Còn ý kiến khác nhau về nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non

Thứ năm, 08/11/2018 21:04
(ĐCSVN) - Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện cấu trúc, bố cục dự thảo Luật theo hướng súc tích, mạch lạc, rõ ràng hơn; đồng thời, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng như: miễn giảm học phí cho một số đối tượng; chính sách lương giáo viên; nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non; lựa chọn bộ SGK phổ thông.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu tại buổi họp tổ chiều 8/11. (Ảnh: VA)

Cần quy định cụ thể ai được phê chuẩn lựa chọn sách giáo khoa trong luật

Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng cần cân nhắc chính sách quy định nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, vì thực tế, không có cơ sở giáo dục nào nhận trẻ từ 3 tháng tuổi cả. Do đó, đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Về vấn đề nhiều bộ sách giáo khoa ở phổ thông, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho hay, dự thảo Luật chưa quy định rõ ràng. Quy trình lựa chọn bộ sách giáo khoa cần được quy định rõ trong luật, không thể giao toàn quyền cho Sở GD&ĐT hay hiệu trưởng trường. Việc giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở đào tạo sẽ tạo ra sự không ổn định, thống nhất trong giáo dục.

“Cần phải xây dựng quy chuẩn chung, quy định cụ thể ai là người phê chuẩn, lựa chọn sách giáo khoa. Đồng thời nâng cao vai trò lựa chọn sách giáo khoa của phụ huynh, học sinh” - đại biểu Nguyễn Tiến Sinh kiến nghị.

Một vấn đề nữa đại biểu Nguyễn Tiến Sinh quan tâm, đó là không cần thiết thành lập Hội đồng trường ở các trường phổ thông, mầm non. Vì đại diện chủ sở hữu của các trường phổ thông, mầm non là chính quyền. Vấn đề thu, chi; cấp ngân sách nhà nước cũng là do chính quyền; đồng thời chi phối nhiều hoạt động của trường phổ thông và mầm non. Không giống như hoạt động của các trường đại học thì mới cần thiết phải thành lập Hội đồng trường.

Cân nhắc hỗ trợ học phí cho học sinh các trường dân lập, tư thục

Bàn về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, nhiều đại biểu tán thành với việc bổ sung chính sách không thu học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong dự thảo Luật và ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục; trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu Y Tru Alio (Đắk Lắk) cho rằng, cần quy định trong dự thảo Luật điều khoản chuyển tiếp về thời điểm thực hiện, cũng như các chính sách phát triển xã hội hóa tương ứng. Còn đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thì đề nghị quy định cụ thể hơn chính sách hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục vì có thể gây lãng phí ngân sách nhà nước, phần nhiều đối tượng người học đều là những gia đình khá giả; và đặc biệt không nên hỗ trợ đối với các trường chất lượng cao.

Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định Chính phủ có lộ trình mở rộng đối tượng, không thu học phí đối với trẻ em dưới 5 tuổi khi cân đối được nguồn lực.

Đồng tình thu hẹp đối tượng cử tuyển

Đại biểu Võ Thường Tín (Đắk Nông) cơ bản đồng ý sửa đổi chính sách cử tuyển theo diện thu hẹp đối tượng thụ hưởng, phù hợp với yêu cầu địa phương, chất lượng học tập. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về chất lượng đào tạo đối với học sinh diện cử tuyển vì trên thực tế những năm trước đây và hiện nay, nhiều địa phương các cháu cử tuyển tốt nghiệp ra trường không bố trí được việc làm, mà nguyên nhân cơ bản là chất lượng đầu ra thấp, đặc biệt là lớp sư phạm hoặc y tế. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cụ thể hơn, đặc biệt nghiên cứu bổ sung, xây dựng các tiêu chí về cử tuyển, xây dựng tiêu chí về đánh giá chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo thông qua cử tuyển, gắn với công tác, nhu cầu sử dụng ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề cập tính khả thi về chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Đại biểu cho rằng, mặc dù Ban soạn thảo đã có Báo cáo đánh giá tác động chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, trong đó đã phân tích phương thức đào tạo nâng chuẩn và nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo tính khả thi… thế nhưng chưa đầy đủ. Chưa có đánh giá tác động tình hình trượt giá khi bố trí lương cho giáo viên mầm non khi được nâng chuẩn; chưa có ý kiến tác động ngân sách nhà nước từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư…

Về chính sách tín dụng sư phạm, nhiều đại biểu cơ bản tán thành với dự thảo Luật về chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên sư phạm và bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng; dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.

Có ý kiến đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm và chế độ phân công công tác theo kết quả đầu ra để thể hiện chính sách ưu tiên, quy hoạch của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực