Đại học Cần Thơ được trao giải thưởng danh dự Chủ tịch JICA lần thứ 15

Thứ ba, 10/12/2019 21:05
(ĐCSVN) - Ngày 10/12, tại thành phố Cần Thơ, Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Danh dự của Chủ tịch JICA lần thứ 15 cho Đại học Cần Thơ.
leftcenterrightdel
 Đại diện JICA và trường Đại học Cần Thơ chụp ảnh kỉ niệm tại Lễ trao Giải thưởng Danh dự Chủ tịch JICA lần thứ 15. (Ảnh: JICA)

Mỗi năm, JICA đều trao Giải thưởng Danh dự của Chủ tịch JICA cho các cá nhân và tập thể nhằm tôn vinh những đóng góp của họ cho sự nghiệp đào tạo nhân lực và phát triển xã hội tại các nước đang phát triển, thông qua các dự án hợp tác quốc tế. Năm 2019, 58 cá nhân và tổ chức trên thế giới đã được trao tặng danh hiệu này. Đại học Cần Thơ là một trong ba tổ chức tại Việt Nam được trao Giải thưởng Danh dự năm nay.

Tại Lễ trao Giải thưởng Danh dự , Trưởng đại diện JICA Việt Nam– ông Konaka Tetsuo phát biểu: “Năm nay, Đại học Cần Thơ và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ hợp tác. Nhân dịp này, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các cá nhân đã tận tâm và tận lực cho các dự án hợp tác với JICA từ trước đến nay.”

Đáp lại, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ – ông Hà Thanh Toàn cũng khẳng định: “Đại học Cần Thơ trong thời gian tới sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực”.

Kể từ khi thành lập năm 1966, Đại học Cần Thơ đã nỗ lực hết mình trong công tác nghiên cứu giáo dục nông nghiệp và đào tạo nhân lực, cống hiến cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là khu vực quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trường đã đào tạo và nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến mực nước biển dâng cao, ngập mặn, các bệnh do côn trùng, năng suất bị giảm, ô nhiễm nguồn nước, môi trường tự nhiên xuống cấp v.v…, gây ra bởi biến đổi khí hậu, đóng góp nhiều cho sự phát triển bền vững sản xuất nông thủy sản của khu vực này và những giải pháp ứng phó đối với vấn đề môi trường.

Từ năm 1969, JICA kết hợp các chương trình viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực cao cấp trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường. Hiện nay, các dự án đang được triển khai có dự án Vốn vay và dự án Hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực cho Đại học Cần Thơ”, nhiều đề tài nghiên cứu chung với các trường đại học Nhật Bản liên kết nhằm ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu và giúp phát triển ngành nông nghiệp thủy sản.

Trong tương lai, trường Đại học Cần Thơ cũng được kỳ vọng giữ vai trò là một đơn vị trung tâm thông tin liên lạc và liên kết công ty, chính phủ, trường học, ứng dụng những thành quả nghiên cứu liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua liên kết với các tỉnh ĐBSCL.

Đại học Cần Thơ cũng đã từng được đề cập đến trong bài luận văn học thuật của Thượng Hoàng Nhật Bản Akihito (lúc đó là Hoàng Thái tử Akihito) về phát hiện các loài cá bống mới được thu thập tại ĐBSCL. Bài luận văn này cũng đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Theo World Bank Disaster Prevention Global Facility, Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Đối với khu vực ĐBSCL – khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam năm 2017 đã ban hành Nghị quyết 120 liên quan đến phát triển bền vững dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, nhằm tăng cường các hỗ trợ cho khu vực./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực