Bệnh viện Đà Nẵng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ bảy, 16/03/2019 17:08
(ĐCSVN) - Năm 2018, bằng việc triển khai hiệu quả 398 dịch vụ kỹ thuật nổi bật như lâm sàng (bóc nội mạc động mạch cảnh, đặt stent ống động mạch cấp cứu trong các bệnh tim bẩm sinh sống phụ thuộc vào ống động mạch), cận lâm sàng (định lượng C-Peptid, Test hồi phục phế quản…) đã giúp bệnh viện Đà Nẵng hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Với tổng số nhân lực 2.006 người (trong đó có 353 bác sĩ, 63 dược sĩ, 694 điều dưỡng và 159 kỹ thuật viên), đơn vị đã thực kê 2.569 giường (so với kế hoạch 2.000 giường), khám 446.468 bệnh nhân (tăng 131%, bao gồm 295.395 bảo hiểm y tế) và điều trị nội trú cho 123.096 bệnh nhân (tăng 150%, bao gồm 111.937 bảo hiểm y tế) với tổng số 867 384 ngày điều trị nội trú (tăng 125% ngày so với năm trước).

Các y bác sỹ bệnh viện Đà Nẵng thực hiện kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân bị ngừng tim. (Ảnh do bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đơn vị đã triển khai đúng và đầy đủ các quy định về BHYT, công tác giám định dữ liệu trên cổng thông tin điện tử đã đi vào thường quy và có hiệu quả, đặc biệt phối hợp tốt với cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết quyền lợi cho người bệnh BHYT tham gia khám chữa bệnh.

Trực thuộc Sở Y tế Đà Nẵng, được giao đảm bảo y tế phục vụ các sự kiện lớn năm 2018, bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo, kiện toàn 3 đội cấp cứu, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, máu, vật tư y tế sẵn sàng ứng cứu trong các tình huống khẩn cấp. Phân công Ban Giám đốc, Ban Chủ nhiệm khoa, phòng theo dõi hoạt động chuyên môn cũng như an ninh trật tự trong suốt dịp lễ, tết cũng như trong những ngày diễn ra các sự kiện lớn trong năm; đảm bảo công tác báo cáo theo quy định.

Theo Giám đốc Nhân, đơn vị cũng triển khai tập huấn phác đồ điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế và điều trị một cách có hiệu quả, khống chế tỉ lệ tử vong; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc; tăng cường nhân lực tại Khoa Y học Nhiệt đới; mở rộng khu điều trị khi có dịch; phổ biến kiến thức về bệnh sốt xuất huyết đến tận các khoa, phòng trên hệ thống loa phóng thanh và trong các buổi họp hội đồng người bệnh; tổ chức phun thuốc diệt muỗi trong toàn viện và treo băng rôn tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại các điểm dễ thấy trong bệnh viện…

Ngay sau khi có Chỉ thị 847/CT-BYT của Bộ Y tế về các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện cơ sở vật chất phục vụ người bệnh; tạo môi trường sạch sẽ để chăm sóc và điều trị người bệnh, bảo đảm quyền và lợi ích của người bệnh.

Với phương châm "Lấy người bệnh làm trung tâm", thái độ phục vụ, tâm lý tiếp xúc của bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đã được cải thiện rất nhiều, nhận được sự hài lòng hơn từ phía người bệnh. Kết quả là mức độ hài lòng người bệnh nội trú đạt 96%, ngoại trú 95%, và hài lòng nhân viên y tế 96%.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai bệnh viện điện tử, bệnh viện đã kết nối mạng giữa khoa khám bệnh, xét nghiệm, khoa dược, thu viện phí, lãnh đạo và các bộ phận liên quan giúp giảm thời gian chờ, tăng cường quản lý, giảm sai sót, nhầm lẫn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua bệnh án điện tử, đảm bảo độ chính xác trong nhập các thông tin hành chính, chỉ định xét nghiệm, chỉ định điều trị, tăng cường thời gian phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, hiện nguồn tài chính của đơn vị phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu từ khám chữa bệnh BHYT nhưng thực tế, bệnh viện không được thanh quyết toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT kịp thời vì nhiều lý do như vượt trần, vượt quỹ ... mà nguồn kinh phí để lại chưa thanh toán rất lớn. Do đó, việc cân đối nguồn thu nhằm đảm bảo thực hiện tự chủ chi thường xuyên gặp nhiều khó khăn.

Mức lương cơ bản làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế tại Thông tư 15/2018/TT-BYT là 1.150.000 đồng, đến nay mức lương cơ bản đã tăng lên 1.390.000 đồng, dự kiến tháng 7/2019 sẽ là 1.490.000 đồng, như vậy phần chênh lệch tăng lương do mức lương cơ bản thay đổi cũng là một thách thức lớn về tài chính đối với bệnh viện.

Cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện nay chỉ mới bao gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, chưa tính chi phí quản lý, đào tạo, khấu hao tài sản, chi phí ứng dụng công nghệ thông tin, thuê đất …, trong khi bệnh viện vẫn phải chi trả.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, trong năm 2019 đơn vị sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; phấn đấu lương tăng thêm với hệ số 1,0; triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thất thoát ở các khoa, phòng; đặc biệt phối hợp với BHYT thực hiện tốt các nghị định, thông tư liên quan đến công tác BHYT mới ban hành năm 2018 (đặc biệt là Nghị định 146), đồng thời thực hiện tốt công tác giám định hồ sơ trên cổng thông tin điện tử, tránh xuất toán do thực hiện sai quy chế chuyên môn, sai quy định về công tác BHYT.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng, thực hiện tốt dịch vụ tầm soát và khám sức khỏe; các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đặc biệt; khám chữa bệnh cho người nước ngoài; khai thác tối đa cơ sở hạ tầng sau khi sáp nhập Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ thành phố.

Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng, giúp giảm ngày điều trị, giảm chuyển người bệnh lên tuyến trên, triển khai tốt Đề án 1816 “cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, bệnh viện vệ tinh tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực