Bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong cao trên toàn cầu

Thứ năm, 24/03/2016 16:05


(ĐCSVN) – Lao là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc chẩn đoán, phát hiện ca bệnh mới. Hằng năm, vẫn có hàng trăm nghìn trường hợp mắc lao mới, thậm chí có nhiều đối tượng mắc lao chưa được phát hiện và đang tiếp tục lây truyền bệnh trong cộng đồng. Tuy vậy, lao không phải là bệnh khó chữa nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ.

Bệnh nhân điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: T.Hà

Việt Nam đứng thứ 11/27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác phòng chống lao trong thời gian qua, nhưng bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. Năm 2014, ước tính toàn cầu có khoảng 9,6 triệu người mắc lao, 13% trong số mắc lao có đồng nhiễm HIV. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lấy ngày 24/3 hằng năm là Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao. Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao năm nay có chủ đề “Đoàn kết toàn dân chiến thắng bệnh lao”.

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, trong đó có khoảng 510.000 phụ nữ chết do lao. Chính số tử vong này làm cho bệnh lao trở thành một trong các bệnh gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Trong khi đó, tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Riêng năm 2013, trên toàn cầu ước tính tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc là 3,5% trong số bệnh nhân mới và là 20,5% trong số bệnh nhân điều trị lại.

Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 2,6% hàng năm và tỷ lệ tử vong giảm khoảng 4,4% hàng năm, nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Tính riêng trong năm 2015, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện là gần 103 nghìn người, trong đó có hơn 50 nghìn bệnh nhân lao phổi. Khu vực miền Nam có tỷ lệ người mắc lao phổi cao nhất cả nước. So với năm 2014, số bệnh nhân lao phổi dương tính mới phát hiện trên cả nước trong năm 2015 tăng 155 người.

Thời gian qua, Việt Nam được Tổ chức WHO hỗ trợ làm mô hình điểm trong triển khai nghiên cứu kết thúc bệnh lao trong giai đoạn mới, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia đã thành lập Trung tâm VICTORY nhằm xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi. Từ đó sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành tại các tuyến y tế trên cả nước. Chiến lược phòng chống lao cũng vẫn tiếp tục được duy trì tại 100% số quận huyện và phường, xã. Tuy nhiên, các đối tượng nghi lao kháng đa thuốc vẫn chưa được tầm soát hết, tỷ lệ người được xét nghiệm trong số nghi kháng đa thuốc còn hạn chế tại địa phương, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2015. Tỷ lệ điều trị thành công giảm so với 2014.

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh lao đã tồn tại hàng nghìn năm và nguyên nhân của bệnh là do vi khuẩn lao đã được biết đến từ 134 năm trước, nhưng đến nay căn bệnh này vẫn gây ra cái chết cho gần 2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều thành tựu trong việc kiểm soát bệnh lao nhưng đến nay số người chết do lao mỗi ngày trung bình là 46 người...

Lao phổi là bệnh lây nhiễm thông qua vi trùng lao trong không khí qua nước bọt, chất tiết của người đang mắc bệnh lao khi ho, hắt hơi, khạc nhổ. Để phòng chống bệnh lao, cần cho trẻ tiêm vaccine BCG  sau sinh, người dân cũng cần đeo khẩu trang khi có việc phải đi vào các khu vực có người mắc lao…

Lao kháng thuốc chữa được nếu tuân thủ điều trị đúng phác đồ

Lao kháng thuốc là bệnh chữa được nhưng người bệnh phải  tuân thủ điều trị đúng phác đồ, đúng thời gian, đủ liều lượng. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần có quyết tâm, sự kiên trì trong thời gian dài (18-20 tháng) và được cung cấp những hiểu biết cơ bản về căn bệnh lao kháng thuốc để tránh lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.

Có rất nhiều nguyên nhân mắc lao kháng thuốc, như người mắc bệnh lao điều trị không đúng phác đồ, không đủ liều lượng, không tuân thủ thời gian; bị lây nhiễm bệnh từ người bị lao kháng thuốc; người bệnh tự mua thuốc kháng lao; sự chỉ định không đúng phác đồ của bác sĩ do người bệnh tự đến phòng mạch tư, không phải bác sĩ chuyên khoa... Lao kháng thuốc không chỉ gây nguy cơ tử vong cao với người bệnh mà còn mang lại khó khăn, vất vả cho bác sĩ và là nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.

Từ tháng 11/2015, Bộ Y tế đã triển khai thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (9 tháng) trong điều trị người bệnh lao kháng thuốc.

Chương trình sẽ được thí điểm điều trị cho 100 bệnh nhân tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ, sau đó sẽ nhân rộng trên cả nước nếu các phương pháp này đạt hiệu quả cao. Thuốc mới và phác đồ mới trong điều trị bệnh lao kháng thuốc được kỳ vọng sẽ đem lại cho người bệnh cơ hội được điều trị khỏi, giảm gánh nặng bệnh tật, vật chất và tinh thần cho không chỉ người bệnh, mà còn cả gia đình và cộng đồng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao, những dấu hiệu dễ nhận biết nhất về bệnh lao đó là: Chán ăn, sụt cân, suy kiệt; ho kéo dài, khạc ra đàm, đôi khi vướng máu; đau tức ngực; bị sốt trong thời gian dài; đổ mồ hôi đêm; có tiền sử điều trị lao hoặc có nguồn lây xung quanh... Các dấu hiệu này cũng hay gặp ở nhiều bệnh khác. Vì vậy, để chắc chắn rằng đây là bệnh lao, người dân cần được làm vài xét nghiệm chẩn đoán phân biệt. Phát hiện sớm bệnh, chúng ta có thể phòng ngừa lây nhiễm cho người thân và cộng đồng, điều trị dễ dàng hơn do cơ thể chưa suy yếu.

Điều vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị là người bệnh cần phải dùng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian bác sĩ chuyên khoa về Lao yêu cầu. Tiếp tục uống thuốc ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn. Vi khuẩn bị tiêu diệt rất chậm, một số loại vi khuẩn lao vẫn còn trong cơ thể ngay cả khi chúng ta tưởng như đã khỏi bệnh. Nếu ngưng thuốc quá sớm, vi khuẩn lao có cơ hội tăng sức đề kháng trở thành tiền siêu kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc. Đây là thể lao đặc biệt nguy hiểm, vì nó kháng các loại thuốc điều trị. Cũng vì thế mà quá trình điều trị thường tốn kém, phức tạp và thời gian điều trị cũng kéo dài, nguy cơ tử vong rất cao./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực