Bảo tồn cây Sa mộc dầu trước nguy cơ tuyệt chủng

Thứ năm, 18/06/2015 13:30

(ĐCSVN) Được sự đồng ý của Tỉnh ủy Hà Giang, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với các nhà khoa học thuộc Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ tiến hành điều tra, khảo sát hệ thống cây Sa mộc dầu, tại xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). 

 

 Sa mộc dầu tại xã Túng Sán,
huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang
.

Trong Sách đỏ Việt Nam, phần II (Thực vật, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 2007), loài cây lá kim có tên khoa học là "Cunninghamia Konishii Hayata" thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae), tên Việt Nam được gọi là "Sa mộc dầu". Ngoài tên này, loài cây còn có một số tên khác như: Mạy lâng lênh (Thái), Mạy lung linh, Sa mộc quế phong, Sa mộc dầu (trang 530, Sách đỏ Việt Nam, 2007).

Theo Sách “Cây lá kim Việt nam” (Nhà xuất bản thế giới, 2004), loài Cunninghamia Konishii Hayata có tên Việt Nam là Sa mộc dầu, kèm theo một tên khác là Sa mộc Quế Phong.

Sách “Thông Việt Nam – Nghiên cứu hiện trạng bảo tồn 2004” (Nhà xuất bản Lao động xã hội, 2005), tên chính thức của loài này là Sa mộc dầu kèm theo hai tên tiếng Việt khác là Sa mộc Quế Phong và Ngọc Am.

Trong “Danh mục các loài thực vật Việt Nam” (Nhà xuất bản Nông nghiệp, tập I, 2001) ghi tên Tiếng Việt của loài này là Sa mộc dầu kèm theo một số tên khác như: Sa mộc Quế Phong, Mạy lung linh, Mạy lâng lênh (Thái Thanh Hóa).

Như vậy, Sa mộc dầu là tên chính thức của loài Cunninghamia Konishii Hayata được ghi ở 3 trong số 4 tài liệu tham khảo đã được trích dẫn (trừ sách “Cây lá kim Việt Nam” gọi là Sa mu dầu). Vì vậy, để phù hợp với Sách đỏ Việt Nam cũng như đã được nhiều sách sử dụng, chúng tôi cũng sử dụng tên Tiếng Việt của loài này là Sa mộc dầu.

Sa mộc dầu còn liên quan đến một tên Tiếng Việt hiện được sử dụng rộng rãi ở tỉnh Hà Giang là Ngọc Am. Tên này cũng được sách “Thông Việt Nam – Nghiên cứu hiện trạng bảo tồn 2004” sử dụng. Xin được lưu ý, Ngọc Am cũng là tên khác của cây Pơ mu (Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Hoàng Hòe (chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) và Hoàng đàn rủ (Cupressus funebris).

Sa mộc dầu được kỹ sư Chu Thuyền và nhóm điều tra lâm học thuộc Viện điều tra quy hoạch rừng (FIPI) phát hiện lần đầu tiên tại đỉnh núi Facatun (Quỳ Châu, Nghệ An) vào năm 1964. Từ năm 1991 - 1997, Sa mộc dầu còn được phát hiện ở Pù Loong, Pù Xai Leng, Pù Mo (thuộc huyện Kỳ Sơn), Pu Den Dinh (thuộc huyện Tương Dương), Pù Mát, Pù Nhông (thuộc huyện Côn Cuông), Pù Hoạt (thuộc huyện Tương Dương), khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa).

Theo các tài liệu đã công bố trên thế giới, Sa mộc dầu được phát hiện ở Đài Loan (Trung Quốc), Lào (Hủa Phắn).

Tại Hà Giang, Sa mộc dầu trước đây được phát hiện chủ yếu ở ba huyện: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Quản Bạ, gồm các xã: Lao Thải, Xín Chảo, Cao bồ, Thượng Sơn, Nậm Ty, Bản Péo, Tả Sủ Choóng, Túng Sán, Nậm Dịch, Hồ Thầu và Sơn Nam.

Sa mộc dầu được xếp vào một trong những loài cây sống lâu, có kích thước lớn của thế giới. Vườn Quốc gia Pù Mát có cây Sa mộc dầu cao tới 70m, đường kính thân hơn 5,5m ở thượng nguồn Khe Bu thuộc xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Tại Hà Giang vào thập niên 80 của thế kỷ XX, ở xã Tả Sủ Choóng từng có những cây Sa mộc dầu cao 35 - 40m, đường kính hơn 100cm. Tuy nhiên, do bị khai thác quá mức, Sa mộc dầu hiện đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Mặc dù vậy, tại xã Túng Sán vẫn còn 2 cây Sa mộc dầu ở tọa độ địa lý: N: 22o45’42”5; E: 104o44’29”5; Độ cao so với mực nước biển: 1.212m. Một cây có đường kính 90cm, chiều cao 30m. Cây thứ hai có đường kính 70cm, chiều cao 25m.

Cây có tán hình tháp, lá mọc xoắn ốc rất xít nhau, gốc vặn, do đó ít nhiều xếp thành 2 dãy, hình dải, dài 7 - 12cm, rộng 0,2 - 0,3cm, thót ngắn hình mũi tú và không cứng, mép hơi răng cưa, mặt dưới có 2 dải lỗ khí. Đây là đặc điểm khác với cây sa mộc (Cunninghamia lanceolata (Lamb.) Hook là cây gỗ nguyên sản ở Trung Quốc, được nhập vào Việt Nam từ lâu, được gây trồng và phát triển mạnh từ năm 1960 trở lại đây. Cây sa mộc lá dẹt hình ngọn giáo, dày, cứng, mép có răng cưa, mọc tập trung ở đầu cành, thân thẳng, tròn, vỏ xám, bong vảy.

Khác với sa mộc, cây sa mộc dầu vở nứt dọc, thưa, các vết nứt rộng, gần như cánh đều nhau. Vỏ dày khoảng 1 - 1,2cm, thịt vỏ có màu hồng nhạt. Sa mộc dộc là cây cùng gốc. Nón đực mọc thành chụm ở nách lá gần đầu cành. Nón cái đơn độc hay thành cụm 2 - 3 cái, khi trưởng thành dài 2 - 2,5cm, rộng 1,3cm, gần các vảy lá bắc hình tam giác rộng, có mũi nhọn ở đầu, có răng cưa ở 2 mép và 2 tai tròn ở giữa, mang 3 hạt. Hạt có các cánh bên khá rộng, dài 5mm, rộng 4mm. Sa mộc dầu thường phân bố ở hệ sinh thái rừng ẩm á nhiệt đới, cây lá rộng xen cây lá kim trên núi trung bình, ở độ cao từ 600m đến 1.600m; nhiệt độ trung bình năm từ 15 - 20oC; lượng mưa từ 1.500 - 1.900mm, trên đất phong hóa từ granit hoặc các đá mẹ silicat; tái sinh hiếm, tập trung ở những nơi nương rẫy mới đốt, hoặc tại những vùng đất sạt lở.

Nói chung, sa mộc dầu tái sinh rất kém. Sa mộc dầu có nón chín vào tháng 10, tháng 11, nhưng rất khó thu hái vì nón chỉ ra ở phần trên của những cây trưởng thành có kích thước lớn. Tỷ lệ nảy mầm của hạt khoảng 43%. Có thể nhân giống bằng giâm hom từ cây non. Nếu hom lấy từ cây già thì cây thường có hiện tượng sinh trưởng hướng nghiêng.

Sa mộc dầu không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế cao. Gỗ Sa mộc dầu nhờ có nhiều tinh dầu nên khá bền, chôn dưới đất hàng trăm năm không bị mục nát. Tên Ngọc Am chính là xuất phát từ đặc tính quý báu này. Vì vậy, từ lâu Ngọc Am rất được ưa chuộng dùng làm quan tài. Ngoài ra, gỗ Sa mộc dầu còn có hoa vân, màu sắc rất đẹp nên cũng được sử dụng để làm đồ thủ công, mỹ nghệ, làm các vật dụng trong gia đình.

Tinh dầu Sa mộc dầu được chiết xuất làm mỹ nghệ, dược phẩm nhờ có khả năng sát trùng cao, cũng được làm thuốc xoa bóp, chữa bệnh ngoài da, đặc biệt dùng để ướp xác.

Vì có nhiều giá trị sử dụng nên sa mộc dầu bị khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Hiện sa mộc dầu đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (2007), được xếp ở mức VU tức là sẽ nguy cấp.

Sa mộc dầu còn có trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ thuộc nhóm IIA của Danh mục Thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Để bảo tồn loài Sa mộc dầu, hàng năm phải nghiêm cấm việc khai thác, mặt khác cần phải tuyển chọn những cây mẹ có phẩm chất tốt để xây dựng vườn cây giống, từ đó mở rộng, phát triển nguồn gen Sa mộc dầu tại tỉnh Hà Giang./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực