Cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam

Thứ ba, 21/03/2017 18:11
(ĐCSVN) – Ngày 21/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo “Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam: Phương pháp tính toán và thu thập dữ liệu”.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: BL

Hội thảo nhằm chia sẻ ý nghĩa, phương pháp thu thập số liệu, tính toán các chỉ số ĐMST cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả ĐMST và cải thiện chỉ số ĐMST cho Việt Nam tới các đơn vị trực thuộc Bộ.

Theo Bộ KH&CN, chỉ số đổi mới toàn cầu (Global Innovation Index-GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia/nền kinh tế, được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện qua từng năm nhằm có được một bộ công cụ đo lường năng lực ĐMST của quốc gia/nền kinh tế. Bộ công cụ đánh giá này chính xác hơn, phong phú và toàn diện hơn so với các thước đo ĐMST truyền thống như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đăng ký bằng độc quyền sáng chế hay các mức chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.

Việt Nam được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu ra của ĐMST (bao gồm sản phẩm của tri thức và công nghệ, và sản phẩm sáng tạo). Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài cho phép Việt Nam đạt thứ hạng cao ở chỉ số về “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài”, cũng như “Lan truyền tri thức”, hay “Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”.

Theo ông Hoàng Minh – Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách (Bộ KH&CN), việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực ĐMST có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy, Nghị quyết số 19 -2017/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2016 - 2017, định hướng năm 2020, đã đưa nhiệm vụ cải thiện các chỉ số về ĐMST với những mục tiêu cụ thể.

Theo đó, để triển khai các nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 19--2017/NQ-CP nói chung, cũng như thúc đẩy việc cải thiện chỉ số ĐMST quốc gia nói riêng, Chính phủ đã phân công trách nhiệm của từng bộ ngành trong việc chủ trì cải thiện từng chỉ số thành phần cụ thể (với 82 chỉ số ĐMST, theo báo cáo GII 2016). Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các hợp tác trong tương lai như: đào tạo, nâng cao năng lực về thu thập số liệu và phân tích dữ liệu; cải thiện kết quả hoạt động ĐMST và chính sách về ĐMST theo phương pháp đo lường của chỉ số GII; các nghiên cứu và khảo sát có thể cùng thực hiện với tổ chức WIPO.

Đặc biệt, các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe ông Sacha Wunsch-Vincent, Chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện tổ chức WIPO trình bày về: quá trình xây dựng chỉ số ĐMST toàn cầu GII và Khung chỉ số GII; phương pháp tính toán, nguồn dữ liệu và công tác thu thập dữ liệu.

Được biết, trong ngày làm việc tiếp theo (22/3), Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo hướng dẫn cải thiện chỉ số ĐMST theo tinh thần của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó cung cấp những thông tin cần thiết cho các Bộ, ngành, địa phương để triển khai tích cực và có hiệu quả các giải pháp cải thiện năng lực ĐMST trong nước. Các chuyên gia nước ngoài tham dự Hội nghị cũng sẽ được đặt hàng để cùng trao đổi học thuật và hỗ trợ xây dựng giải pháp cho Việt Nam…/.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực