Công trình đặc biệt xuất sắc, mang lại đột phá về công nghệ dầu khí của Việt Nam

Thứ tư, 18/01/2017 17:40

TS Từ Thành Nghĩa nhận Bằng khen từ Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại lễ trao giải Hồ Chí Minh,
Giải thưởng Nhà nước về KH&CN tối 15/1. (Ảnh: BL)

(ĐCSVN) – Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt 5 do Bộ KH&CN tổ chức đã diễn ra tối 15/1. Trong tổng số 16 công trình đạt giải, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vinh dự có 3 công trình, cụm công trình tiêu biểu. Trong đó phải kể đến cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” của TS Từ Thành Nghĩa và cộng sự.

Với nỗ lực vượt bậc, TS. Từ Thành Nghĩa và 29 cộng sự đã đưa công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” làm thay đổi hoàn toàn quan điểm thiết kế hệ thống công nghệ do Liên Xô xây dựng ban đầu theo mô hình mỏ ở biển Caspi, nước Cộng hòa Azerbaijian (Đề án 16716 của Liên Xô cũ).

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong suốt 30 năm, các tác giả công trình đã nghiên cứu toàn diện và sâu sắc, xây dựng và áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam Việt Nam với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới. Công trình đã đặt cơ sở vận hành an toàn các mỏ Bạch Hổ, Rồng sau khi phương án vận chuyển dầu về Thành Tuy Hạ không khả thi và đường ống vận chuyển dầu trong nội mỏ tắc nghẽn do lắng đọng parafin nghiêm trọng. Công trình còn là tiền đề để đưa nhiều mỏ khác ở bể Cửu Long vào khai thác dựa trên nền tảng mô hình kết nối các mỏ nhỏ, mỏ cận biên. Tính đến hết năm 2014, hiệu quả kinh tế trực tiếp của cụm công trình lên đến 779,7 triệu USD, con số này tiếp tục tăng theo các năm. Công nghệ này góp phần làm phong phú thêm công nghệ vận chuyển dầu trên thế giới. Đó là vận chuyển hỗn hợp dầu khí ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ đông đặc, vận chuyển dầu bão hòa khí, vận chuyển dầu pha loãng condensate, sử dụng địa nhiệt, bơm nước bổ sung tẩy rửa lớp lắng đọng paraffin.

Liên quan đến nội dung của Công trình có 02 bằng sáng chế độc quyền đã được cấp, 31 bài báo được in trên các tạp chí trong nước và 32 bài trên các tạp chí quốc tế, 02 cuốn sách khoa học kỹ thuật chuyên khảo được xuất bản, 04 luận án tiến sỹ và tiến sỹ khoa học đã được bảo vệ.

Theo TS Từ Thành Nghĩa, trong điều kiện đất nước bị cấm vận, công trình đã góp phần phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí ở Việt Nam với việc đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác năm 1986, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, tạo ra sản phẩm mới cho đất nước, đưa Việt Nam trỏ thành nước xuất khẩu dầu. Nguồn thu ngoại tệ kịp thời của Vietsovpetro đã giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Nếu không áp dụng tổ hợp công nghệ này thì khó có thể đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác nhanh chóng vào năm 1986 như đã thực hiện. Công trình sẽ được tiếp tục áp dụng trong tương lai, tạo cơ hội cho đầu tư, phát triển ngành dầu khí, đặc biệt cho phát triển các mỏ liên kết, mỏ cận biên và mỏ nhỏ. Công trình cũng giúp đào tạo nên đội ngũ các chuyên gia kỹ thuật về khai thác dầu khí và các nhà quản lý cho ngành dầu khí Việt Nam, góp phần tăng cường tình hữu nghị  Việt - Xô và bảo vệ an ninh chủ quyền Quốc gia.

Đáng nói là kết quả nghiên cứu của công trình sẽ tiếp tục được lan tỏa và áp dụng trong tương lai, đặc biệt là phương án kết nối cơ sở hạ tầng khai thác hiện có với các mỏ nhỏ và mỏ cận biên, mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, góp phần tăng lợi nhuận và tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Theo đánh giá của Hội đồng chuyên ngành Dầu khí, công trình có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước góp phần quan trọng tạo ra sản phẩm mới của đất nước, Việt Nam có dầu thô để xuất khẩu và phục vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất, phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Công trình nghiên cứu của Vietsovpetro đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cho ngành Dầu khí Việt Nam, cho khoa học - công nghệ dầu khí thế giới, được Nhà nước, các tổ chức khoa học - công nghệ quốc gia và quốc tế đánh giá cao và trao những phần thưởng xứng đáng. Với những kết quả đạt được, công trình đã được cấp Bằng tác giả sáng chế cho công trình “Phương pháp giảm độ nhớt và nhiệt độ đông đặc của dầu thô có hàm lượng parafin cao trên các giàn khoan biển cố định”; Bằng độc quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cho công trình “Phương pháp và thiết bị để xác định vị trí rò rỉ của các ống dẫn ngầm dưới biển hoặc dưới nước”.

Từ thực tiễn thành công ở Vietsovpetro đã chứng minh một thực tế nghiên cứu KH&CN muốn có hiệu quả cao thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học. Đây cũng là hướng đi quan trọng của công tác phát triển KH&CN tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Các giải thưởng cao quý trên cũng cho thấy trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần của người lao động ngành Dầu khí Việt Nam./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực