Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ

Thứ năm, 06/12/2018 18:43
(ĐCSVN) - Cần thành lập các nhóm, câu lạc bộ tại các địa phương để cung cấp các kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ tốt nhất.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm mô hình giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 6/12, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Kim Hằng, đại diện tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm (Plan) Việt Nam thông tin, qua nghiên cứu, đối với cha mẹ ở vùng sâu, vùng xa thường không có kỹ năng kiến thức về dinh dưỡng và chăm sóc bảo vệ an toàn cho trẻ, đối với các cha mẹ ở thành thị thì lại cần các kỹ năng để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là chống xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, hay kỹ năng dạy dỗ con theo hướng tích cực.

Bà Lê Kim Hằng cho rằng, cha mẹ cần biết được những mốc phát triển, những hành vi để giúp trẻ đạt được những mốc đó. Bà Hằng lấy ví dụ, cha mẹ phải biết nếu 3 tháng tuổi con chưa biết lẫy thì cha mẹ phải có hành động giúp con. Hay cha mẹ phải biết cách nấu bữa ăn dinh dưỡng cho con hoặc kỷ luật tích cực họ phải biết cách lắng nghe con, biết cách làm bạn với con.

Đại biểu nêu ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: Cẩm Linh

"Hiện nay, chúng tôi hướng dẫn các nhóm khai thác sự chia sẻ của cha mẹ, đặc biệt học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời chúng tôi cũng đưa ra những mốc phát triển để tình nguyện viên có thể căn cứ vào đó hướng dẫn cha mẹ các kiến thức chuẩn và cơ bản nhất", bà Lê Kim Hằng cho biết.

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thời gian qua, Hội đã phối hợp với 9 tỉnh Hội triển khai thí điểm 250 nhóm cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ từ 0-8 với gần 1 nghìn bố mẹ tham gia.

Bà Lưu Thị Thơn (Hội Phụ nữ xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho hay, xã đã triển khai khai mô hình cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ từ 0-8 tuổi thu hút nhiều cha mẹ tham gia mỗi tháng một buổi. Tuy nhiên, một trong những khó khăn khi triển khai là do các cha mẹ chủ yếu làm nghề nông, thời gian dành cho sinh hoạt nhóm chủ yếu vào buổi tối nên khó khăn cho việc huy động tham gia đầy đủ.

Bà Lưu Thị Thơn nêu thực tế, việc tập huấn cho ban chủ nhiệm câu lạc bộ cũng như các thành viên cha mẹ của nhóm chưa được thường xuyên, một số cha mẹ nhận thức chưa đầy đủ về kiến thức cũng như kỹ năng chăm sóc trẻ nên việc tham gia sinh hoạt của các cha mẹ chưa đầy đủ. “Chúng tôi mong muốn Trung ương Hội hỗ trợ thường xuyên hơn tập huấn cho nhóm, cho cha mẹ để họ có thể  giáo dục trẻ theo từng cấp độ”, bà Thơn kiến nghị.

Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu cho rằng, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ thơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải cha mẹ nào cũng có đủ kiến thức, kỹ năng để chăm sóc trẻ. Vì vậy, cần thiết thành lập các nhóm, câu lạc bộ tại các địa phương để cung cấp các kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ tốt nhất, các cha mẹ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhằm lan tỏa các kiến thức, kỹ năng trong cộng đồng.../.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực