Cần triển khai giải pháp cấp bách giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa

Thứ năm, 24/09/2020 18:53
(ĐCSVN) – Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và phát triển bền vững. Bởi vậy, cần phải có giải pháp cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.

Hội thảo “Quản lý chất thải nhựa trên thế giới và tại Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp”. (Ảnh: Bích Liên). 

Chiều ngày 24/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Quản lý chất thải nhựa trên thế giới và tại Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp”.

Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Chất thải nhựa ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, chất dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng…

Bên cạnh đó, chất thải nhựa đã đổ ra đại dương, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển; ước tính 1,5 triệu động vật biển chết vì ngộ độc chất thải nhựa mỗi năm. Rác thải nhựa đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Những cảnh báo về ô nhiễm rác thải nhựa liên tục được nâng lên mức cao hơn, dù các quốc gia  đã và đang nỗ lực giải quyết  vấn đề rác thải và tái chế.

Việt Nam đang phải đối mặt  với các vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thải ra số lượng rác thải nhựa là 80 tấn/ngày, mỗi gia đình tại các thành phố lớn sử dụng tới 1kg túi nilon/tháng. Cùng với đó, công nghệ xử lý tái chế rác thải tại Việt Nam chưa phát triển. Hiện chúng ta mới chỉ xử lý được 10% lượng rác thải còn lại 90% chưa được xử lý và phải dùng tới giải pháp chôn lấp. Bởi vậy, cần phải có giải pháp cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.

Bàn về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, ông Nguyễn Đình Đáp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay: Tại Việt Nam, phế thải không được phân loại từ đầu nguồn, thường lẫn chất hữu cơ và các tạp chất khác. Cùng với đó, hiện chúng ta chưa có khu công nghiệp chuyên ngành, tình trạng gây ô nhiễm môi trường do hoạt động tái chế ảnh hưởng đến môi trường gây bức xúc dư luận… Doanh nghiệp nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư; chưa đầu tư chi phí môi trường đúng mức, do đó lựa chọn công nghệ thu gom và xử lý nước thải, khí thải chưa triệt để…

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm về rác thải nhựa cần có kế hoạch hành động trọng tâm trong thời gian tới như: Hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật BVMT sửa đổi; phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng cơ chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần…Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ trong việc thu hồi, tái chế chất thải.

Ông Vũ Minh Lý cũng đề xuất cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng tái chế chất thải; xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải. Cùng với đó, nghiên cứu, áp dụng thí điểm và nhân rộng các mô hình hay và hiệu quả về giảm thiểu, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các hoạt động của của cơ quan, đơn vị…

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, để giảm thiểu chất thải nhựa, đặc biệt trong ngành y tế, các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế; từ sinh hoạt thường ngày của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế.

Đồng thời, thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy. Bên cạnh đó, người dân nên thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dụng một lần ngay từ bây giờ…/.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực