Con trẻ trước khi vào lớp 1 cần học những gì?

Thứ năm, 03/08/2017 17:41
(ĐCSVN) - Trong những năm gần đây, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 1 có tâm lý lo lắng và xin cho con em mình học chữ trước tại các trung tâm luyện chữ để mong con mình biết viết, biết đọc chữ trước khi vào học lớp 1.

Theo nhiều phụ huynh, như thế, khi con vào học sẽ không vất vả, không bỡ ngỡ và việc tiếp cận chương trình học sẽ dễ dàng hơn. Vậy, đây có phải là giải pháp hiệu quả đối với con trẻ khi mới hoàn thành chương trình mầm non?

Cần tạo cho trẻ một sân chơi bổ ích để phát triển toàn diện cả kỹ năng, ngôn ngữ và tư duy.
(Ảnh: Thế Lượng).

 Việc đưa con em đến các trung tâm để học chữ trước xuất phát từ tâm lý chung của phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng rằng, học hết bậc mầm non, con em mình vẫn chưa biết đọc, biết viết, chưa biết ghép vần. Như thế, khi vào lớp 1, phụ huynh sợ rằng, với một lớp học có sĩ số từ 30 - 35 học sinh như thế, một mình cô giáo, thầy giáo không thể đủ sức để chăm chút, uốn nắn con chữ cho từng cháu. Hơn nữa, nhiều phụ huynh cho rằng, nếu chưa biết đọc, biết viết thì khi bước vào lớp 1, con em họ khó lòng có thể tiếp thu kiến thức trong chương trình một cách nhanh nhất.

Có một thực tế diễn ra hiện nay là trong một lớp học, có học sinh sẽ được phụ huynh đưa đi học trước lớp 1, biết đọc, biết viết, nhưng cũng có những học sinh không có điều kiện để học trước. Vì thế, mặt bằng chung trong một lớp về trình độ, sự nhận thức giữa các học sinh sẽ không đồng đều. Phụ huynh học sinh sẽ lo rằng em nào đã biết đọc, biết viết trước thì học sẽ nhanh hơn, còn em nào chưa biết sẽ phải học từ đầu, sẽ tiếp thu chậm và lo không theo kịp các bạn khác. Hơn nữa, trên lớp, cô giáo sẽ dạy rất nhanh vì đa số học sinh đã biết chữ trước rồi, thời gian để rèn chữ cho từng học sinh sẽ rất ít bởi thời lượng tiết học dành cho việc làm này trên lớp không nhiều. Nhiều phụ huynh sẽ đặt ra vấn đề đáng quan tâm rằng, nếu không biết trước, sợ con mình sẽ kém hẳn so với mặt bằng chung của lớp học. 

Đặc biệt, phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con mình học chương trình VNEN, nếu không biết đọc, biết viết trước thì sẽ khó theo kịp và kết quả học tập sẽ không tốt. Chính vì thế, vào thời gian cuối tháng 7, đầu tháng 8 hằng năm, ở các địa phương, tình trạng phụ huynh đưa con em mình đến các địa điểm dạy chữ thuê diễn ra khá phổ biến. Mặc dù tiết trời mùa hè nóng bức nhưng họ gác lại mọi thú vui chơi của con em mình trong hè để quyết tâm cho con học bằng được chữ thì yên mới tâm để con bước chân vào cổng trường Tiểu học.

Trước tâm lý của đông đảo phụ huynh và tình trạng diễn ra phổ biến hiện nay là việc đưa con em đi học chữ trước khi vào lớp 1 ở các địa phương, vấn đề đặt ra ở đây là việc dạy chữ cho học sinh 5 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 1 bậc Tiểu học là trách nhiệm của bậc Mầm non hay Tiểu học? Việc đưa con em đi luyện chữ trước có tạo ra hiệu quả tốt đối với học sinh đầu cấp Tiểu học?

Xin trích dẫn một số quy định trong Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 7  năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) về một số nội dung chuẩn trong trình độ đọc và viết của trẻ 5 tuổi. Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực, 28 chuẩn, 120 chỉ số. Bộ chuẩn này được áp dụng đối với các trường mầm non, trường mẫu giáo và lớp mẫu giáo độc lập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, tại Điều 7, điểm 6, chuẩn 19 quy định: 

6. Chuẩn 19. Trẻ thể hiện một số hiểu biết ban đầu về việc viết

a) Chỉ số 86. Biết chữ viết có thể đọc và thay cho lời nói;

b) Chỉ số 87. Biết dùng các ký hiệu hoặc hình vẽ để thể hiện cảm xúc, nhu cầu, ý nghĩ và kinh nghiệm của bản thân;

c) Chỉ số 88. Bắt chước hành vi viết và sao chép từ, chữ cái;

d) Chỉ số 89. Biết “viết” tên của bản thân theo cách của mình;

đ) Chỉ số 90. Biết “viết” chữ theo thứ tự từ trái qua phải, từ trên xuống dưới;

e) Chỉ số 91. Nhận dạng được chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt”. 

Như vậy, theo "Điều 7, điểm 6, chuẩn 19"  thì trẻ mầm non 5 tuổi chưa yêu cầu phải biết đọc, biết viết mà chỉ yêu cầu các con nhận dạng được bảng 29 chữ cái tiếng Việt, biết viết tên mình, biết đọc 10 chữ số từ 1-10. Ngoài ra, điều quan trọng của bậc Mầm non là phát huy được tính tích cực của trẻ với việc hình thành cho trẻ nhiều kỹ năng như kể chuyện, kể truyện theo tranh, có hứng thú đọc sách, biết lễ phép, chào hỏi, thân thiện với môi trường… Ngoài ra, trẻ 5 tuổi còn được dạy và phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuộc lòng và đọc thơ diễn cảm chưa qua mặt chữ.

Khi trẻ vào lớp 1, đây sẽ là giai đoạn đầu tiên các con được “khai sáng” về chữ viết. Xưa kia, chúng ta vẫn thường gọi đây là lớp “vỡ lòng”. Nghĩa là học sinh sẽ bắt đầu được dạy viết chữ, đọc chữ. Đây mặc dù là giai đoạn rất khó khăn và vất vả đối với cả cô và trò, nhưng nó sẽ phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ. Nếu đưa trẻ đi học chữ trước, chắc chắn các vị phụ huynh sẽ vô tình tạo cho con em mình một áp lực lớn, khiến cho việc chuẩn bị tâm lý của trẻ vào bậc học mới sẽ trở nên nặng nề và mất đi sự hứng thú. Chúng ta không nên phó mặc hay đổ lỗi cho bậc mầm non bởi lẽ, bậc học này đã làm hết trách nhiệm theo qui chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã giúp trẻ làm quen với bảng, phấn và mặt chữ, còn việc ghép vần, phát âm và đọc sẽ là trách nhiệm của bậc Tiểu học.

Cô giáo Lê Thị Bích Hạnh (Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: “Nếu phụ huynh cứ lo lắng và đưa con đi học chữ trước thì đó lại tạo ra sự khó khăn cho cả cô và trò khi vào học lớp 1. Lúc đó, trẻ sẽ tỏ ra thờ ơ vì một số chữ đã được học, thiếu sáng tạo, nhàm chán và không hứng thú trong giờ học”. Cô Hạnh cũng khuyên các bậc phụ huynh, hãy để cho trẻ phát triển tự nhiên theo đúng tâm lý lứa tuổi. Như thế, việc học tập sẽ trở nên hứng thú và hiệu quả hơn.

Như vậy, việc cho con em học chữ trước khi vào học lớp 1 có thể giải quyết về mặt tâm lý cho một số phụ huynh học sinh nhưng trên thực tế lại không tạo nên một hiệu quả tốt đối với học sinh đầu cấp Tiểu học. Nó sẽ dẫn đến nhiều biểu hiện xấu ở trẻ trong quá trình học như: Thờ ơ, nhàm chán với việc học lại, thiếu hứng thú, không cố gắng, thiếu sáng tạo. Trước khi con em mình bước vào lớp 1, phụ huynh hãy tạo cho các con một tâm lý, một tâm thế thật tốt. Hãy để con có hứng thú, náo nức trước khi bước vào ngôi trường đầu đời. Để trẻ không quên mặt chữ, phụ huynh nên kết hợp tổ chức cho trẻ đọc bảng 29 chữ cái tiếng Việt và 10 chữ số với các trò chơi rèn luyện ngôn ngữ, tư duy và kỹ năng giao tiếp, có như vậy trẻ mới phát triển tự nhiên và toàn diện./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực