Cần giải pháp hữu hiệu chống suy thoái nước ngầm

Thứ sáu, 24/02/2017 09:55
(ĐCSVN) - Nguồn nước dưới đất (nước ngầm) là nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tự nhiên và xã hội con người. Tuy nhiên, nguồn nước này đang ngày càng suy giảm, ô nhiễm cục bộ với nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép…

Ảnh minh họa: Bích Liên

Suy thoái nguồn nước

Theo báo cáo Môi trường quốc gia vừa công bố cuối năm 2016, hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước dưới đất đã và đang diễn ra ở một số khu vực trên cả nước. Kết quả điều tra từ gần 323 nghìn mẫu phân tích tại 6938 xã trên địa bàn 660 huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, có 12,5% số mẫu có hàm lượng Asen từ 0,05 mg/L trở lên, vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ cao nhất (chiếm 18,7%), vùng Tây Bắc có tỷ lệ thấp nhất (0,1%). Có 1.385 xã, trên địa bàn 54 tỉnh (chiếm 12,5%) phát hiện ít nhất một mẫu có hàm lượng Asen từ 0,05 mg/L trở lên. Tuy nhiên, ở các khu vực phát hiện ô nhiễm, hầu hết người dân đều không sử dụng trực tiếp nguồn nước nên tỷ lệ sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho các mục đích sinh hoạt là thấp.

Báo cáo cũng chỉ ra, ở mỗi vùng, mức độ ô nhiễm là khác nhau, trong đó vùng đồng bằng Bắc Bộ có mức độ ô nhiễm nước dưới đất cao hơn các vùng khác. Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ là những khu vực có chất lượng nước dưới đất còn khá tốt. Ô nhiễm nước dưới đất chủ yếu là do Amoni, kim loại nặng (Mn, As, Cd, Pb) và xâm nhập mặn. Hàm lượng Amoni trong nước dưới đất đã ghi nhận giá trị cao nhất vượt nhiều lần giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) tại một số điểm thuộc một số vùng trên cả nước, trong đó cao nhất là tại đồng bằng Bắc Bộ. Riêng khu vực Tây Nguyên chưa ghi nhận hiện tượ  ng ô nhiễm Amoni trong nước dưới đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng cho biết, kết quả quan trắc mực nước dưới đất từ năm 1992 đến nay cho thấy tại khu vực Tp. Hà Nội hình thành phễu hạ thấp mực nước lớn có tâm trùng với khu vực trung tâm của thành phố. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình năm trong tầng chứa nước khai thác chính trong khoảng từ 0,08 - 0,91m/năm, trung bình 0,3 m/năm.

Tại Quảng Ninh hiện nay nước dưới đất được khai thác chủ yếu phục vụ cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, du lịch và một phần nhỏ cho nông nghiệp với tổng lượng nước khai thác là 78,59 triệu m3 /năm. Trong đó nước giếng khoan và giếng đào được dùng chủ yếu để cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn với tỷ lệ sử dụng khoảng 70% dân số.

Không chỉ ô nhiễm nguồn nước dưới đất, nguồn nước nói chung tại các sông, hồ, biển.. nhiều nơi cũng đang ở mức báo động. Tại các bãi biển dọc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện và gây nhiều hậu quả khá nghiêm trọng đến tài nguyên sinh vật và môi trường. Nguyên nhân là do quá trình phát triển du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp... đem đến lượng chất thải hữu cơ và dinh dưỡng quá nhiều trong nước (hiện tượng phú dưỡng). Đồng thời, nghề sản xuất giống thủy sản và nuôi lồng các loài tôm hùm, cá mú cũng thải ra môi trường lượng dinh dưỡng đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển.

Báo cáo tại hội thảo về cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm được tổ chức mới đây, cũng cho thấy hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) rộng 12 ha, hiện nay nước hồ đang trong tình trạng mất khả năng làm sạch nước bị ô nhiễm. Cá và động thực vật trong hồ chưa được bảo vệ và bổ sung đúng mức đã khiến chất hữu cơ đi vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm. Đặc biệt, lớp bùn lắng đọng của đáy hồ ngày một dày gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật tại đây do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc. Ngoài ra, mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ô-xy hoà tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vật trong hồ từ nhiều năm nay.

Trước thực trạng trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Đình Đức - người chuyên nghiên cứu về hồ Hoàn Kiếm cho rằng, nếu không cải tạo, hồ có thể sẽ biến thành bãi lầy, mất đi những loại thủy sinh vật hữu ích, đồng thời, phải cải tạo tới cảnh quan, thủy sinh vật sống ở hồ. "Nếu không làm thận trọng trong cải tạo, sẽ làm chết hết những loại tảo, vi sinh vật có lợi tạo ra màu nước xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm", Phó Giáo sư Hà Đình Đức nhấn mạnh.

Giải pháp cấp bách cho nguồn nước dưới đất

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nước dưới đất được coi là nguồn tài nguyên thiên nhiên sử dụng đơn giản nhất, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tự nhiên và xã hội con người. Nước dưới đất thực chất là một loại khoáng sản lỏng, cung cấp cho các ngành công nghiệp, cho sinh hoạt dân dụng, phục vụ cho nông nghiệp.

Nước dưới đất có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của con người. Trong nhiều trường hợp nước dưới đất sạch hơn nước mặt. Nước dưới đất thường được bảo vệ chống lại ô nhiễm từ bề mặt bởi đất và các tầng đá.

Hiện nay, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá nhanh chóng, dân số ngày càng tăng, trong điều kiện nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, tình trạng khai thác nước dưới đất để phục vụ cho nhiều nhu cầu  ngày càng gia tăng, ở nhiều nơi đã diễn ra tình trạng khai thác trái phép, khai thác không tuân thủ đúng quy trình quy phạm dẫn đến nguồn nước dưới đất đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động ngược trở lại đến môi trường sống của chúng ta.

Các chuyên gia cũng cho rằng, sự suy thoái tài nguyên nước dưới đất ở nhiều nơi đã có những biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn có các biện pháp hữu hiệu để phòng chống. Nơi nào chưa bị suy thoái thì phòng ngừa, nơi nào đã bị suy thoái thì có các biện pháp làm giảm thiểu và chống suy thoái. Đặc biệt, việc xác định đúng đắn các nguyên nhân suy thoái có ý nghĩa rất quan trọng, từ đó đưa ra các biện pháp hữu hiệu để phòng và chống suy thoái tài nguyên nước dưới đất.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ TN&MT cho biết sẽ tiếp tục thể chế hóa pháp luật về tài nguyên nước trên nhiều tỉnh, thành, tập trung triển khai Luật Tài nguyên nước và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành; thực hiện điều tra, thống kê các cơ sở, tổ chức, cá nhân phát sinh nước thải có chiều hướng gây ô nhiễm xả thải vào nguồn nước; giải quyết về cơ bản tình trạng thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái phép, ngăn chặn và di dời các cơ sở vi phạm chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước…

Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra nước quốc gia cũng cần triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước cho các vùng có nguy cơ suy thoái nặng, làm cơ sở để phân bổ nước ngầm sử dụng hợp lý. Nước ngầm là tài nguyên chiến lược nên cần có định hướng quy hoạch khai thác tổng thể, không thể mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn nước, đại diện Tổng cục Môi trường cho rằng, việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ngày càng khó khăn khi nhà máy, khu công nghiệp vẫn mọc lên với mật độ dày đặc, trong khi việc xử lý nguồn nước thải hầu như không được chú trọng. Để nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo về nguồn nước, cần phải lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm, đầm phá; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng… Tại các tỉnh, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng các nguồn nước trên địa bàn…/.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực