Cần nhận thức đúng về giá trị của sách tham khảo

Thứ hai, 21/09/2020 10:11
(ĐCSVN) - Sách giáo khoa là một học liệu bắt buộc tại các nhà trường. Bên cạnh đó, nhiều trường tiểu học sử dụng thêm các loại sách tham khảo trong quá trình giảng dạy. Vấn đề sử dụng sách tham khảo như thế nào để đạt hiệu quả hiện đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Lựa chọn và sử dụng sách tham khảo có trách nhiệm

 Phụ huynh cần lựa chọn sách tham khảo phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh (Ảnh: Khánh Lan)

Trong những ngày đầu năm học, dư luận khá bức xúc trước những phản ánh của một số phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh khi phải bỏ ra hơn 800 ngàn đồng để mua sách giáo khoa và các tài liệu bổ trợ. Trong khi đó giá sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới được các nhà xuất bản công bố giá niêm yết là 190 ngàn đồng.

Trước những phản ảnh của phụ huynh về sự việc trên, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã tìm hiểu và cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc trao đổi thông tin tư vấn giữa giáo viên và phụ huynh học sinh chưa rõ ràng về danh mục các  loại sách nhà trường đưa ra để tham khảo dẫn tới việc phụ huynh nắm thông tin không đầy đủ và trang bị sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh chưa phù hợp. Sự việc này là bài học kinh nghiệm để nhà trường khi thông tin tới phụ huynh về việc mua sắm sách vở năm học mới cần rõ ràng, công khai, minh bạch, và cũng rất cần sự giám sát của các lực lượng truyền thông, xã hội.

Không chỉ riêng đối với khối lớp 1 mà đối với học sinh cấp tiểu học, bên cạnh việc sử dụng sách giáo khoa là tài liệu học tập bắt buộc, nhiều trường tiểu học cũng đưa việc sử dụng thêm các loại sách, tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học. Tuy nhiên, việc sử dụng sách tham khảo như thế nào để đạt hiệu quả là một vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngoại trừ sách giáo khoa là bắt buộc, các tài liệu bổ trợ đều phải theo nhu cầu thực tế của việc dạy - học và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh mà trang bị cho các em. Nhà trường, giáo viên không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo. Các phụ huynh cần nắm rõ quy định này để việc phối hợp với nhà trường trong mua sắm sách và đồ dụng học tập cho con em.

Theo Tiến sĩ Thái Văn Tài, muốn việc trang bị sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh hiệu quả, phù hợp, nhất là với học sinh tiểu học, cần tăng cường trao đổi giữa phụ huynh học sinh với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường để có được sự tư vấn và thông tin cần thiết. Theo đó, các trường học trên toàn quốc cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong việc trang bị sách và đồ dùng học tập cho các em theo hướng cung cấp thông tin minh bạch đầy đủ, đúng quy định, chức năng của mình. Trong thông báo của nhà trường tới phụ huynh học sinh phải nêu rõ những sách giáo khoa nào là bắt buộc phải có để bảo đảm việc học tập của các em theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông; tài liệu nào là bổ trợ, tham khảo, phụ huynh có thể lựa chọn mua sắm. Trên thị trường hiện nay, nguồn cung các tài liệu tham khảo khá đa dạng và cho nhiều đối tượng, hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy giáo viên, nhà trường cố gắng cung cấp thông tin một cách chính xác để phụ huynh học sinh trang bị đồ dùng, học liệu học tập cho học sinh sát nhu cầu, hỗ trợ tích cực việc dạy - học nâng cao hiệu quả, chất lượng.

 Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)

Còn theo quan điểm của Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành công – Hà Nội), để mua đúng, đủ sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh, vai trò của phụ huynh học sinh không thể xem nhẹ. Phụ huynh khi mua sắm phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin về sản phẩm, cần nắm rõ cái nào cần thiết cho việc học tập của các con. Ngoài việc lựa chọn có trách nhiệm các tài liệu tham khảo, khi có vấn đề không trùng quan điểm, phụ huynh học sinh cần mạnh dạn góp ý, gọi điện tới đường dây nóng của nhà trường hoặc các cơ quan chức năng, phản ánh thông qua Ban đại diện phụ huynh. Việc làm này sẽ giúp các nhà trường thêm minh bạch, hiệu quả, đẩy lùi tiêu cực từ trang bị đồ dùng học tập, sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh.

Phát huy thế mạnh của sách tham khảo

Điều dễ nhận thấy vào những ngày đầu năm học, tại các hiệu sách, sách tham khảo được bày bán với số lượng khá lớn. Các môn học cơ bản như: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh… có số lượng khoảng 30 - 35 đầu sách các loại từ sách tham khảo dạng câu hỏi, bài tập; sách nâng cao; các dạng đề luyện thi, đề ôn tập, sổ tay học tập… tùy theo các cấp học.

Ngoài những môn học cơ bản, kiến thức từ các bộ môn liên quan như: khoa học, công nghệ, giáo dục công dân… cũng được điểm tên với những bài tập bổ trợ, cập nhật chương trình học mới không chỉ giúp học sinh trau dồi kiến thức mà còn rèn luyện nâng cao trình độ môn học.

Theo chị Phạm Bích Liên(Thanh Xuân, Hà Nội), bên cạnh việc sử dụng sách giáo khoa là tài liệu học tập không thể thiếu thì các loại sách bổ trợ và sách tham khảo cũng là những tài liệu hết sức quan trọng, giúp người học tự học, tự nghiên cứu, khám phá kiến thức. Nếu biết sử dụng các loại sách tham khảo, bổ trợ một cách khoa học sẽ đem lại kết quả học tập tốt hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các nhà trường phải nghiên cứu và lựa chọn những cuốn sách tham khảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, phù hợp với thực tế và phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh.  

Đồng quan điểm với chị Phạm Bích Liên, cô Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, sách giáo khoa là tài liệu cung cấp kiến thức, được biên soạn với mục đích dạy và học trong nhà trường. Nhằm giúp học sinh có đủ sách giáo khoa, sách bổ trợ và đồ dùng học tập đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo phục vụ năm học 2020 – 2021, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch phát hành sách giáo khoa, chỉ đạo các tổ khối chuyên môn nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, rà soát danh mục sách, thiết bị theo khối lớp, tham khảo ý kiến của ban đại diện cha mẹ học sinh về việc thống nhất sử dụng một số loại sách tham khảo, bổ trợ (nếu cần), sau đó tổng hợp về bộ phận thư viện để ra thông báo gửi đến phụ huynh học sinh đăng ký mua sách trên tinh thần tự nguyện./.

 Sách tham khảo ra đời với mục đích hệ thống lại kiến thức, thông qua các bài tập cơ bản và nâng cao để học sinh tự ôn tập lý thuyết, làm bài tập thực hành. Việc sử dụng sách tham khảo một cách khoa học sẽ thực sự mang lại hiệu quả, giúp các em biết vận dụng, bám sát những kiến thức cơ bản và tự rút ra cho mình bí quyết để làm bài, chiếm lĩnh tri thức.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực