnh lệnh, kỷ luật lỏng lẻo, chú trọng vận động nông dân nhiều hơn công nhân “xoay hết lực lượng và tâm tư về nhà quê”[38], “trong Nông hội vẫn còn nhiều phần tử không dính dáng chút gì với dân cày”[39]. Về lãnh đạo quần chúng đấu tranh thì có ý kiến cho rằng trong lúc kinh tế khủng hoảng, không nên đấu tranh, đấu tranh sẽ thất bị, có chủ trương tách rời tổ chức và đấu tranh “nghỉ đấu tranh để tổ chức đã”[40], đề ra khẩu hiệu đấu tranh không căn cứ vào nguyện vọng quần chúng, cưỡng bức quần chúng đấu tranh, cản trở quần chúng khi cần tự vệ chống lại sự đàn áp của binh lính,.v.v.. Hội nghị cho rằng đó là những “dấu tích tính chất tiểu tư sản”[41].

Nghị quyết của hội nghị dành một chương riêng về vấn đề tuyên truyền cổ động nêu rõ công tác này có tầm quan trọng đặc biệt trong “lúc kinh tế của tư bản chủ nghĩa toàn thế giới đương bị khủng hoảng lớn, trong lúc giai cấp đấu tranh ngày càng kịch liệt, điều kiện phát triển của phong trào cộng sản cách mạng đã chín chắn… trong khi Đảng mới thành lập trình độ lý luận của Đảng còn thấp kém, nền tư tưởng còn chưa vững bền, nhân tài để làm việc Đảng còn rất hiếm”[42]. Hội nghị đã phê phán những khuyết điểm trong công tác tuyên truyền cổ động và đề ra những nhiệm vụ chính trong thời gian tới: lập bộ máy tuyên truyền cổ đông ở Trung ương và cấp dưới, tuyên truyền huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng tư tưởng vz bônsêvích, chống các xu hướng cơ hội, chống chủ nghĩa quốc gia cải lương, mở rộng công tác tuyên truyền cổ động trong quần chúng, chống các trò lừa bịp của đế quốc, “đào tạo ra nhân tài thờ thuyền làm việc cho Đảng”[43]. Về cách thực hiện, phải thiết thực, lý luận gắn liền với thực tiễn cách mạng, “phải luôn huấn luyện cho đảng viên và thợ thuyền theo đại cương của chủ nghĩa Mác - Lênin mà giải quyết những việc xảy ra trong sự giai cấp tranh đấu hằng ngày, và căn cứ vào những sự kinh nghiệm đấu tranh mà phát triển trình độ tư tưởng”[44].

“Cách cổ động tuyên truyền phải cho xác thực, phải lấy những sự áp bức hàng ngày của quần chúng mà giải thích cho họ hiểu sự cần phải tranh đấu, lấy những sự nhu yếu thiết thực của họ mà làm cho họ hiểu những khẩu hiệu chánh của Đảng”[45]. Trong báo chí “phải đem những vấn đề chính trị phổ thông, những khẩu hiệu chánh trị mà liên kết với sự sinh hoạt hàng ngày của thợ thuyền trong sản nghiệp”[46], “phải viết văn bài cho thiệt dễ hiểu… Đồng thời lại phải chú ý làm cho những tiếng mới thuộc về chính trị và kinh tế được mau phổ thông… phải soạn ra những tài liệu để cổ động tuyên truyền… để cho chi bộ và đảng viên căn cứ vào đó mà làm việc cho xác đáng,… soạn ra các thứ sách vở cho quần chúng”[47].

Sau Hội nghị lần thứ hai của Trung ương Đảng, ngày 20-5-1931 Trung ương lại ra chỉ thị phê phán và uốn nắn chủ trương “thanh Đảng” của Xứ uỷ Trung kỳ. Chỉ thị nêu ra những tiêu chuẩn cơ bản của đảng viên và khẳng định đa số đảng viên hết sức trung thành, tận tụy hy sinh trong cuộc đấu tranh quyết liệt với địch mặc dù thành phần xuất thân có khác nhau, cũng có một số ít đầu hàng, phản bội không thể tránh khỏi, “không những trong Đảng ta mà các đảng trên thế giới đều có”[48].

Chỉ thị phân tích đặc điểm của Đảng ta ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân còn chiếm một tỷ lệ rất thấp trong nhân dân nhưng “đã thành một lực lượng giai cấp giác ngộ nhứt định của nó, mặc dầumới đầu tiên và còn yếu ớt”[49], “cộng vào một khí chất phản đế của các dân tộc ở Đông Dương do các phong trào phản đế từ trước nung nấu lại, hai lực lượng ấy hợp lại xây dựng nên Đảng cộng sản Đông Dương”[50]. Chỉ thị phê phán chủ trương “thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” là “một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên…”[51].

Chỉ thị yêu cầu khắc phục thiếu sót, tự phê bình, nhận lỗi trước quần chúng, đảng viên ở những nơi có sai lầm. Việc phân tích trên đây về đặc điểm của Đảng, uốn nắn sai lầm và chủ trương thanh đảng của Xứ uỷ Trung kỳ chứng tỏ Trung ương Đảng đã bước đầu thấy quy luật xây dựng Đảng ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng cộng sản Đông Dương”[52].

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xôviết Nghệ Tĩnh đã khẳng định năng lực cách mạng của Đảng ta, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Tuy mới thành lập, Đảng đã vạch ra được đường lối chính trị đúng đắn, dựa hẳn vào công nông, thu hút mọi lực lượng tiến bộ, yêu nước, tiến hành cuộc đấu tranh vang dội chống đế quốc và phong kiến tay sai, tạo ra một phong trào cách mạng rộng lớn chưa từng có ở nước ta, vượt qua sự khủng bố tàn bạo của quân thù phong trào đã phát triển thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng nước ta.

Công tác tư tưởng đã luôn luôn được đặt lên vị trí hàng đầu nhằm giác ngộ chính trị cho đảng viên và quần chúng, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, chuyển tư tưởng yêu nước của nhân dân ta theo lập trường của giai cấp công nhân. Công tác tư tưởng thường xuyên tố cáo tội ác của đế quốc và tay sai, chống lại các thủ đoạn lừa bịp của chúng, chống chủ nghĩa quốc gia cải lương; đã gắn chặt với cuộc đấu tranh hàng ngày của quần chúng đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, kết hợp các khẩu hiệu kinh tế với khẩu hiệu chính trị, thông qua đấu tranh mà nâng cao trình độ chính trị, rèn luyện đảng viên và quần chúng. Đối với cán bộ, đảng viên, công tác tư tưởng đã coi trọng việc giáo dục tính chất giai cấp của Đảng, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin và phẩm chất đạo đức cách mạng, phân rõ ranh giới tư tưởng vô sản với tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, giữ vững đường lối chính trị đúng đắn, quan điểm tư tưởng vô sản, chống các ảnh hưởng tư tưởng phi vô sản, đào tạo một đội ngũ cán bộ kiên cường, trung thành, tận tụy với cách mạng. Các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương trong thời gian này đều chỉ ra phương hướng, nội dung công tác tuyên truyền cổ động, uốn nắn những thiếu sót, như: nội dung còn “bông lông, mơ hồ”, thiếu thiết thực, chỉ đạo thiếu tổ chức, kế hoạch, không có báo riêng cho xí nghiệp, thiếu phóng viên công nông, .v.v..

2. Đấu tranh chống khủng bố, khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (1932 - 1935)

a. Đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ Đảng, biến nhà tù thành trường học

Trước cao trào cách mạng năm 1930-1931 và Xôviết Nghệ Tĩnh, đế quốc Pháp dốc sức đàn áp cách mạng, đưa thêm quân viễn chinh sang, bắt bớ, càn quét, tàn sát dã man. Toàn quyền Pátxkiê tuyên bố: “Cuộc chiến đấu chống cộng sản là một cuộc đấu tranh quyết liệt nhất cho đến khi cộng sản hoàn toàn bị tiệt diệt mới thôi”. Theo tài liệu của Toàn quyền Đông Dương, từ năm 1930 đến 1933, chúng đã bắt giam hơn 24 vạn người (số này chắc còn xa sự thật nhiều). Mặt khác, chúng dùng nhiều thủ đoạn mị dân, lừa bịp, chia rẽ nhân dân, cô lập cách mạng như lập “chương trình cải cách”, “hội đồng hoà giải lao tù”, “tín dụng bình dân”, khuyến khích khai hoang, lập “Hội đồng cải lương hương tục”, lợi dụng tôn giáo để đánh lạc hướng và ru ngủ quần chúng, khuyến khích văn hoá đồi trụy và các tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, đĩ điếm[53]...

Sự khủng bố tàn bạo của địch đã gây cho cách mạng nước ta nhiều khó khăn và tổn thất lớn. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới tỉnh đều bị phá vỡ, hầu hết cán bộ lãnh đạo bị bắt giam, một số bị giết, cơ sở và đoàn thể quần chúng nhiều vùng cũng bị tan tác, nhưng đế quốc không thể tiêu diệt được tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.

Các cán bộ, đảng viên và nhiều hội viên các đoàn thể đã tỏ thái độ kiên cường, bất khuát trước sự tra tấn cực hình, mua chuộc, dụ dỗ của địch, giữ vững khí tiết cách mạng. Ngay khi đứng trước toà án địch, sắp lên máy chém, nhiều đồng chí đã nêu gương sáng của người chiến sĩ cộng sản. Trần Phú nói thẳng với quan toà: “những công việc của Đảng tôi, tôi chỉ nói với Đảng tôi mà thôi”, khi sắp mất đồng chí còn dặn các đảng viên trong tù “hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Ngô Gia Tự cũng nới với chúng “chính đế quốc Pháp cướp nước chúng tôi, chính các ông mới giết người, cướp của”. Lý Tự Trọng đi ra pháp trường vẫn hô khẩu hiệu đả đảo đế quốc Pháp, dõng dạc hát Quốc tế ca khi bước lên máy chém. Trong các năm 1932 - 1933, nhiều cán bộ đảng viên đã biến vành móng ngựa trong toà án địch thành diễn đàn tố cáo địch. Nguyễn Đức Cảnh bị án tử hình vẫn suy nghĩ viết bản tổng kết công tác công vận cho Đảng.

Ở trong tù, các đồng chí đã lập ra các chi bộ, lãnh đạo đấu tranh chống chế độ nhà tù dã man, tàn ác, giữ vững và cổ vũ tinh thần cách mạng. Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học để huấn luyện cán bộ đảng viên về lý luận, chính trị và văn hoá. Ở trong thù, một số đồng chí từ những tài liệu đã đọc, tự soạn tóm tắt rồi chép lại, như: Những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương, Lịch sử tóm tắt ba Quốc tế… Một số đồng chí ở nhà tù Côn Đảo nhờ giữ được liên lạc thường xuyên với tổ chức bên ngoài nên nhận được cả báo Luymanitê của Đảng Cộng sản Pháp và các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Các đồng chí ở đây đã lược dịch được nhiều tài liệu, như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Tư bản, Làm gì, Bệnh ấu trĩ tả khuynh, Nhà nước và cách mạng, Nguyên lý chủ nghĩa Lênin,v.v..

Các đồng chí còn ra báo chí trong tù: ở Côn Đảo, có báo Người tù đỏ và tạp chí Ý kiến chung do Nguyễn Văn Cừ phụ trách, ở Hoả Lò Hà Nội, có hai tờ báo Đuốc đưa đường (do Lê Duẩn làm chủ bút) và tờ Con đường chính (do Trường Chinh làm chủ bút). Ở nhà lao Vinh còn có báo bằng miệng như Đề lao tuần báo, Tiếng nhà pha, có tiểu thuyết bằng miệng Giọt máu hồng, có cả kịch được diễn trong tù.

Cuộc đấu tranh tư tưởng trong các nhà tù cũng diễn ra trên nhiều mặt chống lại các khuynh hướng tư tưởng dao động, thoả hiệp, dân tộc hẹp hòi trước hết đối với các đảng viên Quốc dân đảng ở Hoả Lò, Côn Đảo, Sơn La. Qua cuộc đấu tranh này quan điểm cách mạng của Đảng đã thuyết phục một số cán bộ lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân đảng, đưa họ vào hàng ngũ những người cộng sản, cô lập những người ngoan cố.

b. Khôi phục và phát triển phong trào cách mạng

Để khôi phục và phát triển phong trào cách mạng, Đảng đã công bố bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, phân tích tình hình, vạch ra phương hướng phấn đấu mới, tiếp đó là chương trình hành động của Công hội, Nông hội và Đoàn Thanh niên cộng sản.

Bản chương trình hành động của Đảng đánh giá cao những thắng lưọi đã giành được, nêu rõ những khó khăn, thất bị chỉ là tạm thời, biểu dưng những gương đấu tranh anh dũng của đảng viên và quần chúng. Chương trình hành động cũng khẳng định đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, phê phán chủ nghĩa cải lương tư sản thoả hiệp, đầu hàng chủ nghĩa đế quốc, nêu rõ phương hướng lợi dụng mọi hoàn cảnh, mọi khả năng, hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp để tuyên truyền vận động khôi phục hệ thống Đảng và các tổ chức quần chúng, đưa ra những yêu sách phù hợp với nguyện vọng cấp thiết của quần chúng để đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ.

Việc phổ biến, quán triệt bản chương trình hành động đã có tác dụng quan trọng trong việc ổn định tư tưởng đảng viên và quần chúng, nâng cao lòng tin vào lý tưởng và tiền độ cách mạng, đẩy lùi tư tưởng bi quan, dao động, vạch ra phương hướng khôi phục, phát triển phong trào và đấu tranh trong tình hình cách mạng đang gặp khó khăn.

Thực hiện chương trình hành động, các cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng dần dần được khôi phục, thu hút những người đã trải qua thử thách trong phong trào 30-31. Từ năm 1932, một số đồng chí được đưa ra tù và một số ở nước ngoài về đã bổ sung thêm cán bộ để xây dựng lại các cơ quan lãnh đạo.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, Đảng đã lợi dụng báo chí hợp pháp để tuyên truyền quan điểm tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống lại các quan điểm tư tưởng phản động, sai lầm.

Năm 1932, một số đồng chí cộng sản hoạt động hợp pháp ở Sài Gòn đã viết trên báo công khai phê phán thái độ phản động của người cầm đầu Đảng Lập hiến được đế quốc Pháp cho làm đại biểu Nam kỳ ở hội đồng thuộc địa tại Pari, vạch trần thủ đoạn mị dân, lừa bịp của bọn thực dân. Trong những năm 1933 - 1934 đồng chí Hải Triều viết một số bài phê phán quan điểm duy tâm phản động cho rằng “tinh thần sinh ra vật chất”, dân ta “thua kém về vật chất là bởi thua kém về tinh thần” cho nên phải “thành thật” mà khuất phục, thực chất là tư tưởng nô lệ, tự ty. Đồng chí đã giới thiệu chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch rõ nước ta sở dĩ còn thua kém các nước phương Tây là do bị đế quốc kìm hãm về chính trị, kinh tế, văn hoá.

Năm 1935, một cuộc tranh luận công khai nữa lại nổ ra xung quanh vấn đề quan điểm nghệ thuật “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Đây là lần đầu tiên, các đồng chí ta giới thiệu quan điểm mácxít về văn học nghệ thuật, nêu rõ văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp mà phải phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân, chống lại quan điểm văn học nghệ thuật tư sản. Đồng thời cũng phê phán tư tưởng thoát ly quần chúng, thoát ly thực tế, xa lìa cách mạng của một số trí thức tiểu tư sản và tư sản dân tộc khi phong trào cách mạng có khó khăn. Những cuộc tranh luận trên đã giành được thắng lợi cho quan điểm duy vật mácxít, bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng, nâng cao tinh thần cán bộ, đảng viên và quần chúng, góp phần khôi phục phong trào.

Cùng với việc xây dựng lại cơ sở, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân từ nàm 1932 cũng dần dần phát triển vừa hợp pháp, vừa không hợp pháp và ngày càng mang nội dung chính trị sâu sắc. Nổi bật là cuộc bãi công đồng loạt của 12 nhà máy xay ở Chợ Lớn do Đảng lãnh đạo tháng 5-1934, đấu tranh của nông dân các tỉnh miền núi miền Bắc chống bắt phu, kỷ niệm các ngày 1-5, 1-8 và Cách mạng Tháng Mười (10- 1934).

Ở Nam bộ, Đảng lợi dụng khả năng hợp pháp đưa người ra tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn và Hội đồng quản hạt Nam kỳ năm 1933 và năm 1935. Đảng tổ chức mít tinh, ra tuyên ngôn, phân phát truyền đơn để tuyên truyền chương trình chính trị, kinh tế, xã hội, có tác dụng cổ vũ lớn tinh thần cách mạng của nhân dân thành phố.

Đến năm 1934, hệ thống tổ chức của Đảng đã được khôi phục ở cả Bắc, Trung, Nam và Lào. Xứ uỷ Bắc kỳ, Trung kỳ, Chấp uỷ Nam Đông Dương và Lào được thành lập. Ở Bắc kỳ có báo Cờ đỏ của Xứ ủy, báo Dân nghèo của Đảng bộ Thái Bình. Ở Trung kỳ có báo Cờ đỏ của Xứ uỷ, báo Chặt xiềng, Dân cày của Đảng bộ Nghệ Tĩnh, Tiến lên của Quảng Trị. Ở Nam Kỳ có tờ Lao khổ của Chấp uỷ miền Tây, Giải phóng của Chấp uỷ miền Đông, tờ Vô sản và tạp chí Cộng sản của Chấp uỷ Nam Đông Dương, v.v. .

Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Đỏ đã giúp đỡ Đảng ta về nhiều mặt, tích cực tuyên truyền ủng hộ phong trào cách mạng Đông Dương, tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống khủng bố trắng của bọn thống trị thực dân, mở cuộc vận động đòi toàn xá tù chính trị. Đảng Cộng sản Pháp cử luật sư sang bào chữa cho các chiến sĩ Cộng sản, cử phái đoàn điều tra sang tiếp xúc với nhân dân Đông Dương, tìm hiểu sự đàn áp, bóc lột của bọn thực dân và tình hình khổ cực của nhân dân lao động, đòi bọn cầm quyền thuộc địa toàn xá tù chính trị, giải quyết những yêu cầu thực hiện dân chủ và cải thiện đời sống của nhân dân lao động; những việc trên đã cổ vũ và động viên các chiến sĩ cách mạng và nhân dân ta trong lúc cách mạng gặp khó khăn.

Đầu năm 1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài được thành lập do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, trong thực tế làm chức năng chỉ đạo việc khôi phục và phát triển phong trào, thống nhất lực lượng trong cả nước để thực hiện chương trình hành động và chuẩn bị Đại hội toàn quốc. Ban lãnh đạo phải ngoại ra tạp chí “Bônsêvích” phát hành trong cả nước nhằm giáo dục nâng cao trình độ cán bộ đảng viên, thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức trong Đảng. Trong thời gian này, tờ Bônsêvích của Ban lãnh đạo hải ngoại và Tạp chí Cộng sản của Ban Chấp ủy Nam Dông Dương có tác dụng quan trọng trong việc lãnh đạo tư tưởng, hướng dẫn công tác cho các đảng bộ và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc.

Tháng 6-1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài họp hội nghị với các đại biểu trong nước để nhận định tình hình, xác định chủ trương về củng cố Đảng, khôi phục và phát triển các đoàn thể cách mạng, chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Tháng 3- 1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao, đề ra các nhiệm vụ phát triển và củng cố Đảng, thu phục quần chúng, mở rộng Mặt trận phản đế, chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xôviết. Đại hội thông qua Điều lệ của Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương mới.

Đại hội lần thứ nhất của Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong việc khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của phong trào cách mạng sắp tới.

Nhìn lại, qua sự khủng bố trắng trợn, tàn bạo của kẻ địch, Việt Nam Quốc dân đảng đã bị tan rã hoàn toàn về tinh thần và tổ chức, còn Đảng ta tuy có bị tổn thất nặng nề nhưng chưa bao giờ rối loạn về tư tưởng và bị phá vỡ hoàn toàn về tổ chức. Qua thử thách, Đảng ta đã được tôi luyện hơn, tích luỹ thêm kiến thức và kinh nghiệm, quan hệ Đảng với quần chúng ngày càng bền chặt hơn, phong trào cách mạng được khôi phục tương đối nhanh chóng.

Trong thời gian này công tác tư tưởng đã được tiến hành kịp thời, sắc bén. Việc đánh giá đúng tình hình đã góp phần quan trọng ổn định tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin vào lý tưởng và thắng lợi của cách mạng, đẩy lùi các hiện tượng bi quan, dao động. Việc giáo dục khí tiết cách mạng trước kẻ thù, kiên cường đấu tranh trong lao tù đã nêu gương sáng của những người cộng sản về tinh thần hy sinh, bất khuất vì lợi ích cách mạng.

Ở trong tù, những người cộng sản không những đấu tranh để bảo vệ Đảng, giảm bớt chế độ hà khắc của nhà tù mà còn lợi dụng cơ hội để trao đổi, tổng kết kinh nghiệm công tác, huấn luyện về lý luận, chính trị và văn hoá cho đảng viên, đào tạo hàng loạt cán bộ ưu tú cho Đảng. Đảng đã lợi dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp, lợi dụng báo chí công khai để tuyên truyền về lý luận Mác - Lênin, đường lối cách mạng, đánh bại các quan điểm phản động, thoả hiệp, đầu hàng chủ nghĩa đế quốc và tư tưởng thoát ly nhân dân, xa rời cách mạng.

Như vậy, công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển phong trào, chuân bị cho những cuộc đấu tranh rộng lớn hơn về sau. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến các cấp đã trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động, nhiều đồng chí trực tiếp phụ trách báo, viết bài, biên soạn tài liệu tuyên truyền huấn luyện như các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Hồ Tùng Mậu, v.v. .

III. THỜI KỲ MẶT TRẬN DÂN CHỦ

1. Đại hội 7 Quốc tế Cộng sản, Hội nghị toàn quốc của Đảng và cuộc vận động dân chủ

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản, những mâu thuẫn vốn có của nó càng thêm sâu sắc. Bọn đế quốc không thể cai trị theo lối cũ bằng nền dân chủ tư sản và chế độ đại nghị nữa mà chuyển sang nền chuyên chính phát xít. Chuyên chính phát xít là nền chuyên chính tàn bạo, là sự khủng bố, đàn áp công khai của những phần tử phản động, hiếu chiến nhất của tư bản tài chính. Nó dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác để tăng cường bóc lột nhận dân lao động, ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thị trường và tiến công Liên bang Xôviết. Chủ nghĩa phát xít đã hình thành ở nhiều nước tư bản châu Âu và chế độ phát xít được thiết lập ở Đức, Ý, Nhật.

Bọn phát xít Đức, Ý, Nhật đã bắt đầu gây chiến (Ý xâm lược Abitsini; Đức, ý giúp Phrăngcô gây nội chiến ở Tây Ban Nha, Nhật mở rộng xâm lược Trung Quốc).

Trước sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh đế quốc, phong trào chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh đã lan rộng ở nhiều nơi thu hút không những công nhân và các tầng lớp lao động khác mà còn cả một bộ phận giai cấp tư sản, từng lớp trí thức.

Tháng 7- 1935 , Quốc tế Cộng sản họp Đại hội lần thứ 7. Đại hội đã phân tích bản chất chủ nghĩa phát xít, vạch rõ kẻ thù nguy hiểm nhất lúc này của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít, không phải là chủ nghĩa đế quốc nói chung, nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh đế quốc giành dân chủ và hoà bình mà chưa phải là đánh đổ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc nói chung, Đại hội chủ trương xây dựng Mặt trận thống nhất của giai cấp công nhân trên cơ sở đó thiết lập mặt trận nhân dân rộng rãi đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.

Đây là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược rất quan trọng của phong trào cộng sản. Chủ trương đúng đắn này đã được thực hiện có kết quả ở nhiều nơi. Tháng 5- 1936, Mặt trận nhân dân Pháp đã giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử và Chính phủ của Mặt trận lên cầm quyền. Chính phủ này bắt đầu thực hiện một số cải cách theo chương trình tranh cử.

Ở Đông Dương, Đảng ta vượt qua cuộc khủng bố của quân thù, được tôi luyện hơn, phong trào cách mạng cũng đã được khôi phục. Vấn đề đặt ra với Đảng là vận dụng Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh Việt Nam, tranh thủ cơ hội thuận lợi do Mặt trận nhân dân Pháp mang lại, chủ động đề ra những chủ trương thích hợp cho cách mạng nước ta.

Tháng 7- 1936, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Thượng Hải. Hội nghị phân tích tình hình quốc tế và trong nước, nêu rõ mục tiêu trước mắt và đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc đòi quyền dân chủ, cải thiện dân sinh, bảo vệ hòa bình.

Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai. Hội nghị quyết định tạm thời chưa nêu “khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày.

Hội nghị quyết định thành lập mặt trận rộng rãi lúc đầu gọi là Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (sau đổi là Mặt trận dân chủ gồm các lực lượng cách mạng, các đảng phái cách mạng quốc gia và cả cải lương nhằm thống nhất đấu tranh cho dân chủ, dân sinh và hoà bình, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai.

Hội nghị cũng quyết định thay đổi các hình thức và phương pháp đấu tranh từ tổ chức bí mật, đấu tranh bất hợp pháp là chính sang tổ chức và đấu tranh công khai hợp pháp, nửa hợp pháp là chính để phù hợp với việc chuyển hướng về mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt. Riêng về xây dựng Đảng vẫn phải “củng cố tổ chức và công tác bí mật hơn xưa”.

Để thực hiện bước đầu Nghị quyết hội nghị toàn quốc về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược, ngay từ tháng 8-1936 nắm thời cơ Mặt trận nhân dân Pháp giành thắng lợi trong tuyển cừ, Quốc hội Pháp chuẩn bị cử một phái đoàn điều tra sang Đông Dương để thực hiện một số điều cải cách theo chương trình của Mặt trận nhân dân, Đảng đã chủ trương mở cuộc vận động Đại hội Đông Dương. Nội dung cuộc vận động này là động viên các tầng lớp nhân dân nêu nguyện vọng, lập thành bản dân nguyện gửi tới phái đoàn điều tra nhằm mục tiêu trước mắt là đòi nhà cầm quyền Pháp thực hiện những cải cách, thực hành tự do, dân chủ, cải thiện đời sống cho nhân dân. Đây là dịp tốt để sử dụng mọi khả năng hợp pháp thức tỉnh, tuyên truyền phát động quần chúng đấu tranh phù hợp với điều kiện lúc ấy. Đảng kêu gọi các đảng phái, các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm các tổ chức quốc gia và cải lương thống nhất hành động theo một chương trình chung, từng bước hình thành Mặt trận đấu tranh cho các quyền lợi dân chủ, dân sinh của nhân dân chống bọn phản động thuộc địa.

Tháng 6- 1936, Đảng đã phát hành thư công khai của Trung ương Đảng gửi toàn Đảng, từ đó đến cuối năm đã xuất bản một số tài liệu để hướng dẫn, giải thích về việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược và chủ trương về cuộc vận động Đông Dương Đại hội:

- Mặt trận dân chủ thống nhất phản đế (tháng 6- 1936)

- Đông Dương Đại hội (tháng 9- 1936)

- Chung quanh vấn đề chính sách mới (tháng 10-1936)

- Kỷ niệm 7 năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 12- 1936).

Các tài liệu trên, nhất là cuốn sách Chung quanh vấn đề chính sách mới phân tích sâu sắc chính sách mặt trận, mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp đấu tranh trong thời kỳ mới, uốn nắn những nhận thức sai lầm, đấu tranh với những luận điệu phản động của bọn Tờrốtkít và các loại tay sai khác của chủ nghĩa đế quốc.

Các tài liệu trên vạch rõ:

- "Mặt trận nhân dân phản đế là cuộc liên hợp hết các giai cấp trong toàn dân tộc bị áp bức đặng tranh đấu đòi những đều quyền lợi hàng ngày cho toàn dân, chống chế độ thuộc địa vô nhân đạo, để dự bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển”[54]; “Nhiệm vụ cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương là đuổi đế quốc Pháp ra khỏi xứ, tẩy sạch tàn tích phong kiến, Đông Dương hoàn toàn độc lập Chủ trương ấy không bao giờ di dịch, nhưng chưa phải là nhiệm vụ trực tiếp lập tức của Mặt trận nhân dân phản đế trong lúc hiện tại ở Đông Dương…”[55]

- Chính sách Mặt trận nhân dân phản đế không phải là “chủ nghĩa giai cấp hợp tác”[56].Đứng trong hoàn cảnh đế quốc cứ tăng thêm áp bức và bóc lột quần chúng không có một chút quyền tự do dân chủ nhỏ mọn nào để làm khí cụ đấu tranh. Trong khi mà trình độ tranh đấu của quần chúng chưa tới trình độ cao, những điều yêu cầu của quần chúng có nhiều điều giống với điều yêu cầu của tư bản bản xứ, thì tại sao chúng ta không lấy những điều đó làm điều kiện để hiệu triệu tất cả các giai cấp, các đảng phái trong một dân tộc bị áp bức ra tranh đấu để thực hiện những điều yêu cầu rất thấp ấy?”[57]

“Trong lúc làm Mặt trận thống nhất với tư bản bản xứ, Đảng không bảo thợ thuyền đừng tranh đấu chống tư bản bản xứ, Đảng không bao giờ bảo nông dân đừng tranh đấu chống địa tô cao và nợ cao lãi"[58].

- Chính sách lập Mặt trận nhân dân phản đế không phải là "Pháp - Việt đề huề". "Đảng tán thành đề huề với vô sản và quần chúng lao động ở Pháp, ủng hộ Chính phủ tả phái để đòi hỏi những yêu cầu chính đáng cho toàn dân Đông Dương, phản đối sự đề huề với bọn đại tư bản Pháp, với bọn phản động tay chân Hítle, chúng làm phản cả nhân dân Pháp"[59].

- Về công tác tuyên truyền về Đảng, cần chú ý làm rõ: “Đảng ta cần phải là đảng của dân chúng bị áp bức, đội tiền phong cho cuộc dân tộc giải phóng, chỉ sợ rằng quảng đại quần chúng nhân dân không nhận hiểu chỗ đó, để bọn địch nhân lợi dụng khẩu hiệu tuyên truyền chật hẹp của Đảng mà lừa gạt nông dân, tiểu tư sản thành thị và các lớp khác trong dân tộc rằng: "Đảng Cộng sản là đảng của giai cấp thợ thuyền, chỉ bênh vực quyền lợi cho số ít thợ thuyền"… Đảng Cộng sản chỉ biết quyền lợi lao động thôi, không biết quyền lợi của “dân tộc”[60].

Sự tuyên truyền cổ động phải hiện thực liên lạc với những đều nhu yếu trực tiếp và “quyền lợi hàng ngày quần chúng”, của toàn dân tộc mới thích hợp”[61]

Việc tuyên truyền vận động Đông Dương Đại hội đã được tiến hành bằng nhiều hình thức linh hoạt, phong phú gắn chặt với phong trào đấu tranh của quần chúng. Đối với các tổ chức quốc gia và cải lương, Đảng vừa lôi kéo, hợp tác, vừa đấu tranh chống lại mặt tiêu cực và mưu đồ tranh giành quyền lãnh đạo của họ. Năm 1936, nhân dịp kỷ niệm ngày 1-5, cùng với việc nêu các khẩu hiệu đấu tranh, Đảng kêu gọi thành lập Mặt trận thống nhất. Đảng phát hành “Thư ngỏ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Việt Nam Quốc dân Đảng và gửi tất cả các nhóm và các tổ chức cách mạng quốc gia, các nhóm chống đế quốc, các tổ chức cải lương và phản động và các phần tử cách mạng biệt lập ở Đông Dương”[62]. Về mặt tổ chức Đảng chỉ đạo lập ra các Uỷ ban hành động để động viên giáo dục quần chúng. Phong trào bàt đầu từ Nam kỳ rồi lan rộng ra cả nước. Các Uỷ ban hành động tổ chức mít tinh, hội họp quần chúng công khai giải thích, thảo luận về tình hình thời cuộc về nguy cơ phát xít và chiến tranh, về tình hình áp bức bóc lột của bọn thống trị thuộc địa, về quyền lợi dân sinh, dân chủ, về tổ chức đấu tranh. Đảng sử dụng các báo chí tiến bộ viết bài, in truyền đơn cổ vũ cho Đại hội Đông Dương tạo ra phong trào ngày càng sôi nổi.

Trước tình hình trên, bọn thống trị thuộc địa không dám đàn áp trắng trợn như trước mà dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt đối phó. Đảng đã kịp thời tuyên truyền vạch những âm mưu của chúng và chỉ đạo quần chúng đấu tranh làm thất bại những âm mưu ấy như vạch trần Phạm Huy Lục (Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc kỳ) triệu tập hội nghị “thân hào” thành phố, tự thảo ra bản “nguyện vọng của dân”, tên khâm sứ Trung kỳ cho Lê Thanh Cảnh (Uỷ viên thường trực Viện Dân biểu Trung kỳ) đứng ra hô hào Đại hội Đông Dương ở Huế để khống chế phong trào. Từ giữa năm 1936, Đảng đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, giành nhiều thắng lợi đáng kể trong điều kiện lúc ấy. Chỉ trong 6 tháng cuối năm, hơn 300 cuộc đấu tranh nổ ra liên tiếp ở thành thị và nông thôn. Lớn nhất là cuộc đấu tranh thắng lợi của hơn 3 vạn thợ mỏ đòi tăng lương ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí.

Trước sức mạnh của phong trào Mặt trận nhân dân, giới cầm quyền Pháp thi hành một số cải cách tiến bộ ở thuộc địa.

Việc làm có ý nghĩa chính trị lớn nhất của Chính phủ Pháp là ra sắc lệnh ân xá chính trị phạm ở Đông Dương. Bọn thống trị ở Đông Dương buộc phải thi hành một phần sắc lệnh này.

Hàng ngàn chính trị phạm đã được giải thoát, bổ sung nhiều cán bộ cho phong trào cách mạng. Bộ trưởng thuộc địa Pháp cũng ra một số nghị định về chế độ lao động buộc bọn thống trị Đông Dương phải thi hành một phần, như thời gian lao động một ngày của công nhân, chế độ nghỉ chủ nhật, nghỉ phép năm, tiền lương tối thiểu, chế độ học nghề.

Tuy Chính phủ Pháp và bọn cầm quyền ở Đông Dương phải có một số nhượng bộ nói trên nhưng Chính phủ Pháp về bản chất vẫn là Chính phủ tư sản nên đã đồng tình với bọn thống trị ở Đông Dương ra lệnh cấm Đại hội Đông Dương và giải tán các Uỷ ban hành động.

Mặc dầu Đông Dương Đại hội bị cấm nhưng phong trào quần chúng ngày càng được Đảng thức tỉnh, giác ngộ qua đấu tranh nên vẫn tiếp tục phát triển. Đảng cũng có thêm hàng ngàn cán bộ ở tù ra và có thêm kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh công khai hợp pháp.

Tháng 1- 1937 Giúytstanh Gôđa được Chính phủ Pháp cử làm phái viên điều tra sang Đông Dương, Bơrêviê được cử sang làm Toàn quyền mới. Nhân cơ hội này Đảng đã chủ trương vận động quần chúng xuống đường đón "những đại biểu của Mặt trận nhân dân Pháp", lấy cớ đó để tuyên truyền cổ động cho đường lối của Đảng, phát động quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Quần chúng đã xuống đường đem theo các khẩu hiệu "ủng hộ mặt trận nhân dân Pháp" đồng thời nêu ra những khẩu hiệu đấu tranh "tự do dân chủ", "tự do nghiệp đoàn", "tự do báo chí", "tự do đi lại", “tăng lương, giảm giờ làm”, "thi hành luật lao động", "giảm tô, giảm tức", “giảm thuế".

Trong thời kỳ này thái độ, lập trường của Đảng đối với Mặt trận nhân dân Pháp và Chính phủ Lêông Bơlum có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Đông Dương. Về vấn đề này, Đảng nhiều lần trình bày thái độ, lập trường của mình, tập trung nhất trong bức thư công khai của Trung ương Đáng gửi các đồng chí trong toàn Đảng (15-6- 1936), thư ngỏ gửi Chính phủ Pháp (tháng 10- 1936), tài liệu "chung quanh vấn đề chính sách mới" (tháng 10-1936), “vấn đề Chính phủ Mặt trận nhân dân" (tháng 1-1937), thái độ của Đảng đối với Chính phủ Lêông Bơlum là ủng hộ, nhưng không phải tuyệt đối mà “chỉ là tương đối và tạm thời”.

“Chính phủ Bơlum chưa phải là Chính phủ kiên quyết chống phát xít và phản động, thi hành hết chương trình của Mặt trận nhân dân"[63]. Vì vậy chúng ta bênh vực, ủng hộ Chính phủ ấy khi họ thi hành những điều cải cách tiến bộ, khi họ bị phát xít tấn công nhưng khi nó đi trái với quyền lợi của nhân dân thì phải đấu tranh chống lại; "tính chất của Chính phủ Bơlum là Chính phủ tả phái,… vấn đề độc lập hay tự trị, Đảng Cộng sản Đông Dương không hy vọng tới Chính phủ Bơlum, mà trông vào sự thống nhất hành động của nhân dân Đông Dương…

Không có tổ chức vững bền, không có hành động thống nhất thì không thể đòi được điều mà Chính phủ tả phái có thể thi hành”[64]

Bất chấp mọi thủ đoạn phá hoại ngăn chặn của bọn cầm quyền, những cuộc biểu tình biểu dương lực lượng “đón tiếp” Gôđa đã thu hút hàng vạn người ở Hà Nội. Sài Gòn, Thừa Thiên Huế. Ở Hà Nội, hơn 3 vạn người đã biểu tình trước nhà nghỉ của Gôđa. Ở Sài Gòn, hơn hai vạn người biểu tình, trong đó khoảng năm ngàn người đa vượt qua hàng rào cảnh sát lọt vào cảng để gặp Gôđa.

2. Hội nghị Trung ương tháng 3-1937. Việc phát triển công tác báo chí, xuất bản, phát hành, tuyên truyền tuyển cử và đấu tranh nghị trường

Việc chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, sách lược là một bước tiến mới về tư duy lý luận độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng. Tài liệu “Chung quanh vấn đề chiến sách mới của Đảng Cộng sản Đông Dương" nêu rõ: "Những người cộng sản Đông Dương… hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin và thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin theo điều kiện hiện thực ở Đông Dương”[65]. "Chiến sách mới của Đảng là chiến sách theo điều kiện hiện thực ở xứ Đông Dương, theo kinh nghiệm tranh đấu của Đảng, học kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản và kinh nghiệm của cuộc vận động cộng sản thế giới, không phải làm đem kinh nghiệm xứ này sang xứ khác một cách như máy”[66].

Tháng 3-1937: Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng để kiểm điểm tình hình, bàn những chủ trương mới chủ yếu về các vấn đề tổ chức, tuyên truyền cổ động, đấu tranh hợp pháp, công tác Mặt trận. Sau hội nghị, Trung ương đã ra bản thông cáo ngày 20-3- 1937 cho toàn Đảng và xuất bản tài liệu chủ trương tổ chức mới của Đảng. Các tài liệu trên giải thích những chủ trương mới, nêu những biện pháp thực hiện.

Về tổ chức, tài liệu giải thích: "Hoàn cảnh mới, nhiệm vụ mới bắt buộc Đảng ta phải có con đường chánh trị mới, con đường chánh trị mới lại bắt buộc phải có một đường tổ chức mới”[67]; “Phải lợi dụng hết các hoàn cảnh thuận tiện mà tổ chức ra các đoàn thể công khai và bán công khai để cho quần chúng dễ tham gia, để cho họ có thể gia nhập được Mặt trận”[68]; “phải dùng những cách tổ chức đơn sơ… mà kéo nhiều lớp dân chúng, hơn là tổ chức những hội lấy tên là cách mệnh mà không có quần chúng”[69].

Riêng về tổ chức Đảng “về nguyên tắc tổ chức Đảng, chúng ta chú trọng về chất lượng hơn là số lượng, còn về tổ chức quần chúng thì chúng ta lại hết sức chú trọng về số lượng”[70]. Mỗi một đảng viên phải là một người chỉ đạo, một người chịu sứ mạng đi phổ biến, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Vì lẽ đó mà các đồng chí ta phải lựa chọn các đảng viên cho khôn khéo, cho cẩn thận, đừng để những phần tử phức tạp vào Đảng. Muốn cho Đảng thống nhất về các phương diện lý tưởng và thực hành, được gồm những chiến sĩ hăng hái và trung thành thì chúng ta không nên gặp ai là đem vào Đảng, chẳng thà có đảng viên ít mà tốt hơn là có đảng viên nhiều mà bị động và phức tạp.

Về công tác tuyên truyền cổ động, Trung ương chủ trương phát triển mạnh mẽ công tác báo chí, xuất bản, phát hành, huấn luyện, đào tạo cán bộ. Các biện pháp là: phát triển xuất bản sách báo công khai, chọn đảng viên có trình độ viết sách, viết bài trên báo công khai, mỗi chi bộ lập “bình dân thư xã” mua sách báo công khai; khuyến khích quần chúng mua và đọc sách báo. Các cấp đảng bộ tái bản những tài liệu tuyên truyền của Trung ương, lập ra Ban huấn luyện cho đảng viên và quần chúng đào tạo cán bộ.

Về công tác Mặt trận: trong tình hình bị bọn cầm quyền ngăn chặn, chưa có tự do tổ chức thì tên gọi và hình thức Mặt trận có thể linh hoạt.

Tuỳ theo điều kiện từng nơi có thể lập Mặt trận “từ trên xuống dưới, hay từ dưới lên rồi sau sẽ thống nhất lên trên”. Quan trọng là phải xây dựng cơ sở cho Mặt trận, nghĩa là phải tuyên truyền phát triển rộng rãi các hội quần chúng công khai, nửa công khai rồi cử đại biểu vào tham gia các Uỷ ban Mặt trận. Chủ trương của Đảng là lập Mặt trận rộng rãi bao gồm không những đại đa số nhân dân trong nước mà cả những người Pháp dân chủ thống nhất hành động theo chương trình chung.

Tham gia các cuộc tuyển cử: cần lợi dụng các kỳ tuyển cử mà tuyên truyền các chủ trương, khẩu hiệu của Đảng. Chọn người của Đảng và người cảm tình ra ứng cử, liên hiệp hành động với các đảng phái tiến bộ để giành thắng lợi trong các kỳ tuyển cử.

Đối với phong trào “thỉnh nguyện”: cần lợi dụng mọi hoàn cảnh mà mở rộng phong trào, chuẩn bị thảo ra những bản “dân nguyện” làm tài liệu tuyên truyền và huy động đấu tranh đòi những cải cách dân sinh, dân chủ.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương tháng 3- 1937 đem lại nhiều kết quả tốt. Việc xuất bản sách báo công khai, phát hành sách báo đã phát triển mạnh mẽ. Một số tờ báo công khai chính do Đảng lãnh đạo thời kỳ này là: ở Nam kỳ, báo tiếng Việt có: Phổ thông, Dân chúng, là cơ quan của Trung ương Đảng, về danh nghĩa công khai là của lao động và dân chúng Đông Dương. Lao động cơ quan của xứ ủy Nam kỳ, danh nghĩa công khai là cơ quan bênh vực quyền lợi cần lao. Báo tiếng Pháp có Tiên phong (Avant garde), Nhân dân (Le peuple) . Người phụ trách các báo của Trung ương là đồng chí Hà Huy Tập.

Ở Trung kỳ, báo tiếng Việt có: Dân là cơ quan của xứ ủy Trung kỳ do đồng chí Phan Đăng Lưu phụ trách, Nhành lúa do đồng chí Hải Triều làm thư ký tòa soạn cũng do xứ ủy chỉ đạo. Ở Bắc kỳ, báo tiếng Việt có Tin TứcĐời mới là cơ quan của xứ ủy Bắc kỳ, Thế giới là cơ quan của Đoàn Thanh niên Dân chủ. Báo tiếng Pháp có: Lao động (Le travail), Tập hợp (Rassemblement), Tiến lên (En avant), Tiếng nói của chúng ta (Notre voix) do xứ ủy chỉ đạo. Các tờ báo trên do các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt phụ trách.

Mục tiêu của báo chí công khai lúc này là vạch trần tội ác man rợ, sự thối nát, phản động của chế độ thuộc địa, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, cổ vũ, động viên quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, chống bọn phản động thuộc địa, cũng là bọn phát xít thuộc địa, phổ biến rộng rãi kinh nghiệm đấu tranh.

Một số báo được phát hành hàng ngày khá rộng rãi như tờ Tin tức và tờ Dân chúng từ 5.000 đến 15.000 số. Việc ủng hộ báo chí công khai của Đảng cũng trở thành phong trào quần chúng, nhiều người đã quyên góp tiền ủng hộ báo, giúp cho việc phát hành, tham gia đấu tranh đòi tự do báo chí, tự do xuất bản.

Lần đầu tiên lao động Việt Nam có tiếng nói của mình trên báo chí công khai. “Báo của chúng ta có hàng ngàn thông tin viên quần chúng, phản ánh rất thiết thực lên báo tin tức đấu tranh sôi nổi của chính mình, đặt rõ lên mặt báo những yêu sách eủa mỗi cuộc đấu tranh khiến bọn cầm quyền không thể làm ngơ được cổ vũ mỗi thắng lợi dù nhỏ, phổ biến nhùng kinh nghiệm tổ chức và đấu tranh của quần chúng đầy tính chất sáng tạo”[71].

Ảnh hưởng của báo chí cách mạng tràn sang các báo khác, do vậy mà nội dung nhiều tờ báo cũng có tiến bộ lên. Nhiều nhà báo nói: "So báo chí sau năm 1936 với báo chí trước năm 1936 không ai có thể chối cãi được là giọng báo chí của ta có tiến bộ rõ rệt”[72]

Tháng 3- 1937, các đồng chí cộng sản miền Trung tổ chức hội nghị báo chí Trung kỳ có đại biểu báo chí miền Bắc và miền Nam tham dự. Tháng 6- 1937, các đồng chí ở miền Bắc tổ chức hội nghị báo chí Bắc kỳ có đại biểu báo chí miền Trung, miền Nam và một số nhà báo Pháp tham dự. Các hội nghị trên tố cáo chế độ báo chí phát xít ở Đông Dương, đề ra chương trình hành động đòi tự do nghiệp đoàn, bảo đảm quyền tự do cá nhân của người làm báo. Những việc trên đã thức tỉnh và lôi cuốn nhiều nhà báo tham gia phong trào tiến bộ, tranh thủ sự ủng hộ của một số nhà báo Pháp và cổ vũ thúc đẩy thêm phong trào đấu tranh của quần chúng.

Để đối phó với ảnh hưởng ngày càng rộng rãi của báo chí công khai của Đảng, bọn thống trị đã ra lệnh đóng cửa báo, bắt giam người làm báo, khám xét, tịch thu tài sản của báo, nhà in, truy nã những người làm báo, người đọc và lưu giữ sách báo tiến bộ. Mặc dù chúng dùng mọi thủ đoạn đàn áp trắng trợn báo chí công khai vẫn phát triển, tờ này bị cấm, tờ khác lại xuất bản.

Cùng với việc xuất bản báo chí. Đảng ta còn xuất bản nhiều loại sách phổ thông tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, về cách mạng Trung Quốc. Có những cuốn sách có giá trị được độc giả đánh giá cao như: Chủ nghĩa Các Mác của đồng chí Hải Triều giới thiệu về chủ nghĩa Mác; Vấn đề dân cày của đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp (ký tên Qua Ninh và Vân Đình) vạch tội ác của đế quốc phong kiến đối với nông dân, xác định vị trí của nông dân trong cách mạng và con đường giải phóng nông dân; Tờrốtkít và phản cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập (ký tên Thanh Hương) vạch rõ chủ nghĩa Tờrốtkít là công cụ của chủ nghĩa phát xít; Ba năm ở Nga Xôviết của đồng chí Trần Đình Long là tập phóng sự, hồi ký về Liên Xô và thành quả Cách mạng Tháng Mười. Đảng mở ra những hiệu sách để phát hành sách báo ở nhiều địa phương. Sách báo của Đảng lưu hành rộng rãi, có ảnh hưởng cả đến ngôn ngữ, văn chương Việt Nam “chính từ khi có phong trào, ngôn ngữ của ta giầu ra, văn đấu tranh, văn chính trị bây giờ sắc lắm" [73].

Cũng trong thời gian này, nhiều tác phẩm văn nghệ hiện thực phê phán ra đời như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Toà soạn báo và các hiệu sách còn là nơi các tầng lớp nhân dân đến liên hệ để hỏi ý kiến về cách đấu tranh bênh vực quyền lợi của mình, là nơi liên hệ giữa Đảng với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Đó cũng là đầu mối liên lạc giữa bộ phận hợp pháp và không hợp pháp của Đảng, có khi là nơi móc nối liên lạc giữa các đảng bộ với Trung ương, giữa Đảng với cán bộ hoạt động ở nước ngoài, với các Đảng anh em và Quốc tế Cộng sản. Sách báo của ta tuy ra nhiều nhưng độc giả là người lao động cùng khổ còn rất ít vì đại đa số họ không biết chữ. Do đó các đồng chí lãnh đạo ở Bắc Kỳ vận động cụ Nguyễn Văn Tố lập ra Hội truyền bá quốc ngữ, giúp cho người lao động nghèo biết đọc, biết viết, để có thể đọc sách báo cách mạng. Các lớp học này ở nhiều nơi còn là lớp chính trị phổ thông cho quần chúng.

- Về việc tham gia tuyển cử vào các Viện dân biểu, Hội đồng thành phố, Hội đồng quản hạt, mục đích của Đảng cũng là lợi dụng cơ hội để có thể tuyên truyền giác ngộ quần chúng, đấu tranh bênh vực quyền lợi của họ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cổ động, có chủ trương đúng, phù hợp với quyền lợi, nguyện vọng của dân, có sách lược mềm dẻo tranh thủ rộng rãi, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ bọn thống trị nên Đảng ta giành nhiều thắng lợi trong việc đưa người của Đảng và người có cảm tình với Đảng, đại biểu cho nhân dân lao động vào các tổ chức nói trên.

Các hội quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ. Các hội ái hữu của công nhân, thợ thủ công được xây dựng khắp các ngành, các địa phương, các xí nghiệp. ở nông thôn có hội hiếu, hội hỉ, hội cấy, hội gặt. Trong thanh niên có hội đọc sách báo, hội thể thao, ca kịch v.v. . Hàng triệu quần chúng được tập hợp vào tổ chức, được tuyên truyền giáo dục bằng nhiều cách nên đã tạo ra cơ sở để hình thành trên thực tế Mặt trận thống nhất. Nhiều hình thức liên hiệp hành động với các nhóm, các tổ chức đã hình thành để chống phản động thuộc địa.

Phong trào đấu tranh của công nhân ở các thành phố rất sôi nổi. Nhiều cuộc bãi công lớn ở Nhà máy dệt Nam Định, xưởng Ba Son (Sài Gòn), mỏ Vàng Danh, lớn nhất là cuộc bãi công của công nhân đường sắt trên cả tuyến Nam Đông Dương tháng 7- 1937.

Ở nông thôn cũng có hàng trăm cuộc biểu tình của nông dân đòi giảm sưu thuế, chống sự nhũng lạm, ức hiếp của bọn cường hào.

3. Hội nghị Trung ương tháng 8-1937 và tháng 3-1938, việc hình thành Mặt trận dân chủ và tác phẩm Tự chỉ trích

Hội nghị Trung ương tháng 8- 1937 và tháng 3- 1938 kiểm điểm tình hình các mặt, khẳng định thành công trong hơn một năm qua, như: đã khôi phục hệ thống tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân phát triển, ảnh hưởng của Đảng ngày càng mở rộng, hầu hết các cuộc bãi công của công nhân, bãi thị của tiểu thương, đấu tranh của nông dân đều do các tổ chức Đảng chỉ đạo, việc liên hiệp hành động với các tổ chức chính trị xã hội chống bọn phản động thuộc địa đã có kết quả bước đầu, v.v. .

Trung ương cũng chỉ ra các khuyết điểm, sai lầm trên các mặt eông tác chủ yếu là phê phán khuynh hướng cô độc, hẹp hòi trong công tác tuyên truyền, tổ chức và đấu tranh việc thoả hiệp với bọn Tờrốtkít của một số đồng chí ở Nam kỳ.

Về công tác tuyền truyền, cổ động, Trung ương phê phán cách tuyên truyền, cổ động còn ít chú ý đến tâm lý, nguyện vọng và trình độ quần chúng và hoàn cảnh từng nơi, lúc nào cũng cổ động biểu tình, bãi công, cướp chính quyền. Trong báo chí nội dung bài vở nhiều khi chưa thiết thực, thiên về lý thuyết, khi đề cập tới nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân mới chú ý tới công nông, chưa chú ý tới các tầng lớp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, báo chí chưa trở thành cơ quan ngôn luận của toàn thể nhân dân.

Trung ương nêu rõ ý nghĩa quan trọng của việc thành lập Mặt trận dân chủ “Vấn đề lập Mặt trận dân chủ thống nhất là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại”[74]; “Cần đưa hết toàn lực của Đảng, dùng hết phương pháp”[75] để thành lập được Mặt trận dân chủ.

Về công tác tuyên truyền, cổ động, cần tổ chức hợp lý việc xuất bản sách báo công khai, xuất bản một tờ báo công khai có tính chất toàn xứ Đông Dương, có ảnh hưởng toàn xứ, có thể thông tin nhanh để đối phó kịp thời với thời cuộc. Các sách lý thuyết, các luận cương chính trị, truyền đơn của Đảng phải dùng lời lẽ khôn khéo để có thể in công khai. Sách báo của Đảng phải biến thành những tài liệu cổ động tuyên truyền chẳng những cho quần chúng lao động mà cả cho toàn thể nhân dân. Đồng thời vẫn cần có báo, tài liệu bí mật để giải thích những vấn đề mà sách báo công khai không đề cập được.

Về huấn luyện, phải có nhiều bản chương trình thống nhất để cho thích hợp với trình độ khác nhau của đảng viên, có tài liệu huấn luyện cho cấp dưới, giảng dạy thiết thực phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Đảng.

Trong năm 1938 có nhiều đợt tuyên truyền cổ động lớn gắn với làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân. Nổi bật là trong dịp kỷ niệm 1-5, lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động được tổ chức công khai ở Đông Dương. Ở Hà Nội Đảng thông qua bộ phận báo chí công khai (nhóm Tin học) vận động chi nhánh Đảng Xã hội Pháp đứng ra xin phép tổ chức kỷ niệm. Đến ngày 1-5, hơn 2 vạn 5 ngàn người từ các địa điểm tập trung kéo về khu Đấu Xảo dự mít tinh (nay là địa điểm Cung văn hoá hữu nghị). Đây thực sự là cuộc biểu dương lực lượng của nhân dân, của các đoàn thể quần chúng. Mọi người hàng ngũ chỉnh tề đi qua các đường phố hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Trước lễ đài cuộc mít tinh có treo các khẩu hiệu lớn: "ủng hộ mặt trận bình dân Pháp”, "Đi tới Mặt trận dân chủ Đông Dương"; “tự do nghiệp đoàn”; "chống nạn thất nghiệp"; "chống nạn sinh hoạt đắt đỏ"; "tự do dân chủ"; "đi tới phổ thông đầu phiếu"; "chống phát xít và chiến tranh". . . 12 lá cờ đỏ lớn của các đoàn thể quần chúng được giương cao. Khi mít tinh khai mạc, sau bài Quốc ca Pháp, quần chúng theo sự chỉ đạo hát vang bài Quốc tế ca. Sau đó các đại biểu lên phát biểu ý kiến, không chỉ có đại biểu Đảng Xã hội Pháp mà còn cả đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương, đại biểu các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, phụ nữ, tiểu thương ở nhiều địa phương khác cũng tổ chức ngày kỷ niệm công khai, ở Sài Gòn, cuộc mít tinh cũng thu hút hàng ngàn người, ở Hà Nội, lần đầu tiên, được tổ chức ngày 1-5 hợp pháp. Ngày đó thật là lớn, và đối với Đông Dương có thể nói là vĩ đại.

Việc tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động là một thành công lớn của Đảng trong việc huy động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng, liên hiệp hành động với chi nhánh Đảng Xã hội Pháp, tạo thêm thế công khai, hợp pháp làm cho địch dù căm tức cũng khống ngăn cấm được.

Tiếp theo là kỷ niệm ngày Cách mạng Pháp 14-7, Đảng sử dụng khả năng hợp pháp tổ chức mít tinh, hội họp ở một số thành phố, sử dụng sách báo công khai tuyên truyền cho thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, chủ trương lập Mặt trận dân chủ ở Đông Dương đưa khẩu hiệu đấu tranh cho tự do, cơm áo, hoà bình, chống phát xít và chiến tranh.

Công tác tuyên truyền cổ động cũng được tiến hành sôi nổi góp phần giành thàng lợi trong cuộc tranh cử vào Viện dân biểu Bắc kỳ (15 người do Mặt trận dân chủ đưa ra đã thắng cử), thắng lợi cả trong Hội đồng kinh tế - lý tài Đông Dương (2 đại biểu do Mặt trận đưa ra đã thắng cử). Công tác tuyên truyền cổ động cũng góp phần tích cực vào thắng lợi bác bỏ dự án tăng thuế lần thứ nhất ở Trung kỳ tháng 9-1938 bằng nhiều hình thức: hội họp lấy chữ ký vào các bản nguyện vọng, phát ngôn ở Viện dân biểu, phân phát truyền đơn, biểu tình, phản ánh tin tức, bình luận trên báo chí, kết hợp 3 mặt đấu tranh: đấu tranh của quần chúng bên ngoài, đấu tranh trên báo chí và đấu tranh trong Viện dân biểu.

Ngày 22-7-1938, Đảng xuất bản ở Sài Gòn tờ Dân chúng là cơ quan ngôn luận của Trung ương, không xin phép bọn cầm quyền. Việc này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ mạnh mẽ buộc địch phải lùi bước, ngày 30-8 chúng buộc phải công nhận thực hiện luật tự do báo chí ở Nam kỳ.

Trước nguy cơ bọn phát xít ráo riết chuẩn bị chiến tranh thế giới, trực tiếp ở Đông Dương là bọn phát xít Nhật đang chuẩn bị xâm chiếm, Hội nghị Trung ương tháng 3-1938 cũng có Nghị quyết riêng về vấn đề phòng thủ Đông Dương.

Chủ trương của Đảng là nâng cao cảnh giác cho nhân dân chống âm mưu xâm lược của phát xít Nhật và âm mưu đầu hàng thoả hiệp của bọn thực dân phản động Pháp, đòi bọn cầm quyền Đông Dương phải thực hiện những cải cách dân chủ, dân sinh, vũ trang cho dân để nhân dân có khả năng tham gia phòng thủ. Công tác tuyên truyền liên tục làm rõ chủ trương này, giải đáp những thắc mắc, hiểu lầm rằng chủ trương phòng thủ Đông Dương là đi theo đế quốc Pháp, không quan tâm đến độc lập dân tộc, rời bỏ lợi ích dân tộc, chống lại những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của bọn Tờrốtkít.

Ngày 29-10-1938, Đảng ra bản “Tuyên ngôn về thời cuộc” đăng trên báo Dân chúng kêu gọi các đảng phái dân chủ của người Việt Nam, các đoàn thể, cá nhân và cả người nước ngoài đoàn kết trong Mặt trận dân chủ “để vì tự do, hoà bình và cơm áo mà tranh đấu phòng thủ Xứ sở”.

Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng sử dụng khả năng hợp pháp để giải thích ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười, giới thiệu việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, cổ động ủng hộ Liên xô chống phát xít và chiến tranh trên sách báo công khai, tổ ehứe các cuộc hội họp nhỏ trong quần chúng để đọc báo, nói chuyện. Cuối năm 1938, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô qua đường Trung Quốc chuẩn bị về nước. Đồng chí đã có nhiều ý kiến chỉ đạo đúng đắn về đường lối, chủ trương, nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Đông Dương. Đồng chí còn gửi cho Đảng ta 9 bài báo của mình nói về cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân Pháp, nhân dân Tây Ban Nha, nhân dân Trung Quốc, về cuộc đấu tranh chống bọn Tờrốtkít ở các nước đăng trên các tờ Dân chúng, và Tiếng nói của chúng ta của Đảng. Những ý kiến của đồng chí đã giúp Trung ương Đảng thêm vững vàng trong việc lãnh đạo và chỉ đạo phong trào Mặt trận dân chủ.

Đầu năm 1939, Mặt trận dân chủ cung với chi nhánh Đảng Xã hội, Hội nhân quyền Pháp ở miền Bắc, tổ chức một cuộc hội chợ lớn để quyên góp ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc.

Từ khi Đalađiê, người của Đảng Xã hội cấp tiến lên cầm đầu Chính phủ Pháp, chính sách của Chính phủ càng đi sâu vào con dường phản động. Bọn thống trị ở Đông Dương lợi dụng cơ hội tàng cường bóc lột, đàn áp, bắt bớ lực lượng cách mạng. Báo Dân chúng bị đình bản, nhân viên toà soạn bị bắt, tài liệu, tài sản bị tịch thu. Báo Dân ở Trung kỳ cũng bị đóng cửa.

Ngày 10-3-1939, Đảng ra Thông cáo khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng lãnh đạo chống khủng bố, đòi tự do dân chủ mở rộng chế độ tuyển cử, toàn xá tù chính trị, thả nhân viên toà soạn báo Dân chúng, cải thiện đời sống nhân dân.

Ngày 28-3 và 27-4 Đảng liên tiếp ra Tuyên ngôn về tình hình chung và đường lối chủ trương của Đảng, phân tích tình hình thế giới và tình hình Đông Dương, chỉ rõ nguy cơ chiến tranh và nạn phát xít đã tới gần, kêu gọi nhân dân đoàn kết trong Mặt trận dân chủ, chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, vạch mặt bọn Tờrốtkít và đề phòng bọn tay sai của Nhật.

Ngày 10-3-1939, Đảng ra Thông cáo khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng lãnh đạo chống khủng bố, đòi tự do dân chủ, mở rộng chế độ tuyển cừ, toàn xá tù chính trị, thả nhân viên tòa soạn báo Dân chúng, cải thiện đời sống nhân dân.

Ngày 16-4-1939 ở Nam kỳ diễn ra cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt, Mặt trận dân chủ không giành được thắng lợi, trái lại bọn Tờrốtkít đã thắng ở quận thứ hai, Sài Gòn. Việc này gây ra một cuộc tranh luận trong Đảng về nguyên nhân thất bại. Có đồng chí đã viết bài đăng báo, giải thích lệch lạc, phê phán một cách sai lầm chủ trương của Đảng.

Để thống nhất nhận thức trong Đảng về đường lối, chính sách của Đảng, nhất là về xây dựng Mặt trận dân chủ, về cuộc tranh cử phê phán những quan điểm sai trái nhằm tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư đã viết tác phẩm Tự chỉ trích in trong tập sách Dân chúng tháng 7-1939.

Trước hết, đồng chí Nguyễn Văn Cừ khẳng định một số vấn đề về nguyên tắc xây dựng Đảng như giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân, nguyên tắc phê bình, tự phê bình trong Đảng. Phê bình và tự phê bình phải nhằm mục đích tăng cường sự thống nhất trong Đảng, củng cố và nâng cao uy tín của Đảng, giáo dục đảng viên và giáo dục quần chúng, đưa phong trào tiến lên. “… Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bônsơvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”[76]

Phân tích về nguyên nhân thất bại của cuộc tranh cử, đồng chí nêu rõ một phần là do chính sách đàn áp của kẻ thù đối với người ra ứng cử của Đảng, do sự lừng chừng hèn nhát của các phần tử cải lương, nhưng phần quan trọng là do những khuyết, nhược điểm chủ quan của ta: Mặt trận dân chủ chưa vững chắc và rộng rãì, công tác tuyên truyền còn trừu tượng, ít đề cập đến tình trạng nhân dân bị bọn phản động thuộc địa đàn áp, bóc lột, ít chú ý vạch trần những thủ đoạn tàn ác của bọn phát xít, coi thường nguy cơ Tờrốtkít lừa bịp quần chúng.

Đồng chí phê phán những nhận thức, quan điểm lệch lạc của một số cán bộ về chính sách Mặt trận dân chủ, làm rõ một số quan điểm cơ bản của Đảng trong đường lối, chính sách và những kinh nghiệm lớn của Đảng trong quá trình xây dựng Mặt trận. Đồng chí khẳng định Mặt trận dân chủ không tách rời Mặt trận thống nhất dân tộc chống đế quốc “chính sách lập Mặt trận dân chủ của Đảng là sự liên hiệp các lớp nhân dân các đảng phái tấn bộ để chống phát xít và chế độ thuộc địa phản động, là một hình thức đặc biệt của Mặt trận phản đế rộng rãi”[77].

Bác bỏ quan điểm: không đánh đổ một giai cấp, một đảng phái nào của người bản xứ. chỉ đánh đổ những phần tử phản động, đồng chí vạch rõ: chính sách của Đảng chỉ liên hiệp với các đảng phái cách mạng, các đảng phái cải lương tán thành cải cách, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc chứ không thể liên hiệp với các đảng phái và giai cấp, không thấy trong một giai cấp có thể có nhiều đảng phái, một đảng phái có khi chỉ là đại biểu cho một tầng lớp trong một giai cấp mà thôi. Đồng chí chỉ ra một số kinh nghiệm lớn: cần liên minh với các đảng phái tán thành dân chủ và tiến bộ thuộc từng lớp trên nhưng trước hết phải thực hiện được sự liên minh với quần chúng, xây dựng khối liên minh công nông làm cơ sở. Không sợ phong trào quần chúng mạnh mà tư sản dân tộc và các đảng phái cải lương rời bỏ Mặt trận, mà ngược lại phong trào quần chúng không đủ mạnh sẽ làm họ không đủ tin để tham gia Mặt trận.

- Chính sách mặt trận của Đảng vừa liên minh bên trên, vừa liên minh bên dưới, cô lập bọn phản động, tranh thủ những người tiến bộ và lừng chừng, tranh thủ đông đảo quần chúng trong các đảng phái cải lương. Ta không liên minh với Đảng phái phản động nhưng phải thức tỉnh, tranh thủ những quần chúng bị lầm đường mà đi theo họ.

- Liên minh với các đảng phái tư sản, với giai cấp tư sản phải vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, vừa nhân nhượng có nguyên tắc, vừa phê phán mặt lừng chừng, dao động của họ, giữ vững sự độc lập về chính trị và tổ chức của giai cấp công nhân và sự lãnh đạo của Đảng.

- Sách lược mặt trận là cần phân biệt kẻ thù nguy hiểm nhiều và kẻ thù nguy hiểm ít lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù để tập trung mũi nhọn chống kẻ thù nguy hiểm nhất.

Tác phẩm Tự chỉ trích có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn vượt ra ngoài phạm vi một cuộc tranh cử, là một văn kiện tổng kết kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, đóng góp vào lý luận và chính sách Mặt trận thống nhất của Đảng.

Tháng 9- l939, Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, Chính phủ Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Bọn thống trị ở Đông Dương thực hiện chính sách đàn áp trắng trợn, xoá bỏ một số quyền dân sinh, dân chủ còn rất ít ỏi mà quần chúng mới giành được. Chúng truy lùng, bắt bớ hàng loạt chiến sĩ cách mạng, ra lệnh tổng động viên bắt lính, bắt phu. Đảng phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới.

Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng tạo ra một cao trào cách mạng sôi nổi, là cuộc tổng diễn tập thử hai cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vể sau. Công tác tư tưởng đã gắn chặt với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ này đấu tranh cho tự do dân chủ, cải thiện đời sống và hoà bình, chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh. Đã coi trọng làm rõ mối quan hệ giữa cách mạng Đông Dương với cách mạng Liên Xô, Pháp, Trung Quốc và thế giới, quan hệ công nhân, lao động nước ta với công nhân, lao động thế giới, kết hợp giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Công tác tư tưởng đã gắn chặt với công tác tổ chức và lãnh đạo quần chúng trong các đợt đấu tranh, chống các khuynh hướng sai lầm: cô độc, hẹp hòi, bảo thủ, rụt rè, thoả hiệp vô nguyên tắc trong việc thực hiện chính sách mặt trận, có khi sa vào chủ nghĩa công khai, vi phạm những nguyên tắc bí mật. Công tác tư tưởng cũng đã liên tục tố cáo tội ác và các thủ đoạn lừa bịp của địch và bè lũ tay sai, chống lại những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ của bọn Tờrốtkít. Trong thời kỳ này, Đảng triệt để lợi dụng khả năng hợp pháp để mở rộng công tác tuyên truyền cổ động trong quần chúng, tổ chức các cuộc hội họp, mít tinh, vận động tranh cử, xuất bản và phát hành sách báo công khai, tạo điều kiện cho đường lối, chủ trương của Đảng đi vào quần chúng rộng rãi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hoá dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khí thế của phong trào cách mạng. Đồng thời, Đảng vẫn giữ gìn nhưng nguyên tắc hoạt động bí mật, tiếp tục chỉ đạo việc xuất bản báo chí, tài liệu bí mật để đề cập những vấn để không thể công bố trên báo công khai.

Trong cuộc vận động lập Mặt trận dân chủ, Đảng ta không coi nhẹ vấn đề dân tộc. Tuy nhiên công tác tư tưởng cũng có khuyết điểm là: “không giải thích rõ ràng lập trường của mình về vấn đề độc lập dân tộc”[78].

Chưa nêu được những khẩu hiệu thích hợp để phát triển tinh thần dân tộc của nhân dân.

Nhìn chung các cấp uỷ Đảng đều rất coi trọng công tác tuvên huấn, nhiều đồng chí lãnh đạo trực tiếp làm công tác này, các cấp uỷ đều có phân công cấp uỷ viên phụ trách công tác tuyên huấn có cán bộ phụ trách báo. Tuy nhiên cũng có nhược điểm là nhiều cấp uỷ chưa xây dựng được ban chuyên môn để làm tham mưu và giúp cấp uỷ chỉ đạo thường xuyên công tác này.

VI. CAO TRÀO GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM (9-1939 - 8-1945)

1. Phục vụ chuyển hướng chỉ đạo chiến lược

Các hội nghị Trung ương 6, 7, 8 và việc thành lập Mặt trận Việt Minh.

Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình Đông Dương. Bọn thống trị Đông Dương thi hành chính sách phát xít, bắt bớ, truy lùng, đàn áp trắng trợn những người cách mạng, đình bản, tịch thu sách báo tiến bộ, giải tán các tổ chức quần chúng. Chúng ra lệnh tổng động viên, vơ vét lương thực, của cải, phương tiện giao thông bắt hàng vạn lính đưa sang Pháp, hàng chục vạn phu xây dựng các công trình quân sự. Thấy trước chiến tranh sắp nổ ra Đảng đã chuẩn bị tư tưởng cho đảng viên và quần chúng về nguy cơ chiến tranh trước mắt, chuân bị cho một số cán bộ rút vào hoạt động bí mật và tạo điều kiện chuyên dần trọng tâm công tác về nông thôn.

Ngày 23-9- 1939, Đảng xuất bản tài liệu Giải thích về hiệp ước Liên Xô - Đức, làm cho cán bộ và nhân dân hiểu chính sách nhất quán chống phát xít của Liên Xô. Việc ký hiệp ước chỉ là nhằm phá thủ đoạn của đế quốc Anh, Mỹ thúc đẩy phát xít Đức tấn công Liên Xô, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù để tăng cường khả năng quốc phòng của mình: “Liên Xô cần phải mềm mỏng sáng suốt đề phòng không để cho quân thù xô mình vào cạm bẫy, vào vũng bùn lầy chiến tranh để cho chúng hưởng lợi, Liên Xô phải biết khôn khéo chia rẽ lực lượng quân thù không để cho chúng cố kết nhau đập lại mình”[79]

Bản giải thích kịp thời giải đáp những thắc mắc, hoài nghi của một số cán bộ, quần chúng về chính sách của Liên Xô và những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của đế quốc và bọn Tờrốtkít.

Ngày 29-9-1939, Trung ương ra bản Thông cáo cho các đồng chí các cấp bộ, phân tích tình hình thế giới và trong nước nêu ra phương hướng và một số nhiệm vụ trước mắt nhằm kịp thời chuyển hướng các mặt hoạt động của Đảng.

Thông cáo nhận định: “… hiện nay tình hình đã thay đổi nhiều. Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng”. Trung ương Đảng chỉ thị cho các cấp phải chuyển hướng các mặt công tác: các tổ chức đảng, đảng viên, tổ chức quần chúng phai rút vào bí mật. đình chỉ các cuộc biểu tình, đề phòng địch khủng bố. Về eông tác tuyên truyền cổ động, phải chỉnh đốn các cơ quan ấn loát, phát hành, chuẩn bị đỉều kiện cần thiết cho việc ấn loát sau này, tổ chức mua và đọc sách báo của Đảng, kể cả việc thu góp các sách báo có giá trị để “nghiên cứu chính trị nung đúc lấy tinh thần”[80]. Thông cáo kêu gọi tinh thần hy sinh cách mạng của cán bộ đảng viên, không những hy sinh thì giờ và tính mạng mà còn bằng cách "nhịn ăn bớt mặc mà lạc quyên cho Đảng trong giờ phút cấp tốc này”[81] khi tình hình tài chính Đảng đang gặp khó khăn.

Tháng ll-1939 Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã giải quyết vấn đề chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới. Hội nghị nhấn mạnh chiến tranh thế giới sẽ gây tai hoạ lớn cho nhân loại nhưng tiền đồ cách mạng sẽ rất sáng sủa "Một thế giới quang minh rực rỡ sẽ thay cho cái thế giới tối tăm mục nát này”[82]. Hội nghị dự đoán: Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương, Pháp sẽ đầu hàng Nhật, chế độ cai trị ở Đông Dương sẽ trở thành chế độ phát xít quân phiệt thuộc địa tàn bạo. Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương, là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Do đó, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.

Về xây dựng Đảng, Hội nghị nhấn mạnh sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, chống khuynh hướng rụt dè, không dám đấu tranh, chống manh động, cô độc, hẹp hòi…

Về công tác tuyên truyền, cổ động, Hội nghị đề ra phương hướng, nội dung và các biện pháp trong thời kỳ mởi. Phương hướng chung là phải nhằm vào mục đích đánh đổ đế quốc, giành độc lập dân tộc. “Phản đế, giải phóng dân tộc". Tất nhiên tất cả các lực lượng tuyên truyền phải xoay vào cái tinh thần phản đế và nhằm đến cái mục đích đánh đổ đế quốc, đòi giải phóng dân tộc”[83]. Về nội dung, cần giáo dục tinh thần yêu nước chân chính kết hợp chủ nghĩa quốc tế vô sản, ý thức thống nhất dân tộc, đặt quyền lợi dân tộc lên trên các quyền lợi khác, gắn quyền lợi của các tầng lớp nhân dân với quyền lợi của dân tộc, làm cho nhân dân tin vào sức mạnh của mình và thắng lợi của cách mạng, chống lại mọi luận điệu và thủ đoạn lừa bịp của bọn đế quốc và tay sai.

“Kêu gọi lòng ái quốc chân chính, những tập truyền tốt đẹp của dân tộc… Mở rộng và nâng cao tinh thần dân tộc, làm cho mỗi người trong các giai cấp có ý thức về sự tồn vong của dân tộc và sự liên quan mật thiết của vận mạng dân tộc với lợi ích cá nhân mình…”[84]

Về phương pháp, phải kiên trì, sát hợp với hoàn cảnh, sách vở công khai không có thì phải có sách báo bí mật, phát triển việc sử dụng truyền đơn, khẩu hiệu, tranh vẽ, thi ca. Coi trọng việc ra báo bí mật và tuyên truyền miệng, có người chuyên công tác tuyên truyền trong các dân tộc ít người, lập Ban chuyên môn tuyên truyền.

Sau Hội nghị. nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bị bắt nhưng Nghị quyết Hội nghị vẫn được phổ biến, công tác tư tưởng của Đảng đã dược thực hiện theo phương hướng mới. Mặc dầu sự khủng bố gắt gao của địch phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng vẫn phát triển ở nhiều nơi. Tình hình chuyển biến dồn dập: phát xít Đức chiếm nước Pháp, phát xít Nhật vào Đông Dương , bọn thực dân Pháp quỳ gối dâng Đông Dương cho Nhật. Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Tiếp sau là khởi nghĩa Nam Kỳ và Đô Lương.

Hội nghị Trung ương bảy tháng 11- 1940 căn cứ vào sự phân tích tình hình thế giới và ảnh hưởng của chiến tranh với Đông Dương, chủ trương mở rộng Mặt trận phản đế, tổ chức các đội tự vệ, tiến lên “võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập”[85]. Hội nghị xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Pháp - Nhật. Mặt trận phản đế lúc này thực chất là Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật.

Về công tác tuyên truyền, cổ động, Hội nghị ghi nhận do cơ quan Trung ương bị tổn thất nên tờ báo thống nhất của toàn Đảng chưa ra được, nhưng mỗi xứ vẫn có riêng một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền, cổ động cho toàn xứ: Tiến lên ở Nam kỳ, Bẻ xiềng sắt ở Trung kỳ, Giải phóng ở Bắc kỳ, một số khu và liên tỉnh có báo riêng. Mỗi xứ đều xuất bản được những cuốn sách phổ thông nhỏ về những vấn đề đặc biệt.

Ngoài việc tuyên truyền bằng sách báo, truyền đơn, biểu ngữ, cờ đỏ, băng, v.v. đảng bộ Nam kỳ đã tổ chức ra các đội tuyên truyền chuyên môn đi diễn thuyết ở những chỗ đông người. Hội nghị nhận định “có một khuyết điểm lớn là chưa có một Ban tuyên truyền, huấn luyện và lý luận trung ương để soạn và dịch những sách huấn luyện và lý luận căn bản”[86]

Về công tác tuyên truyền, cổ động của Mặt trận, Hội nghị xác định "cái mấu chốt" của công tác cổ động tuyên truyền của Mặt trận lúc này là ra một tờ báo làm cơ quan chung của Mặt trận. Hội nghị quyết định hai vấn đề eấp thiết trước mắt:

- Phát triển ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.

- Hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư.

Chủ trương hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là đúng nhưng chưa kịp phổ biến thì lệnh khởi nghĩa của Xứ uỷ đã phát đi nên không thực hiện được. Tiếp theo đó lại nổ ra là cuộc nổi dậy của binh lính ở Đô Lương.

Ban Thường vụ Trung ương đã ra “Thông cáo khẩn cấp” cho các đảng bộ tổ chức những cuộc hưởng ứng đê phân tán lực lượng của đế quốc, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, sử dụng mọi hình thức đấu tranh thích hợp, chống địch khủng bố, đàn áp. “Lời kêu gọi các dân tộc Đông Dương của Đảng Cộng sản Đông Dương” (1940) , vạch rõ sự đầu hàng của đế quốc Pháp dâng Đông Dương cho phát xít Nhật, khêu gợi lòng yêu nước, phát huy truyền thống dân tộc đoàn kết chiến đấu để tự giải phóng cho mình. "Cơ hội đã đến, dân chúng Đông Dương phải phát động ngay cuộc tiến công cuối cùng để diệt trừ hết lũ đế quốc giết người cướp nước bất kỳ Pháp hay là Nhật. Tất cả những linh hồn trong sạch, con cháu của các vị cứu quốc anh hùng bất tử, lịch sử dung cảm oanh liệt của ông cha để lại ngày nay ta không thể không nối gót được…”[87]

Trung ương cũng ra lời kêu gọi binh lính "hưởng ứng cách mạng Bắc Sơn và Nam Kỳ" dùng khí giới của giặc Pháp bắn vào đầu giặc Pháp, “hãy mau mau đứng dậy vì đồng bào, Tổ quốc giết lũ giặc tham tàn”[88].

Trong một thời gian ngắn chỉ hơn ba tháng, ba cuộc nổi dậy đã diễn ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam tuy chưa thắng lợi nhưng đã để lại những kinh nghiệm về khởi nghĩa vũ trang. Nó báo hiệu một thời kỳ mới của cách mạng đã bắt đầu: thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền.

Đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tới Côn Minh bắt liên lạc với Đảng. Cuối năm 1940, đồng chí mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ ở một làng sát biên giới Việt - Trung. Các bài giảng của đồng chí và một số đồng chí lãnh đạo khác về đường lối cách mạng Việt Nam và phương pháp công tác của người cán bộ được tập hợp lại, in thành cuốn sách Con đuờng giải phóng. Tháng 2- 194 l, đồng chí về nước ở vùng Pắc Bó (Cao Bằng), tiếp tục mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ. Đồng chí đã lược dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu học tập cho cán bộ cấp tỉnh.

Tháng 5- 194 l, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương họp ở Pắc Bó do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Hội nghị đã phân tích tình hình thế giới và trong nước, dự báo chính xác: “Cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”[89], “Liên Xô thắng trận, quân Trung Quốc phản công…, tất cả các điều kiện ấy sẽ giúp cho các cuộc vận động của Đảng ta mau phát triển và rồi đây lực lượng sẽ lan rộng ra toàn quốc để gây một cuộc khởi nghĩa toàn quốc rộng lớn”[90].

Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước màt là giải phóng dân tộc.

“Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp, đến vạn năm cũng không đòi lại được”[91]

Hội nghị khẳng định lại việc tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đề ra khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định đổi tên Mặt trận "cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại”[92]

Mặt trận lấy tên là “Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, các đoàn thể lấy tên mới là các hội cứu quốc. Hội nghị nhận định: nhiệm vụ trung tâm của Đảng và dân ta trong giai đoạn hiên tại là chuẩn bị khởi nghĩa. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của nước ta "có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thàng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[93]

Về công tác tuyên truyền, hội nghi xác định “phải áp dụng một chiến thuật hết sức mềm dẻo, thống nhất, thích hợp với chính sách cứu quốc của Đảng và sát với tình thế xảy ra hàng ngày… trong lúc này không nên đưa chủ nghĩa cộng sản ra tuyên truyền, huy hiệu cờ đỏ búa liềm không nên dùng luôn. Các sách báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Đảng nhiều, phải lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc và Việt Minh thay vào. Phải khêu gợi tinh thần cứu quốc mạnh mẽ, thức tỉnh một cách thống thiết những tình ái quốc của nhân dân. Phải nêu cao những gương hy sinh phấn đấu của Bắc - Sơn, Nam - Kỳ, Đô - Lương và những bậc tiền bối hy sinh vì tổ quốc”[94].

Các Ban tỉnh ủy phải có Ban tuyên truyền chuyên môn, đề ra phương pháp, kế hoạch tuyên truyền, viết sách báo, truyền đơn, biểu ngữ để cổ động trong dân chúng.

Hội nghị nhấn mạnh việc đào tạo cán bộ, “Việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này… mau mau tìm ra những đảng viên trung thành, có bảo đảm chắc chắn, có năng lực sáng tạo, lập ra các lớp huấn luyện… phải ra các tài liệu huấn luyện như sách, tạp chí…”[95]

2. Phục vụ xây dựng lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa

Hội nghị Thường vụ Trung ương tháng 2-1943

Sau Hội nghị Trung ương tháng 6- 194 l đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi toàn dân đoàn kết, đánh đuổi Pháp- Nhật. Bức thư kêu gọi: “Hiện thời, muốn đánh Pháp, Nhật ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết… việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phai kề vai gánh vác một phần trách nhiệm, người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”[96]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương và bức thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được phổ biến nhanh chóng tới đảng viên và quần chúng cách mạng. Tháng 10-1941 Mặt trận Việt Minh công bố tuyên ngôn, chương trình và điều lệ. Tuyên ngôn nói rõ: “Nguy cơ diệt vong đã bày ra trước mắt. Hiện thời chúng ta chỉ có một con đường mưu sống là đoàn kết, thống nhất, đánh đuổi Nhật - Pháp, trừ khử Việt gian.

Mở con đường sống ấy cho đồng bào, Việt nam độc lập đồng minh (Việt minh) ra đời, chào các bạn…” [97]. Chương trình cứu nước của Việt Minh là "cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước:

1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập.

2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”[98]

Trung ương quyết định xuất bản tờ Cứu quốc là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, số l ra ngày 25- 1-1942 lúc đầu do đồng chí Trường Chinh, sau do đồng chí Xuân Thủy phụ trách. Tiếp đó, Trung ương quyết định xuất bản tờ Cờ giải phóng là cơ quan của Trung ương Đảng để chỉ đạo công tác tư tưởng, chính trị trong Đảng do đồng chí Trường Chinh phụ trách, số l ra ngày 10- 10- 1942. Các tờ báo trên đã khắc phục nhiều khó khăn xuất bản trong cả nước, thường xuyên phân tích tinh hình thời cuộc, kịp thời giải thích các nhiệm vụ chủ trương của Đảng và mặt trận, đập tan các luận điệu địch hướng dẫn cán bộ và nhân dân tổ chức và đấu tranh. Cùng với thư kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đây là hai vũ khí sắc bén của Đảng để giáo dục cán bộ, hướng dẫn nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, hình thành đội quân chính trị rộng lớn tiến tới tổng khởi nghĩa.

Cuối năm 194l và đầu năm 1942 nhiều đảng bộ trong cả nước đã tổ chức mít tinh, phân phát thư kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh, viết biểu ngữ, treo cờ giới thiệu Mặt trận Việt Minh. Bản chương trình của Việt Minh được soạn thành văn vần cho đồng bào dễ nhớ, dễ thuộc. Các địa phương xây dựng lực lượng Việt Minh, thành lập các hội công nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, tự vệ cứu quốc. Ở các nhà tù, các đồng chí lập ra Hội lao tù cứu quốc. Đường lối chủ trương đúng của Đảng đi vào quần chúng và biến thành sức mạnh. Phong trào phát triển ngày càng mạnh mẽ nhất là ở Cao Bằng và vùng Bắc Sơn - Vũ Nhai, hình thành hai khu căn cứ đầu tiên của cách mạng ở Việt Bắc.

Để chống lại chính sách khủng bố của địch, giữ vững và đưa phong trào tiến lên, Trung ương Đảng đã ra thông cáo “Phải dùng đủ cách để chống khủng bố”. Thông cáo vạch rõ chính sách khủng bố tàn bạo của đế quốc chỉ là biểu hiện "một chính sách cuối cùng của một nền thống trị yếu ớt, sắp đổ nát”. Thông cáo cho rằng khủng bố của địch có kết quả hay không một phần lớn là do ta. Thông cáo đã nêu những biện pháp chống khủng bố một cách tích cực và chủ động, dựa vào phong trào cách mạng của nhân dân, tôn trọng các nguyên tắc bí mật. Thông cáo đã phê phán các xu hướng sai lầm: không kịp thời thay đổi cách làm việc cho hợp với tình hình mới, khi bị khủng bố lại hoảng sợ, mất tỉnh táo, thậm chí thủ tiêu tranh đấu, hoài nghi quần chúng, có nơi chạy hoảng loạn làm rối loạn cả hệ thống tổ chức của Đảng và Mặt trận, có nơi lại theo đuôi quần chúng, khủng bố cá nhân.

Trong năm 1941 và đầu năm 1942 đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết hai tác phẩm Lịch sử nước ta (diễn ca) và Địa lý Việt Nam đã có tác dụng quan trọng góp phần giáo dục lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết chiến đấu hy sinh vì đất nước, nhất là Lịch sử nước ta viết bằng văn vần giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc được nhân dân phổ biến rộng rãi. Hai tác phẩm Cách đánh du kích và Cách huấn luyện cán bộ quân sự trình bày một số kinh nghiệm chiến đấu du kích của các nước, và bước đầu nêu một số vấn đề về đường lối quân sự chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang. Đồng chí đã chỉ ra quan điểm đúng đắn về khởi nghĩa vũ trang là toàn dân nổi dậy, thắng lợi của khởi nghĩa phải do kết quả nổi dậy của toàn dân kết hợp với tiến công của lực lượng vũ trang. Đồng chí sáng lập và viết bài cho báo Việt Nam độc lập là cơ quan ngôn luận của Việt Minh ở Cao Bằng. Đó là tờ báo bí mật, bán lấy tiền đầu tiên ở nước ta, được quần chúng yêu mến và có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào địa phương.

Sau Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng (tháng 5-1941), tình hình thế giới có những thay đổi nhanh chóng. Ngày 22-6-1941 phát xít Đức tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn đế quốc đã chuyển thành cuộc chiến tranh giữa các lực lượng dân chủ do Liên Xô làm trụ cột với các lực lượng phát xít. Ngày 7-12-1941, phát xít Nhật tấn công cảng Trân Châu của Mỹ và tuyên chiến với Anh, Mỹ.

Khi được tin phát xít Đức tấn công Liên Xô, Đảng ra chỉ thị phát động phong trào ủng hộ Liên Xô kháng chiến. Khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra thông cáo Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng. Thông cáo nhận định thế giới đã chia thành hai mặt trận dân chủ và phát xít, cách mạng Đông Dương là một bộ phận quan trọng trong mặt trận dân chủ chống phát xít. Thông cáo chỉ rõ trước mắt phát xít Nhật sẽ ra sức bóc lột nhân dân Dông Dương để "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Các đảng bộ địa phương cần vận động nhân dân đấu tranh chống bắt lính, bắt phu, vơ vét tài sản của dân, củng cố các đội tự vệ, mở rộng lực lượng du kích. Xét chung toàn quốc những điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi nhưng ở những nơi có quân Anh, Mỹ hoặc Trung Quốc vào thì đảng bộ địa phương phải lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền rồi nhân danh chính quyền nhân dân mà giao thiệp với họ.

- Về tuyên truyền, bản thông cáo chỉ ra nội dung: phải làm cho nhân dân nhận rõ thái độ của nhân dân Đông Dương là đứng về phe Liên Xô - Anh - Mỹ - Trung Quốc, làm cho Pháp - Nhật thất bại. Rút cục thế nào Nhật cũng thất bại, đánh tan luận điệu của bọn mật thám và việt gian thân Nhật nói rằng: “Nhật thua thì nhân dân Đông Dương khổ hơn bây giờ" vạch cho nhân dân Đông Dương thấy rằng “Nhật thua thì chỉ có xiềng xích của Nhật - Pháp sẽ tan rã và đó là cơ hội thuận tiện nhất cho ta cướp chính quyền”[99], “Phải cổ động cho nhân dân Đông Dương nhận thấy rằng: lúc này tham gia vào công việc cứu quốc còn hơn là đi lính chết thay cho phát xít và giúp tiền cho cách mạng còn hơn là để cho Nhật-Pháp cướp không. Phải đặc biệt tuyên truyền binh lính (cả lính Pháp và lính Nhật) đổi chiến tranh phát xít xâm lược ra cách mạng giải phóng”[100].

Theo nội dung tuyên truyền trên đây, Trung ương Đảng ra “Lời kêu gọi đồng bào, các đảng phái cách mạng và các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương”. Bản kêu gọi kết luận “Một cao trào cách mạng trong nước và trên thế giới đã bắt đầu nổi dậy…

Cơ hội giải phóng của chúng ta đã đến! các đảng phái và các tầng lớp nhân dân hãy thống nhất lại! Đảng Cộng sản Đông Dương sẽ tình nguyện đi tiên phong lãnh đạo cho các dân tộc Đông Dương khởi nghĩa cướp chính quyền"[101].

Từ cuối năm 1941 đến cuối năm 1942, phong trào cách mạng có những bước tiến mới. Hai khu căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn-Vũ Nhai được phát triển ra các vùng lân cận, Cứu quốc quân được bảo toàn và phát triển lực lượng đã tăng cường hoạt động xây dựng cơ sở ở Thái Nguyên, Tuyên Quang. Phong trào Việt Minh ở các tỉnh khác cũng phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân phản đối việc trưng mua nông sản, đòi chia lại công điền, chống địch khủng bố. Mặc dù có nhiều khó khăn do địch kiểm soát gắt gao, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân vẫn nổ ra ở Hà Nội, Hòn Gai, Sài Gòn.

Để bảo vệ cán bộ, chống khủng bố; Ban Tuyên truyên của Đảng xuất bản tài liệu Công tác bí mật hướng dẫn những điều phải làm để giữ được nguyên tắc bí mật trên các mặt công tác, trong sinh hoạt nội bộ và khi bị địch bắt. Để nhanh chóng đào tạo cán bộ cung cấp cho phong trào đang mở rộng, nhiều tỉnh, huyện nhất là ở các khu căn cứ đã mở ra các lớp huấn luyện ngắn ngày, các hội nghị bồi dưỡng về chính trị, quân sự.

Cuối năm 1942, tình hình thế giới và trong nước ngày càng biến chuyển nhanh chóng. Quân đội Liên Xô chuyển sang chiến lược phản công và thắng lợi ở Xtalingrát. Anh, Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động trên các mặt trận. Ở Đông Dương mâu thuẫn Pháp, Nhật phát triển sâu sắc hơn, thời cơ giành thắng lợi cho ta đang tới gần. Cuối tháng 2- 1943, Ban Thường vụ Trung ương họp để bàn việc mở rộng Mặt trận thống nhất và đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Về việc mở rộng Mặt trận, Hội nghị chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước ở trong và ngoài nước chưa gia nhập Việt Minh, phát triển hội Quân nhân cứu quốc để tập hợp binh lính, thành lập Việt Nam cứu quốc hội để vận động tư sản, địa chủ yêu nước, Hội Văn hoá cứu quốc để đoàn kết trí thức và các nhà văn hoá. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ chống Nhật, đoàn kết Hoa kiều chống Nhật và bắt tay có điều kiện với phái pháp Đờ Gôn về vấn đề chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị nhấn mạnh việc xây dựng lực lượng cách mạng ở thành thị, nhất là trong công nhân để chuẩn bị khởi nghĩa ở trung tâm đầu não của quân thù, coi trọng việc huấn luyện các đội tự vệ, du kích, nắm vững thời cơ khởi nghĩa.

Về tuyên truyền: phải chú ý vạch rõ sự tất thắng của Liên Xô và các lực lượng dân chủ, gây cho nhân dân tin tưởng chắc chắn vào cách mạng, làm cho nhân dân nhận rõ việc ủng hộ Liên Xô một cách thiết thực và triệt để là tranh đấu vũ trang đánh vào dinh luỹ phát xít ở Đông Dương chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền. Trên báo chí phải có mục riêng về chiến thuật và kinh nghiệm khởi nghĩa, phổ biến rộng rãi những tài liệu về chiến thuật đánh du kích. Soạn sách riêng cho thanh niên, chống lại chính sách mê hoặc và lôi kéo thanh niên của phát xít Nhật, Pháp.

Về văn hoá: "Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, đặng gây ra một phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc, chống lại văn hoá phát - xít, thụt lùi. Ở những đô thị văn hoá như Hà Nội, Sài - Gòn, Huế, v.v. phải gây ra những tổ chức văn hoá cứu quốc và dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hoá và trí thức…”[102]

Về công tác tư tưởng trong Đảng, hội nghị đề ra một số quyết định:

- Làm cho Đảng thống nhất về tư tưởng và hành động đấu tranh chống các xu hướng sai lầm: cô độc, hẹp hòi có hại cho việc thực hiện chính sách mới của Đảng, xu hướng manh động làm cho Đảng thất bại đau đớn và những xu hướng ỷ lại, bị động và thủ tiêu đã khiến cho Đảng không làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo phong trào[103].

- Các đảng bộ phải thảo luận kỹ những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. Gây phong trào học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và nghiên cứu các vấn đề quân sự.

- Mở các lớp huấn luyện ngắn ngày ở cảc cấp bộ để đào tạo cán bộ, mỗi cấp bộ phải có ít nhất một cán bộ chuyên môn làm việc này. Về Ban tuyên truyền cổ động Trung ương, Hội nghị cũng nhận xét: “Có đồng chí thiên về việc ra sách báo của Mặt trận dân tộc thống nhất mà xao lãng việc xuất bản tờ báo của Đảng thành ra phạm phải chủ nghĩa thủ tiêu” (Ban tuyên truyền cổ động Trung ương)[104].

Sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, các khu căn cứ: Cao Bằng, Bắc Sơn-Vũ Nhai vượt qua các cuộc càn quét của địch, được xây dựng vung chắc và mở rộng sang các vùng lân cận: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Giang. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao trong nhiều xã đã tham gia hầu hết vào các đoàn thể cứu quốc. Đảng xuất bản tài liệu Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc, giới thiệu toàn diện những kinh nghiệm về xây dựng tổ chức. Việt Minh, tuyên truyền huấn luyện, chống khủng bố, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tài liệu này đã giúp ích nhiều cho việc huấn luyện cán bộ để phát triển phong trào cứu quốc và chuẩn bị cuộc khởi nghĩa vũ trang sắp tới.

Trong thời gian này, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân chống nhổ lúa trồng đay, chống thu thóc, chống bắt lính, bắt phu đã nổ ra khắp nước. Ở thành thị, phong trào công nhân, học sinh, sinh viên cũng phát triển mạnh.

Công tác tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ để vạch thủ đoạn đánh lạc hướng và lôi kéo thanh niên bằng khẩu hiệu “khoẻ để phụng sự” của thực dân Pháp và thủ đoạn lừa bịp “lập khối thịnh vượng chung” của phát xít Nhật. Nhiều địa phương tổ chức các tổ, đội tuyên truyền đi nói chuyện, phân phát truyền đơn trong các cuộc họp, mít tinh. Nhiều báo bí mật của Đảng và Mặt trận được xuất bản. Ở Trung ương có các tờ: Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản, Cứu quốc. Các địa phương có các báo: Việt Nam độc lập, Chặt xiềng, Giải phóng, Tiên phong, Kháng địch, Mê Linh, Bãi Sậy… các ngành, đoàn thể có báo: Lao động, Gái ra trận, Quân giải phóng, Kèn gọi lính. Trong các nhà tù cũng có nhiều tờ báo tay: Suối Reo (Sơn La), Bình Minh (Hoà Bình), Thông reo (Chợ Chu)…

Năm 1943, Đảng đưa ra bản Đề cương văn hoá. Đề cương xác định văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hoá). Đề cương nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá.

Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ trước nhất là xây dựng một nền văn hoá yêu nước Việt Nam, chống lại văn hoá thực dân, phát xít, phong kiến. Nền văn hoá ấy phải dựa trên ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Đề cương văn hoá đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đề cương văn hoá Việt Nam là văn kiện chính thức đầu tiêtỉ của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hoá dưới ách Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân. Năm 1943, Hội Văn hoá cứu quốc ra đời, cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí Tiên phong số 1 ra tháng 7- 1944. Năm 1944, Đảng ta giúp một số trí thức yêu nước, tiến bộ thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam. Cơ quan ngôn luận của Đảng là tờ Độc lập.

Sang năm 1944, tình hình chiến tranh thế giới chuyển biến mau lẹ. Quân Liên xô giải phóng nhiều vùng đất nước và tiến sát biên giới phía Tây. Trong nước ta, khí thế cách mạng sôi sục ở nhiều địa phương. Tổng bộ Việt Minh chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa". Tháng 9-1944, đồng chí Trường Chinh viết bài trên báo Cờ giải phóng số 7 “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ” dự báo trước mâu thuẫn Nhật - Pháp sắp bùng nổ xung đột, nêu ra những nhiệm vụ khi thời cơ đến. Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị xử bắn, Đảng chủ trương tổ chức một lớp đảng viên mới lấy tên là "lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ" nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và củng cố Đảng trong tình hình mới, giáo dục truyền thống kiên cường bất khuất, trung thành đối với cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Tháng 10-1944, sau khi về nước, đồng chí Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào, nhan đề là: Thư của Cụ Hồ Chí Minh gửi đồng bào năm 1944. Bức thư kêu gọi chuẩn bị một cuộc "Toàn quốc đại biểu Đại hội" cử ra một cơ cấu "đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”[105]. Bức thư đã tiên đoán sáng suốt: "Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh!”[106]

Đồng chí quyết định hoãn cuộc phát động chiến tranh du kích ở Cao - Bắc - Lạng, chủ trương lập ra Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và tăng cường các hoạt động vũ trang tuyên truyền làm đòn bẩy cho cao trào cách mạng và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ghi ngay đoạn mở đầu: “1- Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…” Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phai Khắt, Nà Ngần và đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền rất có hiệu quả ở Việt Bắc. Đồng bào nhiệt liệt tham gia Mặt trận Việt Minh và ủng hộ Đội tuyên truyền giải phóng quân.

3. Cao trào kháng Nhật cứu nước và Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới đi vào giai đoạn kết thúc. Phát xít Đức sắp bị diệt ở mặt trận châu Âu. Phát xít Nhật cũng bị nguy khốn ở mặt trận Thái Bình Dương. Để loại trừ nguy cơ bị Pháp đánh sau lưng, Nhật làm đảo chính lật đổ Pháp ngày 9-3-1945. Ngay trong đêm đảo chính, hội nghị Thường vụ Trung ương họp do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Căn cứ vào Nghị quyết của Hội nghị, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng[107] để gấp rút chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa:

- Về đối tượng cách mạng: kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt là phát xít Nhật. Thay khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật, Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật".

- Đánh giá tình thế cách mạng: điều kiện khởi nghĩa toàn quốc chưa chín muồi nhưng "Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín mùi"[108]. Đó là: quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng, nạn đói ghê gớm làm cho nhân dân càng oán ghét quân thù, chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt…”[109]

- Nhiệm vụ trước mắt: “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa", "sẵn sàng chuyển qua hình thức Tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện", thực hiện nhiệm vụ trên, phải chuyển hướng công tác tuyên truyền, tổ chức và tranh đấu.

- Về công tác tuyên truyền, cổ động, Hội nghị xác định trọng tâm tuyên truyền là hai vấn đề:

"1. Giặc Nhật không giải phóng cho ta, trái lại tăng gia áp bức, bóc lột ta.

2. Giặc Nhật không thể củng cố chính quyền ở Đông Dương và nhất định chúng sẽ chết".

"Khẩu hiệu: Chống chính quyền của Nhật và của bọn Việt gian thân Nhật… Nêu khẩu hiệu: Chính phủ cách mạng của nhân dân".

Về hình thức, cần dùng những hình thức mạnh bạo hơn như mít tinh, diễn thuyết có cờ, băng, áp phích, truyền đơn. Tổ chức các đội tuyên truyền xung phong có vũ trang đi nhiều nơi diễn thuyết, giới thiệu về Việt Minh.

Ngày 15-3-1945, Mặt trận Việt Minh ra lời kêu gọi “Kháng Nhật cứu nước” động viên nhân dân sử dụng mọi hình thức đấu tranh chống phát xít Nhật: "Hãy vùng dậy, giàu nghèo, trai gái, già trẻ, triệu người như một:

Tuốt gươm, chĩa súng!

Giết giặc, trừ gian.

Dựng lên một nước Việt - nam hùng cường, tự do và độc lập…”[110]

Tiếp sau đó Mặt trận lại có “Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc", "Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam" gửi cho giới hào lý ở nông thôn và quan chức, vận động họ ủng hộ và tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ở khắp nơi trong cả nước, Mặt trận Việt Minh đã tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình ngay tại các thị trấn, thị xã, thành phố. Nhiều nơi đã tổ chức các đội tuyên truyền xung phong lựa chọn trong các thanh niên nam nữ hăng hái, dũng cảm nhất. Các đội này dược vũ trang, mang theo cờ, băng, tổ chức diễn thuyết ở các xí nghiệp, trường học, rạp hát, chợ, bến đò. . . lên án phát xít Nhật và tay sai, kêu gọi đoàn kết cứu nước. Hoạt động của các đội tuyên truyền xung phong đã có tiếng vang rộng rãi, cổ vũ khí thế cách mạng, lôi cuốn mọi người tham gia phong trào cứu quốc. Lúc này nạn đói ở miền Bắc và một phần miền Trung đang diễn ra nghiêm trọng. Đảng đề ra khẩu hiệu "Phá kho thóc, giải quyết nạn đói" . Khẩu hiệu này đã đáp ứng nguyện vọng cấp bách của quần chúng và đã dấy lên một cao trào mạnh mẽ phá kho thóc ở nhiều nơi, động viên đông đảo nông dân và dân nghèo tham gia với khí thế cách mạng hừng hực tiến tới khởi nghĩa.

Ở các vùng núi và trung du miền Bắc, đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa từng phần đã diễn ra sôi nổi, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhân dân nổi dậy giải phóng thêm nhiều vùng rộng lớn ở Việt Bắc, hình thành khu giải phóng Việt Bắc. Ở Quảng Ngãi, các đảng viên bị giam ở Ba Tơ đã khởi nghĩa thắng lợi, thành lập khu du kích Ba Tơ. Hàng ngàn cán bộ cách mạng bị giam ở các nhà tù Nghĩa Lộ, Sơn La, Hoả Lò, Buônmathuột… cũng nổi dậy phá nhà giam hoặc đấu tranh buộc địch trả tự do, hoặc vượt ngục ra ngoài hoạt động.

Tháng 4-1945, Ban Thường vụ Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ nhằm giải quyết cụ thể những vấn đề quân sự, đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Trong tháng 5 và tháng 6, nhiều cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra liên tục, hình thành nhiều chiến khu mới ở cả Bắc, Trung, Nam.

Tổng khởi nghĩa đã đến gần, phải có sự thống nhất cao trong Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, khắc phục những hiện tượng chia rẽ và các xu hướng sai lầm. Tháng 6- 1945, Trung ương gửi thư cho Xứ uỷ Trung kỳ yêu cầu khắc phục: “một tình trạng vô cùng nguy hiểm: các tổ chức Đảng không thống nhất; các đồng chí nghi kỵ nhau, không khí hoài nghi, chia rẽ tràn ngập, chủ nghĩa cô độc và đầu óc địa phương nặng nề”[111]. Trung ương kêu gọi "cơ hội quyết định vận mệnh ngàn năm của Tổ quốc đang đến, không thể biệt phái, chia rẽ! Không thể do dự, hoài nghi…"[112]. "Gấp tiến tới một cuộc toàn xứ Đại biểu Đại hội hay cán bộ hội nghị đặng thống nhất đảng bộ, bầu ra ban Xứ uỷ và các ban tỉnh hay liên tỉnh uỷ chính thức”[113]

Đảng nghiêm khắc phê phán quan điểm của một số đồng chí miền Trung muốn lợi dụng và cải tổ Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, ban hành “hiến pháp quân chủ lập hiến", hy vọng bằng con đường hoà bình thương lượng với Nhật để giành độc lập. Như vậy là trái với đường lối của Đảng, đi trệch mục tiêu tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, làm cho nhân dân mơ hồ về bọn phát xít Nhật và Chính phủ bù nhìn. Đảng còn nghiêm khắc phê phán ehủ trương của một số đồng chí phụ trách nhóm Tiên phong ở Nam kỳ, đã tự ý rút khẩu hiệu chống phát xít Pháp trước khi nổ ra cuộc đảo chính 9-3, sau cuộc đảo chính lại có chủ trương lợi dụng Nhật để giành chính quyền. Mặt khác Đảng cũng phê phán chủ trương của một số đồng chí phụ trách báo Giải phóng, cũng ở Nam kỳ, vẫn giữ khẩu hiệu: "Đánh đuổi Pháp-Nhật" sau cuộc đảo chính 9-3 khi thực dân Pháp không còn quyền thống trị nữa. Và từ đó, diễn ra tình trạng cả hai bên đều công kích lẫn nhau để tranh thủ quần chúng.

Trên báo Cờ giải phóng số 15 ngày 17-7- 1945, trong bài Để thống nhất đảng bộ Nam kỳ, hãy kíp đi vào đường lối, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng sau khi phê phán sai lầm đã viết: "Các đồng chí hãy kíp gạt bỏ thành kiến mà đi vào đường lối của Đảng, thủ tiêu khẩu hiệu của riêng mình mà theo khẩu hiệu của Đảng…

Chúng ta sẽ phạm phải một tội lớn nếu trước giờ quyết liệt chúng ta còn chia rẽ mãi”[114]

Ngày 9-5-1945, Đức ký văn bản đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh. Trên báo Cờ giải phóng viết ngày 16-6, đồng chí Trường Chinh đánh giá ý nghĩa lịch sử của thắng lợi này và xác định thái độ, chủ trương của Đảng:

“Phát xít Nhật, bọn đồng minh của Đức Hít-le, bị trơ trọi hẳn và đang lo như cá nằm trên thớt. Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ trở về thiên cổ theo gót bọn chúng bên trời Âu".

"Dù sao nhân dân Đông Dương không thể bị động trông chờ những ngày may mắn từ đâu đưa lại. . . Phải đứng dậy đánh đuổi giặc Nhật, góp sức với Đồng minh dìm chết con thú dữ Nhật Bản dưới đáy Thái Bình Dương… Sẵn sàng phát động tổng khởi nghĩa giành hẳn lại đất nước".

Ngày 9-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Quân đội Liên Xô giành thắng lợi quyết định trên mặt trận Đông Bắc Trung Quốc, quân đội Nhật tan rã và xin đầu hàng.

Đêm 13-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh khởi nghĩa. Ngày 14-8 Tổng bộ Việt Minh ra hiệu triệu: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Dân tộc ta đã đến lúc vùng dậy cướp lại quyền độc lập của mình!”.

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân trào từ 13 đến 15-8-1945 chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đề ra đường lối đối nội, đối ngoại trong tình hình mới. Hội nghị xác định phương hướng về tuyên truyền cổ động là: "nêu những khẩu hiệu chính động viên tinh thần cứu quốc; nêu cao nguyện vọng của dân tộc: Quốc gia hoàn toàn độc lập; đả phá xu hướng cho rằng Đồng minh vào Đông - dương và Nhật đổ là nhiệm vụ chiến đấu của dân ta hết”[115]. Hội nghị quyết định một số việc cần kíp để tăng cường công tác tuyên truyền cổ động: sử dụng nhiều hình thức mạnh mẽ, táo bạo, như dùng loa phóng thanh tuyên truyền lưu động, biểu tình thị uy có vũ trang, chấn chỉnh Bộ Tuyên truyền trung ương, Ban biên tập các báo chí, mỗi tỉnh thành lập cơ quan ấn loát và có vật liệu in… Về huấn luyện, hội nghị quy định mỗi tỉnh ít nhất phải có một huấn luyện viên chuyên môn, cán bộ bắt buộc phải được huấn luyện theo chương trình phổ thông của Đảng, báo Đảng mỗi kỳ có mục huấn luyện chủ nghĩa cộng sản sơ giải, in nhiều tài liệu huấn luyện.

Sau hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội quốc dân họp vào ngày 16-8. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và 10 chính sách của Việt Minh, quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, quy định quốc kỳ, quốc ca. Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi quốc dân. Sau khi báo tin việc thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng, đồng chí kêu gọi toàn dân đoàn kết chung quanh ủy ban, nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền:

"Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[116].

Đảng ta ra lời hiệu triệu nhân dân, các đoàn thể cách mạng và các đảng viên cộng sản:

… “Đồng bào và các đoàn thể cứu quốc, dưới quyền chỉ huy của Uỷ ban dân tộc giải phóng, Uỷ ban khởi nghĩa hãy cùng với giải phóng quân và tự vệ nổi dậy đánh chiếm các đồn, các huyện lỵ, phủ ly và các tỉnh lỵ, tước khí giới của giặc Nhật".

“Các đồng chí phải sáng suốt trong việc lãnh đạo và cương quyết hy sinh trong cuộc chiến đấu để giành độc lập cho Tổ quốc, để xứng đáng là một đội quân tiên phong của dân tộc”.

Ngày 17-8 ở Hà Nội, Thành uỷ Hà Nội đã lãnh đạo quần chúng biến cuộc mít tinh của chính quyền bù nhìn thành míttinh và biểu tình tuần hành thị uy của ta, kêu gọi đồng bào tham gia khởi nghĩa. Ngày 19-8, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Hà Nội, thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh và thành phố khác, tạo điều kiện thuận lợi cho tổng khởi nghĩa cả nước.

Ngày 23-8, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi ở Thừa Thiên - Huế, lật đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim, buộc Bảo Đại phải thoái vị. Ngày 25-8 cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi ở Sài Gòn. Như vậy Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi trong cả nước trong vòng nửa tháng. Thực tiễn cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra rất phong phú. Nhìn tổng quát, đó là cuộc nổi dậy của toàn dân. Mọi bình thức tuyên truyền, cổ động gắn với cuộc nổi dậy đều được huy động đến mức cao nhất trong điều kiện lúc ấy. Hình thức phổ biến ìà quần chúng biểu tình tuần hành, có các lực lượng tự vệ làm nòng cốt, mang theo băng, cờ, biểu ngữ, vũ khí có sẵn, xếp thành đội ngũ xông vào chiếm công sở, trại lính kết hợp với dụ hàng bọn chính quyền bù nhìn địa phương, buộc chúng nộp vũ khí, trao chính quyền cho cách mạng. Ta đã kịp thời kêu gọi quân Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của ta, còn ta bảo đảm an toàn cho họ để chờ ngày về nước.

Ngày 25-8 đồng chí Hồ Chí Minh về Hà Nội. Theo đề nghị của đồng chí, Uỷ ban dân tộc giải phóng được mở rộng thành Chính phủ lâm thời. Ngày 2-9 trước cuộc mít tinh của trên nửa triệu người, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Bản Tuyên ngôn mở đầu bằng một chân lý không ai chối cãi được: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"[117]. Bản Tuyên ngôn vạch rõ tội ác của bọn thống trị thực dân Phảp và phát xít Nhật đã chà đạp lên chân lý ấy, tổng kết quá trình đấu tranh thàng lợi của nhân dân ta và tuyên bố trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đa thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"[118]. Bản tuyên ngôn đã được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, nhanh chóng đi vào lòng người, nâng cao tinh thẩn tự hào dân tộc và quyết tâm sắt đá bảo vệ quyền tự do, độc lập mới giành được. Kết quả này đã chuẩn bị tư tưởng cho nhân dân ta bước vào một quá trình đấu tranh mới, quá trình kháng chiến ở miền Nam, bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị và tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc.

*

* *

Công tác tư tưởng trong thời kỳ 1939 - 1945 đã gắn chặt và phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc rất oanh liệt và thắng lợi rất vẻ vang của nhân dân ta. Nó phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của dân tộc ta, cổ vũ nhân dân nổi dậy tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ của đế quốc và tay sai. Trong khi nêu cao ngọn cờ dân tộc, nó cũng đồng thời làm rõ sự gắn bó giữa lợi ích của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân, lợi ích dân tộc với lợi ích dân chủ của công nhân, nông dân, động viên mọi tầng lớp, mọi dân tộc tham gia vào mặt trận cứu nước kể cả những vùng dân tộc thiểu số xa xôi hẻo lánh xưa nay ít tham gia vào đời sống chính trị.

Công tác tư tưởng đã kịp thời truyền đạt các nhận định và chủ trương của Đảng trước các diễn biến thời cuộc trong nước và quốc tế, đưa ra những khẩu hiệu sát hợp hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng. Nó đã đấu tranh sắc bén với các tư tưởng tự ty, nô lệ, phục Nhật, sợ Nhật, chống các khuynh hướng sai lầm, rụt rè, do dự, muốn lợi dụng Nhật cũng như phiêu lưu, nóng vội, manh động. Lãnh tụ Hồ Chí Minh, và đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo chặt chẽ công tác tư tưởng, trực tiếp viết báo, viết sách, giảng dạy trong các lớp học.

Công tác tuyên truyền cổ động đã sử dụng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, khi có thời cơ đã kiên quyết sử dụng các hình. thức táo bạo như tuyên truyền xung phong, tuyên truyền vũ trang, biểu tình vũ trang, cổ vũ quần chúng nổi dậy với khí thế mạnh mẽ áp đảo quân thù.

Công tác tư tưởng đã góp phần to lớn bồi dưỡng, đào tạo hàng loạt cán bộ về chính trị, về kinh nghiệm tổ chức, phát động quần chúng, kinh nghiệm công tác bí mật và chống khủng bố, giáo dục đảng viên nêu cao vai trò tiên phong cách mạng, gắn bó chặt chẽ với quần chúng, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng vảo thời điểm lịch sử để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.558

[2] Sđd, t.9, tr.314

[3] Sđd, t.1, tr.461

[4] Sđd, t.2, tr.120

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.293

[6] Xem: Sđd, t.2, tr.266

[7] Sđd, t.2, tr.267-268

[8] Sđd, t.3, tr.1

[9] Sđd, tr3

[10] Sđd, tr3

[11] Sđd, tr3

[12] Sđd, tr5

[13] Sđd, tr6

[14] Sđd, tr6

[15] Sđd, tr6

[16] Sđd, tr7

[17] Sđd, t.3, tr.9

[18] Sđd, t.3, tr.10

[19] Sđd, t.10. tr.8

[20] Lê Khả Phiêu: Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường Đảng ta và nhân dân tiến vào thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.23-24.

[21] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.55-69

[22] Sđd, tr.83-85

[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.66

[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.66

[25] Sđd, tr.64

[26] Sđd, tr.64

[27] Sđd, tr.64

[28] Sđd, tr.68

[29] Sđd, tr.83

[30] Sđd, tr.100

[31] Sđd, tr.116

[32] Sđd, tr.122

[33] Sđd, tr.222

[34] Sđd, tr.227

[35] Sđd, tr.228

[36] Sđd, tr.231 (T.G nhấn mạnh)

[37] Xem: Hoàng Quốc Việt: Chặng đường nóng bỏng (Hồi ký), Nxb Lao động, Hà Nội, 1985m tr,106, 109

[38] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t.3, tr.90

[39] Sđd, tr.92

[40] Sđd, tr.93

[41] Sđd, tr.94

[42] Sđd, tr.117

[43] Sđd, tr.125

[44] Sđd, tr.124

[45] Sđd, tr.126

[46] Sđd, tr.127

[47] Sđd, tr.128

[48] Sđd, tr.157

[49] Sđd, tr.156

[50] Sđd, tr.156

[51] Sđd, tr.157

[52] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.8

[53] Xem: Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.173, (T.G).

[54] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.151

[55] Sđd, tr.152

[56] Sđd, tr.144

[57] Sđd, tr.145-146

[58] Sđd, tr.147

[59] Sđd, tr.151

[60] Sđd, tr.156

[61] Xem Sđd, tr.157

[62] Sđd, tr.7

[63] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.192

[64] Sđd, tr.150

[65] Sđd, tr.157

[66] Sđd, tr.158

[67] Sđd, tr.222

[68] Sđd, tr.223

[69] Sđd, tr.228

[70] Sđd, tr.232

[71] Hoàng Quốc Việt: Chặng đường nóng bỏng (Hồi ký), Nxb Lao động, Hà Nội, 1995, tr.162, 168

[72] Hoàng Quốc Việt: Chặng đường nóng bỏng (Hồi ký), Nxb Lao động, Hà Nội, 1995, tr.162, 168

[73] Tức đồng chí Nguyễn Khoa Văn (BT)

[74] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.349-350

[75] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.349-350

[76] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 623-624

[77] Sđd, tr. 627

[78] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.156

[79] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.749-750

[80] Sđd, tr. 758

[81] Sđd, tr. 761

[82] Sđd, tr. 516

[83] Sđd, tr. 543-544

[84] Sđd, tr. 544

[85] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương: Văn kiện Đảng 1930-1945. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, t.III, tr.141

[86] Sđd, tr. 143

[87] Sđd, tr. 173

[88] Sđd, tr. 175

[89] Sđd, tr. 181

[90] Sđd, tr. 216

[91] Sđd, tr. 196

[92] Sđd, tr. 206

[93] Sđd, tr. 216-217

[94] Sđd, tr. 211

[95] Sđd, tr. 218

[96] Sđd, tr. 237-238

[97] Sđd, tr. 436

[98] Sđd, tr. 446

[99] Sđd, tr. 294

[100] Sđd, tr. 294

[101] Sđd, tr. 256-257

[102] Sđd, tr. 346

[103] Xem Sđd, tr. 356

[104] Sđd, tr. 350

[105] Sđd, tr. 371

[106] Sđd, tr. 371

[107] Xem: Sđd, tr. 383-393

[108] Sđd, tr. 385

[109] Xem Sđd, tr. 385

[110] Sđd, tr. 510

[111] Sđd, tr. 394

[112] Sđd, tr. 396

[113] Sđd, tr. 395

[114] Sđd, tr. 402-403

[115] Sđd, tr. 417

[116] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.554

[117] Sđd, t.3, tr. 555

[118] Sđd, t.3, tr. 557

Theo Sơ thảo Lược sử Công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực