Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 1.151 điều kiện đầu tư kinh doanh

Thứ năm, 26/04/2018 16:21
(ĐCSVN) - Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế đang được quy định tại 06 Luật; 13 Nghị định và 07 Thông tư và và dự kiến cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh và cắt 168/338 thủ tục hành chính.

Ngày 26/4 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Hội thảo có sự tham dự của một số Bộ, ngành liên quan.

Bộ Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan
đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Ảnh: ĐT

Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 413/TTG-TH ngày 30/3/2018 yêu cầu việc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện, tuyệt đối không cắt giảm cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi, Bộ Y tế đã rà soát và đề xuất việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thực hiện theo 5 nguyên tắc sau:

Các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ chuyên môn hoặc đã được pháp luật chuyên ngành khác quy định hoặc có sự chồng chéo giữa các văn bản gây khó khăn khi thực hiện; Các điều kiện kinh doanh không định lượng, mang tính định tính, cảm quan không đo lường cụ thể được gây khó hiểu, mập mờ cho người thực hiện như: “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đủ sức khỏe”, "phải có trình độ"…; Các điều kiện kinh doanh đương nhiên phải đáp ứng khi hoạt động như: có đủ điện, nước, ánh sáng…; Các điều kiện đã có quy định ở mức độ cao hơn nhưng vẫn tồn tại các điều kiện ở mức độ thấp, ví dụ: đã có quy định phải đạt ISO, GMP, HACCP… nhưng ở văn bản hướng dẫn vẫn quy định các điều kiện thấp hơn; Chuyển tối đa hình thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế đang được quy định tại: 06 Luật; 13 Nghị định và 07 Thông tư và và dự kiến cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh đạt 68,51% và cắt 168/338 thủ tục hành chính đạt 49,70%. Và hiện nay Bộ Y tế vẫn tiếp tục rà soát và bãi bỏ các Nghị định, thông tư có quy định điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết.

Đối với nhóm điều kiện kinh doanh đề nghị bãi bỏ hiện đang được quy định tại Luật, Pháp lệnh: Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ xem xét sửa đổi các văn bản đó.

Đối với nhóm điều kiện thuộc các văn bản hướng dẫn Luật (bao gồm cả Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, …): xây dựng dự thảo Nghị định theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản.

Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Nghị định đề cập đến 9 lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh gồm: Khám chữa bệnh; Dược phẩm, mỹ phẩm; An toàn thực phẩm; Trang thiết bị y tế; Y dược cổ truyền; Y tế dự phòng; Sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; Xét nghiệm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ, xác định lại giới tính.

Dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã được đăng tải nội dung trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để lấy ý kiến góp ý.

Được biết, sau Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định này, tiếp theo Bộ Y tế sẽ thực hiện làm việc với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và các đối tượng chịu tác động để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định theo quy định và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5/2018./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực