Yêu nước cũng cần thể hiện đúng cách

Thứ năm, 15/05/2014 18:06

(ĐCSVN) – Những ngày này, làn sóng biểu tình, mít tinh, tuần hành phản đối hành động ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam đang diễn ra rộng khắp. Các hoạt động trên không chỉ diễn ra trong phạm vi cả nước mà còn lan tỏa sang cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Song song với đó là các hoạt động ra Tuyên bố phản đối, lên án hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam của nhiều tổ chức chính trị - xã hội gồm có: Liên đoàn Luật sư Việt Nam (ngày 11/5), Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (ngày 12/5), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (ngày 13/5), Hội Cựu chiến binh Việt Nam (ngày 13/5), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (ngày 13/5), Hội Nghề cá Việt Nam (ngày 14/5)...

 

Hình ảnh buổi chào cờ xúc động tại một trường học ở Đồng Nai
(Ảnh: Báo Đồng Nai)


Trong tất cả các Tuyên bố phản đối và lên án hành động vi phạm luật phát quốc tế của Trung Quốc đều chung nhận định, Việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 của phía Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, làm phức tạp tình hình, gây bất ổn định, đe dọa tự do giao thương hàng hải ở khu vực Biển Đông. Hành động mới và nghiêm trọng này của Trung Quốc đi ngược lại các Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước, các thỏa thuận về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược được ký kết những năm gần đây giữa hai nước, làm tổn thương nghiêm trọng tình hữu nghị láng giềng của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, các bản Tuyên bố đều thống nhất cao yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự trong tương lai, nghiêm chỉnh tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời, các Tuyên bố trên cũng thể hiện mong muốn Chính phủ và nhân dân hai nước giữ gìn và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai quốc gia.

Hơn ai hết, mỗi người dân Việt Nam đều thấu hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình. Do đó, giá trị của hòa bình càng trở nên thiêng liêng hơn.

Hơn bao giờ hết, mỗi người dân của cả Việt Nam và Trung Quốc cùng toàn thể nhân loại càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình và nỗi đau của chiến tranh. Bởi trong bối cảnh hiện nay, ai cũng hiểu tình cảnh mâu thuẫn, xung đột đang diễn ra rải rác ở một số khu vực trên thế giới.

Vì lẽ đó, Việt Nam càng không chấp nhận bất cứ hành vi xâm hại nào dù nhỏ nhất tới chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền đã được thế giới công nhận. Nhiều hoạt động thiết thực khác cũng đã và đang diễn ra với tinh thần “hướng về biển đảo thân yêu”. Trong đó phải kể đến các hoạt động quyên góp ủng hộ vật chất tới cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đơn cử như: Đại hội thành lập Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu, TP Đà Nẵng ủng hộ Cảnh sát biển Vùng 2 và Chi đội Kiểm ngư số 3 thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng 2 gần 120 triệu đồng (ngày 10/5), Bộ Y tế thăm hỏi, động viên và tặng quà (thuốc, trang thiết bị y tế và tiền mặt với tổng giá trị 800 triệu đồng) tới Chi đội Kiểm ngư số 3, thuộc Cục Kiểm ngư Việt Nam (ngày 11/5), công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ủng hộ 1 tỷ đồng cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam (ngày 12/5), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) thuộc Petro Vietnam thì tiến hành bàn giao xuồng tuần tra cao tốc H47P cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Xuồng có tổng kinh phí 12 tỷ đồng do PVFCCo tài trợ. Phát động nhắn tin ủng hộ biển Đông do Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức (từ ngày 13/5), Bộ Giao thông Vận tải và Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam đã tổ chức trao tặng 300 triệu đồng cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam và 300 triệu đồng cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam (ngày 13/5), Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã quyên góp số tiền hơn 1 tỷ đồng để ủng hộ các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam (ngày 14/5)...

 

Hội nghề cá Việt Nam mít tinh và ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc, kêu gọi ngư dân vững vàng bám biển (Ảnh: KS)


Đáng chú ý, các hoạt động khai thác thủy hải sản của ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn được triển khai như bình thường.

Còn một hành động nữa, tuy nhỏ nhưng khá thiết thực và nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng xã hội. Đó là treo cờ Tổ quốc tại các cửa hàng và phủ kín cờ Tổ quốc ở một số tòa nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội. Thay vì đập phá làm tổn hại đến công ăn việc làm và làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, ủng hộ hết mình cho tinh thần yêu nước này, chúng ta hãy hành động tỉnh táo và một cách nhân văn.

Tất cả những hoạt động trên là những hành động thể hiện quyết tâm bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc ta đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, trong sự thể hiện ấy, đã xuất hiện một vài tình huống thái quá, vượt qua khuôn khổ giới hạn, thậm chí quá khích, vô tình làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong thời điểm nhạy cảm như thế này, người dân cần bình tĩnh, không nên có những hành động gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước.

Chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng rằng, không phải tất cả người dân Trung Quốc cũng như doanh nhân Trung Quốc đều đồng tình với những việc làm của nhà đương cục Trung Quốc. Chúng ta không nên có thái độ cực đoan trước mắt mà làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích lâu dài của đất nước. Chúng ta thấy rõ hành động đưa giàn khoan Hải Dương- 981 của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sai trái. Với tư cách là công dân Việt Nam, chúng ta cảm thấy bị xúc phạm lòng tự tôn dân tộc, nhưng cũng không vì thế mà có những hành động cực đoan.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần bảo vệ hình ảnh đất nước, đề cao tình hữu hảo của dân tộc Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau thể hiện sự hiệu quả trong kinh doanh, tạo thế chủ động trong quan hệ kinh doanh với các đối tác Trung Quốc.

Và càng cấp thiết hơn nữa, trong bối cảnh này, chúng ta lại càng cần hết sức bình tĩnh. Chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã được cả thế giới thừa nhận. Người dân Việt Nam nên nêu cao tình hữu hảo chứ không nên có những hành động thái quá làm ảnh hưởng đến hình ảnh dân tộc trong mắt bạn bè quốc tế. Và thời điểm này, thay vì có các hành vi quá khích, tự phát, tránh để bị kích động, người dân nên kiên trì, bền bỉ đấu tranh, vững tin vào Đảng và Nhà nước./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực