Cảnh giác với thông tin mạng xã hội về cách ngăn ngừa và chữa COVID-19

Thứ năm, 09/04/2020 22:02
(ĐCSVN) – Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch, bệnh COVID-19, nhiều người dân đã tự ý tìm cách ngăn ngừa dịch bệnh theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Hiệu quả chưa thấy đâu nhưng sức khỏe của nhiều người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí thất thiệt.

Được ở nhà để tránh lây lan dịch bệnh cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng mạng xã hội của mọi người tăng mạnh. Bên cạnh việc cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân do quá lo lắng đã “cuốn” vào những thông tin như “cách ngăn ngừa virut corona hiệu quả”, “cách tăng sức đề kháng, chống COVID-19”... Nhiều người đã vô tư làm theo những hướng dẫn này mà không biết độ xác thực của thông tin đó đến đâu.

Theo khuyến cáo của Bộ y tế, việc bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng là điều rất cần thiết đối cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng các loại thực phẩm tươi sống, hoa quả sạch, nhiều người đã lựa chọn viên uống C sủi (Vitamin C) cho gia đình để tăng cường sức đề kháng. Thông tin “uống C sủi sẽ làm tăng sức đề kháng cho cơ thể” đang lan truyền trên mạng xã hội, người dân truyền tai nhau tin dùng. Có gia đình tích trữ đến hàng chục lọ C sủi; duy trì pha uống hàng ngày mà bản thân chưa biết rõ công dụng của sản phẩm này thực hư ra sao.

Bà Nguyễn Thị Thủy ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Đã 2 tháng kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, cả gia đình tôi duy trì việc uống C sủi (Vitamin C) mỗi ngày, với mục đích tăng sức đề kháng. Thông tin này tôi cập nhật trên mạng xã hội và bạn bè tôi chỉ cho”. Được biết, viên uống Vitamin C cũng là loại thuốc có số lượng tích trữ nhiều nhất trong gia đình bà. Những viên uống này được bà đặt mua online trên mạng với giá cực rẻ, chỉ 15.000 nghìn đồng/lọ.

Cũng vì tin tưởng sự hướng dẫn trên mạng về biện pháp phòng tránh COVID-19, mới đây một người dân đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Cụ thể, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận một ca cấp cứu do sử dụng thuốc sốt rét để ngăn ngừa virus Corona. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu với những dấu hiệu như tụt huyết áp, nôn... Nghe theo lời “hướng dẫn” lan truyền trên mạng, bệnh nhân này đã uống khoảng 15 viên thuốc sốt rét để “phòng corona" dẫn đến ngộ độc nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Được biết, bệnh nhân cũng đã mua dự trữ ở nhà 100 viên thuốc sốt rét dùng cho cả gia đình với lý do “uống thuốc sốt rét có thể phòng corona”!

Thuốc cloroquin photphat không có tác dụng trong phòng trách dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Hằng Vương 

Theo các chuyên gia y tế, tự ý uống thuốc sốt rét để phòng COVID-19 sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Thực chất, thuốc sốt rét có tên khoa học là CLOROQUIN PHOTPHAT - là loại thuốc đặc trị chuyên dùng cho bệnh nhân đã dương tính với virus corona. Các chuyên gia khuyến cáo, loại thuốc này không có tác dụng trong ngăn ngừa, phòng tránh lây nhiễm COVID-19 như thông tin trên mạng lan truyền.

Câu hỏi đặt ra đó là, nguyên nhân của những sự việc đáng tiếc xảy ra như trên là do đâu? Phải chăng, đó xuất phát từ chính bản thân mỗi người khi tiếp cận với nguồn tin trên mạng xã hội, facebook, zalo... Đó là sự thiếu hiểu biết, “nhẹ dạ cả tin” của một bộ phận người dân trong việc chọn lọc, kiểm chứng thông tin trên các trang mạng xã hội. Chính việc tin và là theo các thông tin thiếu cơ sở khoa học đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gây nguy hiểm cho tính mạng của những cá nhân này.

Người dân nên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được giới chuyên gia kiểm chứng. Ảnh minh họa: KT

Thực tế cho thấy, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội như một “công cụ” hữu ích để truyền tải những thông tin sai lệch. Bằng những chiêu trò mánh khóe, đánh vào tâm lý lo lắng của nhiều người, các đối tượng này đã tạo nên không ít thông tin sai lệch, phản khoa học về biện pháp phòng chống COVID-19, khiến cho những ai thiếu hiểu biết sẽ dễ dàng “sập bẫy”. Gần đây nhất là những tin đồn thất thiệt về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã gián tiếp trở thành tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Các thông tin chưa được kiếm chứng như: “uống C sủi (Vitamin C) sẽ làm tăng sức đề kháng cho cơ thể” chống lại dịch bệnh; “uống thuốc sốt rét có thể phòng corona”; “ăn tỏi chống COVID-19”... Các thông tin sai lệch này đã gây nhiều hoang mang trong dư luận xã hội, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của các đại phương.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch, bệnh COVID-19, việc người dân lo lắng là phản ứng tâm lý hết sức bình thường. Tuy vậy, mọi người cần tránh tâm lý hoang mang, lo lắng thái quá. Trước những thông tin liên quan đến dịch bệnh, nhất là thông tin về các biện pháp phòng ngừa, điều trị bệnh COVID-19, mỗi người cần có sự chọn lọc, đánh giá để từ đó tiếp nhận những thông tin chính xác, khoa học. Đồng thời, chỉ nên chia sẻ những thông điệp về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được giới chuyên gia kiểm chứng để bảo vệ sức bản thân nình, gia đình cũng như cộng đồng./.

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực