Áp lực về ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc hiện nay

Thứ năm, 25/08/2016 15:38

(ĐCSVN) – “Hàng năm, có 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng, hơn 2000 dự án đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đầy đủ, cùng với hàng trăm khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải"…Đây là những con số được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường khiến nhiều bộ, ngành, địa phương đều bày tỏ lo ngại về vấn đề môi trường, cần được ưu tiên trong quản lý Nhà nước thời gian tới.

Áp lực về các vấn đề môi trường

Theo  Bộ TN&MT, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước, sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập quốc tế cùng các tác động xuyên biên giới.

(Ảnh minh họa: Bích Liên)

Hàng năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nếu không được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả thì sẽ là những nguy cơ rất lớn đến môi trường. Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mê Công, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Việc xây dựng các dự án thủy điện của một số quốc gia trên dòng chính sông Mê Công đã và đang có những tác động, ảnh hưởng lớn đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp (CCN) trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các CCN còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất  trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế.

Cùng với đó, với 787 đô thị môi trường của chúng ta đang hứng chịu  3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí.

Cũng theo Bộ TN&MT, hàng năm, có 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng. Trong đó, khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt 25-60%; công tác thu gom, lưu giữ và xử lý bao bì chưa được quan tâm, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng gây phát sinh mùi, khí thải. Hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan...

Nhìn nhận về những hệ lụy trên, các chuyên gia môi trường cho rằng, Việt Nam đã và đang trong một giai đoạn phát triển nóng, chỉ tập trung cho mục tiêu tăng trưởng mà quên đi các mục tiêu về phát triển bền vững. Nhiều nơi đã hết sức tạo điều kiện mời gọi các dự án đầu tư, song chưa quan tâm đúng mức tới các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta hiện đang lấy của cải, tài nguyên của thế hệ tương lai cho mục đích phát triển kinh tế.

Trước thực trạng trên, nhiều bộ, ngành, địa phương đều bày tỏ lo ngại về môi trường đất nước và nhìn nhận những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường là những nội dung cần được ưu tiên trong quản lý Nhà nước thời gian tới.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về môi trường

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến vấn đề môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc ở nước ta hiện nay, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường tổ chức ngày 24/8 Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; còn thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.

“Ngoài ra, chúng ta cũng chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực bảo vệ môi trường và giám sát chặt chẽ công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp… đó cũng là một nguyên nhân cần khắc phục” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay, theo đó phải tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường..., có các giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng cũng kiến nghị, Quốc hội tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài; thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”; sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng.

Với những vấn nạn về vấn đề ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể về bảo vệ môi trường trình Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị để các ngành, địa phương thực hiện. Đồng thời yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2017 phải tiến hành khảo sát đánh giá và xếp hạng các tỉnh, thành phố trong cả nước về vấn đề môi trường như bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, kiểm tra đôn đốc vấn đề bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về môi trường trong lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; có kế hoạch, chiến lược ngắn hạn, dài hạn về môi trường. Thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về môi trường. Tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao nhận thức về môi trường./.

 

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực