Cần kiểm tra, giám sát việc nhận chìm bùn thải Vĩnh Tân

Thứ hai, 24/07/2017 11:01

(ĐCSVN) - Liên quan đến việc cấp phép nhận chìm gần 1 triệu tấn bùn thải xuống vùng biển Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, hiện Bộ đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép nhận chìm của Viện Hải dương học để làm cơ sở thực tế, xem xét có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không.


Vùng biển Vĩnh Tân, nơi được cấp phép nhận chìm bùn thải. (Ảnh: Thành Nguyễn)

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn những ý kiến khác nhau từ các chuyên gia, các nhà khoa học. Theo đó, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ TN&MT phải có trách nhiệm kiểm tra việc cho "nhận chìm" chất nạo vét của Điện lực Vĩnh Tân 1; cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiểm tra, giám sát; phải dừng ngay hoạt động nhận chìm nếu ảnh hưởng tới các khu bảo tồn xung quanh. Đồng thời, cần phải có sự tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, nhà khoa học về vấn đề này.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), các đánh giá sơ bộ cho thấy phương án nhận chìm chất nạo vét ở biển giảm một số hạn chế như: Tìm quỹ đất, phương án đền bù, giải toả và tạo sinh kế cho người dân; tránh được việc chất nạo vét đổ xuống đất (nếu có độc hại) sẽ lan ra làm ô nhiễm các vùng xung quanh và mất nhiều thời gian mới phục hồi...

Bởi vậy, việc này cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo dừng ngay hoạt động nhận chìm nếu nước đục do hoạt động nhận chìm có thể ảnh hưởng tới ranh giới khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda (những khu vực có các rạn san hô quý hiếm và hệ sinh thái rạn san hô với đa dạng sinh học cao).

Nói về các tác động môi trường có thể có của hoạt động đổ chất nạo vét tới phía ngoài khu vực nhận chìm, đặc biệt là bãi cạn Breda và khu bảo tồn biển Hòn Cau, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho biết: Hoạt động nhận chìm chất nạo vét trong dự án Vĩnh Tân có thể có tác động tới môi trường của các khu vực xung quanh, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda. Nếu bùn nạo vét bị vận chuyển tới và lắng đọng tại các khu vực này, thiệt hại về môi trường, sinh thái sẽ rất lớn. Vì vậy, dự án cần được thực hiện sao cho việc nhận chìm chất nạo vét ảnh hưởng không đáng kể tới các khu vực trên.

PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng cho biết, hiện nay, có sự gian lận trong việc đưa tên các nhà khoa học vào danh sách những nhà khoa học thực hiện Dự án nhận chìm mà báo chí đã đưa tin trong mấy ngày qua. Do vậy, công chúng hoàn toàn có quyền nghi ngờ kết quả dự án; cho nên, có thể cần phải xây dựng lại dự án một cách nghiêm túc để trình thẩm định và cấp phép lại để đảm bảo mọi thông tin trong dự án là sát thực.

“Mặc dù hiện nay Viện Hải dương học chưa cung cấp thông tin mới về môi trường nền, đặc biệt là thành phần vật chất trong chất nạo vét, nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân, chất nạo vét tại Vĩnh Tân sẽ không có chất độc hại vượt mức cho phép. Nếu đúng như vậy, vấn đề cần quan tâm khi đổ chất nạo vét chỉ là độ đục của nước chứ không phải là hàm lượng của các chất độc hại. Phát triển bền vững yêu cầu phải giới hạn tác động môi trường của các hoạt động phát triển trong giới hạn mà môi trường và các hệ sinh thái biển có thể phục hồi. Việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhận chìm ở biển là một trong những nội dung quan trọng nhất của phát triển bền vững nền kinh tế biển xanh”, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho hay.

Ở một khía cạnh khác, TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về TN&MT lại cho rằng, khu vực đổ chất thải ở Bình Thuận có rất nhiều hệ sinh thái biển và ven bờ nhạy cảm, nhất là khu bảo tồn biển Hòn Cau (12.500 ha), là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với khoảng 234 loại san hô là bãi đẻ của nhiều loài sinh vật biển, thủy sinh vật quý hiếm. Cho nên việc tính bài toán lan truyền chất thải phải mang tính định lượng tương đối chính xác,  không thể được định tính, nội suy. Vì vậy cần đối thoại, tham vấn với dân, các chuyên gia khoa học, Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Cảnh sát biển, các cơ quan Môi trường quốc tế như IUCN, WWF...

Về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, hiện Viện Hải dương học Nha Trang thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cơ quan chuyên môn nghiên cứu về hải dương và vấn đề các hệ sinh thái hải dương đang khẩn trương triển khai việc quan trắc, thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép để nhận chìm. Bộ sẽ kiểm chứng lại toàn bộ số liệu khảo sát, đánh giá của chủ đầu tư liên quan đến đa dạng sinh học và các vấn đề liên quan khác. Khi và chỉ khi có báo cáo kết quả của Viện Hải dương học, lúc đó Bộ mới có quyết định có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không?

Trước đó, Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT ngày 23/6/2017 cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (có khối lượng 918.533 m3), bao gồm 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát phong hóa, cát pha, sét, đá phong. Khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 ha, cách khu bảo tồn Hòn Cau 8 km.

Thời gian nhận chìm từ tháng 6 -10/2017. Theo Bộ TN&MT, đây là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Độ sâu lớn nhất khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m nên khó có khả năng ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển Hòn Cau./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực