Cần điều chỉnh những biểu hiện bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa

Thứ sáu, 27/04/2018 09:41
(ĐCSVN) - Qua phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy còn rất nhiều biểu hiện bất bình đẳng giới cần phải điều chỉnh.

Tại Hội thảo “Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết phải có sự điều chỉnh, chú trọng lồng ghép giới trong chương trình phổ thông.

Những biểu hiện bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa hiện nay - Ảnh: Ngọc Chi

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, Hội thảo “Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông” là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội trong năm 2018 để thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, lồng ghép giới trong xây dựng luật, chính sách.

Nội dung lồng ghép giới trong các chương trình giáo dục đã được đề cập tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bình đẳng giới cũng là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội, là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam và các nước trên thế giới hướng đến.

Theo TS Bùi Phương Nga, chủ biên chương trình tự nhiên xã hội và chương trình khoa học mới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) đề nghị cần điều chỉnh những định kiến về giới đang tồn tại trong chương trình sách giáo khoa hiện hành. Qua phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy còn rất nhiều biểu hiện bất bình đẳng giới cần phải điều chỉnh.

Theo đó, việc  lồng ghép giới trong môn Tự nhiên và Xã hội được thể hiện ở 3 chủ đề: Gia đình, Cộng đồng địa phương, Con người và sức khỏe nhằm góp phần xóa bỏ những định kiến giới, giáo dục bình đẳng giới và giáo dục giới tính, giúp học sinh biết cách phòng tránh bị xâm hại. Những kiến thức mới cũng khắc phục được những thông tin trước đây tưởng như là giáo dục về bình đẳng nhưng thực tế thì ngược lại, tránh cho cả bé trai những áp lực như phải làm chủ gia đình, phải làm những việc không phù hợp trong khi năng lực lại không bằng bé gái.

TS Bùi Phương Nga nêu quan điểm tại Hội thảo - Ảnh: Ngọc Chi

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình môn Ngữ văn nêu thực tế, giở sách giáo khoa sẽ thấy ngay hình ảnh bé trai nhiều hơn bé gái trong khi xu hướng thế giới rất coi trọng sự bình đẳng. Ở khía cạnh văn học, phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận, từ ca dao, tục ngữ đến văn học hiện đại thì hình tượng phụ nữ, đề tài phụ nữ đều xuất hiện đậm nét, vấn đề là cách xử lý và khai thác.

“Người viết sách cần phải có ý thức cập nhật cách hiểu hiện đại nhất về bình đẳng giới, đưa vào chương trình những tác phẩm về nữ giới, về người mẹ, người chị… cũng như có sự cân đối giữa các tác giả nữ so với tác giả nam. Ngay cả giáo viên khi truyền đạt cũng phải có sự khai thác, lồng ghép giáo dục về giới. Trong khâu kiểm tra cũng yêu cầu phải đề cập đến vấn đề này”, PGS Thống nói.

Hội thảo “Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông” nhằm cập nhật thông tin về quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và bộ môn, chia sẻ về việc lồng ghép giới trong các dự thảo chương trình và giới thiệu chương trình thí điểm cụ thể hóa việc lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong các môn học.

Nhận thức về sự cần thiết và ý nghĩa của việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục, năm 2017, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông” nhằm tham vấn sáng kiến, giải pháp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong triển khai chương trình và biên soạn sách giáo khoa, đưa nội dung giáo dục về giới và giới tính ở cấp học phù hợp.

Từ đó, Hội LHPN Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất một số hoạt động tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình xây dựng các chương trình môn học và viết sách giáo khoa. Đến nay, 20 chương trình môn học phổ thông đã được Bộ triển khai lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và cộng đồng qua mạng Internet và sẽ được Bộ thông qua dự kiến trong vài tháng tới./.

Ngọc Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực