Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Thứ năm, 01/03/2018 17:46
(ĐCSVN) - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện môi trường pháp lý, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục.

Ngày 1/3, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện Ban Soạn thảo, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Bộ GD&ĐT, dự án Luật tập trung vào 03 nhóm chính sách và 07 vấn đề sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng và ban hành luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đối với hệ thống giáo dục trong thời gian qua, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Ủy ban đã tổ chức giám sát việc thi hành Luật Giáo dục tại một số địa phương, cơ sở giáo dục; tổ chức các buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành viên Ban soạn thảo; tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia và các đối tượng chịu sự tác động của Luật về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện môi trường pháp lý, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục. Tuy nhiên để cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu Quốc hội trong việc xem xét và quyết định các chính sách mới, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan bổ sung thêm các luận cứ, đánh giá đầy đủ tác động mà việc thực hiện chính sách mới mang lại.

Về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy dự thảo luật mới chỉ quy định chung chung, chưa làm rõ khái niệm, các đặc trưng, phạm vi, tiêu chí của hệ thống giáo dục mở… Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung trên; xem xét việc quy định về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, về liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để bảo đảm tính chỉnh thể, tính mở, liên thông của hệ thống.

Đối với giáo dục thường xuyên, Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn vị trí, vai trò của hình thức giáo dục thường xuyên, các chính sách đối với giáo dục thường xuyên để phát triển đúng hướng.

Về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật Giáo dục về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, bổ sung quy định về việc thí điểm chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông…

Cho ý kiến về chính sách đối với người học, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (1992, 2013) về giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học.

Góp ý về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, khẳng định vị thế của nhà giáo trong Luật, từ đào tạo bồi dưỡng, đến thu hút tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, chế độ, đãi ngộ… bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng, bảo đảm được trọng trách của mình.

Tại phiên họp, đại diện các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng góp ý, thảo luận về các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục; đầu tư tài chính trong giáo dục; đào tạo ngành, nghề đặc thù; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kỹ thuật văn bản…/.

VA

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực