Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nguy hiểm, khó lường

Thứ tư, 12/10/2016 16:34

(ĐCSVN) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) biểu hiện thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường như nhiệt độ tăng, bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán… và đang có dấu hiệu trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Với mức độ vô cùng nguy hiểm, không lường hết được, BĐKH đã ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, cây trồng, vật nuôi, làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, gia tăng sức ép lên con người, tăng mức độ thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Mưa bão diễn ra hàng năm ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cộng đồng.
 (Ảnh minh họa: Bích Liên)

BĐKH diễn ra nhanh hơn so với dự báo

Theo báo cáo Môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố vào cuối tháng 9 vừa qua, nhiệt độ và lượng mưa trong vòng 50 năm qua ở Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5 độ C trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam. Một trong những ảnh hưởng của xu thế suy thoái do tác động của BĐKH toàn cầu là suy giảm nguồn nước.

Nhiệt độ không khí có xu thế ngày một tăng, theo kịch bản BĐKH đến năm 2070, nhiệt độ ở các vùng ven biển có khả năng tăng thêm +1,5 độ C, vùng nội địa tăng +2 độ C. Việc này kéo theo lượng hơi nước bốc lên tăng khoảng 7,7% - 8,4%, nhu cầu tưới tăng lên, lượng dòng chảy nước mặt sẽ giảm đi tương ứng khi lượng mưa không đổi và thậm chí giảm. Hiện tượng El - Nino mỗi khi xuất hiện cũng gắn liền với việc gây hạn hán rất nặng nề tại Việt Nam. Trong đó khu vực chịu tác động nặng nhất của hiện tượng El - Nino là các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận,... Nguồn nước các sông, các hồ chứa giảm nhanh và đều ở mức thấp hơn trung bình hàng năm từ 18 - 38%, thiếu hụt nhiều nhất ở lưu vực sông Thao.

Lượng mưa không ổn định gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên nước thể hiện ở việc gia tăng diện tích ngập úng, mùa màng theo đó mà giảm năng suất, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; trong khi đó sự chênh lệch về lượng mưa theo mùa khiến cho mùa khô trở nên khắc nghiệt hơn tạo nên sự mất cân đối trong việc phân bổ nguồn nước. Nguồn nước suy giảm gây khó khăn đến sinh hoạt thường ngày do điều kiện vệ sinh không được bảo đảm, cùng với tình trạng nắng nóng gia tăng, dẫn đến phát sinh dịch bệnh, nhất là dịch bệnh mùa hè. Thiếu hụt nguồn nước cũng khiến cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng lên, làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, năng suất sản lượng suy giảm thậm chí đình trệ như ở vùng Nam Trung Bộ; ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng không nằm ngoài quy luật này.

Báo cáo Môi trường cũng chỉ ra rằng, hệ quả của BĐKH có tính chất nặng nề, sâu rộng nhất là hiện tượng nước biển dâng. Trong đó, nước biển dâng đặc biệt ảnh hưởng đối với vùng cửa sông, ven biển. Nước biển dâng sẽ làm tác động xâm thực bờ biển tăng lên do gia tăng cường độ của sóng biển, nhiều đoạn bờ biển bị xói lở, làm mất dải rừng phòng hộ ven biển, làm thu hẹp dần diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là các vùng đất ven biển. Nước biển dâng cũng làm gia tăng xâm nhập mặn sâu trong lục địa, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ngọt và làm suy thoái môi trường đất.

Dưới tác động của thủy triều làm cho nước lũ rút chậm, tạo điều kiện để nước mặn xâm nhập vào nội đồng và có xu hướng đi xa hơn do tình trạng nguồn nước ngọt từ các sông ngày càng bị giảm. Tác động này biểu hiện ngày càng gay gắt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cụ thể, tại Kiên Giang và Bến Tre Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tỉnh đang diễn ra vô cùng gay gắt và có chiều hướng phức tạp. Dự báo, trong thời gian tới, khi vào cao điểm mùa khô, thời tiết chủ đạo sẽ là nắng, nhiều ngày có nắng nóng với nhiệt độ từ 35 - 370 C. Nước bốc hơi càng mạnh, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra càng gay gắt hơn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, hiện độ mặn 4%o đã xâm nhập sâu vào đất liền cách cửa sông từ 40 - 50 km, rãnh mặn 1%o đã xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 75km, hầu như đã bao trùm phạm vi toàn tỉnh (chiếm khoảng 155/164 xã, phường, thị trấn). Mặn làm thiệt hại trên 10.000 ha lúa, trong đó nặng nhất là huyện Ba Tri với trên 3.800 ha lúa thiệt hại trên 70%, chưa kể những thiệt hại cho các vườn cây ăn quả, rau màu.

Cần có giải pháp kịp thời

Với mức độ nguy hiểm khó lường của BĐKH, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, công tác ứng phó với BĐKH ở nước ta đang đứng trước những thách thức lớn, cần có những giải pháp ở tầm vĩ mô với tinh thần quyết liệt hơn. Trên thực tế, BĐKH đã diễn ra nhanh hơn so với dự báo, các hiện tượng thiên tai cực đoan có xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường.

Tại Hội nghị COP 21 diễn ra tại Paris vào cuối năm 2015, Việt Nam đã đưa ra cam kết “Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính,Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”. Sự tham gia tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH tại Hội nghị COP 21 đã được nhiều quốc gia chia sẻ và đánh giá cao.

Để ứng phó tốt hơn với BĐKH, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, cần thay đổi cách nghĩ trong đầu tư ứng phó. “Không thể chỉ có vai trò của Nhà nước mà phải nghĩ đến nhân dân, xã hội vì chính nguồn vốn này mới có thể thực hiện được những giải pháp lâu dài và quy mô”. Cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo BĐKH và thiên tai; ưu tiên dành vốn nâng cấp hệ thống thủy lợi của ĐBSCL đồng để chủ động đối phó với xâm nhập mặn tại khu vực này. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế để bổ sung nguồn lực ứng phó với thảm họa thiên tai.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia môi trường cũng nhận định phải ứng dụng khoa học và công nghệ vào ứng phó với BĐKH; học tập các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này như Hà Lan. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất cần xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu; biên soạn cẩm nang về ứng phó với biến đổi khí hậu để phổ biến đến từng người dân; không quên nhiệm vụ mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực