Chi phí tiền ngày giường bệnh trong quý I/2018 vẫn tiếp tục đà tăng

Thứ sáu, 27/04/2018 20:05
(ĐCSVN) - Việc gia tăng tỉ lệ bệnh nhân vào nội trú có thể coi là một trong những nguyên nhân đẩy tổng chi phí khám, chữa bệnh lên cao. Đặc biệt, chi phí tiền ngày giường bệnh trong quý I/2018 vẫn tiếp tục đà tăng lên, chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng chi phí, với số tiền 3.711 tỉ đồng.

Giá dịch vụ y tế: Cần hài hòa các yếu tố chi phí

Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 4/2018 do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 27/4, trao đổi với báo chí về tình hình chi phí khám, chữa bệnh BHYT 4 tháng đầu năm, ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, tính đến 24/4/2018, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt khám, chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán lên tới 26.120 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2017 số lượt khám, chữa bệnh tăng 12,08%; chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng 19,21%, bằng 28,93% dự toán được giao.

BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 4/2018, ngày 27/4.
Ảnh: ĐT.

Số lượt khám, chữa bệnh gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 2,7 triệu lượt, tăng 14,95%, tuyến tỉnh: 14,03%, tuyến Trung ương: 17,11%. Chi phí khám, chữa bệnh gia tăng cao nhất tại tuyến tỉnh với 1.999 tỷ đồng, tăng 19,74%; tại tuyến huyện là 18,92%; tuyến Trung ương là 17,18% và tuyến xã là 14,4%.

Đáng chú ý, tỉ lệ vào điều trị nội trú chung toàn quốc đã tăng lên 8,6%. Điển hình một số tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú cao hơn tỷ lệ chung, như: Phú Thọ (17,72 %); Hà Giang (17,46%); Thanh Hóa (16,5%); Sơn La (16,46%), Vĩnh Phúc (16.19%).

Về tình hình sử dụng dịch vụ kỹ thuật trong Quý I/2018, ông Đàm Hiếu Trung cho biết, chi phí tiền ngày giường điều trị cao nhất trong quí I/2018 là 3.711 tỷ đồng (quí I/2017 là 2.783 tỷ đồng), chi phí gia tăng 928 tỷ đồng; các tỉnh có gia tăng chi tiền giường cao là: Thừa Thiên Huế 90,6 tỷ đồng (tăng 46,32%), Quảng Bình 41,8 tỷ đồng (tăng 24,35%), Sơn La 45 tỷ đồng (tăng 16,52%)…

Trong 3 tháng đầu năm, quỹ BHYT đã chi trả cho 359 bệnh nhân có chi phí trên 300 triệu đồng; 1.121 bệnh nhân có chi phí từ 200-300 triệu đồng. Bệnh nhân có chi phí cao nhất là N.M.H (tại xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh), điều trị viêm gan tại Bệnh viện Bạch Mai được Quỹ BHYT thanh toán với số tiền là hơn 1,3 tỉ đồng.

Phân tích rõ hơn về số liệu thống kê, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhận xét: Việc gia tăng tỉ lệ bệnh nhân vào nội trú (bình quân các năm trước là 5%-7%) có thể coi là một trong những nguyên nhân đẩy tổng chi phí khám, chữa bệnh lên cao. Đặc biệt, chi phí tiền ngày giường bệnh trong quý I/2018 vẫn tiếp tục đà tăng lên, chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng chi phí, với số tiền 3.711 tỉ đồng (tăng 928 tỉ đồng so với quý I/2017).

Theo thống kê, bình quân ngày điều trị chung toàn quốc trong quý I/2018 cũng có thay đổi giảm từ 7,12 ngày/đợt điều trị xuống còn 6,87 ngày. Tuy nhiên, theo ông Bằng, đây cũng là hệ quả từ số lượt bệnh nhân được đưa vào điều trị nội trú tăng lên, trong đó có nhiều bệnh nhân bệnh nhẹ, thời gian điều trị ngắn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất của BHXH Việt Nam và quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, ông Bằng cho biết: Một trong những nguyên nhân đề xuất sửa đổi Thông tư là giá ngày giường bệnh đang thanh toán ở mức cao, không phù hợp với thực tế. Tại nhiều cơ sở y tế, chi phí giường bệnh chiếm tới 60% trong cơ cấu tổng chi phí điều trị. Bên cạnh đó, chi phí vật tư y tế (VTYT) so với tổng chi phí dịch vụ y tế (DVYT) cũng cho thấy nhiều điểm bất hợp lý...

"Với góc độ quyền lợi của người bệnh, việc sửa đổi Thông tư là cần thiết"- ông Bằng khẳng định; đồng thời nhấn mạnh, quan điểm của BHXH Việt Nam trong quá trình sửa đổi Thông tư 37 là phải đưa giá các DVYT về mức hợp lý. Đó là cần phải có tiêu chí, chuẩn mực về cơ cấu các yếu tố chi phí trong giá dịch vụ, phù hợp với thực tế và quyền lợi của người bệnh. Từ đó, điều chỉnh giá DVYT đang thấp so với thực tiễn lên cao hơn, cái nào cao thì điều chỉnh giảm cho phù hợp...

Nợ BHXH, BHYT đã lên trên 10.000 tỉ đồng

Tại Hội nghị, thông tin thêm về việc đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ) tham gia BHXH, ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện nay, cơ quan BHXH vẫn đang thực hiện quy định thông báo nợ 6 tháng một lần đến doanh nghiệp (DN), yêu cầu công khai cho NLĐ về tình hình đóng BHXH, BHYT. Hằng năm, in tờ rời về quá trình tham gia BHXH của từng NLĐ, chuyển qua cơ quan Bưu điện đến tận tay NLĐ, để họ có thể kiểm soát được quá trình tham gia BHXH của mình.

Tuy nhiên, hiện nay, số nợ BHXH vẫn đang có xu hướng tăng, gây khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Tính đến hết tháng 4/2018, số nợ BHXH, BHYT đã lên tới trên 10.000 tỉ đồng (chiếm 4,8% so với kế hoạch thu, tăng 0,6% so với tháng trước), đặc biệt là tăng số nợ tại khối DN ngoài quốc doanh.

Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân khiến số nợ tăng, là do nhiều DN vẫn đang tồn tại những khoản nợ kéo dài nhiều năm, khó thu hồi. Những tháng đầu năm 2018, một số DN kinh doanh sản xuất khó khăn, đặc biệt là chuyển hợp đồng lao động sang hình thức khoán cũng khiến thu giảm, nợ tăng lên.

Từ 1/1/2018, những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực BHXH, BHYT có thể bị khởi tố theo Bộ luật Hình sự; tuy nhiên, hoạt động này cần phải triển khai theo lộ trình; giai đoạn đầu cơ quan BHXH đang đẩy mạnh thanh tra, xử phạt, sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý tội hình sự đối với những DN chây ỳ. Hiện nay, mới có TP. Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ một DN nợ đọng BHXH sang cơ quan điều tra...

Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, công tác khởi kiện các DN nợ đọng BHXH, BHYT mà cơ quan này được giao thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, do các quy định về pháp luật chưa đồng bộ. Đến nay, tòa án hầu như chưa thụ lý vụ án nào do tổ chức Công đoàn đứng ra khởi kiện.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực