Chi phí điều trị bệnh viêm gan C còn cao so với khả năng chi trả của người bệnh

Thứ hai, 29/08/2016 15:22
(ĐCSVN) - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo báo chí Phòng chống bệnh viêm gan vi rút.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền tương tự như vi rút HIV bao gồm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống bị nhiễm nguồn bệnh và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Hội thảo báo chí Phòng chống bệnh viêm gan vi rút. (Ảnh: ĐT)

Trong 5 loại vi rút viêm gan nói trên thì vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất và là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C cao trong khu vực và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm vi rút viêm gan gây nên.

Theo các kết quả nghiên cứu tại Việt Nam ở một số nhóm quần thể, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là khoảng 6-20% và tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C khoảng 0,2-4%. Tại Việt Nam, vi rút viêm gan B lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con và vi rút viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu. Ứớc tính hiện nay có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do vi rút viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do vi rút viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.

Hiện nay, bệnh viêm gan vi rút B và C có thể dự phòng và điều trị được. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan vi rút B và C như là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ trong đó có liều trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế, và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.

Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.

Theo WHO, năm 2016, tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu đạt 83%, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới chỉ đạt 39%. Tại Việt Nam, năm 2015, độ bao phủ vắc xin viêm gan B đạt tới trên 95% và tỷ lệ tiêm mũi sau sinh đạt 65%.

Theo ông Đặng Quang Tấn, hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C, tuy nhiên viêm gan C có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút viêm gan C. Tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên tới trên 90%. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh.

Các thuốc điều trị viêm gan C hiện nay như Peg-interferon đã được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả một phần (khoảng 30%) nhưng giá thành còn rất cao, khiến cho nhiều người nhiễm viêm gan C chưa được tiếp cận với điều trị. Mặt khác, các thuốc này có hiệu quả điều trị thấp, phụ thuộc vào các kiểu gien khác nhau, thời gian điều trị kéo dài và có nhiều độc tính. Từ năm 2013 đến nay, trên thế giới đã có nhiều loại thuốc kháng vi rút trực tiếp (Direct Acting Antivirals - viết tắt là DAA) thế hệ mới được sản xuất. Các thuốc DAA này có tỷ lệ điều trị khỏi trên 90%, ít độc tính và thời gian điều trị ngắn hơn nhiều so với các thuốc thế hệ trước đây. Hầu hết các thuốc DAA đã được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu và hướng dẫn điều trị mới nhất của WHO. Một số thuốc đã được sản xuất dưới dạng thuốc generics với giá thành rẻ hơn để giúp bệnh nhân ở các nước nghèo nguồn lực có thể tiếp cận điều trị dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ: Trong bối cảnh gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan ngày càng trở nên nặng nề, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia và các đối tác phát triển xây dựng các chiến lược hiệu quả với mục tiêu đối phó với các thách thức của bệnh viêm gan và nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Tháng 6/2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành Chiến lược Y tế Toàn cầu về Viêm gan vi rút giai đoạn 2016-2021 với tầm nhìn một thế giới không còn lây truyền vi rút viêm gan, tất cả bệnh nhân đều được tiếp cận với chăm sóc điều trị an toàn, hiệu quả và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh viêm gan vi rút như là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Trước đó, 10/2015, Kế hoạch Hành động Khu vực Tây Thái Bình Dương về viêm gan vi rút cũng đã được ủng hộ bởi các quốc gia thành viên và đưa ra các giải pháp nhằm giảm gánh nặng do viêm gan vi rút gây ra, trong đó tập trung vào viêm gan vi rút B và C.

Tại Việt Nam, tháng 3/2015, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019 (Quyết định số 739/QĐ-BYT) với mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút. Việt Nam là một trong 36 quốc gia trên thế giới đã ban hành kế hoạch phòng chống viêm gan vi rút.

Với các động lực mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như khu vực nhằm giảm nhiễm mới và giảm tử vong do vi rút viêm gan, Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng, các tổ chức, ban ngành đoàn thể nâng cao nhận thức về viêm gan, đóng góp các nguồn lực và phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động Phòng chống viêm gan của quốc gia góp phần giảm nhiễm mới và tử vong do viêm gan vi rút, hướng tới mục tiêu một thế giới không còn lây nhiễm vi rút viêm gan và tất cả mọi người bị viêm gan đều được tiếp cận với chăm sóc và điều trị an toàn, hiệu quả./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực