Bộ Ngoại giao sẽ hoàn thiện và triển khai Chiến lược Quản lý tri thức

Thứ năm, 05/07/2018 19:47
(ĐCSVN) - Quản lý tri thức là một phương thức công tác hiện đại, hệ thống, trong giai đoạn đầu được nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới áp dụng và hiện nay đã mở rộng ứng dụng tại bộ máy công ở nhiều nước phát triển.
Hội thảo “Áp dụng quản lý tri thức trong bộ máy công: Kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng tại Bộ Ngoại giao”.

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo “Áp dụng quản lý tri thức trong bộ máy công: Kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng tại Bộ Ngoại giao”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông…; đại diện các đơn vị của Bộ Ngoại giao và một số tập đoàn công nghệ có nhiều kinh nghiệm về áp dụng công nghệ trong quản lý công.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong bối cảnh yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, Bộ Ngoại giao đã nghiên cứu và hướng tới việc triển khai quản lý tri thức trong công tác hàng ngày của mỗi cán bộ, công chức. Quản lý tri thức là một phương thức công tác hiện đại, hệ thống, trong giai đoạn đầu được nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới áp dụng và hiện nay đã mở rộng ứng dụng tại bộ máy công ở nhiều nước phát triển. Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, tới đây, Bộ Ngoại giao sẽ hoàn thiện và đi vào triển khai Chiến lược Quản lý tri thức từ sau Hội nghị Ngoại giao 30 dự kiến tổ chức vào tháng 8/2018.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội thảo.

 Chủ trì Hội thảo, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang chia sẻ, trong quá trình triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, áp dụng khoa học công nghệ…, Bộ Ngoại giao cố gắng áp dụng các biện pháp sáng tạo để kết hợp hài hoà các yêu cầu về cải cách bộ máy công, đồng thời có những cải tiến thực chất về phương pháp công tác. Từ yêu cầu đó, nhóm phụ trách xây dựng Chiến lược quản lý tri thức đã triển khai nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, nhất là kinh nghiệm của Bộ Ngoại giao các nước về quản lý tri thức, đúc rút các bài học phù hợp để triển khai tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm đó, bà Margaret Gair, Thư ký Nhóm Công tác Chính phủ Anh về quản lý tri thức và ông Johannes Schunter, chuyên gia quản lý tri thức của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã trình bày về những lợi ích rất cụ thể của việc triển khai quản lý tri thức, qua đó cán bộ của mỗi tổ chức có thể tiếp cận thông tin, tri thức, kinh nghiệm dễ dàng, hiệu quả, phục vụ nâng cao hiệu quả công tác, giúp mỗi tổ chức đáp ứng tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ. Các chuyên gia cũng giới thiệu cụ thể các phần mềm, các ứng dụng công nghệ để các cán bộ, công chức có thể lưu trữ, chia sẻ, tiếp cận các thông tin, tri thức của mỗi tổ chức một cách hệ thống, hiện đại, thân thiện với người sử dụng.

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết của việc triển khai quản lý tri thức tại Việt Nam. Đại diện một số đơn vị cũng nêu ra các vấn đề gắn liền với khả năng thành công trong triển khai quản lý tri thức như các quy định về bảo mật, các cơ chế khuyến khích chia sẻ thông tin, tri thức… Các đại biểu mong muốn sẽ tiếp tục có nhiều diễn đàn, cơ hội để trao đổi về vấn đề hữu ích này trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực