Cần thúc đẩy ý thức của người dân, DN trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ

Thứ tư, 22/03/2017 18:26
Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry đã có cuộc trao đổi với báo chí về sự phát triển kinh tế cũng như các chính sách, tầm nhìn và quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ của Việt Nam.

(ĐCSVN) - Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ngày 22/3, bên lề hội thảo "Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững", ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã có cuộc trao đổi với báo chí về sự phát triển kinh tế cũng như các chính sách, tầm nhìn và quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ của Việt Nam.

Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO trao đổi với báo chí bên lề hội thảo sáng 22/3. (Ảnh: Bích Liên)

 

Phóng viên (PV): Ông có nhận xét gì về năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam?

Ông Francis Gurry: Kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 2010, lần trở lại này, tôi rất ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam được thể hiện thông qua những con số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam thể hiện tầm lãnh đạo mang tính chiến lược khi đặt khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là trọng tâm để phát triển kinh tế.

Hiện nay, châu Á đang trở thành nguồn cung cấp chính cho hoạt động đổi mới sáng tạo và đổi mới khoa học công nghệ. Trong đó, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng.

Tuy nhiên, công cuộc đổi mới sáng tạo mang tính lâu dài, đòi hỏi phải có chính sách, các thành phần nền kinh tế tham gia.

Ở Việt Nam, tôi thấy các chính sách trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo đã được ban hành. Và khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng đổi mới sáng tạo sẽ có sự hiện diện khắp nơi, trong mọi hoạt động của nền kinh tế Việt Nam.

PV: Theo kinh nghiệm của ông, các nước như Việt Nam phải làm thế nào để vận dụng triệt để “đòn bẩy” này?

Ông Francis Gurry: Một trong những nhân tố có thể giúp Việt Nam thành công là gắn đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ với các mục tiêu và hoàn cảnh kinh tế của mình.

Tôi ví dụ như ở đất nước của các bạn, nông nghiệp là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế thì cần phải phát huy. Bởi, trong bối cảnh tương lai thế giới dân số ngày càng tăng kèm theo các thách thức về biến đổi khí hậu nên việc tăng năng suất nông nghiệp sẽ rất được quan tâm.

Do đó, nếu Việt Nam gắn được đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, năng lực cạnh tranh thì khi đó các bạn sẽ tăng trưởng kinh tế tốt.

PV: Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ và WIPO trong thời gian qua?

Ông Francis Gurry: Mối quan hệ gữa WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực và chúng tôi rất ấn tượng với các cam kết của các cơ quan Việt Nam về việc sẽ tiếp tục tích cực đóng góp cho cộng đồng sở hữu trí tuệ thế giới.

Chúng tôi cũng cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ WIPO và vui mừng khi đóng góp một phần nhỏ bé hiệu ứng của mình vào sự phát triển tuyệt vời của các bạn trong thời gian qua.

Lần này tới Việt Nam, tôi có dịp tiếp kiến với Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ giúp mở rộng mối quan hệ hợp tác vốn đang rất tốt đẹp giữa hai bên.

PV: Như ông nói, Việt Nam đang có chính sách và tầm nhìn tốt về đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ. Ông có khuyến cáo gì với Chính phủ Việt Nam để thực hiện tốt hơn?

Ông Francis Gurry: Tôi đến Việt Nam và luôn coi mình như một sinh viên đến học hỏi bí quyết thành công vì các bạn đã làm rất tuyệt vời trong thời gian qua.

Nói về lời khuyên thì tôi rất ngưỡng mộ chính sách, tầm nhìn quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, các quyết tâm, chính sách là điều kiện cần chứ chưa đủ để phát triển được hệ sinh thái bảo hộ sở hữu trí tuệ mà phải cần nhân tố quan trọng là thúc đẩy ý thức của người dân, doanh nghiệp trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.

PV:  Xin cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực