Cần chiến lược dài hạn cho an ninh nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 12/05/2020 16:41
(ĐCSVN) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế tiềm năng vượt trội về sản xuất nông nghiệp, là trụ cột quyết định và tin cậy cho an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững của ĐBSCL đang chịu những tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng nghiêm trọng
đến sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn)

Cụ thể, phát triển thượng lưu Mêkông làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy, (ii) biến đổi khí hậu, nước biển dâng (BĐKH); và (iii) tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng. Năm nay,  hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng khốc liệt với tần suất cao, bốn năm đã lặp lại đỉnh mặn lịch sử của 100 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây. Trước tình hình đó, ngày 5/5/2020, tại Nhà Quốc hội, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Văn Giàu đã làm việc với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam về an ninh nguồn nước ĐBSCL.

Các nhà khoa học thủy lợi cho biết, sự phát triển đột biến số lượng và dung tích các hồ chứa nước và gia tăng sản xuất nông nghiệp ở thượng lưu sông Mêkong đã điều tiết rất mạnh dòng chảy về ĐBSCL trong cả mùa lũ và mùa kiệt. Lưu lượng dòng chảy trung bình giảm, tần suất xuất hiện lũ lớn giảm mạnh, thậm chí mất lũ, làm xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn và kéo dài. Tuy vậy, sự gia tăng dòng chảy vào cuối mùa khô lại làm giảm xâm nhập mặn; phù sa suy giảm nhanh, sẽ chỉ còn 3 - 4% so với trước đây khi số lượng hồ chứa được hoàn thành theo quy hoạch, nghĩa là gần như mất toàn bộ phù sa, gây xói lở bờ biển, mất đất nghiêm trọng (khoảng 350ha/năm); các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ nội địa ra biển cũng suy giảm. Diện tích tưới của các nước thượng nguồn tăng mạnh trong khi diện tích rừng trong lưu vực suy giảm sẽ góp phần làm suy giảm dòng chảy kiệt về ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu và diễn biến thực tế cho thấy, tác động bất lợi do phát triển thượng lưu đến ĐBSCL trong giai đoạn hiện tại và tương lai lớn hơn nhiều so với tác động của BĐKH.

 Biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang gây ra các hiện tượng thiên nhiên dị thường, cực đoan như hạn, mặn gia tăng, ảnh hưởng của El Nino và La Nina, trong đó ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm và theo các kịch bản quốc gia về BĐKH sẽ là 30 cm năm 2050 và 75 cm vào năm 2100, gây ảnh hưởng nghiêm trọng do yếu tố kép là sự hạ thấp đồng bằng và biên độ triều lớn.

 Tình trạng sụt lún đất ĐBSCL do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khai thác nước ngầm quá mức làm ĐBSCL đang bị hạ thấp dần. Các số liệu đo đạc, nghiên cứu cho thấy mức độ lún từ 0,5-3cm/năm; các vùng ven biển phổ biến lún từ 1,5-2,5 cm/năm, nhiều nơi lớn hơn 2,5cm/năm, trong khi đó tỷ lệ nước biển dâng vào khoảng 0,3 cm/năm, dẫn đến ngập nước sẽ gia tăng, tiêu thoát nước sẽ rất khó gây khó khăn cho sản xuất, giá thành cao, mức độ ô nhiễm nguồn nước và môi trường tăng và khó kiểm soát hơn...

 Thêm vào đó là sự gia tăng và thay đổi cơ cấu dân số toàn vùng, tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ tạo ra sức ép về giáo dục và đào tạo nghề, công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe, cơ sở kết cấu hạ tầng đô thị, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội và môi trường.

 Có thể nói, dưới sự tác động của các yếu tố tổng hợp nêu trên với mức độ ngày càng tăng, ĐBSCL đang dần được định hình lại so với lịch sử phát triển tự nhiên hàng trăm năm trước đây với các đặc trưng cơ bản mới như trên bất lợi hơn rất nhiều thách thức sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế xã hội nói chung và thủy lợi nói riêng cho ĐBSCL như Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; các quyết định về Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, với diễn biến nhanh và phức tạp của tình hình đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững ĐBSCL, các văn bản chỉ đạo cần được cập nhật, bổ sung theo hướng quy hoạch tích hợp trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học, thực tế tình hình và các quy định pháp luật mới, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14.

 Các đại biểu QH cho rằng, đã đến lúc Đảng, Nhà nước phải nhìn nhận đảm bảo an ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt tác động đến sự phát triển bền vững của nước ta, do vậy cần xác định tầm quan trọng là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và trong kế hoạch toàn khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương xem xét ra nghị quyết về an ninh nguồn nước nói chung và ở ĐBSCL nói riêng, làm cơ sở để các cấp, các ngành nâng cao nhận thức, tiếp tục quan tâm chỉ đạo hơn nữa về vấn đề này trong giai đoạn tới để phát triển ĐBSCL theo hướng thích nghi có kiểm soát, khai thác tối ưu các lợi thế so sánh để phát triển theo hướng bền vững sinh thái. Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét, xây dựng một Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phát triển bền vững ĐBSCL ở quy mô dự án quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư lớn cho một giai đoạn kéo dài 15-20 năm (3-4 kế hoạch 5 năm), hàng năm có báo cáo Quốc hội về tiến độ thực hiện.

 Trước mắt, trong xây dựng chiến lược 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2035 cần hết sức chú ý tới các giải pháp công trình thủy lợi, giao thông, đô thị, hệ thống canh tác và chủng loại cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, dân trí, bố trí nguồn lực hợp lý cho các mục tiêu, nhiệm vụ này.

 Để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần lấy phương châm tự chủ là chính, coi trọng hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó tập trung tăng cường khả năng phát triển và bảo vệ nguồn nước ngọt, sử dụng hợp lý bằng cách tạo nguồn, kiểm soát mặn, kiểm soát xả thải, tích trữ nước mặt qua các hệ thống thủy lợi, các công trình lớn cửa sông, quy hoạch sản xuất theo hướng giảm sử dụng nước ngọt, sử dụng nước hiệu quả và tăng cường hợp tác quốc tế thông qua tham gia đầu tư hạ tầng thượng lưu sông Mêkong thực chất, nhất là với Lào và Campuchia.

 Để thích ứng dần với ngập cần làm rõ bước đi theo biến động ngập trên toàn vùng ĐBSCL với giải pháp bảo vệ nhiều vòng và đê bao kết hợp bơm tiêu nước trong quy hoạch tổng thể chống ngập dài hạn, giữ hành lang nâng cấp đường bộ, đê trong tương lai, ưu tiên các vùng đô thị trước với tầm nhìn dài hạn hàng trăm năm. Để bảo vệ bờ biển, chống mất đất cần có các giải pháp chống sóng, giảm sóng với các hình thức cứng hóa bằng kè, trồng rừng, kết hợp kè-rừng để giữ sinh thái. Trước mắt, cùng với việc tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế các địa phương chịu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, Chính phủ cần quan tâm đầu tư các công trình dân sinh nhất là nước sạch đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt của người dân trong vùng./.

Trần Văn
Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực