Bảo vệ chiến sỹ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch COVID-19

Thứ tư, 05/08/2020 16:46
(ĐCSVN) - Sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng hiện nay không phải là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống của chúng ta sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ.

Ngày 5/8 tại Hà Nội, Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn - cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động VN tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ chiến sỹ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch COVID-19”. Tọa đàm là một nội dung của Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” nhằm chia sẻ, động viên chiến sĩ áo trắng tuyến đầu chống dịch; Nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ của cán bộ y tế và nhiệm vụ tuyên truyền người dân phối hợp cùng ngành Y tế phòng, chống lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Kể từ 25/7 đến nay, nước ta đã liên tục ghi nhận những ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Đặc biệt, có đến 224 trường hợp được xác định có quan đến ổ dịch Đà Nẵng. Và trong hơn 200 ca bệnh COVID-19 được ghi nhận trong giai đoạn mới của dịch, đã có 14 nhân viên y tế bị lây nhiễm (2 sinh viên y khoa, 2 bác sĩ và 10 điều dưỡng).

leftcenterrightdel
Tọa đàm “Bảo vệ chiến sỹ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch COVID-19” . (Ảnh: Đỗ Thoa)

Sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng chính là tài sản của hệ thống y tế

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta cần lên tiếng bảo vệ những cán bộ y tế đang ở tuyến đầu chống dịch và cũng là lúc để tôn vinh những cống hiến, đóng góp không mệt mỏi, thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là các điều dưỡng viên.

"Cá nhân tôi và các đồng nghiệp hết sức xúc động, tự hào và ngưỡng mộ bởi những cống hiến của các cán bộ điều dưỡng tại nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Các điều dưỡng viên chính là những đội quân chủ lực của ngành y tế Việt Nam, họ là thành viên hết sức quan trọng trong ekip y tế của Việt Nam. Trong đại dịch hiện nay, họ là hậu thuẫn cho các hoạt động chuyên môn của bác sĩ”- Thạc sĩ Phạm Đức Mục chia sẻ.

Theo Thạc sĩ Phạm Đức Mục, các bệnh nhân COVID-19 hiện nay đang được cách ly trong các buồng bệnh mà không có người nhà chăm sóc, theo đó các điều dưỡng viên đang là chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ thay thế cho người thân của các bệnh nhân, lấp vào khoảng trống tinh thần cho bệnh nhân.

“Chúng tôi rất băn khoăn mặc dù biết trước dịch bệnh này sớm muộn chúng ta cũng sẽ có những cán bộ y tế bị nhiễm bệnh trong quá trình phục vụ. Việc chính các bác sĩ, các điều dưỡng lại trở thành bệnh nhân, đây là trạng thái đảo chiều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng không muốn.

Các bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao nhất khi họ phải chăm sóc bệnh nhân dài ngày hay thực hiện các thủ thuật có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Sức khoẻ của các bác sĩ, điều dưỡng hiện nay không phải là tài sản riêng của họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế, bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất và hệ thống của chúng ta sẽ bị thiếu đi một lực lượng phục vụ.

Đằng sau những đóng góp, hy sinh của các bác sĩ, y tá và điều dưỡng mang lại giá trị cho xã hội và niềm tin cho người bệnh, người dân”- Thạc sĩ Phạm Đức Mục bày tỏ.

Tỉ lệ nhân viên y tế bị lây nhiễm ở nước ta tương đương thế giới 

Phân tích về tỉ lệ nhân viên y tế của nước ta bị nhiễm COVID-19 trong chùm ca bệnh mới (chiếm 6%) gần tương đương với thống kê của Hội Điều dưỡng thế giới ở 77 nước là khoảng 7%, Thạc sĩ Phạm Đức Mục cho rằng, mặc dù có phần thấp hơn so với mức trung bình trên thế giới, nhưng lây nhiễm chéo trong hệ thống y tế tại Việt Nam hiện là vấn đề cần hết sức lưu tâm. “Khi 1 nhân viên y tế mắc bệnh thì những đồng nghiệp của họ cũng rơi vào trạng thái cách ly, dẫn tới tình trạng không có nhân lực phục vụ bệnh nhân. Bên cạnh đó, nếu nhân viên y tế mang mầm bệnh thì sẽ rất nguy hiểm nếu tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân” – ThS Mục nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam nhận định rằng, hiện chúng ta chỉ có hơn 200 bệnh nhân COVID-19 mắc mới, nhưng đã có những biểu hiện về sự thiếu hụt nguồn lực y tế. Cụ thể là Bộ Y tế đã phải cấp tốc chi viện cho thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, mới đây UBND thành phố Đà Nẵng cũng phải ra văn bản kêu gọi các tỉnh thành hỗ trợ để chống dịch.

Mặc dù hiện tại chúng ta vẫn cơ bản đáp ứng tốt công tác điều trị. Tuy nhiên, theo ThS Phạm Đức Mục, trong kịch bản số lượng bệnh nhân tăng vọt thì chúng ta sẽ thiếu nhân lực, bởi nguồn nhân lực y tế của Việt Nam vốn vẫn ở mức rất thấp so với khu vực. Chuyên gia này nêu dẫn chứng: “Xét về tỉ lệ điều dưỡng bình quân trên 10.000 dân, thì chúng ta phải tăng gấp đôi con số hiện tại để có thể bằng được Thái Lan, tăng gấp 3 để bằng Malaysia và tăng 10 lần để bằng Nhật Bản”. Do đó, theo ông, ngay cả các tỉnh chưa có dịch, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực, đặc biệt là các y, bác sĩ có năng lực về hồi sức, cấp cứu để phục vụ các bệnh nhân nặng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho lực lượng y tế, chuyên gia này nhấn mạnh việc quản lý nghiêm chất lượng của trang thiết bị y tế, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân như: khẩu trang, găng tay y tế. "Thiết bị phòng hộ chính là lá chắn bảo vệ các nhân viên y tế. Do đó, phải đảm bảo rằng, các vật tư kém chất lượng không được lọt vào bệnh viện, cơ sở y tế" - ThS Mục cho hay.

Công đoàn y tế đi đầu trực tiếp giúp cán bộ y tế

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin có 14 cán bộ y tế mắc COVID-19, Công đoàn ngành Y tế đã hỗ trợ mỗi đoàn viên 2 triệu đồng và huy động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi cán bộ 2 triệu đồng.

Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng đã hỗ trợ bằng quỹ xã hội từ thiện 50 triệu đồng cho các cán bộ bị cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng, 50 triệu đồng tới Bệnh viện Trung ương Huế - nơi đang điều trị cho 25 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo công đoàn y tế các tỉnh, thành phố thực hiện 8 nội dung mà cán bộ y tế phải thực hiện trong Chỉ thị 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế, đặc biệt là công tác tuyên truyền, hỗ trợ,  khen thưởng… để công đoàn y tế là những người đi đầu trực tiếp giúp cho các cán bộ y tế.

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ: “Việc cán bộ y tế bị cách ly là điều không ai mong muốn. Khi cách ly, các cán bộ y tế cũng vô cùng hoang mang, lo lắng. Đáng ra họ sẽ đang là những người cầm súng ra trận nhưng khi cách ly họ không thể cầm súng, không được cống hiến và phải sống xa gia đình.”

Chính vì thế, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh sẽ làm hết sức có thể để chia sẻ với các cán bộ y tế, mong các đồng chí bình tâm trong cuộc chiến chống COVID-19. Dù không thể thực hiện khám chữa bệnh, nhưng ngay bên trong khu cách ly các cán bộ, nhân viên y tế vẫn có thể làm việc, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế để đẩy lùi dịch bệnh.

Số ca bệnh ít không có nghĩa là dịch không còn lây lan

Xúc động trước sự cống hiến của đội ngũ y bác sĩ tại Đà Nẵng và cảm thấy buồn khi một số cán bộ y tế của Việt Nam nhiễm COVID-19, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ với công việc, sự cống hiến của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế của Việt Nam, đặc biệt tại Đà Nẵng trong giai đoạn này.

Đánh giá về tình hình dịch tại Việt Nam và công tác phòng chống dịch của Việt Nam so với thế giới, TS. Kidong Park cho rằng, hiện nay trên thế giới, ở nhiều quốc gia khác không chỉ Việt Nam, cũng đang phát hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Sau khi thực hiện giãn cách các quốc gia này đã kiểm soát được lây nhiễm. Hiện nay các quốc gia cũng đang tăng cường các biện pháp hạn chế lây nhiễm.

Đối với các ca phát hiện tại Đà Nẵng, TS. Kidong Park cho rằng “Đó là lời nhắc nhở chúng ta lưu ý số ca bệnh thấp và ít không có nghĩa là dịch không còn lây lan. Bởi có những ca nhiễm có thể không có biểu hiện ra bên ngoài. Đại dịch chưa thể chấm dứt ngay nên cần cảnh giác. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn trong các bệnh viện cơ sở y tế phải thực hiện toàn bộ thời gian chứ ko chỉ thời điểm dịch bùng phát”.

“Chúng ta đã biết một số bệnh viện ở Đà Nẵng là điểm nóng của dịch, qua hệ thống giám sát đã phát hiện các ca bệnh nhưng có những ca bệnh chưa phát hiện có thể đang ở trong người nhà bệnh nhân hoặc cán bộ y tế”, TS. Kidong Park nói thêm.

Đề cập đến giải pháp tránh lây nhiễm cho cán bộ, nhân viên y tế, ThS. Phạm Xuân Thành - Phó trưởng phòng Cục quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay: Quy trình phòng chống lây nhiễm cho cán bộ nhân viên y tế đã được triển khai trước đó ở các bệnh viện. Để tránh lây nhiễm, nhân viên y tế cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, thực hiện mặc đồ bảo hộ, để tránh sự xâm lấn cũng như không phát tán mầm bệnh.

Theo ông Thành, nhân viên y tế phải tuân thủ đúng quy định, tất cả các vật phẩm điều trị cần được xử lý riêng, có cảnh báo các chất thải lây nhiễm để trong thùng màu vàng. Đặc biệt, đối với rác thải của bệnh nhân mắc COVID-19 chỉ được chứa tới 3/4 thùng và buộc kín trước khi đi xử lý, đồng thời, thực hiện phân loại rác tại nguồn, di chuyển rác từ phòng đến khu lưu giữ ở một thời điểm nhất định, ít có bệnh nhân và người nhà qua lại.

Việc vận chuyển đến khu lưu trữ cần phải sử dụng phương tiện chuyên biệt, có nắp đậy, tất cả rác thải này phải được xử lý hàng ngày.

Đối với thi hài của người mắc COVID-19 phải đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình vận chuyển, thực hiện hỏa táng ngay, càng sớm càng tốt. Thi hài của người bệnh có thể được khâm niệm trong vòng 24h, người tham gia xử lý phải được trang bị đẩy đủ phương tiện bảo vệ, chỉ những người được hướng dẫn đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn mới được tham gia. Ngoài ra, cần xử lý khử khuẩn các vật dụng trong buồng bệnh của bệnh nhân nhằm tránh phát tán virus ra bên ngoài./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực